Sáng tác

Công viên Linh Dương. Truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh

Đặng Vương Hạnh
Truyện
19:00 | 02/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi đến thành Aix vào một sáng cuối đông. Thành phố nhỏ như lúm đồng tiền. Những ngôi nhà màu trắng hoặc vàng nhạt loáng thoáng sau những mi mắt xanh rỉ của những khóm thông dày. Và sương, một dòng suối màu trắng đục chảy len lỏi vào các ngọn cây, phủ lên các mái nhà trong thung lũng, khỏa lấp mọi đường nét bằng những ngón tay dài bảng lảng.
aa
Công viên Linh Dương. Truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh
Công viên Linh Dương - truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh

Khi tấm khăn ấy đột ngột vén lên vẻ không thật, sự mơ hồ vụt biến mất đẩy ta đứng ngơ ngác giữa những giờ phút đầu tiên của một buổi sáng thanh tân miền Nam nước Pháp. Kia, là những đồi cây lá kim kiên cường xanh dọc mùa đông, lúc này đây, sau một đêm với những giấc mơ tươi tốt hãy còn rã rượi ướt sũng, chợt tươi tỉnh theo một giọng chim. Những cây tiêu huyền phô tấm thân trắng bóng điểm những nốt ruồi duyên dáng, mảnh dẻ và sung sức. Và hoảng hốt biết bao khi mắt chạm phải một màu đỏ bời bời êm dịu bùng lên từ những rừng cây lá xơ xác rỉ máu vì phải chống chọi với đông giá. Chúng sắp rụng về cội nhưng chẳng lấy làm hối tiếc vì đã trải qua cả một mùa xanh.

Vậy là chị em mình đã xa nhau được vài tháng. Chắc hẳn là em buồn và nhớ nhà lắm. Mà thôi, tại sao chị lại nói với em những chuyện linh tinh vặt vãnh như vậy cơ chứ. Em thừa biết chị Huyên của em là một người như thế nào rồi đấy. Chị không muốn như chị đang là, song chị không thể khác. Trung từng bảo chị: "Tôi yêu em, nhưng là yêu người phụ nữ thông minh, hiền dịu trong em chứ không phải con người với những tính cách phi tự nhiên mà em cố khoác cho mình. Tôi biết em hơn em tưởng và ngày càng cảm nhận rõ chân lí đứng về phía mình. Vì vậy, không phụ thuộc vào ý muốn của em, tôi vẫn đợi cho đến giờ phút em thật sự là em." Cố nhiên chị càng xua đuổi anh ấy quyết liệt để tin rằng mình đúng như đã từng làm với không ít người. Nhưng khác họ, Trung chỉ cười, không giận. Chưa bao giờ chị thấy hoang mang đến thế. Có đúng chị của em là một người như vậy không. Tất cả chỉ tại ông ta. Ông ấy là kẻ phải chịu trách nhiệm về tất cả nỗi bất hạnh của gia đình mình. Chị căm thù ông ấy. Trung hiền, đứng đắn và chị khó mà nghi ngờ được sự thành thật của anh ấy. Nhưng những lời của mẹ cứ đeo bám chị. Chị phải làm sao đây? Em biết không, chị sợ nhất cái cảm giác là một thứ gì đó "của ta" nhưng rồi bỗng nhiên không phải của ta nữa. Hai từ "của ta" có một ý nghĩa khác hẳn và thiêng liêng. Thật khủng khiếp. Cứ thà rằng trước đó không có, đúng hơn là chưa hề có gì lại hơn. Sự nghi ngờ ngăn cản chị buông mình theo một tiếng gọi ngọt ngào mà chị phải thú nhận đã dấy lên từ thẳm sâu cõi lòng những khao khát cuồng liệt và chính đáng. Chị sợ. Ở nơi vời vợi cao thâm kia có một Đấng quyền năng chi phối hết thảy. Người kiểm soát chúng ta bằng lòng khoan hậu, công chính. Đừng quên rằng cặp mắt nghiêm khắc vô hình của người không bao giờ sao nhãng chúng ta. Mỗi kẻ sẽ tự phán xét lấy mình, thông qua những hành động của mình, trước sự chứng giám của Đấng ấy. Ông ta, ông ấy chẳng phải là một bằng chứng hiển nhiên cho lời chị đấy ư? Bây giờ, ông ta cô lẻ và hèn mọn. Thật tội lỗi, tuy nhiên chị không khỏi cảm thấy một nỗi vui sướng ác độc khi ông ta, cỗ xe già nua đang trượt dốc, phía cuối con đường là vực thẳm vô phương cứu chữa. Ông ta đáng được như thế lắm.

