Hết học, nó có khối việc chờ: nấu bữa, đi chợ, chăm nuôi gà, lợn, chăm vườn; tưới nước, nhổ cỏ, bón phân,... những việc trước đó nó vẫn làm phụ mẹ không thường xuyên, nhưng hết học rồi thì khác.
Nó học xong, thi xong, nó lớn thật rồi, phải làm việc nhà nhiều hơn, tự giác, siêng năng và nó cũng sống thong thả hơn.
Nhiều lần nó thò chân xuống thuyền, thuyền chòng chành quá lại rút chân lên. Nó cũng không dám nhờ cha dạy, chỉ nhìn thật nhiều để rồi làm theo thôi.
Ảnh minh hoạ |
Sáng ra, nó thích thú nhất là những lúc ngắm nhìn cảnh cha chèo thuyền ra hồ, con thuyền nhỏ nhẹ lướt, mặt hồ phẳng lặng, tay chèo của cha khuẩy nước rất nhẹ nhàng, rất dẻo, sóng lan. Nó tính sẽ học chèo, học tới khi nào chèo được thuyền ra giữa hồ như cha, chèo đến hết mọi chỗ trên mặt hồ... khi đó chắc thích lắm. Sắc hồ, sắc nước, cỏ cây... thêm chiếc thuyền nan nhẹ trôi... trông như tranh.
Một tay vịn cọc cầu, nó xuống thuyền đã ít tròng trành, ngồi xuống miếng ván nhỏ đặt giữa lòng thuyền. Ngồi thật yên. Cứ vịn vào cọc cầu, lên xuống nhẹ nhàng khéo léo, đừng lo lắng quá, thuyền cũng đã đỡ tròng trành hơn nhiều...
Nó gồng người căng như lên giây cót, ngồi yên, giữ cân bằng, mọi động tác, nhúc nhích ngọ nguậy phải thật nhẹ, dè chừng. Ngồi yên một chỗ cũng rịn vã mồ hôi. Thế mà cha chèo lướt đi thật nhẹ nhàng thoải mái. Nó thèm làm được, nhẹ nhàng trôi lướt...
Đầu tiên, học cách xuống thuyền, học ngồi ngay ngắn làm quen cảm giác với thuyền trên mặt nước.
Nó cứ ngồi yên trên thuyền, tay vẫn vịn cọc cầu nhưng đã nới lỏng tâm thế hơn.
Rồi cha biết, cha ngăn, ý cha là biết chèo rồi sẽ mê thuyền ra xa, lỡ xảy ra bất thường đáng sợ.
Chiếc cầu nhỏ xìa ra ngoài mặt hồ một mét, là đoạn ván bìa xẻ ra từ một thân cây rất to, không biết cha xin hay mua ở đâu. Nước hồ cách mặt cầu tùy mùa. Vào mùa lũ nước gần sát, hoặc lút tăm. Mặt cầu vừa trơn bóng vừa rạn bạc nắng mưa, là một chỗ dần dần thân thuộc êm đềm của nó.
Nó bíu cọc leo lên cầu. Thuyền nan mỏng nhẹ lắc lư, tròng trành.
Lên thuyền, xuống thuyền, tập ngồi yên... sao cho đỡ tròng trành, giảm căng thẳng, rồi tập khua chèo.
Sáng sáng, cha thu lưới, buộc thuyền vào cọc cầu, nó giúp cha mang cá, lưới lên bờ, lên nhà.
Có nhiều cá thì mẹ mang ra chợ bán, ít thì để ăn.
Cha mẹ trồng rau, làm vườn, thả lưới, vào rừng lấy củi... quanh năm thế. Bốn giờ sáng cha mẹ đã dậy, cha xuống hồ, mẹ nhóm bếp, mẹ ra chợ, ra vườn, hoặc vào rừng...
Nó đi thi về, nhưng chắc là không đỗ. Nó học không giỏi như anh Sơn. Anh Sơn thi đậu dễ như nó xới cỏ ngoài vườn, anh ấy mơ được học Thủ đô là được ngay. Còn nó, không khéo... ở nhà làm vườn, gà lợn, rau cỏ.
Bao năm qua, nó và anh Sơn, ăn cơm tối xong nghỉ chút là phải lo học bài. Nó lên lớp mười hai, anh Sơn đi học xa. Nó cố gắng học mà không giỏi được như anh. Giờ hết học, nó cảm thấy như trút được gánh nặng, thở phào.
Nhưng không phải là nó không thèm học nữa. Nó chỉ tạm nghỉ ngơi, nghe ngóng nhàn nhã tí.
