Sáng tác

Phép màu của ngựa. Truyện ngắn của Marina Tsvetayeva

Bích Đào dịch
Văn học nước ngoài
10:00 | 10/08/2024
Baovannghe.vn - Anh ta yêu cô, và bởi anh ta không có gì khác để trao cho cô ngoài chức chính ủy, anh đã phong cho cô làm Chính ủy của Rạp xiếc.
aa

Bởi vì cô đẹp và ngốc – và cô trở nên ngốc hơn khi xinh đẹp và xinh đẹp hơn khi khờ khạo – và bởi anh ta yêu cô, và bởi anh ta không có gì khác để trao cho cô ngoài chức chính ủy, anh đã phong cho cô làm Chính ủy của Rạp xiếc.

Vậy là, Nina xinh đẹp bắt đầu chủ trì các cuộc họp thường lệ cũng như bất thường, ẵm theo đứa trẻ xinh xắn của cô. Khi cô phải phát biểu, cô đưa đứa bé cho người ngồi bên tay phải – nhân vật “anh ta” vừa kể đến ở đoạn trên – hoặc đưa cho người ngồi phía bên trái (bên phía tim của cô) – một kỵ sĩ người Hungary có quyền thế chỉ bằng một nửa người ngồi phía bên phải nhưng tuổi đời, điều này cần phải nói là một ưu thế của anh, mới bằng một nửa người kia. Đứa trẻ thích người sau hơn, bởi kỵ sĩ này không có râu. Nhưng đứa trẻ cũng thích người đàn ông toàn năng vì một vật lấp lánh nhất định nhảy múa giữa đôi mắt cận thị, đáng tin cậy của anh ta, vật đó được gọi là “pince-nez”1 ở đất nước tôi. Đứa trẻ véo mũi của Chính ủy và giật lọn tóc xoăn xinh đẹp của kỵ sĩ người Hungari. Thế là đứa bé thông minh này đã có hai trò tiêu khiển với cả hai bảo mẫu nam giới.

Phép màu của ngựa.  Truyện ngắn của Marina Tsvetayeva
Tranh minh họa. Nguồn Internet

Nhưng trong lúc việc đó diễn ra, thì chồng cô gái đang làm gì? Đúng vậy, có cả một người chồng trong câu chuyện này. Người chồng đang ở nơi khác, ở đầu kia thành phố trên bãi cỏ trước mặt dinh thự cũ của cựu Bá tước Sollogubov, nay là “Cung Nghệ thuật,” nơi anh này đang làm thơ, hay chính xác hơn – đang suy ngẫm về việc viết thơ – vào một thời điểm nào đấy, khi anh có thời gian, cảm hứng và các thứ, tóm lại là: vào một ngày đẹp trời khi “tất cả chuyện này kết thúc”. Nhưng không có kết thúc nào cho “tất cả chuyện này”, và anh đã đúng khi ra chỗ khác chơi, ở đầu kia thành phố, vì cái đứa bé ấy, bận nghịch chiếc kính kẹp mũi và lọn tóc, không có thừa tay hay hứng thú gì với bộ râu đỏ của chồng Nina. Anh, chồng của Nina, có một bộ râu màu đỏ dài vô tận và vô nghĩa (bởi mọi bộ râu đều vô nghĩa), một bộ râu anh nuôi như Chúa cho cỏ mọc, nhưng – bộ râu đó – mọc nhanh hơn và dài hơn cỏ. Và cứ như thế, màu đỏ đỏ hơn trên nền xanh, như ngọn lửa trên ngọc lục bảo, bộ râu trên nền cỏ: chồng Nina nằm mơ. Anh mơ màng và tu rượu cả chai.

