![]() |
Minh họa Lê Trí Dũng |
1.
Em từng hỏi tôi rằng: “Liệu chúng ta có thể đưa những thanh âm diệu kì của âm nhạc hòa quyện với một tác phẩm văn học được không?”
Lúc ấy, tôi đã ngạc nhiên lắm. Em bất giác ngập ngừng sau khi bắt gặp ánh nhìn chăm chú từ tôi. Như để giải thích rõ hơn cho những điều mà em vừa mới nói, em nở nụ cười tinh nghịch: “Chẳng phải thầy từng nói với em, âm nhạc và văn học đều có chung một nguồn gốc và sứ mệnh hay sao? Suy cho cùng việc con người ta có thể rung động vì một tác phẩm văn học hay một giai điệu âm nhạc, cũng là bởi vì con người có một trái tim. Một trái tim biết rung động, có phải vậy không thầy?”
Tôi tự hỏi liệu rằng không biết sẽ phải mất một khoảng thời gian dài bao lâu, người ta mới có thể tạo ra được một tác phẩm văn học giống như em mong đợi. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, kể từ những phút giây ấy, nụ cười và giọng nói của em giống như những thanh âm diệu kì đã dần dần tan vào tâm trí tôi, trở thành những phần giai điệu khó quên nhất trong bản nhạc giao hưởng về cuộc đời của một kẻ cô độc giống như tôi.
Đêm hôm ấy, tôi như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng. Thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn lại mình tôi đau đáu với những nỗi niềm riêng biệt. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên da diết, hòa quyện với không gian, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng như muốn bứt ra khỏi ranh giới. Đó là những xúc cảm bỗng tràn ngập trong tim, những điều bức bách muốn bật ra khỏi lồng ngực, như không thể giữ lại thêm vì đã quá tràn đầy, để rồi cuối cùng chúng bật ra, lưu lại hình hài trên những khuông nhạc và các phím đàn. Bản Sonate Ánh Trăng của Beethoven giống như những giai điệu được cất lên từ chính đáy lòng tôi, lặng lẽ vang vọng trong màn đêm tĩnh mịch.
Nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức đã dành tặng bản nhạc ấy cho người học trò của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi, để rồi sau này nó đã trở thành một trong những bản nhạc giao hưởng bất hủ của thời đại. Và tất nhiên, vượt ra khỏi những suy nghĩ thông thường, đó là những gì mãnh liệt nhất, da diết nhất của một ngọn lửa đã phá vỡ những giới hạn đang bùng cháy và vươn lên mạnh mẽ.
Tôi luôn dành cho thiên tài âm nhạc Beethoven một sự tôn kính và ngưỡng mộ. Và có lẽ tất cả những sự nể phục và trân quý nhất dành cho ông đều xuất phát từ việc tôi cũng giống như ông, là một người khiếm khuyết. Vụ tai nạn xe từ hai năm về trước đã khiến cho đôi chân của tôi không thể đi lại được. Mặc dù đã quen với việc di chuyển bằng xe lăn, thế nhưng sâu thẳm trong lòng tôi, đó là một vết thương sâu khó có thể chữa lành.
Tôi luôn mặc cảm về việc mình không thể đi lại giống như một người bình thường. Và khi ở trước mặt em, nỗi bất lực và đau đớn ấy càng giày vò tôi mãnh liệt. Với một cơ thể không còn lành lặn, tôi nghĩ mình đang vô tình trở thành gánh nặng cho những người khác. Bản thân tôi đã luôn có những suy nghĩ như thế.
Một buổi sáng mùa đông, em lại tới nhà của tôi để luyện tập dương cầm. Khúc nhạc em chơi hôm nay không giống với mọi khi. Em đã mắc phải bốn sai lầm trong cùng một bản nhạc. Tiếng đàn chấm dứt. Bầu không khí bỗng rơi vào trầm mặc.
