Ra đời trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn của những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ với lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, các nghệ sĩ chiến sĩ điện ảnh bưng biền vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, thử thách đã làm nên kỳ tích sản xuất ra hàng ngàn thước phim ghi lại những hình ảnh sống động cuộc kháng chiến Nam Bộ. Cùng với Điện ảnh Đồi Cọ - Việt Bắc; Điện ảnh Bưng biền -Nam Bộ đã đi vào lịch sử, tạo dấu ấn rực rỡ vào nền văn học nghệ thuật cách mạng bằng những thước phim quý báu. Với những máy quay cũ kỹ, cách tráng, dựng phim rất sáng tạo, độc đáo; những kỳ công, lòng dũng cảm tiếp cận chiến trận; những nhà làm phim đã làm nên những tác phẩm điện ảnh được xem là “những kỳ tích và huyền thoại có thật”, góp phần to lớn vào thắng lợi chung hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhiều người làm điện ảnh đã ngã xuống trong tư thế người chiến sĩ. |
Sau Hiệp định Genève, phần lớn đội ngũ gạo cội điện ảnh Tây Nam Bộ tập kết ra Bắc. Cùng với đó, sau thời kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam, cuộc đồng khởi ở Bến Tre lan rộng khắp miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời. Chỉ nửa năm sau, vào ngày 20/7/1961, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, quy tụ nhiều ngành nghệ thuật phục vụ kháng chiến như ca múa nhạc, hội họa, thông tin, báo chí, điện ảnh... Cuối năm 1961, để công tác chỉ đạo của Đảng kịp thời, sâu sát, Trung ương Cục miền Nam được thành lập tại căn cứ Mã Đà, chiến khu Đ, tạo những thuận lợi mới cho văn nghệ cách mạng, trong đó có điện ảnh giải phóng.
Trên mặt trận chính trị tư tưởng, điện ảnh là một vũ khí sắc bén, được Trung ương xem trọng và chỉ đạo triển khai phục vụ tiền tuyến ngay từ đầu những năm 1960. Trước khi có đoàn điện ảnh của Trung ương cử vào Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục do ông Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban, ông Trần Bạch Đằng làm Phó ban đã cho thành lập một tổ nhiếp ảnh gồm bốn người, chỉ rửa được ảnh 9x12cm. Dù vậy, những cuộc triển lãm ảnh đã gây được xúc động, làm nức lòng cán bộ chiến sĩ khi thấy mình trong đó. Những người làm điện ảnh ở miền Bắc khao khát được vào Nam phục vụ.
Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ (1945 - 1975) ghi nhận: “Nếu điện ảnh Bưng biền (điện ảnh kháng chiến chống Pháp tại địa bàn các khu 8, 9, 7 ở Nam Bộ giai đoạn 1947 - 1951) huyền thoại thời chống Pháp hình thành và phát triển từ ý chí, sự chủ động, sáng tạo; có cả tính “chịu chơi” của lãnh đạo cấp địa phương ở Nam Bộ, thì điện ảnh thời chống Mỹ đã có sự tổ chức, chỉ đạo một cách chủ động từ Trung ương.”
Lịch sử cũng ghi nhận, từ năm 1961 - 1975, không kể những đợt ra vào lẻ tẻ, hàng chục đoàn cán bộ điện ảnh, nòng cốt là cán bộ miền Nam tập kết, đã được Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa (Ban thống nhất tổ chức thực hiện) điều vào chiến trường Nam Bộ và Trung Bộ. Đồng thời, Tổng cục Chính trị, Điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức các đoàn cán bộ điện ảnh “đi B” để làm nhiệm vụ xây dựng Điện ảnh Quân Giải phóng miền Nam.
|
Những người làm phim mặc áo lính hay khoác áo quân sự khi đi B, vượt Trường Sơn đều được trang bị như một người lính. Ông Trương Thành Hỷ kể trong sách Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ 1945 - 1975: “Không tìm được máy nhẹ, chỉ có một máy Bell & Howell, tôi nhường lại cho đồng chí Trần Anh Trà đi khu 5. Tôi phải mua bộ máy AK 16mm của Cộng hòa dân chủ Đức đang trưng bày ở triển lãm, có đủ cót, bình điện, hợp nạp phim 20m, 60m và 120m... Khi đi B, tôi phải mang một khối hành lý rất nặng: một máy quay AK 16 với đầu kính Pancinor, 300m phim 16mm, một máy ảnh và các trang bị khác như vũ khí, lương thực 10 ngày ăn, tư trang... Khi cân kiểm tra hành lý đã 34 ký, nặng hơn hành lý của một anh lính bộ binh đến hàng chục ký lô, chưa kể 10 ngày gạo ăn dọc đường.”