Cuộc cách mạng đã làm vỡ tất cả ly cốc và giai đoạn Phục hồi, người giảng hòa và người sửa chữa vĩ đại, vẫn chưa đến, nên anh thực đã uống rượu “tu cả chai”, như một đứa trẻ uống sữa và cũng tham lam như vậy – thực ra, thậm chí còn vội vã hơn. Hẳn là bộ râu làm anh ấy khát. Khi anh nhận ra cái chai đã rỗng, Barbarossa2, người con trai thực thụ của một thương gia Nga, bối rối vì tầm nhìn trống rỗng của cái chai và thấy hối hận vì mình đã dốc sạch, và anh bắt đầu thì thầm cầu nguyện. Cầu nguyện gì? Cầu nguyện cho tất cả. Kể cả cho sự yên nghỉ của linh hồn. Nếu trời quá nóng, anh sẽ qua một cánh cửa nhỏ đi vào nhà nguyện cũ của gia đình cựu Bá tước Sollogubov, nơi nay trở thành Bảo tàng các Giáo phái, nơi anh làm giám đốc và cũng là vị khách duy nhất, và tự làm mình bận bịu hàng tiếng đồng hồ với các biểu tượng và thánh giá đủ mọi kích cỡ.

Tối đến thì Barbarossa đổi tấm thảm cỏ xanh và ánh nắng mặt trời lấy một chiếc ghế bình thường với chỉ một ngọn nến, và, ngồi vào bàn trước một chai rượu sẽ đầy lên ngay khi vừa cạn và cạn đi ngay khi vừa đầy, anh sẽ kể cho bất cứ ai lắng nghe mình một câu chuyện không đổi, câu chuyện duy nhất trong cuộc đời anh: anh đã bắt cóc nàng Nina xinh đẹp như thế nào.

“Ở Crimea, các vị biết đấy, bạn của tôi ơi, màn đêm đen đến mức nào. Vậy nên không một giọt nào nhìn thấy được (“ừng ực” và nuốt). Và những con đường, các vị biết đấy, đều dẫn xuống dưới (mực chất lỏng trong chai cũng hạ xuống) …đương nhiên, có những con đường đi lên, nhưng khi đó bạn sẽ thấy mình trên đỉnh núi, và ở đó chẳng có gì cả - không gì ngoại trừ một đỉnh núi đáng sợ, hoàn toàn trống trải, với một con đại bàng sẽ mổ mắt bạn ra. Vậy nên có vẻ như chúng ta phải chọn những con đường đi xuống dưới, bởi ta đã quyết đi đến… Chà, giờ thì tôi cũng không nhớ đến đâu nữa. Dù sao thì, chúng tôi đã quyết định đi đến nơi người ta có thể rời đi, xem như là tôi đã bắt cóc cô ấy. Aha! Tôi phát hiện ra là những con đường đi xuống – thấy tôi sắp nói đến nơi nào chứ? – dẫn ra biển và những con đường đi lên – thấy chưa? – dẫn vào núi. Và bởi chúng tôi đã sớm quyết định sẽ đi phà – thấy không? – đương nhiên ta cần nước… nhưng người lái xe đã rất say… rất rất say. Chiếc xe phóng đi… Nina đang ở bên trong… và Nina phóng đi vì cô ấy đã bỏ rơi cha mẹ cô ấy vì tôi (những cảm xúc dịu dàng; một tiếng “ừng ực” kéo dài). Vậy nên chiếc xe lao đi với Nina, người lao đi bên trong xe… Các vị không tin nổi xe đã đi nhanh thế nào đâu, cái chiếc xe ấy! Đêm tối đen, những ngả đường tỏa ra mọi hướng, bánh xe trượt dài, tài xế thì say, say như đêm đen vậy!”.

Chiếc xe càng lao nhanh trong câu chuyện, người kể chuyện càng chậm lại; câu chuyện càng nhanh, người kể chuyện càng giản lược nó.

“Thấy chưa, Nina ở bên trong…tài xế - say. Màn đêm – đen… Những ổ gà. Đục thủng… vận tốc của chiếc xe…nó lao đi… chiếc xe ở vận tốc tối---(“---đa.” Mồm anh ấy mở ra khi ở âm tiết cuối, người kể chuyện lăn ra ngủ.)

Vào lúc ấy, Nina, mặc bộ trang phục đẹp của mình, như một vị thần, đặt một bàn tay, xòe rộng những nhẫn, trên hai bàn tay của người quyền thế và bàn tay kia của cô ném một bông hoa đỏ qua lan can màu đỏ ở lô của cô trong nhà hát xuống cho kị sĩ người Hungary, người một lần nữa đang đắm chìm trong vinh quang, hoa, những nụ cười và mồ hôi.

Đứa bé thông minh nằm sâu phía bên trong lô và ngủ.