*

Mùa xuân tựa một người thân quen rón rén đến sau lưng và bất thần cất tiếng khúc khích hù dọa. Cảnh sắc miền Provence như vừa trải qua một giấc mơ đẹp, sực tỉnh từ mùa đông. Xuân cất mình dậy trong các khu vườn lặng lẽ và những bãi cỏ im ắng hôm trước còn chưa có gì thì hôm sau đã trổ đầy hoa rực rỡ khoe sắc. Hầu như các loài cây ở đây đều cố gắng tìm cách trang điểm để góp thêm chút duyên dáng miền Nam. Sau đó, sau đó là mùa hạ. Hơi thở đượm mùi rượu nho và oải hương Địa Trung Hải của nó đã sực nức khắp công viên Linh Dương. Lũ ve sầu làm tình làm tội mọi người bằng giọng chói chang trong những tán thông nắng hổ phách soi qua lổ đổ. Khi trời còn chưa nắng lắm, những cô gái chân dài, ăn mặc phóng túng, rốn đẹp tựa một ngôi sao, mắt đeo kính râm, làm đau cỏ bằng cách duỗi thoải mái tấm thân mảnh dẻ, hồng hào trên lớp thảm xanh tội nghiệp.

Những khi rảnh rỗi, tôi thường tới công công viên Linh Dương, chọn một ghế đá dưới gốc cây đọc sách và thích thú ngắm những chú sóc lanh lẹn phất đuôi giữa các cành thông. Thoạt đầu tôi không để tâm lắm, nhưng rồi sau tôi cứ chú ý đến một bà già ngồi khâu vá hay đọc sách trên một chiếc ghế cạnh bức tường nhà triết học Descarters bị một đám cây và hoa rậm rạp vây quanh và ông ta như đang cố vươn cao hơn để thoát khỏi thế giới dốt nát u minh bên dưới. Trong công viên có biết bao nhiêu bà già ngồi đọc sách hoặc trò chuyện với nhau trong cảnh an nhàn tuổi xế bóng, bên cạnh những chú mèo lười nhác béo núc ních. Tại sao tôi lại chỉ để tâm đến bà? Bà trạc ngoại ngũ tuần, người dong dỏng, dáng vẻ thung dung thư thái, đầu đội một chiếc mũ vải màu hồng nhạt kéo lệch sang một bên trùm cả tai, phía bên kia phơ phất những sợi tóc giờ đây lấp lánh ánh ngân kim chừng như chưa hết nguôi ngoai về một thời vàng óng như bó lúa mì.

Rốt cuộc tôi cũng đã nhớ ra bà. Chiều ấy, tôi ngơ ngác giữa một thành Paris bát ngát và hối hả. Lần đầu tiên đặt chân đến nơi được ca tụng là chốn hoa lệ của thế giới, thay vì chiêm bái, trong lòng kẻ xa lạ như tôi chỉ ngự trị nỗi sốt ruột và lo lắng. Sợ bị lạc, sợ bị lỡ tàu, đủ âu lo của kẻ đến từ một thành phố. Ai cũng vội vã cả. Họ đi đâu?

