Chuyên đề

Hóng gió, đợi xuân. ​​​​​​​Tản văn của Hiếu Trung Long

Hiếu Trung Long
Văn học địa phương
09:00 | 25/01/2025
Baovannghe.vn - Ngày tôi còn nhỏ, mong tết lắm. Cái dịp đặc biết ấy được coi như đích đến, cái mốc của những tháng ngày dài đằng đẵng.
aa

Ngoài ngõ, mấy đứa trẻ đang chơi đùa, trò chuyện về tết, vẻ hào hứng. Tôi thì không chút hào hứng, thấy toàn lo toan, đó có lẽ là cái khổ của người lớn. Ngày tôi còn nhỏ, mong tết lắm. Cái dịp đặc biết ấy được coi như đích đến, cái mốc của những tháng ngày dài đằng đẵng. Ngày xưa nhà nghèo, muốn mua gì bố mẹ thường hẹn bảo, đợi tết. Mọi mong ước cứ đồ dồn về phía tết. Tết còn được nghỉ học, quần áo mới, đi chơi, mừng tuổi. Cảm giác hào hứng, mong đợi một điều gì đó sắp đến làm cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Giờ lớn rồi, mọi thứ bỗng trở thành bình thường, tự nhiên. Tết cũng vậy, ta bình thản đón nó tới và tiễn nó đi. Những đứa trẻ kia lớn lên, cũng vậy.

Tôi đứng bần thần trước những tờ lịch, nhớ những dự định. Năm rồi, làm được gì đây? Bao nhiêu dự định, có ý thức hoặc vô thức thì cái sự “tổng kết” cái làm được chưa làm được của cả năm vẫn hiện về. Rồi cả những dự định cho năm tới. Thôi thì viết ra, để nhớ, để làm. Tết là cái hẹn sẽ đến, nó luôn ở đó thôi năm nào cũng vậy, chỉ có điều bạn đến cái hẹn khi mình đã thêm một tuổi và già đi một chút. Hoàn thành những dự định trong năm thì coi như có “quà” mang theo. Có “quà” bên mình, tự nhiên mấy ngày tết vui hơn, còn không thì thấy thiêu thiếu, thấy nợ gì đó, ai đó mà chưa trả, vậy thôi.

Tôi nhìn ra ngoài đường, xe cộ vun vút. Mới sáng nay cách nhà tôi một đoạn có vụ va chạm giao thông. Ai cũng vội, không ai nhường ai thế là va chạm. Mọi thứ cứ đổ về tết, cả cái cảm giác rằng đang cuối năm, sắp tết làm mọi người vội vã hơn và rồi đi xe cũng nhanh hơn. Câu cửa miệng quen thuộc của những bà mẹ, “cuối năm đi đường cho cẩn thận”, chẳng bao giờ thừa.

Em mệt nhoài với những công việc như từ trên trời, rơi xuống. Việc sinh ra việc, toàn không tên. Giáp tết năm nào cũng bận, em cằn nhằn bảo ra chợ mua đồ, nhanh tối còn đi thăm người này, hỏi người kia. Đã thành lệ, tết thì phải sắm đủ thứ, cho đẹp cho ngon. Năm có mấy ngày tết, làm cho tươm tất. Thôi thì cố, tết mà. Tết thành cái lý do, cái cớ vin vào, đổi vạ.

Chị hàng xóm mang sang mấy tấm bánh chưng, đặt mua. Ngày xưa, nhà gói cả nồi to gần ba chục tấm ăn qua rằm, giờ chỉ vài tấm thắp hương, gọi là có. Tiện thể bà chị ngồi tỉ tê nói xấu chồng, nói chồng ngày tết chỉ đàn đúm không ở nhà đỡ đần vợ. Cái đặc quyền nói xấu chồng của chị, ai động vào, chị té tát. Nên chị nói xấu thì hàng xóm phải khen, để bù. Mấy năm trước chị ngoài ba mươi bị mọi người gọi là ế, cứ gặp mọi người lại hỏi thăm chuyện chồng con. Chị chỉ cười trừ, thêm một tuổi đuổi cái xuân thằng em hàng xóm còn trêu, “người gì mà nhìn thôi đã thấy ế”. Kích đủ kiểu, bà chị vẫn kén. Tết vừa rồi chị dẫn bạn trai về, anh chàng to cao đứng cạnh bà chị. Chị lườm thằng em, hất cầm, oai. Thằm em lè lưỡi. Chị nhõng nhẽo với anh chàng, tay chỉ thằng em, “nó toàn bắt nạt em, anh xử nó đi”. Anh bạn trai lừ mắt, thằng bé cười hì hì, chuồn lẹ. Giờ bà chị nháy mắt khen thằng em ngoan, ở nhà giúp vợ việc nhà. Mà bà chị ngồi ghế nghiêm chỉnh, có khi tới chiều. Tôi nhìn em ngồi buôn chuyện, cười vui vẻ với hàng xóm thì bỗng buồn. Chồng nghèo thì vợ khổ, chẳng mấy khi thấy vợ vui. Lấy chồng thành ôm lo, ôm sầu, ôm vất vả vào thân. Tết năm nay em cũng không sắm quần áo mới.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Bố tôi đang chuẩn bị mâm ngũ quả trong nhà. Tết với ông luôn là việc nghiêm túc, đặc biệt là chuyện hương khói. Các nghi lễ tổ tiên trong mấy ngày này được ông chăm chút, tỉ mỉ, năm nào cũng như năm nào. Trong gia đình, ai đó giữ cái tết đúng là tết, gia đình đúng là gia đình thì chỉ có thể là người cha. Tết năm ngoái, cả nhà ngồi ăn cơm nhưng toàn nói chuyện công việc rồi chuyện “ngoài kia”, toàn không vui. Mỗi người một quan điểm, cách nghĩ, rồi to tiếng, cãi cọ. Ông đặt chén rượu xuống mâm, quát lớn, ngày tết đứa vào mang “rác” vào nhà tao đá đít. Mặt ông hằm hằm, nhìn từng đứa. Mấy đứa nhớ tới cái mông ngày nhỏ, sợ, từ đó bữa cơm gia đình chỉ chuyện gia đình và dòng họ.

