Các làng quê Bắc Trung Nam đoạn tháng năm này đang xôn xao việc thay tuổi đổi tên, sáp nhập làng xã. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tới đây cả nước có 56 địa phương với 50 huyện và 1.243 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (nghe đâu còn sáp nhập cả cấp tỉnh/thành?). Chả là Nhà nước vừa đặt ra chính sách quy hoạch gọn cấp xã, với tiêu chí về diện tích, số dân cho xã mới, vì vậy đa số các xã ở nhiều vùng quê cần được sáp nhập lại. Mà đã sáp nhập đôi ba cơ sở xã cũ làm một thì tất phải chọn một tên gọi mới cho phù hợp, do vậy phần lớn các tên gọi xưa cũ bị xóa đi. Theo dư luận nhận xét tên xã mới phải ghép từ hai, ba chữ tên cũ thành ra những cái tên hay tên đẹp thì ít, mà khiên cưỡng, ngô nghê gây cười thì nhiều. Điều này thêm gợi niềm tiếc nhớ những tên quê cũ đã đi vào ký ức tình yêu của người quê bao đời!
Có cách làm khả thi hơn cho việc tìm tên mới khi sáp nhập làng xã không? Câu trả lời là có, chỉ cần khi chọn tên trước hết phải biết trọng văn hóa miền vùng, hiếu kính với tình cảm cha ông thì sẽ làm trọn.
Tôi xin lấy vài dẫn chứng các tên làng xã đã đổi cũ thay mới vừa diễn ra ở tỉnh Thái Bình quê tôi, và xin tư vấn cùng nhân dân, nhà chức trách các địa phương đôi phương án chọn tên mới cho làng xã, quận huyện trong diện sáp nhập.
*
Đông Hưng là huyện đợt 1 có nhiều các xã đã sáp nhập, thay tên mới bằng cách chọn từ mỗi xã một tên cũ rồi đem ghép lại. Thường phải từ hai đến ba xã dồn lại thì diện tích và dân số mới đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, do vậy các xã mới đã được tập thành tên gọi từ những cái tên ghép khá ngô nghê, thậm chí vô nghĩa, như: 3 xã Đô Lương, An Châu, Liên Giang ghép lại thành tên xã mới Liên An Đô; 3 xã Chương Dương, Hợp Tiến, Phong Châu thì được tên gọi xã Phong Dương Tiến; và 3 xã Đông Quang, Đông Xuân, Đông Động ghép lại thành ra Xuân Quang Động v.v.
Huyện Quỳnh Phụ có trường hợp thành lập xã mới trên cơ sở chiết tự từ 3 tên xã cũ, là Quỳnh Bảo, Quỳnh Trang, Quỳnh Xá để ghép nên một tên gọi mới, tuy không đến nỗi nghịch tai nhưng nó gây cười vì hệt tên trong phim cổ trang Tàu: Trang Bảo Xá.
Huyện Tiền Hải lại gặp trường hợp ghép/đổi tên mới không dây dưa tới tên gọi cũ, song nó lại gợi đến cách giải nghĩa khác, đó là tên xã Ái Quốc mới sáp nhập trên cơ sở nhập từ 2 xã Tây Phong và Tây Tiến. Tên xã mới này có hai cách đọc/hiểu. Một, chuyển nghĩa chữ Hán “ái quốc” sang chữ Việt là “yêu nước”. Hai, từ “ái quốc” gợi tới tên gọi chưa đầy đủ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Xét theo ý nghĩa thứ hai này cần được lưu ý rộng thêm. Không rõ từ bao giờ làng xã, phố phường, trường học ở nước ta cứ hồn nhiên đem cắt dán gán ghép không phải đạo với tên tuổi các danh nhân, và có thể nói còn vi phạm pháp luật nữa. Như trường hợp tên đường phố Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị), đường/xã Minh Khai (Nguyễn Thị Minh Khai), phường/xã Hồng Phong (Lê Hồng Phong)… Thử hỏi trong hồ sơ lý lịch công dân hiện nay lỡ ai đó ghi thiếu một chữ trong cụm từ tên đệm hay tên họ chẳng hạn, thì bộ hồ sơ lý lịch đó có được các cấp chính quyền chấp nhận không?
Trường hợp tại huyện Kiến Xương thay tên xã mới lại gợi tới việc trước và sau đều sử dụng danh từ chưa chuẩn xác, tương tự như trên vừa đề cập. Đó là việc sáp nhập 3 xã Đình Phùng, Nam Cao, Thượng Hiền đặt tên mới thành Thống Nhất. Phải chăng 3 tên gọi cũ đều là tên các danh nhân: Nam Cao (nhà văn Nam Cao?), Đình Phùng (nhà cách mạng Phan Đình Phùng?), Thượng Hiền (nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền?) Tên xã Thống Nhất dù là chữ có nghĩa, song khi đem đặt một cái tên khá chung chung như vậy thay cho các tên tuổi cụ thể của ba bậc danh nhân lịch sử cho thấy chữ “thống nhất” chưa tạo được ấn tượng tương xứng. Trường hợp này không gì chuẩn xác hơn là giữ lại một trong ba tên các danh nhân đó.
Nhìn sâu thêm vào lịch sử huyện Kiến Xương/Tiền Hải ở thế kỷ 20, làng nổi tiếng Trình Phố với 3 thôn Trình Nhất, Trình Nhì, Trình Trung, nơi sinh ra nhiều danh nhân, tiêu biểu là Bùi Viện, Ngô Quang Bích, Ngô Quang Đoan… (sau Cách mạng tháng Tám cũng đã có nhiều cán bộ cao cấp và tướng lĩnh là con dân của mảnh đất này), vậy mà năm 1946 làng cổ Trình Phố đã bị đổi tên thành xã An Ninh. Cùng tâm cảnh đó, nhìn sang bên các tỉnh bạn, thấy việc dồn xã thay tên vừa diễn ra ở Nghệ An, tại một xã giàu truyền thống là Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu. Dự định khi sáp nhập sẽ đặt tên thành xã Đôi Hậu, song tên này đưa lên mạng xã hội thì lập tức đã gây ra sóng gió dư luận chê cười phản đối. Nay nghe đâu huyện Quỳnh Lưu đã tìm tên khác là Quỳnh An thay cho tên Đôi Hậu… Hỏi có bao cái tên xã ngô nghê còn kịp thay đổi khi “bút chưa sa…” như tên “đôi hậu” ở huyện Quỳnh Lưu?
*
Việc dồn các làng xã, tiến tới cả các quận-huyện, tỉnh-thành cho gọn lại, nhằm làm tinh giảm bộ máy cán bộ, giảm việc xây dựng các trụ sở và nhiều việc chi tiêu lãng phí khác, là việc rất nên làm. Vấn đề đặt tên gọi mới cho các làng xã, quận-huyện, tỉnh-thành tuy không phải là việc quá quan trọng, nhưng lại là việc mang ý nghĩa liên quan đến tiểu sử của mỗi con dân, lịch sử cho cả một miền quê hương đất nước bao thời. Do vậy đây là việc mang ý nghĩa văn hóa, tình cảm, tinh thần cộng đồng dân tộc, rất cần phải được làm thấu đáo, cẩn trọng.
Việt Nam vốn là nước đi lên từ văn minh sông, văn hóa làng. Bởi vậy nói tới làng xã là nói tới cảnh sông nước, cánh đồng lúa, hình ảnh sân đình bến nước cây đa với bao huyền sử về dân tộc Lạc Hồng, cha Rồng mẹ Tiên... Trong thời điểm lịch sử này, khi đất nước làm cuộc chuyển đổi, sắp xếp lại các làng xã, quận huyện, tỉnh thành cho gọn, vậy sao không nhân đây thiết lập lại không gian văn hóa cổ sử, khơi dậy tình cảm dân tộc vô cùng thiêng quý trong lòng mỗi con dân, thông qua việc đặt lại các tên làng xã gợi tình cảm giống nòi, đó là các danh từ, tên gọi, ví như: tỉnh Văn Lang, thành Âu Lạc, quận Phong Châu, huyện Lạc Hồng, xã Lạc Việt, phường An Dân…; và tiếp nữa những cái tên: Lạc Dân, Lạc Điền, Lạc Hầu, Lạc Tướng, Âu Cơ, Âu Lâu, An Lạc, An Cư, An Bình, An Hòa, An Hiếu, An Thái, An Giang, An Vui, An Sơn, An Lâm, An Hải, An Hưng, Việt Hồng, Việt Tiến, Việt Tân, Việt Thái, Việt Hoa, Việt Chăm, Việt Chàm, Việt Mường, Việt Tày, Việt Ê Đê, Việt Bana, Việt Gia Rai, Việt Cơ Ho… rồi Trương Chi, Mỵ Nương, Thục Nương, Châu Phong, An Tiêm, Tiên Dung, Chử Đồng Tử… rồi Tốt Động, Ninh Kiều, Trà Lý, Trà Bồng, Trà Khúc, Hồng Hà, Cửu Long, Trường Sơn, Hoàng Liên Sơn, Thất Sơn… Còn vô vàn địa danh, tên sông tên núi, tên các trận chiến thắng trong suốt mấy nghìn năm chống giặc giữ nước. Toàn những tên hay, tên đẹp, thiêng liêng cao quý vô cùng!
Và xin lưu ý thêm: Đặt tên phố phường, trường học và làng xã xưa nay thường nghiêng về tên tuổi các danh nhân. Như đã rõ, danh nhân cũng có cấp độ, người nổi tiếng cấp quốc tế, quốc gia, người khiêm tốn hơn tên tuổi, công trạng ở cấp tỉnh-thành. Đặt tên cho phường-xã, quận-huyện nên chú trọng đến tên tuổi danh nhân sinh ở quê đó. Ví như với tỉnh Thái Bình có đôi điểm mang màu sắc văn hóa riêng, vốn là một vùng quê thuần nông, đánh bắt hải thủy sản, và là quê phát tích của nhà Trần. Vậy khi đặt tên cho làng xã, như trên đã nêu nên trở lại các tên gọi cổ sử thời Văn Lang - Lạc Việt, và nên dùng nhiều tên các vị vua, các danh tướng thời Trần, từ những tên tuổi lớn như Phật hoàng Trần Nhân Tông, thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, đến tên các bộ tướng mà sử sách còn ghi công trạng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… rồi nữa, tên các danh địa Long Hưng, Lỗ Giang, A Sào… Đặt cho phố phường, trường học, làng xã một cách hệ thống đầy đủ những cái tên gợi lại cả một triều đại hiển hách như vậy chẳng quý cho tình quê, tình người dân trong tình lịch sử nước non lắm sao!
Những cái tên phố phường, làng xã mang hồn thiêng sông núi ngàn năm, xin thêm lần được vang lên trong kỷ nguyên vươn mình chấn hưng non nước Lạc Hồng!
Di tích lịch sử cấp quốc gia từ đường Ngô Quang Bích, làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Quang Viện. |