“Tại sao thầy lại không muốn dạy đàn cho em nữa ạ?”
“Không có gì đâu. Thầy có chút việc riêng nên không thể tiếp tục dạy em được nữa. Thầy sẽ giới thiệu bạn của thầy cho em. Cô ấy cũng là một giáo viên rất tận tụy.”
“Đối với em, sẽ không có ai thay thế được thầy đâu. Nếu như thầy nghỉ thì em cũng sẽ không chơi piano nữa.”
Em nhìn tôi với vẻ mặt kiên nghị. Tất nhiên dù đã cố làm ra vẻ điềm tĩnh và không để tâm đến những lời em vừa nói thì trong trái tim tôi thực ra vẫn đang có những xáo trộn đáng kể.
“Rồi sẽ quen thôi. Cứ thử đi. Rồi em sẽ thấy mọi thứ vẫn sẽ diễn ra như bình thường.”
“Em đã nói em chỉ học một mình thầy thôi… chỉ mình thầy thôi. Bởi vì…”
Lần đầu tiên em phản ứng gay gắt với tôi trong một cuộc nói chuyện. Em ngập ngừng rồi lại tiếp tục:
“…Bởi vì đối với em, sẽ không ai… không ai có thể thay thế được thầy…”
Em tỏ ra bối rối. Tôi im lặng. Giữa chúng tôi dường như là một khoảng không trống rỗng.
Văng vẳng bên tai tôi lại là những giai điệu quen thuộc của bản Sonate thứ mười bốn cất lên. Thứ âm thanh ấy sâu lắng và trầm buồn man mác hòa quyện với những xúc cảm rối bời trong lòng tôi - một thứ cảm xúc khó có thể diễn tả thành lời.
“Có chuyện này, có lẽ giờ đã đến lúc em cần phải nói với thầy…”
Tôi nhìn em ngạc nhiên. Bộ dạng của em lúc này khác hẳn với ngày thường. Nụ cười vô tư, tinh nghịch cũng không còn nữa mà thay vào đó là một vẻ trầm tư khác lạ.
“Em xin lỗi thầy!”
“Tôi không hiểu lí do. Hôm nay em rất lạ.”
“Thực ra, ngày đầu tiên thầy tới dạy em học đàn không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau. Mà thực ra… ngày đầu tiên… đó là từ hai năm về trước…”
Tôi sững sờ trước những điều mình vừa nghe. Em đã gặp tôi từ hai năm trước ư? Tôi cố lục lọi những kí ức đã cũ, cố gắng để nhớ lại lần đầu tiên nơi tôi đã gặp em? Tại sao lúc đó, tôi không chú ý đến em nhỉ? Và cuối cùng tôi đã không tài nào nhớ nổi.
“Ngày mười hai tháng mười hai của hai năm trước, để tránh tông vào một người trên đường, xe của thầy đã mất lái và tông thẳng vào một chiếc xe tải đúng không ạ?”
Tôi giật mình nhớ lại những giờ phút kinh hoàng ấy. Đó là những hồi ức tồi tệ nhất mà chưa bao giờ tôi muốn nhớ lại. Phải. Đó là những thời khắc kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi. Hậu quả của vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến cho tôi mất đi đôi chân và suy giảm một phần khả năng thính lực. Những chấn thương nặng nề ấy đã khiến cho tôi một thời gian dài rơi vào trầm cảm. Tôi đã từng có ý định từ bỏ cuộc sống này bởi vì...
Bởi vì sự nghiệp của tôi từ đó đã chấm dứt.
Tôi đã không thể tiếp tục trở thành một nghệ sĩ chơi đàn piano với một đôi tai không còn tinh nhạy.
Tại sao em lại nhắc đến ngày đó? Phải chăng đó là ngày mà tôi đã gặp em? Phải chăng những kí ức tồi tệ của hai năm về trước đã khiến cho tôi muốn quên đi tất cả. Tôi đã không thể nhớ lại được bất kì điều gì khác, kể cả việc mình đã từng gặp em.
