Sáng tác

Người thật thà ở phố của rơi. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học

Nguyễn Văn Học
Truyện
13:00 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Chuyện mưu sinh người nghèo chẳng bao giờ dễ dàng. Dẫu rét mướt vẫn bán mặt cho gió. Bất ngờ thằng Tỏ khật khừ từ đâu rơi xuống, trịch thượng
aa

Trời tê tái như thể cơn gió đã được tắm trong băng giá, vù vù thổi làm đôi tai ông Khởi điếc đặc. Ông ngồi nhìn xa xăm hồi ức về một thời quá vãng, đột nhiên chỉnh lại cái mũ len đội trên đầu, hai bàn tay đen đúa run run buốt như vừa cào vào đống kính vỡ. Bên kia có người đốt mấy đoạn củi, mùi khói xộc tới cay cay, âm ấm. Ông châm lửa vào điếu thuốc như quắt đi vì rét. Chuyện mưu sinh của người nghèo chẳng bao giờ dễ dàng. Dẫu rét mướt vẫn đành bán mặt cho gió bụi. Bất ngờ thằng Tỏ khật khừ từ đâu rơi xuống, hất hàm trịch thượng:

Người thật thà ở phố của rơi. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Văn Học
Minh họa Đỗ Dũng

- Lão thấy ví tôi không? Đưa đây!

Từ sáng chỉ một hai mống khách uống trà, nhệu nhạo nhai cái kẹo dồi khiến lòng ông cũng đông cứng, lại bị thằng Tỏ ám quẻ, ông lắc đầu cho qua chuyện.

- Lão nhặt được của bao người, sao không nhặt được của tôi? Từ sáng, thằng này chỉ qua lại chỗ này, không rơi ở đây thì đâu?

Ông Khởi định vặc lại, ô hay, thứ gạch đá chó chết nào rơi vãi cũng đến tìm lão già này là sao. Nhưng ông hãm mình, ý chừng cho lành, ai chả biết cái thằng Tỏ con lão Rõ thuộc dạng “Chí Phèo”, không đáng chấp. Nhưng nó xấc xược lấn tới, nhặng xị, phả ra mùi hôi chua tởm lợm, khiến hai vị khách suýt nữa đã dừng uống nước, lại bỏ đi.

- Này nhá, đã bảo không là không. Đến vàng bạc kim cương, đây còn chả tham, huống hồ…!

Chỉ thế mà Tỏ sửng cồ. Hắn vớ cái phích đập óe vào cạnh bàn, bẹp xịu, nước nóng xóe ra, hơi bay lởn vởn, ruột phích thủy tinh vỡ xệu xạo. Bực bội dồn lên óc, ông Khởi lùi lại, thủ thế, nó lấn tới sẽ thụi mạnh. Một ông khách uống nước trong xóm đứng lên chìa người ngăn Tỏ. Hắn lại vớ cái cốc uống nước, định đập vào đầu ông. Vài người nữa ào ra ủn Tỏ đi chỗ khác, hắn còn lèm bèm chửi, thô tục đóng băng trên bầu khí lạnh.

Ông Khởi bị quặn ở tim vì bực bõ, lục tục kê lại bàn ghế, dọn phích nước. Lá muỗm trên đầu xào xạo rơi.