Những đêm hè lặng phắc, hóng gió không có gió, quạt phành phạch mỏi hết cả tay. Nó quá thân thuộc với chín ô cửa sổ vuông bên giường, chiếc bàn nhỏ, ngọn đèn dầu vặn nhỏ liu riu, khác với những khi học bài...
Nắng nóng, mong mưa quá. Mong mưa, rồi mưa đến. Mưa dồn mưa dập. Mưa tới mưa tấp. Nước trên đầu, dưới chân, tứ bề dầm dề... Gà, lợn đến buổi đói kêu nháo lên, mẹ đi chợ về lại loay quay bên chuồng lợn chuồng gà, lo cho luống cải sớm, lo vại nhút, hũ tương...
Nó hiểu. Mùa bão lũ về.
Mùa bão lũ, vạt rau muống phải ngập năm, ba bận. Mưa xuống, rau muống nhanh tốt, non mềm, hái rau muống bán... nhà cũng ăn. Rau muống luộc, xào, canh... đổi bữa ngày mưa lũ. Mưa lũ, chợ nhiều nhất là rau muống. Mưa hàng tuần, nó và mẹ vẫn thường lội ruộng rau muống lút nước khoảng hai gang tay, cả khi mưa to, dày độp tới tấp lên nón lên lưng...
Hái rau, trồng rau, che rau, băm rau, quấy cám. Gà lợn không kể nắng mưa kêu loanh quanh nháo nhác. Ngày mưa lũ, chúng kêu nóng cả ruột, không vào rừng chặt chuối được, rau trong vườn mọc không kịp. Chuồng trại phân tro nặng mùi, bẩn thỉu. Mưa gió dầm dề, trời tối tăm mờ mịt, buồn buồn. Ngôi nhà lá rung lên.
Mùa bão lũ, trời đất bất thường lắm. Mưa gió mãi, lũ rồi bão là chuyện không lạ. Năm nào cũng như năm nào. Là mùa mẹ hay xức dầu con hổ chống đau mỏi, cảm lạnh. Nó nghe nhiều thành quen, thành mùa. Cả nhà, muỗi cắn, đau đầu, đau bụng, nhức mỏi... mẹ đều cạy nắp dầu con hổ ra bôi, xoa...
Mưa gió, cha thường vá, gỡ lưới, ngồi măn mó cái đài ò è khó nghe vì thời tiết xấu. Mẹ lo thu dọn, cất đặt phòng khi gió bão giật. Khi mưa gió, lắm lúc chẳng có việc gì ra việc, nhưng mẹ ngồi không yên, cứ loay hoay cất đặt, lôi moi ra đủ bận bịu...
Nó thì vẫn thích cảnh mưa gió được ngồi nhàn rỗi, lắm lúc chỉ là ngồi nhìn vào trống không, nhìn ra trời, sân, vườn bạc trắng trong những đợt mưa khủng khiếp! Ngồi yên trên giường nhìn góc sân qua khung cửa ra vào, nhìn góc vườn qua những ô trổ vuông... Khóm chuối khua bành bạch, rồi rách te tua, cây râm bụt đầu cổng to lớn dần, nhánh mềm cong cần câu, khi nào cũng có mấy bông hoa đỏ, kể cả trời mây mưa xám xịt.
Nhiều lần như thế, nhiều năm như thế, mỗi năm một rõ dần, ngồi quen chỗ, nhìn ra vuông sân đọng nước, lại nhìn ra chín vuông cửa trổ trông ra vườn; cây mít, bụi chuối, bụi mía, cây ổi... chúng héo hon vì hạn, lại rờn lên nhờ mưa. Khi những trái ổi ương dần là mưa lũ...
Nó và anh Sơn lớn lên, lư mơ nhớ về những mùa bão đến vào giữa hè cho đến mùa đi học vẫn còn bão lũ... càng lớn thì nhớ rõ hơn gương mặt mùa bão lũ.
Ngày nó còn nhỏ, mùa mưa bão, mẹ hay ngồi khâu vá hơn. Sau này là nó. Nhàn, nó lôi cái rổ lung tung đủ thứ kim chỉ, dây, cúc, lọ, linh tinh ra, những gì đứt, xể, nhỏ to đều được lôi ra khâu đơm lại.
Ngày mưa gió nó cũng hay soi gương thật kĩ, mặc mưa gió ầm ào lén vào người cảm giác buồn buồn, nó ngồi soi, xem xét nét mặt của nó. Ðôi mắt nó nhìn mắt nó, nhìn như muốn xới lục bí mật tương lai, nhưng chẳng thấy gì. Tóc mượt, răng trắng nhưng không trắng lóa, trắng bóng như Mị, như Ngọc. Người ta bảo cái răng, cái tóc.. ra làm sao? Nó không hiểu.
Nó soi gương, tự thấy mình xinh, có mấy sợi lông mày mọc nham ra ngoài, nếu nhổ đi thì đẹp hơn, nhưng có lẽ đau chảy nước mắt, có lẽ... để khi nào được đi học Thủ Ðô, lớn thêm chút nữa hãy tính...
Những ngày bão lũ thảnh thơi, mát mẻ. Nó khâu vá vụng về, không được như mẹ.
Nhiều khi cảm thấy cứ như trong phim. Chẳng hiểu sao bỗng các đoàn văn công ít về, phim cũng ít chiếu. Nhưng nếu có đoàn văn công nào về, hay có phim, không có anh Sơn thì nó cũng không dám đi... Mới ngày nào nó và anh Sơn đi xem phim, xem văn công, có hôm ba mẹ con cùng đi, đi bộ những ba cây số mới ra tới nhà hát.
Hết học, nó lớn thêm chút, nhiều thứ khác đi, nhưng... mưa bão thì vẫn vậy.
*
Mùa thu! Sương sớm mờ ngoài mặt hồ, se lạnh. Nhìn cây cối, màu xanh trên lá thẫm sẫm vẻ già. Nó sực nghĩ, không còn phải lo chuyện sách vở áo quần cho năm học mới nữa. Thấy nhẹ nhõm hẳn, và tuy cũng có nỗi buồn. Buồn, biết không thể được nên nó cũng bằng lòng. Nó học không giỏi như anh Sơn. Nó thi cao đẳng sư phạm của tỉnh mà còn thiếu những ba điểm. Nhà lại nghèo, nó cũng không mơ đi chơi đó đây cho biết, không chơi, chờ một năm nữa để chuẩn bị cho tất cả, cho giấc mơ thật sự nhất của nó. Nó phải đến Thủ đô học như anh trai. Nó chỉ thèm được đi học ở Thủ đô như anh Sơn thôi.
Nó thèm được cảm nhận sự khác biệt. Anh Sơn về nghỉ hè có ba hôm là vội đi, nói phải tranh thủ kiếm tiền, phải học thêm ngoại ngữ. Nó thèm được như anh trai, nó khao khát, như bị đốt cháy khi mơ nghĩ về học ở Thủ đô.
Nó ngưỡng mộ anh trai hơn rất nhiều. Sau một năm học ở Thủ đô, anh ấy khác hẳn, có vẻ gì đó rất đáng yêu. Nó mơ học, mơ yêu... một người cũng phải giỏi... như anh trai của nó.
Những lúc ngồi ngắm hồ, nó sinh ra mơ mộng. Càng ngày nó càng mơ mộng dữ thì phải. Những lúc một mình ngồi bên hồ... mơ mộng và buồn. Nó mơ màng xa xôi và càng cháy bỏng về nơi đó.
Nó lục bút giấy viết thư cho anh trai. Năm ngoái giờ này nó đang ở trên lớp học. Đầu mùa thu đến trường, mưa lũ đen kịt cả phòng học, gió mưa vẫn thường âm u, ẩm ướt suốt tuần.
Lâu ngày không cầm bút viết, nó không vướng bận vào những thứ mà mười năm qua nó vướng bận. Nhiều năm qua, nhiều khi nó phát chán vì ngồi học như tù, chẳng hiểu được bao nhiêu. Nhiều bài học bay biến đi đâu mất, cái đầu nó trơ rỗng, thân thể nó ủ ê. Nay, thì xong rồi. Đi học cũng mệt nhọc, gian khó... lắm khi thấy đến là khổ.
Nó nắn nót viết, lắm thứ chực tuôn ra, lộn xộn trong đầu quá. Nó phải ngưng để tính lại nên viết gì trước, nói thế nào cho nó trật tự.
Nói về những ngày đầu thôi học ở nhà thế nào? Nói ước mơ thầm kín đang được nhen nhóm? Nói anh học cho giỏi rồi giúp nó cũng được đi ra, học hành ở Thủ đô...? Và nói nó thèm được ngắm, thèm được biết hồ Gươm, về sông Hồng, và anh hãy viết thư về, kể nhiều chuyện ngoài đó cho nó nghe với...
Không được, những điều này phải để nói sau cùng.
Nó nói về việc làm vườn, việc gà, lợn, đi chợ, vào rừng... Rằng không có gì khó khăn, cũng không có gì đáng nói, mọi việc cứ đều đều ngày ngày sang ngày khác, mặt trời lên sau lưng nhà, mặt trời lặn trước hồ... cũng đẹp, cũng đáng yêu, nhưng; mặt trời ban mai rực rỡ, mặt trăng soi hồ lấp lánh, kể cả mưa bão có dữ dội... tất cả cũng đều lặng lẽ, chìm vào lặng lẽ... nên thấy buồn tẻ.
Ngày nào cũng thế, đến giờ, hai con lợn đói là kêu hét, bầy gà cùng lợn kêu quanh, như giục giã, phân khắp sân, chuồng... và nếu nhà không có cầu ao, bờ hồ chắc bức bí...
Nó viết, cảm thấy nó hiểu nó hơn một chút, và tin anh trai cũng hiểu và sẽ cố lên vì nó.
*
Thế rồi cha vắng nhà nhiều ngày. Cha nằm bệnh xá xã không đỡ đau, chuyển viện huyện, nó thay mẹ chăm nom cha được hai hôm, cha tiêm, uống thuốc... vẫn đau, phải đi viện tỉnh. Cha đi viện tỉnh, nó biết thế là bệnh nặng, là nguy, và rất tốn tiền, nhà thì nghèo. Nó đảm đương vườn nương, lợn gà, phải một mình ở nhà trong nỗi lo về sức khỏe của cha và mẹ. Mẹ cũng đáng lo, người khỏe sẽ ốm theo người đau.
Mặt hồ, vườn nương mờ sương, rồi dày sương, cây cối ngả màu sương giá. Nó cảm nhận vẻ già đi, tàn lụi... và buồn hơn.
Anh trai gửi thư về, động viên nó. Anh nói về ước mơ được học hành ở Thủ đô, được gần Hồ Gươm, thấy sông Hồng của nó không khó. Không khó, nó cũng không biết có khó không khi nó mong muốn mạnh mẽ. Nó cũng biết hơi cao xa so với khả năng của nó và cha mẹ. Cha mẹ khó có thể nuôi một lúc hai anh em học ở Thủ đô. Nhưng nó mong anh hiểu và cố gắng thêm.
Anh trai có ý nói động viên nó hay sao? Rằng là mấy lần đi qua Hồ Gươm, anh cũng chỉ nhìn nhìn thế thôi, không kịp cảm nhận gì. Tất nhiên hồ thì đẹp. Hồ trước nhà mình, không có tiếng tăm gì nhưng anh thấy nó cũng rất là đẹp...
Nó ngồi thuyền nan đã vững hơn, đã buông tay khỏi cọc cầu. Thuyền bớt tròng trành, nó bớt căng cứng, run sợ. Bám cọc cầu, thả tay, níu lấy dây rời xa cầu một, hai mét. Người chưa thả lỏng, con lo lắng thì chưa được... Thế mà cha có thể bơi chèo nhẹ nhàng, thuyền lướt trôi êm như thế?!
Nó kiên trì học, học từ từ, không vội, nhất là ở chỗ nước sâu. Nó nghĩ cách nối dây buộc cọc cầu với thuyền dài ra, khi yên tâm thì dễ làm được việc hơn.
Nó thả lỏng người chèo men bờ, đã chèo thuyền đi được một khúc ngắn. Khó mà mềm mại uyển chuyển được như cha, còn lâu mới dám chèo ra giữa hồ, khắp hồ, qua bên kia bờ. Sang bên kia bờ bãi cỏ cây hoang dại, chỉ là để nhìn về phía bên nhà nó như thế nào thôi.
Nó làm này làm nọ cho quên ngày vắng vẻ, quên buồn. Chèo được thuyền, dù sao nó cũng vui.
Những ngày một mình, nào chó, lợn, gà, cây cối... trở nên thân thiết với nó. Chúng chia sẻ từng tí những lo lắng, sợ hãi, những lúc quạnh buồn... Đêm đêm, con vện canh nhà, nó yên giấc hơn. Nó càng thương và gần con vện hơn, nhìn vào mắt vện thật lâu mới thấy đôi mắt con vện nói.
Những con vật quen trong nhà quạnh vắng khiến cho nó nghe yêu thương rõ hơn. Nó yêu quý những thứ thường ngày xung quanh hơn. Vượt qua cái nỗi một mình ở nhà, sợ hồn ma, sợ người lạ, vượt qua sợ hãi mơ hồ. Nó yêu cái vị vắng vẻ, cô quạnh, nó dần quen, nó thong thả, thư thái. Như là nó học được một điều gì đó rất quý báu.
Chạm vào cõi lặng yên, nó cảm nhận những gì xung quanh thật rõ, cả cái bồ đựng muối cha đan bằng nứa, cái lon sành đựng gạo đã quá quen, cái ổ gà đẻ... Trong lòng nó, mọi thứ thân thuộc hơn, cây cau ngoài cổng in bóng cao vút trong lòng, cây râm bụt cong nhành thường thả đu đưa những bông hoa... Nó đăm đăm nhìn, nghe sự san sẻ. Được nhẹ vơi cô quạnh, nỗi buồn rầu... mọi thứ bao giữ lấy nó hơn, bện chặt thêm vào lòng nó, như thể nó bị buộc ràng hơn, như là bùa ngải, như là hồn vía...
Dần dần, lòng nó chỉ còn mỗi nỗi buồn lo về sức khỏe của cha và mẹ nữa thôi. Chưa bao giờ nó lo về chuyện này như thế. Trong bụng không yên, tâm trí không còn được thảnh thơi như trước đây. Nỗi lo lan ra, lo đến việc học hành của anh trai, và ước mơ của nó, và lan ra vô cùng... nó sực tỉnh, ngắt bớt.
Lo xa xôi cũng chẳng được gì. Điều quan trọng là mong cha mẹ sớm từ viện trở về...
Anh em bà con nội ngoại mỗi người một phương, người gần, người xa cũng đã tìm cách thăm nom, hỏi han, cho con gà cân gạo, hoặc chút tiền. Nó những tưởng đi chăm cha thay cho mẹ, nhưng bệnh cha nghe nói sắp lành.
Cha về, người gầy xanh xao, mẹ cũng còm cõm. Bao nhiêu xương xẩu bày ra...
Nó ngắm nhìn cha mẹ kĩ hơn. Khi cha mẹ gầy rộc, già đi, nó mới biết đến sự xót xa trong lòng là thế nào, nghe thật rõ, xót xa mà nghẹn lời, không nói được, không biết làm gì hơn, nó thấy rõ cái khổ sở của con người. Nó thấy đời dài, thấy nhiều điều đáng lo sợ, dồn dập, mong manh. Nghèo đói lâu, làm lụng nhiều, ốm yếu... nó bắt đầu ngẫm về đời người, đời cha mẹ.
Cha lại đau dữ, lại phải chạy đi viện gấp. Lần trước nghe nói người ta chẩn đoán bệnh tứ tung, mỗi viện nói một bệnh, thử thuốc này, thuốc khác... cuối cùng, thấy nhẹ bệnh thì về. Họ bảo cha nhiều bệnh, các bộ phận; thận, phổi, dạ dày, gan...đều yếu đồng bộ nên khó chạy chữa. Chữa chỗ này lại đau chỗ khác...
Lòng nó buồn mênh mang. Chưa khi nào nó trải qua sự đau xót trong lòng quá rõ đến thế, nhiều như thế. Và không nói ra được.
Nó đòi đi cùng để hỗ trợ mẹ, mẹ nhất mực muốn nó ở nhà làm lụng, trông nom, đi cả thì càng nguy ngập hơn, mẹ quày quả, te tái, thân gầy chưa kịp lại sức, dặn nó nghe lời, bảo nó cứ yên tâm, mẹ quen rồi, mẹ lo được, và nếu có gì mẹ sẽ nhắn, sẽ nhờ cô, chú anh em họ hàng...
Sự tháo vát cứng cỏi của mẹ khiến nó được yên lòng. Nó học quen dần với những gì không an vui, cảm nhận từng tí chút những dời biến, thay đổi, đến đi, đi đến, và càng khắc ghi bóng hình mẹ, lòng mẹ trong đời thường lẫn trong khốn khó... hiển nhiên là không gì sánh bằng.
Nó viết thư cho anh trai, viết ra bao suy nghĩ ngổn ngang, và chẳng hiểu sao nó thấy giấc mơ đến Thủ đô xem Hồ Gươm và sông Hồng xa vời vợi... Nó viết, tâm sự cuối thư bộn bề...
Anh trai thư về, hứa sẽ hết sức cùng nó làm cho ước mơ của nó thành sự thực.
*
Cha ốm đau kéo dài. Nó lấy chồng. Mãi nó mới có dịp đến Thủ đô và được biết Hồ Gươm, sông Hồng. Nó ngồi một mình trên ghế đá, có nỗi buồn rất lạ, nó thấy một Hồ Gươm của riêng nó, sông Hồng của riêng nó. Và chẳng thể nào hiểu những gì dâng lên trong lòng mà làm ứa nước mắt.
VN15-2016
----------
Bài viết cùng chuyên mục