*

Mỗi sáng dân thường chúng tôi, những người trôi dạt đến khu từng là của giới quý tộc này, say sưa nhìn Nina, giống như mặt trời mọc, lướt đi giữa hai hàng cây bằng lăng cổ thụ trong một chiếc xe độc mã màu vàng trên hai bánh xe khổng lồ xoay vòng như hai mặt trời, được kéo bởi hai con ngựa cũng màu vàng.

Một nhà thơ sẽ nói: nàng Aurora(3) trên xe ngựa.

Chúng tôi đều nói, “Trông ngài Chính ủy của Rạp xiếc kìa.” Hoặc “Xem kìa - vợ của Barbarossa.” Mọi người, dù là nhà thơ hay không, đều bày tỏ một suy nghĩ ẩn sâu: “Quả là một người may mắn! Ở thời đại này, một người phụ nữ có tận mười chân…”

Chúng tôi không ghen tị bởi chúng tôi là người Scythia - hay người Sarmatia - hoặc người Slav (tù nhân, người Tatars, những kẻ man rợ) – nói ngắn gọn, vì chúng tôi là người Nga, chúng tôi không ghen tị và có thể tận hưởng vẻ đẹp lướt qua mình.

(Tôi sẽ làm gì, tôi cái người đã dựng lên quang cảnh này, làm gì nơi căn phòng xép thi sĩ của tôi với hai con ngựa màu vàng, đôi bánh xe – cũng vàng nốt – một ông chồng có bộ râu đỏ, một chính ủy đeo kính kẹp mũi, một kỵ sĩ người Hung tóc đỏ, và với đứa bé ai biết được là con của ai? Không đâu nhé. Tôi chẳng đánh đổi gì hết. Với mỗi thứ của mỗi người bọn họ!)

Cứ như vậy, mỗi buổi sáng con phố Povarskaya biến thành bầu trời của những kẻ ngoại đạo và Nina trở thành Aurora.

Nhưng cũng mỗi sáng, trên cùng con phố đó, trong một nhà thờ tròn, lớn, đẹp đẽ và rất cổ, màu trắng dành riêng cho hai anh em hoàng tử tuẫn đạo Boris và Gleb, một linh mục già cứng đầu đọc bài kinh nguyện buổi sáng.

Và cũng mỗi sáng, Hồng quân đáp lại mục vụ nhà thờ ngay trước cửa nhà thờ màu trắng bằng một cuộc diễu binh.

Một sáng Chủ Nhật tháng Năm đầy nắng. Tất cả những người Moscow đói khát tràn ra đường, tận hưởng mùi hương của cây bồ đề, uống lấy sắc xanh và đặc biệt – thấm đẫm âm nhạc, thứ âm nhạc của trung đoàn luôn êm dịu, hệt như cảnh một con ngựa đẹp hoặc hai con ngựa đẹp, đặc biệt là ngựa màu vàng, đặc biệt là được điều khiển bởi nếu không phải là bàn tay tài hoa của người đàn ông cầm dây cương, thì ít nhất là bàn tay của người phụ nữ được bảo vệ bởi người đàn ông đó.

Nhưng chuyện gì đang xảy ra với hai chú ngựa vàng của chúng ta hôm nay vậy? Có phải chúng đã bị đốt cháy bởi lửa từ bộ râu của Barborossa rồi không? Hay những yêu tinh trong cây bồ đề đã làm chúng rối trí rồi? Thay vì dừng lại ở Cung Nghệ thuật cạnh chiếc xe đã chờ sẵn ở đó để người toàn năng có thể tiến hành chuyến thăm buổi sáng của anh ta, chúng phi nước đại tới Quảng trường Kudrino, nơi mà, chúng bất kham hơn, chạy vòng quanh, vòng quanh quảng trường, không quan tâm đến tiếng hét xé lòng của Nina hay tuân theo dây cương trong tay cô, đang yếu đi mau chóng.

