Bàn chân chầm chậm đi qua cánh đồng mùa hạ xác xơ mà trong lòng không khỏi bâng khuâng luyến tiếc… Ảnh: Hà An |
Dù ở đâu, dù là cánh đồng lớn hay bé dường như cũng đều là cái nôi cất giữ những kỷ niệm, những tình cảm thiêng liêng của mỗi người con từ đó mà lớn lên, từ đó mà ra đi và trở về, dù có khi chỉ được trở về trong ký ức. Tác giả Nguyễn Đình Ánh đã gửi gắm những nỗi niềm thiêng liêng ấy về cánh đồng làng Mụ Cát quê hương qua tản văn này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Khát vọng đi xuyên qua cánh đồng nghèo khó
Làng tôi có cái tên gọi rất lạ – làng Mụ Cát, cho đến nay nhiều bậc cao niên trong làng cũng chưa thể giải thích vì sao tên làng lại có cái tên lạ như thế. Chỉ biết rằng, người lạ hay quen muốn vào làng thì phải băng xuyên qua cánh đồng cát rộng mênh mông bát ngát. Cánh đồng ấy được chia ra từng khoảng với nhiều cái tên nghe rất lạ tai như đồng làng Bượm, làng Rí, làng Vắng…
Không như người làng từ bao đời trước, những đứa trẻ sau này đều luôn có một ước mơ lớn lên sẽ đi xuyên qua cánh đồng để đến một vùng đất mới lập nghiệp. Đó không chỉ là ước mơ của những đứa trẻ mà còn là khát vọng của những bậc làm cha làm mẹ – những người nông dân chân lấm tay bùn. Có lẽ họ nghĩ, cái nghèo đeo đẳng bao đời ông cha là bởi căn nguyên từ cánh đồng. Chẳng phải thế mà về sau, khi các con lẽo đẽo ra đồng không chịu chuyên tâm vào việc học hành, các ông bố bà mẹ đều mắng “không chịu khó học sau này chỉ biết đi sau con bò, cái cày thôi con ạ!”. Bởi nên, thế hệ chúng tôi đứa nào đứa nấy đều cố gắng vùi đầu vào sách vở để mong một ngày thoát cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Và rồi, đã có bao nhiêu bè bạn rời làng Mụ Cát, đi xuyên qua đồng làng Rí, làng Vắng, làng Bượm… đến với thị thành phồn hoa. Và rồi, cũng đã có không ít đứa đã lập nghiệp nơi xa xứ mà chưa có điều kiện trở về. Đứa học xong cấp ba, gắng thi đỗ, học tiếp lên đại học. Đứa học hết cấp hai tìm đường Nam tiến đến với các khu công nghiệp tận Bình Dương. Kẻ tròn mười tám đôi mươi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Cũng có nhiều người chọn con đường xuất khẩu lao động sang những đất nước xa xôi. Mỗi người ra đi mang một giấc mơ đổi khác, giấc mơ thoát nghèo, giấc mơ ra khỏi cánh đồng cát mênh mông bát ngát ở trước làng mình. Tất cả họ đều chung một ước mơ, một khát vọng đi xuyên qua cánh đồng nghèo khó – cánh đồng mà ông cha bao đời từng cấy cày gieo hạt vào bốn mùa nắng mưa…
Ra đi và trở về
Trong những lớp người đi xuyên qua cánh đồng Mụ Cát, có người còn cơ hội trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cũng có người không may mắn để có thể trở về quê hương. Đó là những người lính đã hi sinh trong hai cuộc chiến chinh trường kì như cụ Kỳ, cụ Sáu, bác Sáng, bác Lê, anh Ngọc, anh Lân… Họ đã nhuốm máu mình lên ngọn quốc kì thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể “mấy mươi mùa hạ” họ đã phải nằm lại:
Mấy mươi mùa hạ nơi nao các anh nằm
Con sông,
Cánh đồng
chênh vênh ngọn núi
Vợ hát ru con đợi chờ hờn tủi
Mẹ già tóc trắng mòn mỏi tháng năm…
(Viết trước đài tưởng niệm – Nguyễn Đình Ánh)
Nhưng cũng có những người lính trở về, băng qua cánh đồng mang theo những di chứng của bom đạn nơi chiến trường ác liệt. Đó là cụ Phồn thương binh 1/4, năm nay đã gần tám mươi tuổi, vĩnh viễn không thể nhìn thấy cánh đồng xanh ngát của tuổi mười tám ngày xưa. Cụ kể rằng, giờ đây, thi thoảng cụ nhờ đứa cháu ngoại dắt ra cánh đồng để được lắng nghe tiếng ếch nhái, được ngửi thấy mùi thơm của lúa chín cho vơi đi nỗi buồn của cảm giác không được nhìn ngắm cánh đồng xanh ngát thẳng cánh cò bay. Đó là bác Chương đã bỏ lại một chân nơi chiến trường Quảng Trị trong trận chiến 72 ngày đêm ác liệt. Chiều chiều, bác lại chống đôi nạng gỗ ra cánh đồng để dạy bọn trẻ con cách đánh đàn và kể cho chúng nghe về cái giá của những ngày hòa bình hôm nay. Tôi mê nhất là khi được ngắm bác ôm cây đàn và cất lên tiếng hát mê say “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương… Bài hát có trận đấu không quên bên đồi/ Bài hát có người lính biên cương thương mẹ/ Lời hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn/ Để lại một bài ca trên cát trắng bao la…”. (Vết chân tròn trên cát, nhạc sĩ Trần Tiến). Dường như phút ấy, cánh đồng quê tôi lặng im chỉ còn nghe mỗi tiếng hát khàn khàn của bác. Tôi nhìn thấy cánh đồng ngày xưa đang hiện về trong nhịp bước vội vã của ngày ra trận, ngày từ biệt quê hương. Cánh đồng hôm nay đón bác trở về bằng “vết chân tròn trên cát trắng mênh mông”…
Có những người với cuộc hành trình trở lại xuyên qua cánh đồng khi mái đầu đã ngả màu sương gió. Họ ra đi khi mới chỉ là một cậu bé, biền biệt bao năm tha phương nay mới trở về. Bàn chân chầm chậm đi qua cánh đồng mùa hạ xác xơ mà trong lòng không khỏi bâng khuâng luyến tiếc. Rồi bỗng giật mình, thảng thốt, họ nhận ra mình bơ vơ lạc lõng giữa chính mảnh đất quê nhà như lời thơ của Hạ Tri Chương:
Khi đi trẻ, lúc về già,
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào,
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?
(Hồi hương ngẫu thư, Hạ Tri Chương; dịch thơ: Phạm Sỹ Vỹ)
Tựa vào hai tiếng quê hương
Trong những người đi xuyên qua cánh đồng có những người thành công nơi đất khách nhưng cũng có những kẻ bần hàn đang bị quăng quật ở một góc xó xỉnh nào đó. Kẻ thành công tự hào muốn về giúp đỡ quê hương. Người thất bại cũng nương dựa vào hai từ quê hương mà gượng dậy. Kẻ thành công hay thất bại, người giàu sang hay kẻ lầm than khốn khó thì họ cũng từng cất bước đi xuyên qua cánh đồng làng năm cũ. Có thể, có kẻ rời đi vào một ngày hè nắng nóng, con đường xuyên qua cánh đồng phủ đầy cát trắng bỏng chân. Cũng có kẻ cất bước lên đường trên lối mòn xuyên qua cánh đồng phảng phất hương lúa đang thì con gái. Cũng có người bỏ làng sau mùa mưa bão, xuyên qua cánh đồng ngô lúa trắng tay. Nhưng dù ra đi vào khoảnh khắc nào đi nữa, quãng qua cánh đồng mênh mông bất tận luôn để lại trong họ một nguồn năng lượng đặc biệt – nguồn năng lượng vượt qua đói khổ, vượt lên chính mình.
