Sự kiện & Bình luận

Một tương lai tươi đẹp cho các em

Nguyễn Ninh
Lăng kính văn nghệ
08:31 | 30/10/2024
Baovannghe.vn - Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ... Tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.
aa

Trong một dịp đi tình nguyện mùa hè xanh, tôi được đến dạy học ở một làng phong trên Kon Tum. Một bữa vui đùa quá trớn, tôi và thằng nhóc A Vằng vờn đuổi nhau như chuột với mèo. Và sự việc xảy ra là một vệt máu tươi, quệt dài cánh tay. Tôi hốt hoảng. Không phải vì nghĩ đến sự lây nhiễm của căn bệnh phong. Bọn trẻ trong làng đều đã được chữa lành. Chỉ vì cái tai của thằng A Vằng, nó bị rách một tí.

- Em ở đó, thầy chạy đi lấy băng cầm máu liền.

Tôi càng luống cuống bao nhiêu, thì em chỉ nhìn tôi, lấy tay áo quệt vết máu, cười ngại ngần:

- Không sao đâu thầy, em chỉ bị xước chỗ đau hôm trước thôi thầy.

Máu không còn chảy nữa. Thì ra là một vết thương cũ.

- Mà tai em bị làm sao vậy? Sao lại bị rách như vậy?

Em cúi mặt cười thẹn thùng. Không trả lời câu hỏi của tôi. Lúc này, tôi không còn hốt hoảng nữa. Nhưng thay vào đó là nỗi đau xót chà rát con tim. Tôi nghĩ về những cô cậu bé ở thành phố. Dù một vệt nắng nhỏ cũng không thể chạm tới làn da của các em. Một làn da bụ bẫm, trắng trẻo hồng hào.

Sao lòng xót xa quá. Đứng trước mặt tôi là một cậu bé bảy tuổi. Ai đó đã gây ra vết thương này cho em. Có thể là đùa nghịch với đám bạn trong lớp chăng? Tôi mong chỉ dừng lại ở đó. Làm sao một người lớn có thể “dạy dỗ” như vậy với một đứa trẻ. Thật quá nhẫn tâm. Nhưng một điều trăn trở hơn. Cậu bé không hề chảy một giọt nước mắt. Một sự im lặng đến lì lợm, đáng sợ.

Một tương lai tươi đẹp cho các em
"Cứ để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cản chúng vì Nước trời thuộc về những ai giống như chúng" (Mt 19, 14) - Ảnh: Internet

Về vấn nạn bạo lực gia đình, ngoại trừ những trường hợp bạo hành dã man, thường thì những đứa trẻ bị bạo hành với những lý do được coi là “hợp lý”. Thương cho roi cho vọt. Đánh cho nên người. Cây phải uốn từ bé... Tuy nhiên, không hẳn vậy. Đằng sau những lý lẽ đó đôi khi ẩn ức sâu xa lại là những vấn đề khác. Những cơn giận không được kiểm soát. Những căng thẳng, lo âu, bất ổn tâm lý trong đời sống gia đình. Áp lực kinh tế cuộc sống. Chưa kể tình trạng nghiện ngập, ly dị, hay chỉ vì mẹ kế cha dượng... Và rồi bạo lực trút lên trẻ em cách nào đó lại là để xả ra những bất ổn nơi chính những người lớn.

Có thể người ta nghĩ rằng bạo hành trẻ em thường chỉ xảy ra ở những thập niên trước. Khi đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu hiểu biết. Còn bây giờ đời sống văn minh hiện đại, chuyện đó không mấy khi xảy ra. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Bởi không chỉ đòn roi. Còn vô số những hình thức bạo lực tinh vi khác. Đó là những lời nói, ánh mắt, thái độ, những thao túng tâm lý đôi khi còn gây tổn thương hơn gấp nhiều lần đòn vọt. Hẳn chúng ta cũng đã nghe nhiều câu chuyện đau lòng. Những cô cậu bé vì không chịu nổi áp lực học hành từ ba mẹ, đã bị khủng hoảng, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết.