Ngày 21/5/1963, ông Trương Thành Hỷ và Phạm Tranh lên đường trên chiếc ô tô bịt kín vải bạt vào làng Ho, Quảng Bình. Ngày 23/5/1963, đoàn rời trạm làng Ho leo dốc rất cao. Ông Hỷ nhớ lại: “Đây là thử thách đầu tiên, bởi ai không qua được dốc này phải ở lại miền Bắc. Một số người không vượt qua dốc nên phải quay trở lại. Dốc cao, khi lên đầu dốc nhìn xuống thấy đoàn người đi nhỏ như đàn kiến đang bò... Xuống dưới chân dốc trời đã chiều, mọi người căng tăng võng nghỉ, nấu bữa cơm tối rồi ngủ để sáng mai đi tiếp...”
Ông Trương Thành Hỷ đã vượt được Trường Sơn, không giấu được niềm tự hào khi nhớ lại sứ mạng của những người đầu tiên về Nam hoạt động điện ảnh: Nếu như cuối năm 1962, đoàn điện ảnh đầu tiên từ miền Bắc trở về là các anh Nguyễn Hiền (Cao Thành Nhơn) làm Trưởng đoàn, Trần Nhu làm phó đoàn, cùng các anh Ba Thạnh, Quốc Dũng, Đoàn Bảy, Lê Hà, Thành Thật... là những người đầu tiên xây dựng Xưởng phim Giải phóng Nam Bộ, mật danh B10 thì tháng 4 năm 1964, Điện ảnh Quân giải phóng được thành lập theo quyết định của Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền, phiên hiệu là B8 thuộc C362, do ông Trương Thành Hỷ, Phạm Tranh, Trường Sơn chỉ huy.
Tuy không nhiều tác phẩm do guồng máy sản xuất chưa hoàn chỉnh, thiếu bộ phận hậu kỳ, do nhiệm vụ đặt ra cho Điện ảnh Quân đội phải bảo mật nên đơn vị không có nhiều bộ phim hoàn chỉnh. Nhưng Điện ảnh Quân đội đã để lại cho Điện ảnh Việt Nam những thước phim tư liệu vô giá. Nhiều bộ phim đổi bằng máu các chiến sĩ cầm máy. Nếu như Xưởng phim Giải phóng có 31 người ngã xuống cho những thước phim thì Điện ảnh Quân đội, hàng chục người đã ngã xuống trên những miền đất nước.
Với chiếc máy quay cồng kềnh, người quay phim của Điện ảnh Quân đội là tâm điểm của hỏa lực địch. Khi ra trận, người lính quay phim quý máy hơn cả súng. Có người chấp nhận hy sinh, vẫn quyết giữ máy quay được nguyên vẹn. Có trận một tên thám báo trà trộn vào trong tổ chức Xưởng phim Quân Giải phóng bắn, khiến ba đồng chí Tranh, Châu, Đức hy sinh... Trong hai cuộc kháng chiến, hơn 80 chiến sĩ cầm máy, hoạt động điện ảnh đã ngã xuống ở chiến trường miền Nam, trong số đó hơn 31 chiến sĩ Điện ảnh Quân Giải phóng hy sinh, nhiều người không tìm được hài cốt. Con số thống kê người hy sinh có thể vẫn còn chưa đủ và nhiều thông tin về ngày hy sinh, nơi hy sinh... của nhiều liệt sĩ cũng chưa được xác minh đầy đủ, chính xác.
