Sáng tác

Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương

Bùi Việt Phương
Truyện
09:00 | 30/07/2024
Baovannghe.vn - Tôi lóp ngóp leo lên cái tủ đứng, lục được cuốn sổ có mấy chữ ghi trên bìa: Nhật kí cuộc đời. Khi tôi định mở bên trong ra xem thì ngay lập tức bị túm áo lôi xuống, cha quất cho ba roi vào mông tôi.
aa

Đau thì ít mà thấy hẫng hụt thì nhiều. Sao cha tôi cứ giữ khư khư cuốn sổ đó. Trong khi tôi suốt ngày phải viết trên giấy đen, được khâu gáy bằng chỉ xộc xệch. Người lớn hay im lặng, trong khi trẻ con muốn có thật nhiều câu trả lời.

Đầu xuân, cha tôi dậy sớm phát một vạt đất trên đồi rồi bỏ không chả gieo hạt gì. Tôi không dám hỏi, cha tôi ngồi đốt thuốc im lặng nhìn mưa mùa hạ tưới tắm cho lũ cỏ dại mọc lại trên vạt đấy ấy. Mẹ tôi bảo: Lúc “không được như bình thường” cha mày hay như thế.

Từ bé tôi đã biết cha tôi đâu có bình thường. Trở về sau chiến tranh, dù làm ở Phòng Nông nghiệp huyện nhưng hình như tâm trí ông chẳng để vào chuyện lúa má, ngô khoai. Mẹ giục từ sáng thì đêm trăng sáng ông mới ra ruộng tháo nước đổ ải. Thóc nhà người ta phơi đầy sân thì ông mới uể oải xách liềm đi gặt. Thành ra nhà tôi quanh năm thiếu đói. Lúc làng khấm khá lên, nhiều người có xe đạp phượng hoàng xích hộp, có ti vi đen trắng 14 inch để xem bóng đá, nhà tôi vẫn còn đi vay gạo.

Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương
Cuốn sổ trắng - Minh họa của Đặng Tiến

Thế mà năm tôi lên cấp II, ra thị trấn học thấy người ta nể cha tôi lắm. Bỏ lại đàn lợn kêu như xé ruột vì đói, đàn gà ăn sỏi ở nhà, cha tôi mặc áo trắng, quần đen, đi dép tổ ong lên bục nói chuyện chiến trường có cả trăm người nghe trong cái hội trường nóng nực. Cha tôi kể đến đâu, người ta lặng đi đến đó. Có một cô lấy khăn tay ra lau giọt lệ đang ứa ra ở khóe mắt. Lần đầu thấy một người đàn bà nghe kể chuyện mà cũng khóc. Hình như cô này nghe nhiều lần lắm, hễ biết cha tôi nói chuyện với đơn vị nào cô cũng đến nghe. Nghe lại một lần khóc lại một lần, nghe lại hai lần khóc lại lần hai, chả biết cô ấy làm nghề gì để mà sống.

Cha tôi không bình thường vì ngày đó chả nhà nào thức quá mười giờ đêm. Đứa nào nhà khá giả lắm mới có đèn dầu thức khuya học bài. Muốn thế, cha mẹ nó cắn răng “đầu tư cho tương lai” bằng cái bấc mua ở cửa hàng mậu dịch trắng muốt. Thế mà đêm nào cha tôi cũng viết, viết bằng dầu bác Hưng sẻ cho và bấc đèn chả biết ông kiếm ở đâu. Viết nhiều là thế nhưng sáng ra chả ai được thấy chữ nào, ông đã ngâm tất cả những trang viết ấy vào nước vôi trong. Đêm đêm, cha tôi viết vội như sợ ai cướp mất chữ, tiếng bút chì cào trên mặt giấy như mèo cào móng, như gươm giáo giao tranh. Mẹ tôi nằm thở dài nói vọng ra từ buồng ngủ:

- Hôm qua quên một tờ chưa ngâm vôi đấy. Viết tên cô Thoa ít thôi.