Chẳng là ông thường nhặt được của rơi. Ông sinh ra tại huyện ngoại thành, thời thanh xuân vào chiến trường cầm súng đánh giặc, khi giải ngũ, lang thang tìm việc, đi bốc vác một thời gian rồi nhờ cơ duyên, về góc đường ven làng Đổng, dưới tán cây muỗm ngồi bán nước trà, đến nay đã ngót ba mươi năm. Trước mặt ông là con đường nối với quốc lộ, dẫn về trung tâm thành phố lúc nào cũng mờ mờ vì bụi, tưởng chỉ quờ tay lên không khí là tóm được đất cát. Xe nối xe, người nối người, cuồn cuộn những giờ tan tầm. Khách quầy trà là người đi đường, dân lái xe, người trong mấy công ty xuất khẩu lao động và sản xuất nhỏ lẻ. Cũng có khi là khách trong làng Đổng phơi phới rộng, đang phởn phơ đô thị hóa. Cũng may ông đã mua được căn nhà cấp bốn lèo tèo để chui ra chui vào. Đoạn đường nhiều xe tải cày xới nên chi chít ổ gà. Từ ngày bán nước ở đây, ông Khởi rất hay nhặt được của rơi. Bao giờ ông cũng chờ đợi, hoặc nhắn chủ món đồ đến nhận lại. Ông tâm niệm thứ không phải của mình nên trả để nhận về quả phúc, phần mình cứ đạm bạc bằng mấy đồng lãi từ quầy nước nhỏ, thế đã đủ thảnh thơi tươi vui. Có ngày nhặt được vài lần. Người này truyền tai người kia đến hỏi han, xin đồ bị rơi, ngồi lại chuyện trò dăm câu ba điều, uống nước chém gió. Tính ông xởi lởi, không tham nên nhiều người quý. Câu chuyện và hành động của ông tạo một hấp lực mê dụ kẻ khác. Mấy tên nghiện ngập ve vẩy đến đây vì thèm thuồng những món đồ có thể bị rơi. Nhưng bọn họ đảo qua đảo lại liên tục mà chẳng bao giờ nhặt được thứ gì, ngoài sỏi đá lọt xuống từ bọn xe quá tải lặc lè nặng. Không đủ kiên trì, chúng đành chuồn. Chúng đi thì ông lại có duyên gặp đồ. Lại thêm khách làm không khí nơi đây giảm cô đặc, cái ô nhiễm vơi mênh mông, ngọn gió bớt thông thốc. Tiếng cười và sự thân ái cứ đan cài vào những câu chuyện, để ngày qua ngày người ta lại muốn được sống thêm.

Chuyện người bán trà nhặt của rơi khiến những ông giáo quanh vùng hứng khởi muốn gặp để tán chuyện, kể với đồng nghiệp và giảng dạy học trò. Có người hay chữ, lắm văn phát tiết ra vè. Chân dung ông hàng nước được thêu dệt, càng trở nên sôi động, vui thích. Thầy giáo Huy trong xã còn xúc cảm làm thơ về ông Khởi, đọc vang cả cung đường. Giáo Huy cỡ tuổi ông Khởi, tính tình khí khái, xởi lởi nhưng trong lòng chất chứa nhiều nỗi đau đời. Gặp ông Khởi, hai người dốc cạn ruột gan cho nhau nghe. Chuyện của giáo Huy luôn khiến ông Khởi chăm chú vì độ hấp dẫn của từng khía cạnh trong đời sống giáo viên. Giáo Huy là người chịu nghe, như uống từng lời tâm tình của ông Khởi từ thuở chinh chiến đến khi về quê, lang bạt, rồi định cư ở chốn này như thể con thuyền đã chọn được bến đậu. Có hôm, cảm như bị nhạt mồm nhạt miệng, lại bị mấy đồng nghiệp đố kỵ, giáo Huy tìm đến ông Khởi, rủ đi uống rượu. Giữa trưa, rảnh, thu dọn sơ sơ rồi sang quán chếch bên kia đường. Chuyện rôm như rang ngô. Nâng cốc, giáo Huy phán:

- Anh Khởi đây có phúc có phần, được trên chọn. Không được chọn thì bảo đảm chẳng bao giờ nhặt được một cắc, một đồng. Như bọn nghiện hay mấy thằng tham lam, nó lượn lờ suốt mà có nhặt được món gì đâu.

Ông Khởi hiểu “trên chọn” có nghĩa là một đấng bậc siêu nhiên nào đó.

- Ôi dào, nhặt là nhặt, chỉ là tôi tinh mắt thôi. Chứ ai chọn đâu.