Tôi nhìn quanh, thấy trống vắng, chưa thấy tết đâu. Chỉ toàn những bận bịu, lo toan. Ngày tết lòng mình phải thanh thản, bình yên bên những người thân yêu. Chưa bình yên, chưa sạch bụi bặm, chưa thể đón tết. Tôi muốn dành cho mình một khoảng lặng, để tìm. Tôi lang thang ra ngoài đường, vòng quanh khu phố, đi mãi.

Vòng vèo một lúc tôi đã thấy mình đứng trên con đường cắt ngang cánh đồng. Con đường bụi bặm, đông xe máy ô tô. Ngày tôi còn nhỏ, sáng mùng một tết là cả nhà đạp xe qua con đường này vào trong làng chúc tết hai bên nội ngoại. Đường ngày ấy nhỏ, vắng, chỉ toàn xe đạp. Ngày ấy, con đường cảm giác dài lắm, đi mãi mới vào làng. Gió lạnh thổi qua đồng cứ ào ạt, lạnh buốt. Những chiếc xe đạp kẽo kẹt, ngả nghiêng bởi gió. Những tiếng cười đùa, tiếng chúc tết rôm rả trên đường. Những gương mặt tươi vui trong những con gió lạnh.

Đã chiều, vẫn còn nhiều những cái nón, cái lưng nhấp nhô trên đồng. Nhớ ngày xưa còn nhỏ, những ngày rét cóng mẹ đi cấy về với đôi tay đen thẫm, rúm ró, run cầm cập. Mẹ đưa tay sát vào bếp lửa nhìn con cười, ngọn lửa như đang liếm bàn tay mẹ. Tay mẹ có thể cầm, bóc củ khoan nướng mà cứ như không. Lớn lên đi cấy lúa cùng mẹ, lần đầu thọc tay xuống nước bùn lạnh, giật thót. Mắt nhìn mẹ, tay không nhấc lên.

Em gọi điện hỏi, đi đâu giờ chưa về. Tôi bảo, ở giữa cánh đồng bảo em mang xe ra đón. Em phóng xe tới, gắt gỏng, nhà bao việc dở hơi ra đồng hóng gió. Tôi cười, chỉ tay bắt em tới ngồi cùng. Em vùng vằng nhưng vẫn xuống xe, ra ngồi cạnh. Tôi bảo, sắp tết rồi, từ từ thôi. Tết nhà mình làm đơn giản, nhiều thủ tục này nọ kia, phiền phức. Anh chỉ muốn mình ở bên nhau, bên mọi người, vậy là đủ.

Cơn gió lạnh lướt qua, sởn da gà. Cái lạnh làm thức tỉnh da thịt. Em bảo, ngày xưa hai đứa yêu nhau hay ra đồng ngồi hóng gió. Tôi bảo, hai đứa dở hơi. Em cười, đầu tựa vai tôi.

Mùi cánh đồng, mùi mạ non phảng phất trong gió lạnh. Cái cảm giác của tết, rằng đang tết. Cảm giác của mùa xuân, sự sống.

Nguồn: Văn nghệ Điện Biên số 1+2/2024

Miền đất mới. Truyện ngắn của Phụng Thiên

Miền đất mới. Truyện ngắn của Phụng Thiên

Baovannghe.vn - Khi vừa đặt chân xuống đất, tôi cảm thấy hơi lo lắng.
Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Baovannghe.vn- Tĩnh lặng - Tĩnh tại - Tĩnh không/ tĩnh mong cảm cõi mênh mông sâu dày
Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Baovannghe.vn- Vừa nhỏ nhoi hạt giống/ đã mọc thành mầm cây
Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Cứ như người khổng lồ/ Đi đôi chân cà kheo
Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Baovannghe.vn - Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018