Đồi hoa vàng- truyện ngắn của Hoàng Lan Anh |
Sự ra đời của tôi kéo theo những nỗi thất vọng của gia đình, bố tôi bỏ về ngang đường đến bệnh viện, cặp lồng cháo gà chuyển sang tay chị tôi. Mẹ tôi cũng buồn, nhưng nỗi buồn không lộ liễu như bố, vả lại người mẹ nào mà chẳng thương con. Sau này mẹ tôi kể, đêm bà sinh ra tôi, một người đàn bà áo vàng đã đến cùng với mẹ, từ bà ta tỏa ra một mùi hương ngọt ngào và thơm dịu. Bà ta vừa an ủi mẹ, vừa lôi tuột một hình hài nhỏ bé ra khỏi bà. Bà ta hôn lên mặt tôi, lầm rầm những câu gì đó, không rõ và đi như lướt khỏi căn phòng. Mẹ tôi ngất đi, đến lúc tỉnh dậy, đã thấy tay mình nắm một bông lan.
Tôi lớn lên bởi một tuổi thơ chai sạm. Năm lên năm tuổi, tôi bắt gặp những mảnh vỡ đầu tiên trong đời. Buổi sáng, bố mẹ tôi cãi nhau. Trước khi đến cơ quan, bố còn để lại dấu ấn đỏ rộp của năm đầu ngón tay trên má mẹ. Sau đó là sự im lặng kéo dài, tôi sợ hãi sự im lặng đó. Bốn chị em tôi tròng trành giữa hai dòng bố mẹ, những đứa trẻ lúc ấy chẳng biết gì. Rồi một ngày, bố tôi ra đi, lặng lẽ đến bất ngờ. Ở một góc phòng, bố cho quần áo vào vali, một góc khác, mẹ tôi ngồi khóc rấm rứt. Bố bế tôi lên, nói những câu gì đó không rõ và hôn lên mái tóc lơ thơ vàng quạch. Tôi sợ hãi lao về phía mẹ, không biết đã mất đi nửa mái nhà quý giá của mình.
Bố đem chị Thơ và chị Hạnh đi theo. Mẹ, tôi và chị Cẩm ở lại căn nhà cũ với những khung cửa sổ. Nhưng tất cả đã khác. Không còn những buổi sáng chúng tôi ríu rít bên nhau, mẹ trở nên trầm tư và ít nói, chị Cẩm khóc đòi bố suốt ngày. Đêm ấy, tôi mơ thấy người đàn bà áo vàng đưa tôi đến vùng đất xa lạ, nơi có ban mai rực nắng hắt trên những bông lan vàng. Những bông hoa phả vào tóc tôi một mùi hương đặc biệt của những chiếc kẹo hồng hiếm hoi.
Tôi thường bị mẹ nhốt trong nhà cùng chị Cẩm mỗi khi mẹ đi làm. Chúng tôi ngồi chơi đồ hàng ngoài thềm, vặt trụi cả giậu mùng tơi và làm tiền mua bán. Thằng Hai đi qua chõ mồm vào sân nhà tôi hét toáng "loa loa, lũ con rơi". Chị Cẩm ôm mặt khóc nức nở. Tôi còn nhỏ, chống tay vào hông, đanh đá như những bà hàng cá vạc lại nó. Đến lúc nó im mồm, đã thấy chị Cẩm ngồi uể oải bên cánh cửa, hai mắt sưng húp. Tôi cũng chẳng còn thú vị gì khi chơi đồ hàng nữa, những đồng tiền lá lăn lóc giữa sân, buồn bã và im lặng.
Tôi hay ngồi bên cửa, không chơi đồ hàng, cũng chẳng làm gì cả. Chị Cẩm đi học buổi sáng, tôi đi học buổi chiều, mỗi chị em ở nhà một buổi. Giậu mùng tơi cũng không còn nữa, người ta đã phá hàng rào ấy, xây một ngôi nhà riêng như cái hộp chắn ngang. Buổi tối, cả ba mẹ con ngồi bên mâm cơm, lặng lẽ và đơn giản. Những bữa cơm kế tiếp nhau như một chuỗi vô tận. Mẹ lại hay thở dài, trong lòng như có cái gì bị kìm nén, không cất lên được.
Thời gian như một cỗ xe, lặng lẽ đi theo cuộc hành trình. Và cuộc hành trình của chị Cẩm thì quá ngắn. Đến năm mười tuổi, tôi gom tất cả đồ chơi của mình, từ mấy hột nhãn đen bóng, cái thìa nhựa và con búp bê cụt tay vào một chiếc túi cất lên gác. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi, nhưng chưa bao giờ có cuộc ra đi nào nặng nề như thế. Đôi bàn chân nhỏ nhắn của chị Cẩm đã mang tuổi mười lăm của chị ra đi sau một lần sang đường. Chiếc xe tải và người lái xe say rượu đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi suốt một thời niên thiếu. Mẹ tôi khóc ngất, chết đi sống lại nhiều lần, thuốc thang đổ vào mẹ như sông như suối. Nửa tháng sau, mẹ trở thành một người hoàn toàn khác, từ hình dáng lẫn tính tình. Tôi đưa chị Cẩm ra cánh đồng, trời chiều lộng gió, những bông cỏ may lất phất bay về cuối chân trời.
Tôi không có nhiều thời gian gặp bố và hai chị. Nhưng tôi biết, bố đã lấy vợ khác, và chị Thơ cũng đã lấy chồng. Dẫu sao chị cũng đã - lớn tuổi, và sung sướng hơn khi không có mặc cảm của đứa con rơi như tôi. Dường như bố đã quên mẹ và tôi, quên đi một thời mình đã gắn bó với một gia đình cũ. Nhưng có nhớ lại thì cũng đâu được gì, tất cả đều đã thành quá khứ, mà người ta sống nhiều bằng tương lai, nỗi ám ảnh của quá khứ đâu là mấy. Một lần, vô tình tôi đã gặp lại bố, bên cạnh một người thiếu phụ trẻ đẹp. Cả hai đều viên mãn như nhau nhất là khi bên cạnh họ còn có một đứa bé trai, đứa bé mà tôi chắc cả đời bố đã ao ước. Tôi quay mặt đi, thấy hai mắt mình cay cay, đáng lẽ đó phải là bố và tôi, đáng lẽ..
Mẹ tôi ngày một già đi. Bà như người lái đò, khi những người khách hoan hỉ vì vượt được đoạn sông dài, cũng là lúc bà gục xuống. Về già, mẹ càng trở nên lặng lẽ. Tháng tháng bà chăm chỉ lo đèn hương cho bà ngoại và chị Cẩm, tôi có cảm giác mẹ sẽ quỵ xuống mỗi khi đứng trước ban thờ. Mẹ lúc nào cũng buồn bã, chưa bao giờ tôi thấy mẹ hạnh phúc cả. Từng ấy năm, bố và hai chị về thăm mẹ con tôi đúng hai lần. Một lần chị Cẩm mất và một lần chị Hạnh nhớ quá về nhà chơi. Không hiểu sao tôi thấy như dửng dưng khi gặp lại bố... Dù bố ra đi cũng lặng lẽ như thế, không có những trận chiến với bát đĩa loảng xoảng như mọi gia đình khác. Nhưng sự im lặng lại nguy hiểm hơn bất cứ thứ vũ khí nào tôi đã biết, và bố đã ra đi!
Thỉnh thoảng, tôi vẫn mơ thấy người đàn bà áo vàng. Lâu rồi, bà ta vẫn chẳng khác gì trước. Bà nắm lấy tay tôi, kéo tuột qua một vùng đồng cỏ. Tôi đi như đang bay, bồng bềnh, chao đảo. Cuối cùng tôi đặt chân lên một đồi hoa vàng, ở đó có những âm thanh réo rắt và nhộn nhịp, trông tựa như ở chốn bồng lai. Người đàn bà chỉ vào nơi những thiên thần nhỏ nhắn đang bay lượn và nói tôi cũng sắp bước vào thế giới thần tiên ấy.
Tôi kể với mẹ về những giấc mơ gặp người đàn bà áo vàng. Mẹ tôi im lặng hồi lâu và kính cẩn nhắc đến bà ta như một vị thần hộ mệnh. Tôi tin vào sự thực của những giấc mơ không nhiều, nhưng người đàn bà này luôn tạo cho tôi một sự sợ hãi xen lẫn kính phục. Tôi có cảm giác bà ta luôn đi theo tôi, hiểu tôi đến tận từng ý nghĩ trong đầu.
Tôi trở thành thiếu nữ trong một ngày không rõ rệt - Mười chín tuổi trông tôi già nua và khắc khổ như một bà già. Lúc nào tôi cũng trầm tư và khép mình hơn bất cứ người nào trong lớp. Hai mươi tuổi, tôi có bạn trai, anh ta tên Thụy, hơn tôi hai tuổi. Chỉ có một điều, nhỏ hơn tôi chút ít, tôi không nghĩ người đàn ông của mình lại như thế. Anh ta con nhà giàu, học giỏi, lại đẹp trai, tóm lại, ở anh ta chẳng có điều gì tương đồng với tôi cả. Tôi chấp nhận tình yêu ấy một cách khó khăn nhất là khi đối diện với ánh mắt ghen tị của các cô gái cùng lớp. Một lần, Trà quay sang tôi nửa đùa nửa thật "Người ta ngưu tầm ngưu, riêng mày ngưu tầm bò tót, Lan ạ." Tôi cười nửa miệng, quay mặt ra chỗ khác. Giá lúc ấy có thể, tôi sẽ gào lên cho bớt cảm giác ngột ngạt. Chiều về, lòng tự ái cùng sự mặc cảm của tôi trỗi dậy, tôi nói với anh ta về một sự chia tay. Anh ta cười, bảo nếu tôi muốn. Tôi đạp xe dọc con đường đầy bụi, hai mắt đỏ hoe vì khóc. Anh ta lại chạy xe ngang tôi, coi như không có gì cả.
Tôi kể cho anh ta nghe về sự ám ảnh bởi người đàn bà mặc áo vàng. Anh ta cười, xoa đầu tôi "không ngờ em cũng lãng mạn thế." Tôi im lặng nhìn ra phía mặt hồ xanh ngắt. Bên kia đường có những cây liễu đổ nghiêng rủ xuống mặt hồ những chiếc lá mềm như tóc. Dường như bên anh ta, tôi chỉ là đứa trẻ con hai mươi tuổi hay cáu kỉnh. Bây giờ thì tôi thấy mình cô đơn hơn bất cứ lúc nào. Mà Thụy thì lại chưa bao giờ cô đơn nên anh ta không thể hiểu. Đối với anh ta, mọi thứ chỉ đơn giản như một cộng một bằng hai.
Tôi trở về nhà khi ngày đã muộn. Mẹ đã đi nằm từ bao giờ.
Tôi kéo tấm chăn lên ngang ngực bà, thấy lòng mình đau nhói, không lẽ mẹ đã già nua mệt mỏi đến mức ấy sao.
Đêm gió lạnh dần. Tôi khép cửa đi ra lan can, bỗng thấy hương Hoàng Lan ở đâu bay về sực nức. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi lại mơ thấy người đàn bà áo vàng, bà ta đưa tôi trở lại khu đồi hoa vàng hôm trước. Mẹ tôi đang nằm đó, hoa Hoàng Lan phủ kín người.
Hoàng Lan Anh | Báo Văn Nghệ
-------------
Bài viết cùng chuyên mục:
Chớp trên đỉnh Kon Từng - Truyện ngắn của nhà văn Trung Trung Đỉnh Muối của rừng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Bụi tóc tiên - truyện ngắn của Cấn Vân Khánh |