Tôi bối rối và bồn chồn khổ sở nhìn dòng người ào ạt gõ giầy trên sàn nhà ga mênh mông, rồi biến mất vào một cánh cửa dẫn họ tới nơi con tàu đang đợi mang họ đi tới những nẻo trời khác nhau. Ga Lyon là ga trung tâm, bảng báo giờ tàu điện tử thay đổi nhanh đến rối cả mắt. Đang khi tôi cuống quýt vì không thể xác định được mình phải đi con tàu nào trong khi giờ khởi hành sắp tới gần thì một bàn tay nhẹ nhàng đậu xuống vai tôi. Một bà khoác áo măng tô màu trắng nhạt, tay kéo một chiếc valy nhỏ có bánh xe đang nhìn tôi mỉm cười Cặp mắt bà xanh thẫm mà sau này tôi biết đó là vòm trời xanh nồng nàn vô đáy ở miền Nam nước Pháp. Một màu xanh cho những pho tượng cẩm thạch trắng. Chúng ấm áp và mang lại một sự tin tưởng không cắt nghĩa nổi. Bà khẽ khàng hỏi: "Chàng trai, cháu mới đến đây lần đầu có phải không?" "Vâng, cháu chỉ có một mình..." - Tôi ấp úng. "Đưa vé tàu của cháu cho ta - bà bảo. Bà xem vé rồi nói: "Cháu mang hành lí theo ta." Tôi chỉ còn biết làm theo lời bà. Bà dập vé rồi dẫn tôi qua một cầu thang tự động lên tầng trên và đưa tôi đến tận toa của mình, chỉ nói: "Chúc cháu may mắn." Tôi mừng húm vì vừa vặn giờ tàu rời ga, quên cả cảm ơn người đàn bà tốt bụng nọ, người đã giúp đỡ tôi, còn tôi chẳng được lấy một lời đa tạ.

Giờ thì bà ngồi kia, trước mặt tôi, trên ghế da, chộn rộn cùng lũ chim đã hóa nhờn, nụ cười hiền và duyên dáng như hàng giậu miền Nam. Tôi lại gần và lên tiếng: "Chào bà, bà còn nhớ cháu không?" Bà ngửng lên, chút ngạc nhiên thoáng qua nhanh trong khoảng không gian xanh. Tôi vụt cảm thấy mình ngợp dưới một vầng dương yên bình "A, chàng trai, chuyến tàu đêm Paris..." - Bà khẽ reo lên, "Vâng, chính là cháu đây. Nếu không gặp bà ngày hôm ấy, có lẽ cháu đã nhỡ tàu. Cháu rất cảm ơn bà. " Bà mỉm cười, chìa tay ra: "Ổ cậu bé, không có gì đâu. Rất vui được làm quen với cháu. Hãy gọi ta là bà Aubry."