“Ngày hôm ấy, người suýt nữa tông vào xe của thầy là em. Nếu không vì tránh tông vào em, thầy cũng đã không gặp tai nạn đó.”
Em nghẹn ngào bật khóc. Đôi bàn tay tôi run rẩy bám lấy tay vịn xe lăn, cảm thấy không còn một chút sức lực. Tôi chết lặng nhìn em, mọi thứ xung quanh dường như đang rung chuyển.
“Xin thầy hãy tha lỗi cho em… Ngày hôm đó… là ngày ba mẹ em ly hôn. Em đã muốn tông vào xe của thầy, chỉ bởi vì một lí do ngu ngốc, đó là muốn ba mẹ có thể vì em mà quay trở lại với nhau…”
Em òa khóc nức nở. Bờ vai rung lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào. Lúc ấy, nhìn em giống như một đứa trẻ.
Tôi lăn chiếc xe lại gần em, đặt tay lên vai em an ủi:
“Không phải là lỗi của em đâu. Dù sao em cũng không cố ý.”
Em gục đầu vào vai tôi. Tôi lắng nghe những giai điệu của con tim mình đang ngân lên cùng với những kí ức mờ nhạt.
Tôi chợt nhận ra mỗi một điểm chung trong những lần gặp gỡ tình cờ giữa hai chúng tôi. Đó là những cuộc gặp ngẫu nhiên ở cửa hàng tạp hóa, khi em đề nghị xách đồ giúp tôi và đưa tôi trở về nhà. Là những buổi học đàn em đến sớm hơn so với dự tính với túi đồ ăn sáng nóng hổi trên tay bởi vì em tiện đường mua được. Là những ngày em năn nỉ tôi học thêm chút nữa; sau đó em sẽ nấu bữa tối cho tôi bởi vì em sẽ chơi đàn trong một dịp quan trọng. Em tỉ mỉ. Em lặng lẽ quan sát và âm thầm quan tâm đến tôi chỉ bởi vì một sự cố mà em đã vô tình gây ra.
Tất nhiên tôi không thể ích kỉ nhận lấy sự quan tâm ấy của em chỉ vì một lỗi lầm mà em không hề cố ý.
Tôi đã giải thích với em rất nhiều lần, rằng tất cả mọi chuyện đều không phải do lỗi của em, có chăng, đó chỉ là một trò đùa cợt trớ trêu của số phận.
“Em không cần bù đắp cho tôi một điều gì cả. Bởi vì tôi chưa từng nghĩ rằng tai nạn của tôi cần phải đổ lỗi cho một ai đó. Nếu ngày ấy, tôi đâm trúng em, có lẽ, phần đời về sau, lương tâm của tôi cũng sẽ day dứt không yên.”
“Đúng là ban đầu, em quan tâm đến thầy chỉ bởi vì em cảm thấy áy náy về vụ tai nạn đó. Nhưng càng ngày, em càng nhận thấy một điều rõ ràng, đó là em muốn làm bạn với thầy. Bởi vì, ở thầy có một sự ấm áp và nghị lực giống với người mà em luôn thần tượng - con người của Beethoven.”
2.
Mùa đông năm ấy, tiết trời khá lạnh. Em đến thăm tôi khi ánh mặt trời chỉ vừa mới ló rạng. Em đem theo chiếc khăn len do chính tay em đan, quàng lên cổ của tôi ngắm nghía hồi lâu rồi nở một nụ cười:
“Tốt quá. Rất hợp với thầy. Vậy là mùa đông năm nay sẽ không còn lạnh nữa.”
Tôi ngẩng đầu nhìn em, trong lòng bỗng tràn ngập những niềm vui khó tả.
“Sao hôm nay em tới sớm vậy?”
“Em xin lỗi thầy. Em nóng lòng muốn xem nó có hợp với thầy không nên hoàn thành xong là mang đến đây luôn.”
Lòng tôi chợt nhen lên những cảm giác ấm áp vô cùng. Em giống như những tia nắng của ánh bình minh, xua tan đi những nỗi u ám và quạnh hiu đã từng hiện diện. Những giây phút ấy, tôi chỉ tham lam muốn giữ lại em, mãi mãi, trong suốt cuộc đời mình.
Em có cảm tình với tôi hay không? Có thể là một chút gì đó, lớn hơn tình bạn chăng. Chính bản thân tôi cũng không thể có được câu trả lời chính xác. Nhưng đối với tôi, em chắc chắn là một người rất quan trọng. Một người mà tôi không bao giờ muốn mất đi, dù chỉ là một thời khắc ngắn ngủi trong cuộc đời này.
Trước đây, tôi đã từng cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ. Tôi đã phải trải qua những nỗi đau đớn lẫn sợ hãi tột độ bởi vì vụ tai nạn năm đó. Thế nhưng kể từ lúc em xuất hiện, tôi lại có một cảm giác bình yên lạ kì. Tôi đã thầm cảm ơn số phận, cảm ơn sợi dây định mệnh ấy đã gắn kết giữa chúng tôi xích lại gần nhau.
Sau cái ngày em kể cho tôi nghe sự thật động trời đằng sau vụ tai nạn năm ấy, giữa chúng tôi dần dần đã không còn tồn tại mối quan hệ thầy - trò xa cách như lúc trước, mà thay vào là một mối gắn kết đặc biệt. Tôi thường kể cho em những câu chuyện ẩn chứa đằng sau mỗi bản nhạc giao hưởng, câu chuyện về những người nghệ sĩ say mê với những nốt nhạc và các phím đàn, còn em lại đem đến cho tôi những cuốn tiểu thuyết văn học tràn đầy màu sắc về tình yêu và lòng nhân ái. Sự hòa hợp giữa tiểu thuyết văn chương và sức sống âm nhạc đã đưa chúng tôi, những con người xa lạ, trở nên gần gũi và vượt qua những ranh giới thông thường. Không còn khoảng cách. Không còn sự khác biệt về tuổi tác hay gia thế. Chỉ còn đó những trái tim đồng điệu trong thế giới rung cảm.
Với tôi, đó là những tháng ngày yên bình và đẹp đẽ nhất của cuộc đời.
Buổi chiều hôm đó, trong lần sinh nhật lần thứ hai mươi bảy của tôi, em đã đàn cho tôi nghe bản nhạc Sonate Ánh Trăng. Dừng lại trong giây lát, em bất chợt hỏi tôi:
“Trong số những bản nhạc của Beethoven, thầy thích bản nhạc này nhất phải không ạ?”
“Đúng vậy.”
Tôi thoáng chốc giật mình, những kí ức đã chôn vùi bấy lâu lại nhen lên âm ỉ.
“Bởi vì nó gắn liền với một vài kỉ niệm thời thơ ấu của tôi.”
Tôi lặng người suy nghĩ.
Có lẽ cũng đã quá lâu rồi. Tôi không còn nhớ nổi những cảm giác của mình về những sự việc đã xảy ra khi đó. Khi ấy tôi vừa tròn bảy tuổi - trong một vụ hỏa hoạn, khi tôi và em gái được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài, cha mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi trong biển lửa.
Lúc ấy, tôi chỉ còn có thể nhớ được tiếng đàn dương cầm. Những tiếng đàn vang lên trong căn nhà nhỏ. Đó là một bản nhạc Sonate Ánh Trăng. Bản nhạc ấy cũng đã vang lên trước khi vụ nổ khí gas diễn ra chỉ vài phút. Tiếng nhạc ấy đã ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.
Sau khi thoát chết chúng tôi được một người họ hàng đón về nuôi. Một thời gian sau, tôi và em gái tôi không còn được ở chung với nhau nữa.
Em tôi đã được một gia đình khá giả nhận nuôi, còn tôi vẫn sống trong gia đình của người họ hàng. Khi ấy, con bé mới được hơn một tuổi. Họ đưa em đến một thành phố khác và chúng tôi từ đó đã không còn cơ hội nào để gặp lại nhau.
“Em xin lỗi. Có vẻ như đó là những kỉ niệm không vui.”
Tôi lắc đầu nói với em “Không sao” rồi đi rót cho em tách trà. Những lúc như thế này, tôi thật sự không muốn bất kì ai nhìn thấy những biểu cảm trên gương mặt của mình.
Tôi đi vào trong bếp rồi bất giác quay lại nhìn em. Tôi chợt nghĩ, có lẽ, em gái tôi bây giờ cũng đã trạc tuổi như em.
Đã nhiều lần tôi tự hỏi, không biết con bé giờ ra sao? Liệu nó có biết đến sự tồn tại của một người anh trai là tôi hay không? Liệu nó có thể nhớ được rằng mình đã từng có một gia đình khác ngoài gia đình hiện tại của nó hay không?
Dù rằng tất cả những câu hỏi ấy, tôi đều đã biết được câu trả lời.
Có lẽ, giờ này, con bé cũng đang có một cuộc sống hạnh phúc và yên ổn. Tôi luôn thầm cầu mong như vậy. Và có lẽ, không nhớ được gì lại là một việc tốt. Con bé đã có một gia đình mới. Con bé sẽ không phải chịu đựng những tổn thương bởi những nỗi đau trong quá khứ.
Ngày con bé được nhận nuôi, bên phía gia đình người nhận nuôi đã yêu cầu chúng tôi cắt đứt hoàn toàn những mối liên hệ với con bé. Vì thế, sau này, phải khó khăn lắm, tôi mới có thể tìm được một vài thông tin ít ỏi. Tôi chỉ biết được rằng hiện giờ con bé cũng đang ở trong thành phố này - và có lẽ là nó đang sống vô cùng hạnh phúc cùng với gia đình hiện tại của mình.
Em đã đứng phía sau tôi từ lúc nào. Em nhẹ nhàng đẩy xe lăn của tôi sang một bên, dịu dàng nói:
“Để em giúp thầy.”
Pha xong ấm trà, em đưa tôi trở lại phòng khách. Tôi vẫn chưa thể dứt ra được với mớ cảm xúc hỗn độn về những bi kịch đã xảy ra trong quá khứ.
Em lặng lẽ nắm lấy tay tôi. Những hơi ấm ấy, chúng cứ nhẹ nhàng len lỏi, xua tan đi những lớp sương mù u uẩn:
“Em sẽ mãi mãi ở bên cạnh thầy. Thầy sẽ cho phép chứ ạ?”
Tôi không thể kìm nén nổi những cảm xúc đã tràn đầy trong tim từ lâu, chỉ chực trào bật ra. Khối tình cảm mãnh liệt ấy khiến cho con tim tôi rạo rực, nóng hổi. Tôi choàng tay ôm lấy vai em. Dường như em cũng đã chờ đợi sự hồi đáp của tôi từ bấy lâu nay mà đáp lại tôi bằng một cái ôm thật chặt. Chúng tôi đã ở bên nhau như thế cho đến khi ánh trăng soi rọi vào màn đêm tĩnh lặng.
3.
Tôi đặt lên môi em một nụ hôn cháy bỏng. Em nhỏ bé nép vào ngực tôi, những nhịp tim rung lên từng thanh âm thổn thức, rạo rực. Dường như không thể phân biệt được đó là nhịp tim của em hay là của tôi. Dưới ánh trăng non, mọi dòng chảy không gian và thời gian dường như ngừng lại, lặng thinh, chỉ còn văng vẳng tiếng ngân nga của hai tâm hồn từ lâu đã hòa chung nhịp điệu.
Bàn tay tôi theo bản năng dừng lại trên đôi bờ vai mềm mại, mỏng manh của em. Tôi cẩn thận từng chút một, khẽ khàng nới rộng thêm miếng len mềm trên cổ áo em mà không hề biết rằng, chính trong khoảnh khắc ấy, lại một lần nữa, tôi tiếp tục bị số mệnh trớ trêu đùa cợt. Niềm hạnh phúc ngắn ngủi chỉ vừa mới lóe lên đã bị dập tắt bởi những sự tình éo le, ngang trái.
Tôi chết lặng khi nhìn thấy vết sẹo trên vai em. Tầm mắt tôi dừng lại tại nơi ấy, sững sờ. Tôi nhớ đến em gái tôi. Tôi nhớ đến trận hỏa hoạn ngày ấy và vết bỏng cũng tại nơi ấy - trên đôi vai em gái bé nhỏ của tôi. Tôi không dám nghĩ xa hơn, không dám liên tưởng nhiều hơn và thậm chí tôi còn cảm thấy mình không có đủ bản lĩnh để đối diện, nếu như những điều đang diễn ra trước mắt tôi không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi muốn hỏi em, vết sẹo ấy của em đã có từ bao giờ nhưng những ý nghĩ ấy chưa kịp thốt lên đã bị kìm lại và nghẹn ứ sâu trong cổ họng. Làm sao tôi có thể hỏi được chứ? Nếu như điều đó là sự thật thì sao? Cho dù trong đầu tôi tự nghĩ ra hàng ngàn; hàng vạn câu trả lời bào chữa, dù có cố tin rằng đó chỉ là một sự việc ngẫu nhiên, nhưng con tim của tôi vẫn đau đớn như đang bị ai bóp nghẹt. Thậm chí, chỉ bấy nhiêu thôi, những suy nghĩ quẩn quanh ấy đã khiến cho bản thân tôi có cảm giác giống như đang bước trên một đống than rực hồng.
“Thầy… Thầy ơi!”
Em lay gọi tôi. Đến lúc ấy, tôi mới giật mình bừng tỉnh. Tôi đứng bần thần, không nói, chẳng rằng chỉ nhìn trân trối vào khoảng không mù mịt.
“Có chuyện gì vậy ạ. Thầy không khỏe sao? Trán thầy nóng quá.”
Em đưa tay sờ lên trán tôi. Tôi vô thức gạt tay em ra. Sau đó tôi không còn đủ tỉnh táo để trả lời những câu hỏi của em và cứ như vậy lịm dần đi lúc nào không hay.
Khi tôi tỉnh dậy thì đã là buổi sáng của ngày hôm sau. Ánh trăng đã tan đi, thay vào đó là ánh mặt trời của buổi bình minh lấp ló.
Tôi giật mình khi thấy em đang nằm gục bên cạnh giường chăm sóc tôi. Gương mặt của em dịu dàng quá đỗi, nhưng cũng mỏng manh quá đỗi. Lúc ấy thực sự ở trong tôi đã dấy lên một cảm giác sợ hãi khôn cùng. Nỗi sợ hãi rằng mình sẽ vô tình gieo rắc những nỗi u sầu và vương vấn lên gương mặt thiên thần của em khiến cho lòng tôi đau nhói.
Em choàng tỉnh rồi vội vàng đặt tay lên trán tôi, ân cần:
“Thật may quá! Thầy đã hết sốt rồi.”
“Thực sự xin lỗi đã khiến cho em phải lo lắng.”
“Để em nấu cho thầy chút gì đó lót dạ. Sau đó em sẽ đến tiệm thuốc. Giờ thầy cảm thấy trong người thế nào ạ?”
“Em về nhà đi. Không cần phải ở lại đây đâu. Tôi không sao.”
Tôi bối rối nhìn em. Sự hỗn loạn trong con tim và lí trí của tôi vẫn đang dấy lên liên hồi. Cảm giác căng thẳng trong tâm trí khiến cho tôi hình dung ra được gương mặt của mình lúc này đang dần trở nên méo mó.
“Cả đêm em đã không về nhà rồi. Em sẽ khiến cho người nhà lo đấy.”
“Em đã gọi điện thoại xin phép ba của em rồi. Thầy đừng lo! Em không thể để thầy ở đây một mình được.”
Trong giọng nói của em chứng đựng một thái độ cương quyết khó lay chuyển.
Tôi đành phải lặng im nghe theo lời em. Chờ cho đến khi em đi khỏi, tôi mới mò mẫn vịn vào thành xe lăn. Tôi di chuyển xe đến bên cửa sổ, ngắm nhìn bóng dáng em đang khuất dần sau khung cửa.
Những điều hoài nghi chưa được làm sáng tỏ vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng tôi, chúng hối thúc tôi đi tìm một câu trả lời chính xác. Tôi khỏe lại hai ngày sau đó. Em vẫn đều đặn tới nhà thăm tôi. Nhưng câu chuyện về cái đêm hôm trước, hai chúng tôi không một ai nhắc lại. Dường như em cũng nhận ra được những thái độ lạ lùng nơi tôi.
Những ngày tiếp theo đó, tôi cố gắng tìm mọi cách để đi tìm lời giải. Lựa chọn một thời điểm thích hợp, tôi nhặt lấy vài sợi tóc của em để đem đi giám định. Chuỗi ngày chờ đợi kết quả đối với tôi kéo dài vô tận. Mỗi một giờ, một khắc, tôi đều nóng lòng trông mong. Tâm trí tôi giống như có một khối đá lớn đè nặng, ngày một lớn dần theo từng phút, từng giây. Mỗi một lần tiếng chuông điện thoại reo vang đều có thể khiến cho tôi lo sợ. Tôi sợ cái điều không như ý muốn. Và rồi, những thời khắc ấy… cuối cùng cũng đã tới!
Tôi đau khổ nhận lấy tờ kết quả xét nghiệm, vò nát nó ngay trong tích tắc. Rốt cuộc thì kết quả tồi tệ nhất ấy đã xảy ra. Tôi gào thét trong tuyệt vọng. Tại sao trong số hàng trăm, hàng ngàn người, người ấy lại là em của tôi. Tại sao số phận lại trêu đùa với tôi như vậy? Tôi không muốn hỏi về gia đình của em, kì thực chỉ vì trong lòng tôi vẫn luôn nhen nhóm một tia hi vọng, rằng điều ấy sẽ không thể xảy ra. Thế nhưng tại sao, tại sao người tôi thương yêu nhất trong cuộc đời này lại chính là em gái ruột của tôi? Đứa em gái mà bấy lâu nay tôi đã thất lạc.
Sự thật kinh khủng ấy, tôi đâu thể để cho em biết. Nó không chỉ làm xáo trộn cuộc sống yên bình của em mà còn có thể khiến cho em tổn thương sâu sắc khi em biết rằng em suýt nữa vướng vào một mối tình sai lầm và nghiệt ngã.
Kể từ thời khắc ấy, tôi giống như đang phát điên. Những ám ảnh tội lỗi đã giày vò tôi đau đớn. Tôi muốn kết thúc tất cả. Tôi lao đến cây đàn piano cất lên những âm thanh tuyệt vọng. Những giai điệu dữ dội như ánh trăng vỡ ra trên mặt nước cuồn cuộn sóng ấy giống như chính tiếng lòng tôi lúc này. Những trận cuồng phong gào thét giữa đất trời giông tố.
Lửa bùng lên khắp bốn phía căn phòng. Nóng bỏng. Dữ dội. Tôi mơ màng nửa tỉnh nửa mê. Và trong những phút giây cuối cùng trước khi hoàn toàn mất đi tri giác… Tôi đã thấy em… Một ánh trăng non xa vời, thăm thẳm...