Chị Ánh con bác tôi bảo đàn ông có vợ rồi mà nhắc đến cô nào thì cô ấy là yêu tinh. Yêu tinh thì chỉ có bắt trẻ con, hút máu, nuốt chửng cóc, nhái… nhắc đến đã thấy dạ dày nhảy ngược lên mà ói ra những thứ cảm xúc kinh tởm. Tình cờ biết cô Thoa hay giặt áo bên suối Ngà, tôi rình. Khi cô cúi xuống, ngực trắng ngần như quả trứng gà chín vừa bóc vỏ. Thoáng sau phút rùng mình, tôi như người bị bóng đè, nhưng với một đứa trẻ lòng căm giận là sức mạnh quật khởi, tôi giương súng cao su, viên sỏi bay vèo, may mà tôi bắn kém, viên đạn căm hờn chỉ sượt qua chứ không đã phá nát mắt cô. Người đàn bà ôm mặt, máu nhỏ xuống. Một tay quệt máu, một tay vò áo, hết giọt máu này đến giọt máu khác lại nhỏ xuống đôi mắt đẹp như tố nữ trong tranh. Cô đành lấy cái khăn băng đầu lại. Máu vẫn rỉ ra ướt đẫm hình đôi chim bồ câu được thêu rất đẹp. Không hiểu sao tôi đã thấy đôi chim câu chết từ phút ấy…

Hôm ấy về dẫu chẳng ai hay nhưng tôi như người bị sốt. Sốt vì cảm giác bắn trộm một người lớn hay vì khoảng ngực trắng mịn đó nhỉ? Chỉ biết lòng tôi không thể nào yên ả lại được nữa. Sau này cứ nhìn thấy cô là ở chỗ sau thắt lưng tôi cứ thắt lại, người như thiếu oxy, dù căm giận cũng không thể giương đôi mắt gườm gườm nhìn cô như trước. Bác Hưng, con ông Trung, Trưởng phòng Văn hóa huyện sang nhà. Cha tôi pha trà vụn, nước lờ đờ xanh, giọng bác gằn từng tiếng:

- Chú sửa ngay, sửa ngay kịch bản. Cái nhà cô Thoa mặt mũi như thế, diễn thế đếch nào được vai nữ chính.

Cha tôi tuổi Hợi, tướng mạo “bạch diện thư sinh” nhưng cầm tinh con cua bò ngang:

- Sửa là sửa thế nào bác. Nghệ thuật đâu phải là cái cán cuốc cố đẽo cho vừa tay…

- Ơ hay, chú tưởng cả cái huyện này mình chú làm nghệ thuật mà coi thường dân cầm cuốc, cầm cày chúng tôi phỏng? Sửa, nhất định phải sửa. Chú có còn là cán bộ nhà nước, là tiên phong gương mẫu nữa không?

Lúc ấy, tôi đang cầm cái bẫy chim của anh Khỏa nhà bác Hưng cho mượn. Lúc trưa, trót tháo ra nghịch, ai ngờ khi lắp lại cái bẫy lại rối rắm đến thế nên đầu óc chả chịu nổi cuộc cãi vã ấy nữa. Tôi cầm bẫy chạy ra sân ngồi dưới giàn thiên lý mẹ trồng. Lúc ra về, bác Hưng mặt đỏ vằn, ngoái lại chỉ tay về phía gian chính nhà tôi:

- Mày đừng tự cao tự đại, chẳng qua mày là con ông Nghĩa một đời hiển hách. Không phải em họ tao, tao cho mày xuống bùn ăn phân cá trắm…

Tôi sợ nhưng vẫn không quên lí nhí chào bác. Bác Hưng nhanh chóng nhận ra mấy sợi lông chim rớt lại trong cái bẫy. Bác cầm lên, ngửi ngửi như con Mực nhà tôi thường đánh hơi rồi hằm hằm chạy về nhà. Tôi đâm lo định chạy sang thì lát sau đã nghe thấy tiếng anh Khỏa khóc ré lên bởi cái roi tre vun vút. Anh Khỏa chạy ra vườn rồi nhảy tùm xuống ao bơi ra mương nước. Bác Hưng tay cầm roi, chân khập khiễng, miệng kể lể cái tội chúng mày dám bẫy con sáo biết nói tiếng người nhà ông chủ tịch huyện.

Tôi sống trong mớ bòng bong tội nợ đó cho đến ngày đi thoát li rồi thành một nhà văn, trở về quê. Cái làng của tôi lúc này đã sáp nhập vào thành một tiểu khu của thị trấn. Nhiều người đã “ra đồng” trong đó có mẹ tôi, nhiều đứa trẻ trâu phun phún râu cằm, suối Ngà đã vợi đi, giàn thiên lý đã xiêu vẹo vì vắng bàn tay mẹ.

Đội văn nghệ huyện vẫn diễn vở Trước giờ nổ súng cũ mèm mà cha tôi soạn. Những người diễn kịch giọng như sợi dây đã dão vì tuổi tác, họ cứ thế mà nói, mà quát, mà khóc mà cười, những vết nhăn giăng đầy trên mặt. Tôi đứng xem lẫn trong đám đông như hồi thơ bé mà căng mắt không thấy cô Thoa đâu. Cái đứa con gái diễn vai nữ chính thay cô bây giờ môi mỏng, cằm nhọn, ngực lép, giọng chua đến là chán.

Tôi bỏ ra ngoài, ghé một hàng nước đơn sơ lợp bằng mấy tấm ngói nhựa, vu vơ gọi một ly trà đá, thứ nước phổ thông thời kinh tế thị trường. Người đưa cốc nước cho tôi tay run run làm nước rớt lên cả mặt bàn. Cô có vẻ lúng túng định lấy cái khăn lau nhưng tôi xua tay. Nhưng, gì thế này, tôi không tin vào mắt mình, đôi chim bồ câu nhuốm máu đào hôm nào giờ vàng khè bởi thứ chè bồm đun lẫn với búp lá bàng. Cô Thoa đấy ư, sao cô gầy gò, nhăn nheo như một quả vải khô. Chắc cô không nhận ra tôi nên luôn miệng gọi tôi là anh, luôn miệng xin lỗi. Chỉ có điều, tôi thấy đuôi mắt cô hình như lệ đã cạn như con sông chết. Từ nhà văn hóa thôn, bóng bác Hưng chống gậy dò dẫm ra về. Từ lúc nghỉ hưu, cái chân bác lại đau thêm, người gầy rộc đi, mắt sâu hoắm.

Không hiểu sao tôi cứ mơ hồ một điều hình như giữa mấy người ấy có chuyện gì mà mình chưa tỏ.

- Cháu là con bố Lễ.

- Lễ Hạnh bán gà vịt giống, Lễ Trâm sửa xe hay vợ chồng Lễ Thủy có cái xe công nông?

- Lễ con ông Nghĩa đó cô.

Cô Thoa như chết đứng nhìn tôi, hai mắt đờ đẫn. Khi cô chưa biết phải nói gì thì tôi đã tìm ra chiếc chìa khóa của quá khứ. Có thể mũi tên đi lệch hướng nhưng nếu tên không bay sao biết gió thổi mạnh.

- Cháu đã được đọc cuốn sổ của cha cháu viết. Nhiều trang có nhắc đến tên cô…

- Thôi, cháu nhắc đến làm gì, toàn chuyện xưa rồi. Người già chỉ mong được sống yên ổn.

Nghe cô nói thế nhưng tôi biết cô muốn biết cha tôi viết gì. Vừa nhấp nước trà, tôi vừa viết ra bằng sự hồ nghi của mình:

Ngày… tháng…năm…

Trong cánh rừng già im ắng của miền núi miền Trung, Lễ vội vã chạy như có người truy đuổi. Anh không “B quay”, không phạm kỉ luật quân ngũ, nhưng anh đã không thể đối diện với chính mình. Thoa như một nàng tiên dưới suối trong vắt, nước suối thì không phải lớp màn che cho công chúa Tiên Dung tắm để giấu đi da thịt của mình. Nhưng với Thoa thì Lễ không thể. Chuyện này Thoa không biết, người làng không hay, đồng đội càng không nhưng trời đất thì luôn tỏ tường. Lễ vừa cắm đầu chạy để lẩn trốn cảm giác ham muốn vừa nghĩ đến cha. Cha đã ghé vào tai anh nói gì trước lúc mất? Trong giờ phút cha lâm chung ấy, anh liếc nhìn cái dao sắc vẫn cắm phập vào cây cột cái giữa nhà: “Cái Thoa là của cha với cái cô lái đò hôm ấy…”

Lễ chết lặng trước khi ông Nghĩa tắt thở. Một người già thanh thản trút hơi thở cuối cùng còn một người trẻ trai thành xác sống từ lúc ấy. Lễ lẩn tránh ánh mắt của Thoa, sao người ta không cho anh ra trận mà cứ bắt anh ở đây chỉ huy đội quân tóc dài này. Văn công hừng hực khí thế không kém gì lính chiến nhưng anh ngại Thoa.