Quay tròn, quay tròn, những con ngựa gỗ! Nhưng lũ ngựa này không làm bằng gỗ, và chúng đáng nhẽ phải chạy thẳng. Nhưng…lẽ nào chúng đã phát điên? Chúng quay cuồng như trong điệu nhảy những tu sĩ dòng thần bí đạo Hồi, quay cổ, tung những bờm màu hạt dẻ trên các tấm lát đá cuội cũ của quảng trường cổ, không thương tiếc gì thùng xe hay người cầm cương, người đang đứng trên đôi chân cứng đơ với đôi tay run rẩy và tóc bay hoang dại hơn cả bờm những con ngựa.

Kết cục sẽ không tốt đẹp gì đâu! Trở thành Chính ủy của Rạp xiếc, ném hoa cho kỵ sĩ người Hungary, cho đứa trẻ có thể cũng là người Hungary bú – không biến cô ấy thành người Hungary hay thành một kỵ sĩ.

Một nhà thơ từ Cung Nghệ thuật hét lớn: “Là cuộc đua từ địa ngục!” Một nghệ sĩ cũng từ Cung đọc “Phaeton.” Những người khác, như dân mọi nơi khác thường làm, theo dõi và không làm gì ngoài việc bàn tán: “Đây chính là kết thúc của Nina. Kẻ toàn năng đang chứng kiến sự bất lực của chính mình…Kỵ sĩ người Hungaray chứng kiến sự vắng mặt của hắn…” Đột nhiên một tiếng hét vang lên: “Barbarossa!”

Đúng, Barbarossa, Râu Đỏ, đích thực đã đứng dậy từ hầm mộ cỏ của anh, Barbarossa bằng xương bằng thịt, chạy ra và nhảy lên như một con kangaroo, tay cầm một cây thánh giá khổng lồ bằng bạc. Anh ta giữ nó ngay trước mũi những con ngựa, lắc nó về phía chúng. Lũ ngựa đột ngột dừng lại, bởi chúng là ngựa và chúng có thể dừng đột ngột. Nhưng chừng đó chưa hết. Chúng quỳ xuống. Đúng, cả hai con ngựa – và chúng làm điều đó thật duyên dáng, giống như con người vậy. Và chừng đó vẫn chưa hết. Chúng cúi đầu. Chúng cúi đầu đầy trang nghiêm, giống con người, khi Chính ủy và Barbarossa nắm lấy Aurora, người đang khóc nức nở nhưng đã nở một nụ cười, vào vòng tay chung, hay đúng hơn là, hai bàn tay riêng biệt của bọn họ.

Và về phía mọi người, về phía chúng tôi – những người không biết đến tị nạnh, những người không biết đến mỉa mai – về phía mọi người chỉ có những lời cảm thán: “Đó là một phép màu! Làm sao có thể nói rằng Chúa không tồn tại, nếu ngay cả ngựa cũng tin vào Ngài?”

Bị cuốn vào sức nóng của các sự kiện, hay nói đúng hơn, là kết quả của sức nóng đó, tôi quên nói rằng khi cuộc đua ngựa kết thúc cũng là lúc âm nhạc kết thúc - cuộc diễu hành theo nghi lễ hàng ngày từ trước đây trong quá khứ gần khi mà chúng chỉ là những con ngựa xiếc đơn giản không cần phải kéo cỗ xe với sự điều khiển của Chính ủy.

Nhưng nếu trong quá khứ những cái cúi đầu của chúng là dành cho khán giả, thì chẳng lẽ những cái cúi đầu của chúng bây giờ - nếu xét trong trường hợp bất thường này – chẳng phải là dành cho Đức Chúa sao?

Và vì những con ngựa vẫn tiếp tục cúi đầu, chúng tôi đã vỗ tay.

Bích Đào dịch, theo bản tiếng Anh của Michele A.Berdy | Báo Văn nghệ

1 Kính kẹp mũi (- người dịch chú)

2 Râu Đỏ

3 Rạng Đông

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Hoa đèn trang giấy - Truyện ngắn của nhà văn Chu Văn Hoa trạng nguyên - Truyện ngắn của Vũ Hải Sơn Huyền thoại - truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ I am đàn bà - Truyện ngắn của nhà văn Y Ban
Bão - Thơ Tế Hanh

Bão - Thơ Tế Hanh

Baovannghe.vn- Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã.
Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Baovannghe.vn- Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao.
Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Baovannghe.vn - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Baovannghe.vn - Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác kiểm tra phòng, chống lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang