Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Chim Trắng: Vườn nhà ta im lặng quá

Nhà thơ Thanh Thảo
Chân dung văn học
11:15 | 11/07/2024
Chim Trắng là người làm thơ không muốn lặp lại mình và có một nội lực lớn, một nội cảm đầy và nhạy. Anh là một nhà thơ quê Nam Bộ có những cách tân.
aa

Đó là một câu thơ của Chim Trắng có lẽ được viết trước lúc anh chuẩn bị cho riêng mình một chuyến đi xa. Tới bây giờ, tôi vẫn có cảm giác lửng lơ thế nào, hụt hẫng thế nào khi anh Chim Trắng mất. Bởi trong khi anh biết trước và đã chuẩn bị rất chu đáo, rất kỹ lưỡng cho chuyến đi cuối cùng của mình, thì chúng tôi lại không biết. Tôi vẫn nhớ, đúng ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, vợ chồng chị Ý Nhi ra Quảng Ngãi, ghé nhà tôi chơi, chị Nhi cho biết anh Chim Trắng hình như bị bệnh gan khá nặng, nhưng hỏi thì anh không nói. Ngay sau đó, tôi gọi điện cho Chim Trắng, anh bắt máy và nói là có chuyện men gan cao, uống thuốc không giảm bớt. Tôi có biết chút ít về bệnh men gan cao, nên mới nói với anh là bệnh này chữa được, không đáng ngại lắm. Tôi đâu biết, ngay lúc đó, anh giấu tôi, thực ra anh bị bệnh gan nhưng nặng hơn rất nhiều, và anh biết, bệnh này không chữa được. Sau khi anh mất, tôi mới biết chuyện Chim Trắng đã từ chối bệnh viện, từ chối chữa trị, tới mức người con dâu của anh phải quỳ xuống khóc xin anh hãy thương lấy các con mà vào bệnh viện cấp cứu. Vào bệnh viện, bác sĩ tính trói chân tay anh để truyền máu hay truyền thuốc gì đó, Chim Trắng đã gạt đi: “Tôi là người tự do, đừng trói buộc tôi!”. Nói xong, anh chìm vào cơn hôn mê cuối cùng. Cho tới lúc mất, Chim Trắng vẫn đúng là anh, không một ly đổi khác.

Ngày bé, thần tượng của tôi là nhân vật Ruồi Trâu mà tôi được xem phim, sau này lớn lên được đọc trong tiểu thuyết cùng tên của E. Lilian Voynich. Tính cách mạnh mẽ đến mức cực đoan, tình yêu mãnh liệt với lý tưởng và người con gái tên Gemma, cuộc đời đầy sóng gió can trường của Ruồi Trâu, và lối sống khắc kỷ kỳ lạ của nhân vật này đã ám ảnh cả tuổi thơ tôi. Bẵng đi bao nhiêu năm, thực ra tôi đã gần như quên thần tượng của tuổi thơ mình, thì sau khi Chim Trắng mất, tự nhiên tôi cứ nghĩ anh giống một ai đó, một nhân vật nào đó mà tôi đã từng yêu kính. Và tôi đã nhớ ra, nhân vật mà tôi thấy có những nét tương đồng với Chim Trắng chính là Arthur có biệt danh Ruồi Trâu.

Chim Trắng có vẻ ngoài cứng rắn hơi lạnh lùng, nhưng tôi biết, anh là người bên trong rất nồng nhiệt. Có một ngọn lửa nào đó luôn bùng cháy âm thầm trong con người đặc biệt khắc kỷ này, một người luôn quan tâm tới bạn bè, tới người khác nhưng luôn giấu mình và nhận về mình những khoảng lặng. Dường như có một nét nào đó trong tiểu sử của Chim Trắng gần với tiểu sử của Ruồi Trâu, dù không tới mức khắc nghiệt như Ruồi Trâu, nhưng cũng đã khiến anh phải mang trong lòng một nỗi đau suốt đời. Đọc thơ anh, cứ thấy anh nhắc rất nhiều về bên ngoại, từ những hàng cau quê ngoại tới những kỷ niệm về mẹ mình, tôi đã không kịp hiểu, mà chỉ nghĩ là nhà thơ thì ai cũng hướng về phía mẹ mình nhiều hơn thôi. Sau này, được biết tên thật của anh là Hồ Văn Ba mà họ Hồ là họ mẹ, tôi mới cảm thấy lờ mờ một nỗi buồn nào đó mà anh không bao giờ kể ra.

Nhà thơ Chim Trắng: Vườn nhà ta im lặng quá
Nhà thơ Chim Trắng (bên phải) và nhà thơ Thanh Thảo - Ảnh: Tác giả

Chim Trắng là người làm thơ không muốn lặp lại mình và có một nội lực lớn, một nội cảm đầy và nhạy. Vì thế, anh đã đổi mới được thơ mình, đã vượt lên chính mình và đã thành một nhà thơ quê Nam Bộ có những cách tân. Đó là một điều đặc biệt. Nhưng dù đổi mới tới đâu, thì thơ Chim Trắng vẫn hết sức tình cảm, nhạy cảm và dễ tổn thương.

Có cảm giác, khi làm thơ, anh là một đứa trẻ đôi khi cô độc, đôi khi tủi thân, và nhiều khi khát khao những tình cảm bình thường. Nếu với một con người, trạng thái ấy mang lại nỗi buồn thậm chí nỗi đau, thì trong thơ, nó lại là một điểm mạnh. Thơ chính là số phận người làm thơ, không thể khác.

Để viết bài này, tôi đã chép tay lại những câu thơ Chim Trắng mà mình yêu thích trong tập bản thảo cuối cùng của anh, dự tính sẽ đưa vào bài viết. Nhưng rồi khi viết bài, tôi lại chợt muốn cứ để những câu thơ anh được yên tĩnh trong tập thơ, những câu thơ mà tôi cảm thấy không hề yên tĩnh. Bạn đọc có thể đọc và tùy chọn những câu thơ của Chim Trắng trong tập thơ mà mình thấy hợp với mình. Bởi thơ Chim Trắng không giáo huấn ai, không dẫn dắt ai, thậm chí rất kiệm lời khi giãi bày; thơ ấy cô đơn như con chim sẻ cuối cùng trong đàn chim sẻ đậu nơi vườn nhà anh và sắp vụt bay. Nhưng tôi vẫn xin trích một câu thơ của anh: “Tôi khai quang nỗi buồn và cái chết”, có lẽ cũng là một trong những câu thơ cuối cùng của đời anh.

Bến Tre là quê hương Chim Trắng. Từ ngày cùng được đi với anh về thăm quê và thăm nhà văn già Trang Thế Hy mà tôi rất yêu quý, Bến Tre bỗng thân thiết như đó là quê hương tôi. Nhất là khi hỏi ra, hơn 80% người Bến Tre có gốc gác từ Quảng Ngãi, thì tôi càng hiểu hơn vì sao mình yêu mảnh đất xứ dừa này.

Trong nhiều năm, Chim Trắng như chiếc cầu nối giữa tôi với Bến Tre và lão nhà văn Trang Thế Hy. Vì thế, khi anh mất, một điều khiến tôi xót xa, là từ nay biết ai dẫn cho tôi về Bến Tre?

Nhớ lần cuối cùng vợ chồng tôi được đi cùng anh Chim Trắng về Bến Tre hồi đầu năm 2011, tôi đã dồn mọi lo lắng về sức khỏe cho “cây sậy Trang Thế Hy” (chữ của Chim Trắng). Làm sao tôi biết, ngay lúc đó, Chim Trắng đã tự biết thời gian của mình không còn nhiều nữa. Vậy mà anh vẫn tỏ ra hết sức bình thản, vẫn vui cười hồn nhiên như không.

Ruồi Trâu của tôi!

“Vẫn là ta

chú ruồi sung sướng

sống xứng đáng

chết

chẳng vấn vương”

(Thơ của Arthur biệt danh Ruồi Trâu).

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Thơ tự chọn: Thanh Thảo Người lính trong trường ca Thu Bồn và Thanh Thảo " Một nửa" thơ Thanh Thảo - Lời bình Hà Huy Hoàng Thơ Thanh Thảo Chùm thơ của Thanh Thảo
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.