*

Em không thể hình dung nổi nỗi căm uất của chị khi biết rằng con người xấu xa kia vẫn lén đến thăm mẹ mỗi khi chị đi vắng, còn mẹ thì dung túng và giấu chị việc đó như thế nào đâu. Chị hoàn toàn có cơ sở để tin rằng việc này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài trong sự vô tri của chị. Đôi khi chị ngỡ mình không hiểu mẹ. Ông ta là một kẻ phản bội đáng nguyền rủa. Ông ta đã phó mặc một người phụ nữ yếu bị đau khổ vì bị ruồng bỏ với hai đứa con nhỏ dại để lao vào một cuộc tình có kết cục bi thảm như ngày nay. Không ai khác, chính ông ta đã tự đẩy mình vào nỗi bất hạnh. Chị không bao giờ quên được những đêm mẹ gằm người trên chiếc máy khâu đến tận sáng, cố may xong số hàng phải giao vào sáng hôm sau để có tiền duy trì cái gia đình bé nhỏ. Có hôm mẹ sốt, nằm gục trên bàn máy. Tiếng lạch xạch tảo tần gõ vào giấc ngủ của chị, và có lẽ nó là găm hẳn vào cuộc đời của chị. Những ngày mưa giông, nhà dột nước ũng ĩnh trong nhà, mẹ tất bật che hứng cho giấc ngủ nguyên vẹn của chị em ta. Ngõ nhỏ ngập thủm, mẹ lần lượt cõng hai chị em ra ngoài đường lớn đi học. Mẹ đói để chúng ta no, em còn nhớ không? Những lúc ấy ông ta đang ở đâu? Đã bao giờ ông ta đoái hoài đến tình cảnh gia đình mình? Chị phải cảm ơn con người vô sỉ ấy. Em thấy đấy, quá khứ gian khổ thường cho ra những con người thực sự đáng kể. Và khi ta đạt được một điều gì nhờ chính nội lực có được do vấp ngã và đứng lên do cay đắng của thử thách và thất bại thì bấy giờ ta đang tận hưởng một niềm hạnh phúc không thể diễn tả. Chị đã cứng rắn lên nhiều nhờ những thiệt thòi đốt nóng thêm ý chí, cả em cũng vậy. Chúng ta có được ngày hôm nay là vì đã biết tự tin, vào cái ý muốn khẳng định với người đời rằng, chúng tôi sẽ không gục ngã hay cam chịu với một hoàn cảnh kém đầy đủ hơn. Mẹ có thể tự hào về hai chị em chúng ta. Nhưng ông ta, sao ông ta lại đến vào lúc này, với ý định gì khi mà chúng ta đã quen với gia đình ba người và hoàn toàn không cần bất cứ một sự giúp đỡ nào từ phía con người ấy? Có chăng chỉ là ngược lại mà thôi. Ông ta muốn tiếp tục làm khổ chúng ta ư? Chị thề sẽ không để điều đó xảy ra đâu. Một bận chị thộp đúng lúc mẹ tiễn ông ta ra cửa. Dáng vẻ hai người khiến ai đó không thể nghĩ được rằng trước đây họ đã có cả một khoảng đầy nước mắt. Thấy chị, hai người sựng lại hoảng hốt. Mặt ông ta tái nhợt, mắt chạy trốn cái nhìn của chị. "Tôi cấm ông bén mảng đến đây!" Ông ta lắp bắp: "Kìa, con.. ." Chị quắc mắt "Ai là con ông. "Mẹ òa khóc và ôm mặt chạy tơi tả vào nhà. Tối đó, mặc dù mâm cơm đã dọn sẵn nhưng chẳng ai ăn. Cả hai mẹ con âm thầm đi nằm sớm, đầu nóng lên do va chạm ý nghĩ. Đến khuya thì chị không chịu nổi, lần sang giường mẹ. “Mẹ ơi, con xin lỗi..." Mẹ ôm chầm lấy chị, cả hai ôm nhau mà khóc.

*

Thường thì sáng nào tôi cũng gặp bà Aubry ở công viên Linh Dương với lũ chim của bà. Bà vẫn thế, luôn đội một chiếc mũ lệch sang tai phải, tươi cười và ân cần hỏi han tôi chuyện học hành ở trường, có thường xuyên nhận được tin nhà không, có hòa nhập tốt với cuộc sống nơi đây không? Bà và tôi, một già một trẻ, hai kẻ xa lạ ở hai phương trời khác nhau, bởi sự bày đặt của số phận, đã gặp nhau trong tình thương mến. Bà và tôi quyến luyến như hai người họ hàng thân thuộc. Bà quý tôi thực sự, thỉnh thoảng lại dúi cho tôi một hộp kẹo Calipson vốn là đặc sản nổi tiếng của thành Aix. Bà thích thú nhìn tôi ăn, xuýt xoa: "Cháu thật là một cậu bé ngoan, ôi thằng Berard nhà ta..." Giọng bà đột nhiên chùng xuống.

Tôi thường lui tới nhà bà ở ngoại thành, phía bên kia một dòng suối nhỏ nước rất trong có những cây to lòa xòa cành lá. Và mờ nhạt ẩn hiện một người đàn ông lưng rộng, chân dận ủng, ngồi trên tảng đá buông câu. Một cây cầu nhỏ mảnh mai vươn qua dòng nước mải miết và những khoảng đất bồi điểm hoa. Ngôi nhà nhỏ xinh mang dáng dấp một thôn trang, tường bằng đá sạch sẽ, một bụi hoa giấy lực lưỡng rườm rã cố vươn cành lên mái ngói màu hồng hoàng mà mưa gió chỉ còn biết than thở trước vẻ diễm tuyệt nguyên vẹn của nó. Ngoài sân ngùn ngụt một cây dâu lớn, bà Aubry thường đặt một chiếc ghế xích du ngồi đọc báo ở đó. Hàng rào quanh nhà vì chủ nhân không đủ sức xén tỉa thường xuyên, bèn tận dụng thời cơ đâm chà mọc chạnh. Bà Aubry rất vui khi tôi tìm dao phát và kéo cắt cành để bắt chúng vào khuôn phép. Trong ấy cái hàng rào ngỗ ngược, có những quả phúc bồn tử đỏ lừ chờ đợi. Tôi thường giúp bà chăm sóc vườn hoa, sau đó ở lại dùng bữa vì bà chỉ có một mình. Thỉnh thoảng bà lại rủ tôi xách làn, vượt qua những mỏm đồi bằng bặn xanh mướt cỏ, trên ung dung gặm mấy con cừu trắng muốt, vào rừng nhặt măng tây. Nhiều khi nhìn bà lụi cụi trong đám cây cối, tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết bà vốn côi cút như thế từ lâu hay là còn những người thân nào khác.

*

Bây giờ chị mới dám nói cho em biết rằng mẹ ốm vì sợ em lo sẽ ảnh hưởng tới việc học hành, hơn nữa bệnh tình của mẹ đã khá hơn nhiều rồi. Nếu chỉ có vậy thì cũng chưa chắc chị cho em hay tin đâu, song chị đang day dứt phân vân một điều và chị không thể không thổ lộ cùng em. Vừa rồi, lão trưởng phòng hành chính ở cơ quan chị vừa bị kỉ luật vì đã biển thủ một số tiền lớn và có nguy cơ nếu không sửa chữa kịp thời như giám đốc, người không muốn làm to chuyện, yêu cầu rất có thể lão sẽ bị truy tố và sẽ mất hết tất cả. Mọi người trong cơ quan đều lấy làm hả hê vì xưa nay lão đã khiến nhiều kẻ khốn đốn vì tính thâm hiểm hay đố kị. Thiển cận, bất tài, đã vậy lại tiểu nhân hẹp hòi, mưu lợi cho mình và lấy việc dèm pha làm cho người khác đau khổ làm nỗi vui sướng của mình, đó là vài nét chân dung của con người ấy. Mỗi khi hành hạ được ai, lão hỉ hả ra mặt. Cứ trông nhân diện xôi thịt và cái cười cơ hội của lão là chị lại thấy lợm giọng. Điều bất hạnh là lão lại được thủ trưởng trọng dụng vì biết nịnh hót và cúc cung tận tụy không chỉ đối với ông giám đốc và cả với người nhà của ông nữa. Lão rất căm chị, vì một lần đã dám tố cáo lão khai tăng giá những trang thiết bị mua cho cơ quan, việc xưa nay lão vẫn làm xong không ai muốn đả động tới. Việc đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài của chị cứ bị gác lại năm này qua năm khác có thể giải thích bằng sự thâm thù này. Nhiều khi tiền thưởng của chị bị cắt bởi những lí do hết sức dở hơi. Chị đã thề rằng đợi đến một cơ hội thuận lợi, chị sẽ chơi cho lão một vố đến già không quên. Thế rồi bỗng nhiên lão ta thất sủng cùng với vụ bê bối. Lúc này, lão lủi thủi, lo sợ một kết cục tăm tối và chẳng còn ai chờn lão nữa, khinh ghét và hài lòng về cái cách số phận bắt lão phải gánh lấy. Thì chị, chị lại thấy thương lão. Điều khó nhất của một con người ở chỗ biết mình là ai, đang ở đâu, phải làm gì. Lão ta không đủ tầm nhận thức để tri giác về những lẽ ấy, bởi vậy lão đáng thương. Lòng chị nhẹ nhõm chưa từng thấy vì nỗi căm giận trước đây đã không còn nữa. Người ta không thể giải quyết vấn đề bằng lòng hận thù và cuộc đời sẽ tươi đẹp biết bao nếu chúng ta biết tha thứ. Một chân lí đơn giản như vậy mà nhiều kẻ vẫn không thấy và cứ tiếp tục hành hạ lẫn nhau. Chị vụt nhớ đến mẹ. Mẹ đã ốm gần hai tuần, người gầy sọp, mỗi bữa chỉ ăn được vài miếng, nhưng vẫn luôn miệng nói không sao. Chị biết mẹ cần gì nhưng lòng tự ái và nỗi tức giận đã ngăn cản chị.

Chị xin về sớm. Trung đang cho mẹ uống nước. Anh ấy nhìn chị, mắt buồn buồn khác hẳn mọi ngày, song vẫn điềm đạm như mọi khi, bảo "Ra nhà ngoài, tôi có chuyện muốn nói với em." "Không, anh phải giúp em ngay một việc." "Việc gì?" "Anh lấy xe đi đón bố hộ em." Trung há hốc mồm: "Em nói là..." "Là đón bố em chứ còn ai nữa." Anh trân trối nhìn chị và liếc nhanh về phía mẹ. Mẹ cũng đã nhỏm dậy và nhìn chị với sự kinh ngạc hệt như vậy.

Tối hôm ấy, Trung bảo chị "Em có biết hồi chiều anh định nói gì với em không?" "Không." "Vì em không chịu thay đổi, vì sự kiên nhẫn của anh có giới hạn và vì anh yêu em vô cùng nên anh đã quyết định ra đi. Anh tới để chào tạm biệt em. Đầu tuần sau, anh sẽ chuyển về Sài Gòn công tác." Chị thảng thốt toan kêu lên nhưng Trung đã lấy tay che miệng chị, thì thào: "Đó là lúc chiều, còn bây giờ họa có điên thì anh mới làm thế." Chưa kịp nói gì, cả bầu trời sao trên đầu đã biến mất trong vòng tay ghì chặt.

*

Bẵng đi một dạo thi cử liên miên, tôi không tới tham bà Aubry được mà cũng không gặp bà ở công viên Linh Dương. Vả chăng, mùa đông năm nay đến sớm. Tuyết rơi, người dân ở đây nói rằng miền này tuy lạnh nhưng ít khi có tuyết kể cũng là sự lạ. Trời lạnh. Trong công viên không còn thấy bóng những ông già đội mũ cát két say sưa chơi ném hòn. Buổi tối hôm ấy, bà Aubry gọi điện đến khu học xá cho tôi và nói rằng muốn gặp tôi trước 10 giờ sáng mai.

Hôm sau, tuyết vẫn rơi đầy trời, có nơi đã ngập tới vài chục phân, thấp thoáng những dáng hình mặc áo có mũ trùm lội trong phơi phới tuyết, những cành cây tuyết bám trắng xóa tựa tấm lưng đời người oằn xuống như muốn gãy đến nơi. Bà Aubry đang đợi tôi. Giữa nhà là mấy chiếc valy đã sắp xếp xong. Tôi ngạc nhiên "Thế này là thế nào, bà chuyển đi nơi khác ư?" "Phải cháu ạ. Tàu sẽ chuyển bánh lúc 10 giờ rưỡi. Cháu là một chàng trai tốt và ta quý cháu như thế nào cháu biết rồi đấy. Trước lúc rời khỏi đây, ta muốn nói lời tạm biệt và có cái này tặng cháu." Bà trao cho tôi một cái hộp trong có một chiếc bút máy rất đẹp và nói thêm. “Nó sẽ giúp cháu nhớ đến ta." Tôi vẫn chưa hết thắc mắc - Nhưng chẳng phải là bà đang sống hạnh phúc ở đây kia mà?" Bà cười: "Cháu không hiểu đâu. Ta có nỗi khổ riêng." Tôi kêu lên: "Bà có nỗi khổ tâm ư? Cháu không tin! Trước nay cháu vẫn nghĩ bà là một người sung sướng nhất trần đời." Bà Aubry không cười nữa: "Ta không nói dối cháu đâu. Cháu có thấy hàng tuần ta vẫn biến mất trong một hai ngày không? Ấy là thời gian ta đi thăm thằng Bernard. Con trai ta là một phạm nhân!" Tôi lắp bắp: "Không thể như vậy được. Bà đừng giễu cháu nữa." Bà Aubry từ từ gỡ chiếc khăn len choàng trên đầu. Tôi hoảng hồn khi thấy chỗ đáng lẽ ra là tai phải của bà phẳng lì, giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao từ trước tới giờ bà luôn đội mũ kéo sụp sang một bên. Mắt bà Aubry thoáng sầm lại, như có ngấn nước: "Chồng ta mất sớm, thằng Bernard lêu lổng, theo lũ người xấu, ta không dạy dỗ nổi. Một lần trong khi say rượu ta đập vỡ chai không cho nó uống tiếp, nó đã vồ lấy dao và cắt phăng tai phải của ta. Nó đã bị kết án tù nhưng ta hằng tin tưởng nó sẽ tỉnh ngộ. Vì thế ta cứ theo nó chuyển từ nhà tù này sang nhà tù kia. Nhà ta ở vùng Normandie, tận miền Bắc. Ta đã bỏ tất cả để luôn ở cạnh nó với hi vọng một ngày kia, hai mẹ con sẽ cùng nhau trở về. Bây giờ người ta lại đưa nó tới một vùng khác, bởi vậy ta không còn lí do gì để lại đây cả. Ta tha thứ cho nó và không tin rằng có đứa con nào lại không cảm động trước sự hi sinh của một người mẹ."

Một chiếc taxi chờ tới cổng. Bà Aubry đứng dậy sửa lại khăn như cũ, nụ cười phảng phất hương hoa oải hương mùa hạ lại về trên môi bà tươi tắn. Tôi giúp bà mang hành lí ra xe. Tuyết vẫn rơi, từng tảng trắng đè lên những cành thông và trắc bách diệp, như nỗi cô đơn đè lên con người.

Aix-en Provence - Hà Nội

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
Văn nghệ Trẻ, số 26/1997
Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Baovannghe.vn - Caravaggio, thiên tài nghệ thuật Baroque Ý, nổi tiếng với kỹ thuật chiaroscuro và những tác phẩm đầy sức sống, nay lại một lần nữa khuấy động giới nghệ thuật toàn cầu. Lần đầu tiên sau 60 năm kể từ khi được xác thực, bức chân dung "Monsignor Maffeo Barberini" của ông sẽ được trưng bày tại phòng trưng bày Palazzo Barberini, Rome, từ ngày 23 tháng 11 năm 2024 đến ngày 23 tháng 2 năm 2025. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà còn với công chúng yêu nghệ thuật.
Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Baovannghe.vn- Em về chạm ngõ chiêm bao/ Nghiêng vai trút hết chênh chao nửa đời
Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Baovannghe.vn - Ngày nay, đọc lại bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông.
Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!