Đi hết một vòng quay của cuộc đời, những người con của quê hương Mụ Cát lại trở về yên nghỉ nơi cánh đồng mênh mông bất tận. Họ nằm lại dưới thảm cỏ xanh non, đêm đêm nằm nghe gió hát. Họ về với đất mẹ để gặp lại tổ tiên, ông bà sau một hành trình dài bôn ba trên cõi trần thế. Nhưng cũng có những người chẳng được may mắn đi qua hết quy luật sinh lão bệnh tử. Họ ra đi khi còn tuổi thanh xuân. Cũng dịp gần nghỉ hè này mười bảy năm về trước, một người bạn học cùng với tôi đã giã từ bạn bè để đi về miền xa ngái. Ngày bạn mất, lớp không thể về quê đầy đủ để tiễn đưa bạn. Lớp chỉ cử được mấy bạn đại diện về làng thắp nén hương cho bạn. Ngày tiễn bạn về với đất, tôi vẫn còn nhớ con đường đi xuyên qua cánh đồng dẫn ra khu nghĩa trang. Cái nghĩa trang nơi kẻ trẻ người già yên nghỉ cũng thật đặc biệt, một mảnh đất nhỏ, ven con đường nhỏ, hướng nhô ra cánh đồng lúa đang xanh mơn mởn… Rồi xa hơn nữa, những đứa bạn cấp hai, cấp ba xấu số như thằng Phương, thằng Bình, thằng Dũng, cái Quý…cũng đã ngủ yên trên những mô đất hướng nhìn ra cánh đồng lúa quê hương…phảng phất mùi thơm của hương lúa đang thì con gái, phảng phất nỗi buồn gió thổi xác xao…
Trong số những người bạn ra đi từ thời còn khoác lên mình màu áo trắng trường làng tinh khôi, mộng mơ ấy, tôi còn nhớ rõ đến bạn Quý. Có thể nói, bạn là người nhỏ bé nhất lớp tôi khi ấy. Nhỏ nhưng nhanh nhẹn, học giỏi và đặc biệt có nụ cười trong trẻo vô cùng. Khi nào gặp cũng thấy nụ cười nở thường trực trên môi. Còn nhớ cái lần gần đến ngày thi tốt nghiệp, tôi chơi bóng và bị gãy tay. Gãy đúng cái tay phải cầm bút. Thế là phải nhờ bạn bè trong lớp chép bài hộ. Bạn là người đầu tiên xung phong chép bài cho tôi. Cũng từ đó, tôi mới biết chữ bạn rất đẹp. Trong quyển vở ghi văn của tôi, bên cạnh những con chữ ngoằn ngoèo nguệch ngoạc là những trang với những con chữ đẹp nắn nót mà còn gạch chân đề mục cẩn thận. Ngày chia tay bạn bè, trường lớp, bạn chép tặng mấy dòng trong cuốn lưu bút rằng, “…đã sắp đến ngày rời xa trường lớp, chúng ta rồi sẽ băng qua cánh đồng làng để đến với những phồn hoa của phố thị. Mình chúc bạn sẽ thực hiện được ước mơ nơi miền đất mới. Hẹn ngày về tung tăng trên cánh đồng thơm mát quê ta…”. Thế rồi, tôi lên đường đi lính, thi thoảng bạn cũng biên thư động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ… Nhưng rồi, đột ngột… bạn bỏ bạn bè đi mãi không về trong một chiều mưa giông tầm tã, tôi cũng không thể về tiễn bạn đi hết quãng đường còn lại… Cũng chỉ có mấy đứa bạn ở quê không quản đường xa, mưa gió đến tiễn bạn đi… Đi xuyên cánh đồng lúa đang thì con gái… Nợ bạn giây phút cầm tay tung tăng trên cánh đồng thơm mát quê hương… Bạn mãi ngủ yên trên cánh đồng làng vắng người lại qua…
Ai từng băng xuyên qua cánh đồng chắc hẳn đều mang trong mình những mảng màu kí ức rất riêng, mang theo những khát vọng về một giấc mơ đổi khác. Xuyên qua cánh đồng, dừng chân ngoái lại, bất giác chợt nghe tiếng mẹ ru con năm tháng đợi chờ, chợt thấy… ngọn tre cong mình mỏi mòn chờ ai? Và rồi, tự nhủ lòng, bao giờ ta lại được về băng qua cánh đồng làng Mụ Cát ấu thơ?…
Trên cánh đồng làng Ước mơ trên cánh đồng khô rạ Cánh đồng năn lác Về với cánh đồng… Đến Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang và thăm cánh đồng điện gió |