Tất nhiên khi con còn quá nhỏ, chưa ý thức được nên còn ngỗ nghịch, hư hỏng không trách được chuyện phải răn đe, cho vài con lươn. Thế nhưng, có khi người ta chỉ hành động theo bản năng của mình. Họ không cảm nhận được nỗi hoảng sợ bế tắc và vô vọng của đứa trẻ. Chúng không có khả năng tự vệ. Chúng không hiểu được tại sao mình lại phải chịu những bạo hành vô lý quá sức như vậy. Chỉ một điều duy nhất còn sót lại. Bản năng. Vâng, bản năng để chịu đựng. Còn thì không gì khác. Cho đến bao giờ như sợi dây kéo quá căng, chúng bị đứt, bị gãy.

Trong cuốn Những người khốn khổ, Victor Hugo đã thấu tận được nỗi đau nơi những đứa trẻ khi ông nói: “Thấy một người đàn ông trong cảnh khốn cùng là chưa thấy gì hết. Phải thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà. Mà chỉ thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà cũng là chưa thấy gì hết. Phải thấy một đứa trẻ trong cảnh khốn cùng”. Khi ông nói như vậy hẳn ta nghĩ đến sự yếu ớt, tính dễ bị tổn thương của một đứa trẻ chống chọi với khổ đau. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại đó. Khi mọi chuyện đã qua rồi, những tổn thương nơi đứa trẻ dường như rất khó được chữa lành và kéo theo suốt cả cuộc đời. Những ký ức không thể phai mờ nhưng rõ nét và ám ảnh như thể vừa mới xảy ra. Người ta tưởng rằng trẻ mau quên. Hết khóc là quên. Nhưng họ nhầm. Nó sẽ nhớ mãi và ám ảnh cảm giác tủi thân đó suốt đời. Day dứt. Buồn bã. Căm phẫn. Có thể người lớn bị tổn thương và trút nó vào đứa trẻ. Nhưng chúng thì không biết trút vào đâu. Chúng giữ mãi trong lòng để rồi khó mở lòng ra với cuộc sống. Thậm chí là nhân cách trở nên méo mó dị dạng.

Tôi đã từng biết một người nọ khá thành công. Anh đỡ đần chăm lo cho các anh chị em mình nhưng những gì anh đã chịu vì đòn roi trong tuổi thơ khiến anh thề không bao giờ trở về thăm bố mẹ. Chỉ gửi tiền về coi như công sinh thành. Còn đến khi nào bố mẹ nằm xuống thì về chịu tang. Nhất định không bao giờ về thăm. Vợ của anh vẫn thường phải về một mình. Một câu chuyện buồn.

Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ. Theo tâm lý học, bộ não đang phát triển của trẻ em là nhạy cảm và dễ dàng tiếp nhận các trải nghiệm nhất, cả tốt lẫn xấu. Một minh chứng cho điều này là trẻ em học ngoại ngữ nhanh hơn người lớn rất nhiều. Những trải nghiệm ban đầu đó sẽ định hình con người các em trong tương lai. Cũng chính vì vậy, tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.

Nguyễn Ninh | Báo Văn nghệ

Tác giả Nguyễn Ninh - là Tu sĩ dòng Đa Minh.
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.
Mọi ý kiến đóng góp và bài vở cho chuyên mục LĂNG KÍNH VĂN NGHỆ xin vui lòng gửi về: baovannghe.vn@gmail.com

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tiểu thuyết chống bạo lực của Ahmed Saadawi Thắp nến phản đối bạo lực gia đình Adania Shibli: Tạo ra mối liên hệ giữa hư cấu và hiện thực là hành động bạo lực chống lại trí tưởng tượng Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Chấn thương và bạo lực
Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Baovannghe.vn - Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam.
Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Baovannghe.vn - Như Bình chọn tập viết là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, đủ không gian để trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm.
Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Baovannghe.vn- Cảng - Phố - Thanh - Tùng/ Mùa phương Nam réo gọi
Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Baovannghe.vn - Kính gửi quý tác giả và độc giả!
Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Baovannghe.vn - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề "Giao lộ Sáng tạo", diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 17/11/2024 với gần 100 hoạt động, hứa hẹn sẽ là điểm hội tụ của những ý tưởng đột phá và sáng kiến độc đáo từ cộng đồng sáng tạo Hà Nội.