Nói thì như vậy, nhưng lời giáo Huy đâu phải không có lý. Chính đôi lúc ông có cảm giác người ta “có duyên” đánh rơi còn mình nhận duyên. Đoạn đường có lúc nườm nượp, thế mà chỉ ông thường nhặt được, sao không trúng người khác? Mấy cô gái ngành cũng có lúc thập thò dò tìm, sau đó nhảy lên xe người đi qua, rồi mất hút. Chẳng phải duyên thì là gì!

***

Người ta đã gọi con đường phờ phạc bụi là “phố của rơi”. Ông Khởi được gọi là “người tốt ở phố của rơi”. Ấy thế nhưng ông Khởi cũng gặp chẳng ít phiền toái. Làm người tốt, đã đành, nhưng vì may mắn tiếp xúc với quá nhiều của rơi nên chẳng tránh được có kẻ xì xào rằng ông tham lam. Rồi kiểu gì cũng ôm đống hiềm khích, vu vạ. Ông đã sống đến bơ phờ mái tóc, hít bao nhiêu bụi đường, phổi lọc biết bao cánh gió, thế mà có đêm ông nằm mơ về chuyện mình làm phúc mà giật mình thon thót. Ông mơ thấy người ta rơi nhiều quá, vung vãi đầy đường, như lá thu, nhặt chẳng hết, không có thời gian mà tiếp người đến nhận lại đồ. Mỗi người một khuôn mặt, dáng vẻ, nhưng đều giãn nở hớn hở khi được nhận lại. Có người ào đến rồi ào đi, lời cảm ơn cục cằn như ngói vỡ. Một người nhận lại cái ví có rất nhiều giấy tờ quan trọng, nói lời cảm ơn kỹ quá đến phiền hà, rồi buộc ông nhận một chục trứng vịt lộn. Lại có những kẻ tham lam, cố tình nhận nhầm đồ giá trị hơn, có kẻ không làm rơi cũng đến hỏi, rồi tỏ ra tức tối, rót muộn phiền cho ông.

Một hôm mệt, lựa lúc giáo Huy ra uống trà, ông Khởi bảo:

- Tôi định chuyển chỗ bán nước. Ở đây, nhặt được đồ cũng bị liên lụy, có ngày…

Giáo Huy xua tay:

- Ấy chết, anh mà chuyển là hỏng. Hỏng hẳn đấy. Này, ở đây anh dựa vào cây muỗm lừng lững, lại quen khách. Chuyển đi nơi khác là nơi nào, bảo đảm ở trong vùng, chính đây là chỗ thuận tiện nhất cho anh. Vả lại, anh có căn có số nhặt đồ chứ có phải muốn là được đâu.

Rồi giáo Huy lái sang chuyện ở trường - nơi ông coi là nhà, dốc sức dạy học, làm việc bằng tất cả đam mê. Nhưng gã hiệu trưởng, hiệu phó tỏ ra tức tối mỗi khi giáo Huy được phụ huynh và học sinh yêu quý. Thành ra, họ đánh rơi lên đầu giáo Huy những tai vạ, tội nợ mà ông không có, chẳng làm. Giáo Huy vẫn như cây thông giữa đồi bao la, trổ xanh, hướng lên bầu trời. Song giáo Huy học được chữ nhẫn. Ông lấy sự thanh cao, đạo đức làm trọng, chơi với sắc hoa và tiếng chim hót để vơi bớt ngột ngạt của dòng đời.

Quả là giáo Huy chịu nhịn. Một người thầy chịu nhịn bậc thầy. Ông Khởi thốt lên như thế. Ông thấy mình không bằng giáo Huy. Có lúc ông vẫn nóng nảy, cố chấp. Sau lần thằng Tỏ con lão Rõ mặt khỉ đại náo quán nước càng khiến ông nản. Chính giáo Huy cởi tấm áo cố chấp đang khoác lên tâm trí ông, giúp ông hít thở thảnh thơi, nhẹ lòng. Trước đây mấy lần Tỏ đã dò la, hỏi han về những thứ không rơi rồi bị ông quát cho, bỏ đi. Vậy mà hắn không từ bỏ ý định, bao vây ông bằng thói xấc xược. Ông đâu có sợ. Nếu không vì lão Rõ, bố thằng Tỏ với ông từng là đồng đội, ở đơn vị A, chiến đấu trong chiến trường K thì ông đã dùng nắm đấm rồi.

Lại nói về đồng đội cũ. Ông Khởi bặt tin lão Rõ từ ngày xuất ngũ, thế rồi tình cờ hai người gặp nhau tại làng Đổng. Thì ra làng Đổng là quê vợ lão Rõ. Quê lão ở mãi miệt biển Nam Định. Bố mẹ lão mất, năm đó tuổi đã khá nhiều nên khi lấy vợ liền gửi rể luôn. Lão Rõ muốn giới thiệu một cô em họ xa về đằng vợ, mặt nhiều trứng cá cho ông Khởi, gọi là giúp đồng đội cũ có người nâng khăn sửa túi. Ông Khởi cũng nghĩ, mình sẽ ngày càng già đi, có một người làm bạn, đỡ đần nhau khi trái gió trở trời cũng là điều tốt. Ông có gặp người phụ nữ quá lứa nhỡ thì đó một hai lần, nói chuyện chủng chà chủng chẳng, lại bị bên ngoài xì xèo đồn thổi, nên chẳng đâu vào đâu. Ông Khởi rút lui. Lão Rõ phật ý, lại “đi buôn”, rằng ông Khởi đã nghèo lại dở hơi như cám hấp trên vung. Chuyện vặt vãnh đó lọt vào tai, nhưng ông cố gắng làm nó trở nên bé tẻo teo để là phẳng mối quan hệ đồng đội đã trở nên gồ ghề này. Song cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, gia đình cô quá lứa cũng động lòng, thế là xảy ra xô xát cãi vã. Ông ốm mất mấy ngày không mở hàng nước vì tổn thương. Điều lạ là từ ngày đó, thằng Tỏ như kẻ mất trí, cả ngày lêu lổng, la cà quán xá, chốc chốc lại ra cà khịa quầy nước. Lần nào uống trà, nhón kẹo đút mồm nhai rôm rốp xong hắn cũng vuỗi mông đứng dậy không trả tiền. Hỏi thì bảo không có. Ông Khởi cũng chả thèm đòi. Đòi cái phường ngáo ngơ ấy làm gì cho tốn nước bọt.

Nhưng đời ông đâu chỉ gắn chặt những chuyện tẻo teo bé ngoài xã hội, ăn gió uống bụi. Ông bị quăng vào một bi kịch lớn hơn nhiều. Ngày hè nọ, lúc trưa vắng ông đang nhẩm đọc vè người ta tặng mình thì có người phụ nữ xách theo một cái giỏ tiến đến, ngồi xuống gọi một chén nước trà. Trong giỏ có một đứa trẻ đang ngủ. Ông Khởi xởi lởi: “Hai mẹ con định đi đâu, vẫy xe ôm mà đi.” Cô gái cười, nhỏ nhẹ: “Nhà cháu chỉ đến ngã tư phía trước, thăm bác họ, không cần đi xe.” Ông đứng lên, loay hoay đun thêm nước sôi, phòng lát nữa khách đông, quay ra thì cô gái đã biến mất, cái giỏ có đứa trẻ còn ở lại. Nhìn chung quanh không thấy, chừng nửa tiếng sau thì ông rờn rợn trong óc. Bần thần. Kinh hãi. Đừng nói là vứt lại cái mắm thối ở đây nhá! Ai mà trông được. Vừa trông quầy, trông đứa bé, ông vừa ngó nghiêng hỏi han xem có ai biết người con gái, vóc dáng như thế đi đâu, đứng đâu. Không ai biết. Toi rồi. Đứa bé bắt đầu khóc. Chẳng lẽ cô ta cố tình đánh rơi con? Mấy người uống nước nhớn nhác thay cho ông. Ông ngó vào, đứa bé lim dim mắt, nín, môi nhếch lên như chào. Dân chung quanh bắt đầu chạy ra, ngó nghiêng, xì xào. Có người đoán hay là con ông hàng nước, giờ mẹ nó đến trả? Ông lặng đi, suýt nữa đã mang nó đến gặp chính quyền để tìm cách nhờ vả nhà chùa làng Đổng. Nhưng rồi ngồi thần một hồi, ông nghĩ, hay là mình cứ nuôi nó. Những năm chinh chiến gian khổ, bom đạn đì đùng không chết, bây giờ khỏe mạnh, có chút tích lũy từ quầy nước trà, thêm đứa bé thì đâu có sao. Đắn đo suy nghĩ. Một khách uống nước góp thêm: “Ông không con, cứ giữ lại nó mà nuôi. Trời sinh voi sinh cỏ, lo gì!”

Ừ. Làm tới đi. Quyết định nuôi đứa bé thật nhanh, và cũng thật nhanh ông được những người vẫn ngồi tỉ tê nước nôi giúp đỡ hoặc tìm người giúp. Không có kinh nghiệm nuôi con trẻ, ông đành nghỉ bán nước, thành ông bố bỉm sữa bất đắc dĩ trong sự bao bọc của nhiều tấm lòng. Ông đặt tên con là Hạnh - Đức Hạnh, với mong muốn sau này nó trở thành người tốt nết. Được cái thằng Hạnh ngoan, hay ăn chóng lớn, lúc ngủ là sâu, khi chơi chẳng phiền đến ai, thành ra nửa năm sau ông đã mở lại quầy nước. Các bà, các chị trong xóm thay nhau bế đỡ một vài giờ, sắm cho manh áo, đôi dép, mua giúp lon sữa, chút thức ăn. Thằng Hạnh cứ thế mà lớn.

Thằng Hạnh được một tuổi thì ông lại “nhặt” được một bé gái. Lời đồn đoán rằng ông hư thân, tằng tịu với con nào để giờ nó tiếp tục mang con đến trả. Ông chẳng còn hơi sức mà thanh minh. Cuộc sống đã vất vả, không thể đèo bòng thêm đứa bé đỏ hỏn, ông báo chính quyền, rồi trao gửi vào chốn cửa Phật. Khổ nỗi, sau vài ngày trụ trì chùa Đổng tiếp nhận bé gái thì một bé nữa bị bỏ rơi. Liên tiếp trong vài tháng, sáu đứa trẻ bị bỏ nơi ông Khởi bán nước. Khi thì đang loay hoay đun nước, pha trà, tráng cốc, ngẩng lên đã thấy một cái giỏ đựng trẻ con. Khi thì bảnh mắt ra, chưa kịp dọn hàng đã thấy đứa trẻ oe oe khóc dưới gốc muỗm, sương vây chung quanh. Sao chẳng thấy mấy tên nghiện ngập, lũ tham đến nhận con, cưu mang các bé? Ông lại mở lòng làm phúc, gọi người, đỡ đần cưu mang, với hy vọng rằng tình người sẽ là bóng mát chở che cho những thân phận cơ nhỡ, bị bỏ rơi giữa bụi đường. Bọn trẻ đâu có lỗi. Lỗi là ở đám hư thân mất nết, vội vàng trao gửi trong những cuộc mây mưa rồi lĩnh hậu quả. Giáo Huy hiểu thời thế cũng như ý nghĩ của đám bỏ rơi con. Bọn họ biết lòng tốt nơi ông Khởi nên… chọn mặt gửi vàng.

Càng được “gửi vàng” ông càng phải nhận lời đồn ác độc. Rằng gái ngành đã xuất hiện ở cung đường này, ông hàng nước xí xớn cũng nên. Trong làng Đổng, vùng giáp ranh thiếu gì thiếu phụ, lắm cô quá lứa, lửa dễ bén rơm khô, không xả ở đấy thì đi đâu. Sự thêu dệt của kẻ ác mồm lắm màu mè, pha trộn thêm nhiều điều li kì. Mấy tờ báo lâng xâng lên bài. Thông tin, hình ảnh về ông hàng nước chi chít trên mạng. Mạng này dẫn lại mạng kia, lắm người xem, dần dần biến ông thành nhân vật nổi tiếng. Càng nổi tiếng càng nhiều lời thêu dệt. Nhọc. Nhọc thật sự. Song ngẫm lại, ông thấy mình cũng có duyên tốt, mát tay khi ở bên thằng Hạnh. Ông gặp nhà sư. Nhà sư bảo chấp gì miệng lưỡi thiên hạ, lòng tốt ông bán nước chẳng thể bị mờ nhòe bởi những đồn thổi. Lời nhà sư y hệt lời giáo Huy. Ông Khởi được cởi lòng, rằng nhà chùa đã chia sẻ chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi ở những cơ sở thờ tự khác. “Có trẻ bị bỏ rơi, ông cứ mang về chùa, trụ trì và các Phật tử sẽ cưu mang các cháu.”

***

Nhoáng một cái thằng Hạnh đi mẫu giáo, mặt tươi như hoa, suốt ngày bi bô bố bố con con. Giờ ông cảm thấy ở bên nó là diễm phúc. Nó làm vui cửa vui nhà. Trong sâu thẳm, ông cảm thấy nó là đứa trẻ trời ban cho mình để làm chỗ dựa sau này. Một vài đêm, vắt tay lên trán, ông chợt lo sợ một ngày nào đó mẹ thằng bé tìm đến xin lại con. Lúc đó mình phải làm sao? Buồn lắm. Mà sao dám để mất nó được. Nó sẽ phải ở đây, là của riêng, là một phần của đời mình. Ờ, mình lẩn thẩn rồi. Ông lại tự nhủ. Bao nhiêu thứ mình đã trả lại, có tham gì đâu, bây giờ lại tham một đứa trẻ.

Cả chặng đường gà trống nuôi con thiên hạ, ông thấy mình đã thấm chữ nhẫn. Ông trải qua bao sương gió, vất vả, chịu điều tiếng để mang về cho nhà chùa hơn hai mươi đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài đường. Ông cũng vượt qua sự áp bức mà vài kẻ lưu manh trút lên đầu. Chẳng là nhặt được tiền, vàng của người đánh rơi nhưng ông không dám tiêu, chờ người ta quay lại nhận, mà căn nhà thì tuềnh toàng, nhưng vẫn phải nhét vào một góc nào đó. Ngửi thấy mùi, lợi dụng khi ông bán hàng, kẻ trộm cắt khóa, lẻn vào lục lọi, lấy trộm. Có hôm tối muộn, chuẩn bị khóa cửa đi ngủ, vài thằng nghiện lẻn vào, cầm dao dọa giết, bảo ông có thứ gì quý thì nôn ra. Ông cứng:

- Tao chẳng có gì đáng giá, còm cõi được vài đồng lẻ thì nuôi con cả rồi.

- Điêu, lão nhặt được đầy của rơi, kiểu gì chả giấu đi. Nôn ra, không thì...

Không thể hô hoán, chẳng dám chống cự. Ngộ nhỡ chúng manh động, lia cho một đường dao thì bố con ông khổ. Ông đành lôi ra một gói tiền nhàu nhĩ, đưa cho chúng.

- Nhà tao chỉ có ngần này.

Mấy thằng nghiện nhìn nhau, nháy mắt, ý chừng cũng đã được, nên bảo nhau cầm tiền, rút lui. Ông thở phào, cẩn thận khóa cửa.

Hôm ấy ngoài quầy nước, mấy tên xăm trổ đầy mình, bụng phưỡn, đội mũ đen, đeo kính đen lâng câng đến vờ vịt đòi đồ. Một luồng sát khí tỏa ra chung quanh. Chúng nói vừa làm rơi hôm qua, khôn hồn thì trả lại. Ông Khởi ngớ người, nghĩ đang gặp chuyện chẳng lành.

- Các anh vừa bảo làm rơi mấy gói như bao thuốc lá à, tôi không nhặt được.

Bọn chúng vây quanh, bảo lão già tham của, không trả lại đồ sẽ cho biết mặt. Một thằng rút sẵn con dao nhọn, lăm lăm sát khí. Ớn lạnh chạy dọc sống lưng, không gian run rẩy. Người đi đường không ai dừng lại. Làm sao bây giờ?

- Điếc hay sao hả lão kia? Có nôn đồ ra không?

- Tôi đã bảo không nhặt được.

Thằng béo nhất hất hàm. Trong nháy mắt, thằng đeo dây chuyền vàng to như ngón tay đấm vào mặt ông Khởi một cú như trời giáng, khiến ông ngã xuống, choáng váng. Những tên còn lại đập phá tan tành mọi thứ. Người đi đường chỉ biết nhìn, không ai can thiệp. Lúc ông Khởi còn chưa hoàn hồn thì một tên túm tóc, hét to:

- Khôn hồn thì biến khỏi đây đi. Từ hôm sau, bọn này tiếp quản khu vực.

Bầu trời rỉ máu, nhòe mờ. Ông Khởi lồm cồm bò dậy, máu từ hốc mắt rỉ ra, tràn đẫm má. Ông chỉ còn nhìn được bằng một mắt, toàn thân lập cập run. Người chung quanh bây giờ mới xúm lại đỡ ông ngồi dậy, nhặt nhạnh lại đồ đạc. Nhưng chẳng còn gì. Quầy nước nhỏ đã vụn nát trong gang tấc. Ai đó gọi xe cấp cứu. Trước khi đi viện, ông chỉ kịp nhờ bà con, thằng Hạnh đang ở trường mẫu giáo, hãy đón và trông nom giúp.

***

Ông có biệt danh mới là “Khởi chột”. Một mắt của ông đã bị nhóm xã hội đen cướp mất. Sau khi xuất viện, ông đưa thằng Hạnh về lại quê ở huyện ngoại thành tá túc, nương nhờ lòng tốt của anh em, họ hàng. Một hôm, lão Rõ tìm về tận nơi ông Khởi dưỡng tâm đề trò chuyện, nói lời xin lỗi, rằng trước đây đã có những hiểu lầm. Lão Rõ mang câu chuyện của nhóm xã hội đen đến nữa. Bọn chúng cố tình vu vạ, đánh đập nhằm chiếm chỗ ông Khởi bán hàng. Chúng không nhằm vào lợi nhuận quầy nước mà muốn kiểm soát nơi ông vẫn nhặt được những món tài sản lớn. Nhưng từ ngày ông Khởi nhập viện, chẳng ai đánh rơi gì nữa. Mấy tên xã hội đen cử năm sáu tên túc trực, bán nước, quan sát, nhưng thứ rơi ở đường vẫn chỉ là cát sỏi và khói bụi. Nản, chúng cuốn gói đi rồi. Ông Khởi nắm lấy tay lão Rõ: “Bọn chúng sẽ thất vọng thôi, ông à!” Lão Rõ ở lại ăn cơm với ông Khởi với mấy món đạm bạc, dân dã. Nhưng không gian thì thích mê. Chim chóc múa ca trên những tán cây. Ở góc vườn, hoa huệ, hoa thược dược dâng hương cùng hồng bạch, dạ yến thảo… Lão Rõ tỏ ý muốn mời ông Khởi tiếp tục đi bán trà, nhưng là một góc chợ ở quận trung tâm thành phố. Thì ra, lão Rõ đã kể chuyện của ông Khởi cho các đồng đội. Tất cả cùng tìm phương án thu xếp giúp ông Khởi có việc làm, nuôi con. Ông Khởi nhận lời. Ông nhớ những mùa sương chùng chình qua đường, muốn lại được lắng nghe bao la câu chuyện ập òa từ đời sống muôn hình muôn vẻ dội lại. Công việc bán nước như trở thành định mệnh của cuộc đời, một niềm mê thích của ông. Nơi ông chuyển đến cách chỗ giáo Huy và nơi bán hàng cũ chục cây số. Không sao, có duyên giáo Huy vẫn tìm đến. Thằng Hạnh đi học, cuối chiều, ông thường dọn hàng sớm để đi đón, nấu cơm, chăm sóc con, thắp ấm cúng trong căn hộ thuê ở phố chợ.

***

Đầu giờ chiều, khách vắng, một phụ nữ ăn mặc sang trọng, nước hoa thơm nức tiến lại, ngồi xuống ghế. Chị ta nhìn ông, gọi một chén trà nóng. Ông Khởi đưa nước cho chị, rồi thoáng giật mình. Đúng là đôi mắt năm đó, long lanh to đen. Đây chắc chắn là mẹ đẻ của thằng Hạnh rồi, không khác được. Chị ta đến làm gì nhỉ? Ông suy đoán trong đầu, chắc chắn là muốn đòi lại thằng Hạnh. Ông sẽ không cho. Không thể chấp nhận được người đang tâm bỏ con. Sau vài hớp nước, chắc để định thần, người phụ nữ cất lời.

- Cháu chào chú. Hôm nay cháu gặp chú là xin thưa với chú một chuyện, mong thông cảm và bỏ qua cho cháu. Cháu chính là mẹ đẻ của thằng cu mà mười hai năm trước đã bỏ rơi ở quầy nước của chú.

Ông Khởi không kìm được, chặn lại:

- Giờ chị đến đòi con chứ gì? Không được. Không bao giờ.

Người phụ nữ từ tốn, đôi mắt long lanh cầu khẩn:

- Dạ, không phải thế ạ. Chú cứ để cho cháu nói hết đã ạ. Lúc đầu thì cháu cũng định đến xin chú cho phép cháu đưa con về nuôi. Cháu đã rất ân hận vì dại dột rồi bỏ rơi con. Nhưng lúc ấy, hoàn cảnh của cháu không cho phép. Giờ cuộc sống của cháu đã ổn hơn. Cháu có hỏi han về chuyện của chú. Các bác ở làng Đổng, phật tử ở chùa Đổng cho cháu biết. Chính chú dày công nuôi thằng Hạnh, nhặt được nhiều đứa bé nữa, rồi bỏ tiền hàng tháng dành dụm được để trợ cấp cho bọn trẻ đang được nuôi ở chùa Đổng, đến giờ vẫn vậy. Chú thật tốt ạ.

Ông Khởi lặng đi. Người phụ nữ trước mặt khóc vì xúc động. Chị tiếp:

- Nghĩ về tấm lòng của chú, cháu chẳng dám xin thằng Hạnh nữa. Chú xứng đáng có nó ở bên. Nhưng cháu chỉ xin, thi thoảng cho cháu được đứng từ xa nhìn nó, và gửi chút tiền trợ cấp hằng tháng.

Lòng ông được cởi mở, nhẹ nhõm, ông nhìn người phụ nữ chắc lẽ đang được hưởng cuộc sống dư dả.

- Chuyện đã như thế này thì tôi cũng chẳng từ chối được. Chị vẫn là mẹ nó, không ai cấm cản tình mẫu tử. Thi thoảng, chị cứ gặp trực tiếp, đợi nó lớn lên chút nữa, chúng ta sẽ nói rõ sự thật, rồi để tự nó ứng xử. Tôi tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.

Tâm thức ông Khởi thầm cảm ơn nhiều người rơi của, được ông trả lại đồ thì quay lại tương hỗ, chi tiền của, giúp ông có tiền đóng góp cho nhà chùa. Không có họ, hẳn nhà chùa sẽ khó khăn lắm. Âu cũng là tấm lòng đối đãi tấm lòng.

Người phụ nữ trao ông một gói tiền, nói là góp một chút cho thằng Hạnh ăn học, và để ông chu cấp cho bọn trẻ đang sống ở chùa Đổng. Ông hơi chần chừ, rồi cũng nhận lấy. Người phụ nữ quý phái bước lên chiếc xe con vừa tiến lại, không quên cảm ơn ông Khởi, rồi hẹn một ngày xin được gặp con.

Ông Khởi thấy tim rộn ràng, lòng vui, như vừa nhặt được một thứ quý lắm, hơn cả kim cương.

VN11/2024

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...