Rồi đến một ngày tháng Tư, các đoàn quân tiến vào Sài Gòn như nước dồn vào chỗ trũng, thế trận đã quá rõ ràng. Lễ sợ cái ngày phải trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc.

Hưng có việc đi qua đây nên hỏi thăm và ghé vào tìm Lễ. Trong thâm tâm, Hưng rất quý đội văn nghệ này. Những người lính mang tiếng hát, điệu chèo quê hương ra mặt trận phục vụ người lính sắp sửa xông pha hòn tên mũi đạn để lính tráng hiểu rằng họ chiến đấu vì cái gì. Còn vì cái gì nữa, để cả trăm năm sau, ngàn năm sau và lâu hơn nữa làng họ vẫn bình yên diễn vở chèo Quan âm Thị Kính say đắm bao thế hệ. Hưng đâu biết rằng, trong khu lán kia có lần thiếu diễn viên, Lễ đã từng đóng Thị Kính và tự dưng hôm đó Thoa xin đóng vai Màu. Những ỡm ờ, bỡn cợt, những vụng trộm đụng chạm chỉ Lễ biết. Khán giả chỉ xem chèo chứ nào ai nhận ra bi kịch đằng vai diễn. Thoa mạnh dạn, bản năng, không e dè trước anh, chỉ có Lễ thấy lo sợ.

Hưng nghĩ thế nào lại qua suối rửa mặt. Anh cúi xuống vục một ngụm nước suối. Suối mát trong như một phép màu làm giãn từng tế bào. Bất giác ngẩng đầu lên vì có tiếng động lạ. Trời ơi, nước suối từ đâu chảy ra thế kia chứ, không phải khe nguồn nào mà từ một khối nước trong ngần, một khối nước bất động như thể tạc nên bằng tuyết. Ở miền đất này chưa bao giờ có tuyết, còn nếu có thì cũng chỉ được như nàng. Nhưng làm sao bây giờ, chỉ có hai người giữa rừng nhưng hai người đâu phải là muông thú để làm cái việc mà bản năng có thể quyết định tất cả, có thể nhấn chìm đời nhau.

Lúc ấy, Hưng có thể nghe thấy tiếng gọi của dã thú trong chính thân thể mình nhưng lại không để ý tiếng cành cây gãy. Tiếng “rắc” rất nhẹ, nhưng rồi phản xạ của lính chiến chưa mất đi sau vài ngày giải phóng, Hưng kịp rờ tay vào bao súng thì cũng là lúc phát súng thứ nhất vang lên. Cô văn công không có nơi nào để che giấu tấm thân ngọc ngà của mình đành nhào xuống nước. Tiếng súng lại vang lên, Hưng lúc này kịp đáp trả bằng hai phát súng.

“Chiến tranh kết thúc rồi”, Hưng khoác cho cô gái chiếc áo và thì thầm vào tai cô như thế. Bỗng dưng anh thấy một cảm giác rất khác, anh nhìn xuống thân mình. Cảm giác như tan chảy dẫu tâm thân anh vẫn sừng sững cơ bắp như một cây nghiến rừng. Máu chảy, máu hôm ấy chảy, chảy cả cuộc đời không thể cầm được nữa. Kẻ rình rập ngoan cố muốn tước đoạt cái quyền được duy trì giống nòi của người Hưng. Không sao, dù gì anh vẫn còn được sống. Hưng trở về, người ta chỉ nhìn thấy một bên chân nạng gỗ mà thôi. Chiếc nạng đâu chỉ nâng đỡ cơ thể anh mà như một tấm bình phong.

“Nhưng sao các người không nói với tôi điều này?” Đó là câu hỏi khi Lễ phải đối diện với trang giấy trắng hàng đêm như một vị quan tòa nghiêm nghị. Nếu không đưa được lương tâm mình ra vành móng ngựa, anh đến phát điên. Anh ở đâu khi tiếng súng vang lên? Anh bỏ chạy, cả đoàn văn công chỉ còn lại mình anh là nam giới sau cuộc chiến tranh nhưng anh đâu dám đóng Nô mà chỉ vào vai Thị Kính. Kẻ đớn hèn, hèn trong cả vai diễn, hèn đến mức không thể giả tạo cũng nên…

Long, người chắc nịch vạm vỡ như một gã đàn ông luôn phải đóng vai Nô. Chị đóng không đạt vì chị vẫn mang trong mình tính nữ, chị không thể hứng thú với sự ve vãn của Thoa. Có lần, bơi cùng Lễ, chị than: “Chắc chẳng bao giờ chị được hưởng cảm giác của sự sung sướng vì chị đâu có giống phụ nữ.” Lễ im lặng, mặc kệ da thịt chị vẫn cọ vào anh trong nước như một sự giao tiếp từ tổ tiên truyền lại. Lễ yêu Thoa, nhưng tình yêu ấy như lưỡi lê kề ngay cuống tim, chỉ cần trái tim anh thổn thức là nó sẽ cứa đứt phăng.

Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương
Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Những điều tôi vừa kể làm cô Thoa chìm vào suy tư như vừa đọc một vở diễn. Người đàn bà cô đơn giữa làng quê, người đàn bà cô đơn giữa hai người đàn ông. Hằng năm, cô vẫn mang đồ lễ, hoa, vàng mã lên lèn suối Na để cúng và thả trôi theo dòng nước cho người cha không biết mặt, chẳng rõ tên. Người ta bảo cha cô tìm về với hai mẹ con thì gặp nạn.

Một người chết trôi trong lũ không thể biết mình làm cha thế thân cho một kẻ khác. Cha tôi đứng từ xa quan sát từng cử chỉ của cô Thoa. Có thể ông không bao giờ nhìn rõ gương mặt của người đàn bà này. Vàng mã cháy đỏ rực, tàn tro bay tứ tung, cha tôi hoảng hốt lao đến dập lửa, chân ông đạp lên xấp tiền mã rồi ôm chầm lấy cô Thoa. Cô Thoa bất ngờ, quá đỗi bất ngờ trước sự chủ động của cha tôi, nhưng chắc cô hiểu đó là số phận. Không thể biết ai đang dựa vào ai, họ như dính chặt vào nhau, chỉ biết hai đôi chân cùng bước đến cái trạm bơm nước bỏ hoang đầy cây cối mọc rồ dại. Họ đang sửa lại sai lầm cũ bằng một sự rồ dại mới. Kệ, trưa vắng lắm, đến cả tiếng cành gãy cũng tan vào thinh không nào ai nghe thấy…

Bác Hưng đột ngột nhập viện sau một cơn đau tim. Hóa ra nơi đau nhất trên cơ thể bác không phải là nơi ấy, không phải là sự tàn tật đã được giám định. Cả làng nháo nhác: “Thằng Khỏa đâu?” Bác gái cũng biến mất từ lúc nào.

Người làng chỉ nhớ ngày đó hai người dắt nhau về đây. Không ai hỏi xem vợ chồng bác Hưng cưới xin từ bao giờ nhưng cái bụng bác gái đã chửa to. Chiến tranh đã lấy đi của con người quá nhiều thứ nên những gì còn lại đều là sự hi vọng. Anh Khỏa ra đời, bác chiều như vong. Anh Khỏa vặt nhãn sân chùa, bác thuê người đi cày ruộng chùa như một sự hối lỗi. Lên mười tuổi, anh Khỏa bắt trộm trâu làng bên rồi hùa nhau với bọn lò gạch mổ thịt nướng thơm phức. Bác Hưng tôi chống nạng dắt con trâu mộng sang đền. Nhưng lúc này bác ngã bệnh thì anh đi hẳn. Người nhà ra sân sau rút quần áo mang vào viện cho bác thì phát hiện ra vườn bị đào bới. Nghe đâu kẻ trộm đã lấy được hũ vàng của các cụ để lại. Thế thì phải báo chính quyền, bác Hưng đang thở oxy nghe xong thì xua tay: “Không. Là các cụ để dành cho nó…”

Ngày nhỏ, tôi từng nghe loáng thoáng chuyện về cái hũ vàng này từ bà nội lúc bà ru tôi ngủ. Ngày xưa, có một con cáo đuôi đỏ đã đào dưới gốc mận cái hang rất sâu để sinh con. Khi trời rét, cáo mẹ đi săn mồi, bà cụ mắt lòa chống gậy trúc đã mang áo ấm ủ cho lũ cáo con. Không may trong một lần cáo mẹ đi kiếm ăn đã mắc bẫy và không bao giờ trở về. Bà cụ biết người làng ghét cáo nên cứ đến đêm lại lẳng lặng mang đồ ăn cho cáo con. Nhờ thế, lũ cáo lớn dần. Khi mùa xuân đến, trong một đêm sương nặng, hoa mận nở trắng vườn, bà cụ thanh thản trút hơi thở trần gian để linh hồn bay theo những cánh hạc cuối trời. Đàn cáo con đói khát cứ yếu dần, sức gần cạn kiệt. Nhưng, đến đêm thứ ba sáng trăng, người ta nhìn thấy có một con cáo lông trắng xóa, tha con dúi rừng từ đâu chạy đến, nghển cổ ngó quanh rồi chui vào gốc mận, lúc cáo con lại được cứu rỗi…

- Thế rồi đàn cáo đi đâu hả bà?

- Chúng đi đâu thì không ai rõ nhưng người ta bảo chúng đã để lại một hũ vàng.

- Thế hũ vàng ấy cất ở đâu?

- Ở trong giấc mơ, con cứ ngủ thật ngoan sẽ tìm thấy kho báu.

Bà tôi chỉ kể có thế, rồi bà cũng theo cánh hạc cuối trời. Tôi lại tha thẩn đi tìm gốc mận vì tin bà sẽ gặp được con cáo lông bạc trắng.

Ngày bác Hưng ngã bệnh, cô Thoa từ đâu trở về với cái bụng to kềnh. Đêm ấy hoa mận cũng rớt từng cánh trắng, cô đau đớn sinh con ở trạm xá của thôn. Tôi không muốn nhìn vào mặt cha bởi biết ông không thể có một bộ mặt nào đau khổ hơn. Hình như sự phỏng đoán của tôi có cái gì đó sai sai. Rất sai là đằng khác.

Một sớm, người làng đồn ầm lên là có một cụ ông ghé vào hỏi thăm nhà cô Thoa. Cha tôi ngó sang và trở về sững sờ:

- Sao, sao ông ta còn sống?

- Cha cô Thoa. Tưởng lũ suối Ngà đã cuốn trôi…

Nói xong câu ấy, tôi thấy ông như người vừa trút được quả núi Thái Sơn đè trên vai. Tôi đem tất cả những chuyện đó kể cho bác Hưng, nhìn ánh mắt bác cũng thanh thản như cha tôi. Thế rồi đêm ấy bác lặng lẽ ra đi. Trăng cũng sáng, hoa mận ngoài vườn cũng lặng lẽ rơi. Tôi tỉnh dậy bởi tiếng gì đó như cành cây gãy. Cửa nhà khép hờ, tôi biết giờ này chắc đèn nhà cô Thoa vẫn sáng. Tôi ngắm ngôi nhà vắng tanh, bất giác ngước lên cái hộp gỗ.

Tôi thản nhiên lấy cuốn sổ xuống mà chẳng lo sợ bị vụt cái roi nào. Khi tôi mở ra, cả mấy trăm trang đều còn trắng, không hề có một chữ nào. Có thể ông nghĩ chẳng cần viết gì về cuộc đời này…

Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn Vua không ngai - Truyện ngắn dự thi của Phan Đức Nam Hoa cải bên sông - Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên Mười sáu đồng xu trắng - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Lợi

Báo Văn nghệ| Bùi Việt Phương

Báo Văn nghệ số 30/2024
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.
Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Baovannghe.vn - Bây giờ khi đã mười chín tuổi, tôi biết yêu, biết hận, biết thương và biết sợ. Tôi thích lang thang một mình vào những buổi chiều xanh xao thả bộ dọc con phố vắng.
Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Baovannghe.vn - Tôi vẫn thế thôi. Nhưng tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, chính mình phát biểu không tiện. Còn món ăn cần sự thẩm định tức thì, ngay miếng đầu tiên.