|
Những người làm phim tài liệu trong kháng chiến đã lấy máu mình đổi lấy những thước phim tư liệu vô giá. Đọc những trang Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ, thật thấm thía từng trang. “Đầu năm 1965, các chiến sĩ quay phim B8 cùng các đơn vị chiến đấu vượt qua suối sâu, dốc cao, mưa rừng, gió núi để tham gia trận công đồn Đồng Xoài (Chi khu Đồng Xoài, nay là thị xã Đồng Xoài, Bình Phước). Các ông Nguyễn Phú Thạnh, Bá Nhàn, Dương Tôn Bảo đều đã bị thương ở phần mềm. Sau khi băng bó xong, đồng đội chuẩn bị đưa về tuyến sau thì Phú Thạnh xin ở lại theo đơn vị để quay tiếp. Trong khi đơn vị đang đón đánh địch tiếp viện, Phú Thạnh đã cầm máy quay đứng lên dõng dạc hô chiến sĩ xung phong lên theo lệnh của chỉ huy để ông quay phim. Đáp lại, anh em chiến sĩ rời công sự nhất loạt xông lên tiêu diệt địch. Phú Thạnh đã bấm máy quay được những hình ảnh quý báu đó. Nhưng một lần nữa ông lại trúng đạn địch, bị thương. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục quay phim cho đến khi ngã xuống, máy vẫn còn trong tay. Vì vết thương quá nặng, Phú Thạnh đã hy sinh. Hình ảnh gan dạ của người chiến sĩ quay phim đã có giá trị hơn mọi lời động viên, là tấm gương cho đồng đội noi theo. Chiếc máy quay còn nguyên phim đã được đưa về cứ an toàn. Nguyễn Phú Thạnh được cấp trên truy tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba để ghi nhớ công lao của người quay phim đầu tiên của Điện ảnh Quân Giải phóng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Hình ảnh trận đánh này đã được ghi lại trong bộ phim Đồng Xoài rực lửa.
Tôi lại được đọc những dòng xúc động của Nghiêm Hà - người đồng đội của liệt sĩ Trần Cần Kiệm trong quyển sách Chân dung những nhà báo liệt sĩ. Ông Hà là tay cầm máy ảnh nhưng vào chiến trường miền Nam được đưa về Xưởng phim Quân đội. Thường được phân công trong tổ tác nghiệp đi chiến dịch, ông có nhiều kỷ niệm chiến trường với người đồng đội mang tên “Cần Kiệm”. “Anh là trai Tây Đô, tập kết ra Bắc được học hành đến nơi đến chốn, người cao ráo, mắt sâu, râu rậm, tướng mạo trông rất ngon lành, vậy mà những năm tháng ở đất Bắc chưa hề hứa hẹn cùng ai...” Cần Kiệm tài hoa, kiến văn rộng rãi, tính tình cẩn thận chu đáo. Nhờ bản tính ấy và kỹ năng chiến trường, Cần Kiệm đã giúp Nghiêm Hà và đồng đội thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhiều lần. Chuẩn bị Mậu Thân 1968, Cần Kiệm được phân công là quay phim chính, Bất Diệt phụ quay và Nghiêm Hà chụp ảnh là đội hình duy nhất của quân Giải phóng, phối hợp Điện ảnh Quân Giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn ghi những hình ảnh lịch sử nhưng không thành, do địch phản công, giành lại thế chủ động. Một lần tổ quay phim được phân công xuống đại đội tập kích cụm xe dã chiến ở Đức Huệ, nghe có đoàn quay phim đi cùng, cán bộ chiến sĩ đại đội chủ công rất phấn khởi.
Nghiêm Hà chân thành kể lại tâm thế mình lúc đó: “Trước giờ xuất kích, Cần Kiệm yêu cầu họp tổ Đảng vì buổi chiều tôi nêu ý kiến “đi quay chụp đánh tập kích ban đêm thì không làm ăn được gì, mà có khi bị thương vong, cần tính toán kỹ”. Với danh nghĩa tổ trưởng, Cần Kiệm quyết định đi tất cả, dù không quay chụp gì cũng đi, thương vong cũng đi, đây là công tác tư tưởng, công tác chính trị.
Mờ sáng hôm sau, đi trong đội hình rút quân về căn cứ, bộ đội hoan hô chúng tôi và tin chắc rằng những chiếc xe tăng cháy đã lọt vào ống kính. Tôi chẳng chụp được gì nhưng thấm thía một điều: người phóng viên quay phim, chụp ảnh mặt trận, không chỉ làm nhiệm vụ ghi hình ảnh thắng lợi của ta, thất bại của địch mà còn là những người làm công tác tư tưởng rất hiệu quả…
Cuối đợt 2 tổng tấn công, tôi bị thương, đi viện và từ đó làm công tác biên tập, đến cuối 1970 ra Bắc an dưỡng, vẫn theo dõi tin tức anh em B8, biết Cần Kiệm vẫn cầm máy và lấy vợ - cô y sĩ của đoàn văn công quân giải phóng. Nhưng trong chiến dịch trận càn Đông Dương đầu năm 1972, anh đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, để lại đứa con trai Trần Cần Thơ, khôi ngô, tuấn tú giống bố như đúc.”
- Trang 315 sách Lịch sử điện ảnh Nam Bộ (1945 - 1975) do Hội Điện ảnh xuất bản năm 2005 ghi tên liệt sĩ NguyễnPhước Thạnh... Trong khi trang 219-220 ghi lên Nguyễn Phú Thạnh... - Sách Chân dung các nhà báo liệt sĩ trang 497 lại ghi tên “Nguyễn Phú Thành”. Nhà quay phim Nguyễn Thành Hỷ lúc còn minh mẫn kể khi phục kích đánh địch tiếp viện trên đường số 2, nhà quay phim Phú Thạnh bị thương ngã xuống tay vẫn cầm máy, gượng dậy tiếp tục quay nhưng vết thương quá nặng nên đã hy sinh. Ông là người liệt sĩ đầu tiên của Xưởng phim Quân Giải phóng. |
Cho đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của cả hai liệt sĩ Nguyễn Phú Thạnh và Trần Cần Kiệm. Riêng trường hợp liệt sĩ Nguyễn Phú Thạnh, công trình Lịch sử điện ảnh Nam Bộ (1945 - 1975) do Hội Điện ảnh xuất bản năm 2005 vẫn không tìm ra bức ảnh chân dung nào của ông. Và trong cùng tập sách, trang 219, 220 ghi tên người liệt sĩ quay phim đầu tiên của Điện ảnh Quân Giải phóng là Nguyễn Phú Thạnh nhưng danh sách Điện ảnh Quân Giải phóng trang 325 lại ghi tên Nguyễn Phước Thạnh, trong danh sách Điện ảnh Quân Giải phóng trang 315 lại ghi Nguyễn Phước Thạnh (tức Tám Thạnh) - Quay phim; Chuẩn úy; sinh năm 1927 -.quê Bến Tre, về Xưởng phim Giải phóng năm 1962, sau đó chuyển qua Điện ảnh Quân Giải phóng năm 1963. Lại có thông tin rằng, anh hy sinh năm 1975 tại đường Hồ Chí Minh (có tài liệu ghi tên Nguyễn Phú Thạch, sinh năm 1930, hy sinh năm 1965 trong chiến dịch Bình Giã). Quyển Chân dung các nhà báo liệt sĩ do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1996 trang 497 ghi: “Nhà báo - liệt sĩ Nguyễn Phú Thành; Năm sinh 1927; Thuộc cơ quan: Điện ảnh Quân đội nhân dân; Tình huống và nơi hy sinh: Anh đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ quay phim ở đường 15 - Đường mòn Hồ Chí Minh; Đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của anh.” So sánh, đối chiếu các nguồn tư liệu, tôi nghĩ Nguyễn Phú Thạnh hy sinh trong trận Đồng Xoài năm 1965 là hợp lý. Tôi hỏi nhà báo Nguyễn Vũ Hồng Liên, người có tên trong ban biên soạn Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ (1945 - 1975) về sự mâu thuẫn này thì chị đáp: “Mình chỉ giúp việc từ tài liệu mấy chú đưa.” Ông Cố Hỷ đến nay tuổi đã cao, trí nhớ kém đi nhiều; nhiều nhà quay phim mặc áo lính năm xưa đã không còn nên việc tìm hiểu về một cái tên liệt sĩ chính xác, tìm một bức chân dung của liệt sĩ lại như mò kim đáy biển. Rốt cuộc người liệt sĩ quay phim mặc áo lính năm xưa tên chính xác là gì? Nguyễn Phú Thạnh, Nguyễn Phú Thành, Nguyễn Phước Thạnh hay Nguyễn Phú Thạch (trang 316, phần chú thích Lịch sử điện ảnh Nam Bộ (1945 - 1975)). Tôi rất mong qua bài viết này, ai là đồng đội hoặc thân nhân người liệt sĩ lên tiếng để trả lại tên cho người nằm xuống cho những thước phim được đổi bằng giá máu.
Trầm Hương | Báo Văn Nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục: