Sự kiện & Bình luận

Tầm nhìn xa cho văn chương

Huỳnh Trọng Khang
Tiếng nói nhà văn
10:00 | 26/10/2024
Baovannghe.vn- Nhiều cửa hàng sách ở Hàn Quốc, độc giả vẫn đang xếp hàng chờ mua sách của “nhà văn quốc dân” Han Kang. “Hiệu ứng Nobel” đã giúp làm hồi sinh những bộ phim điện ảnh chuyển thể sách Han Kang
aa

Không bất ngờ sao được, khi chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên bà đã đưa tên tuổi một nhà văn Hàn Quốc mà phải nói là lúc bắt đầu vẫn còn chưa tạo được cơn sốt quốc tế, trở thành một tác gia Nobel.

Tầm nhìn xa cho văn chương
Ảnh minh họa

Nhưng mười năm qua, thế giới đã khác đi nhiều. Mười năm kinh hoàng, mười năm khủng khiếp, đi rất nhanh, rất xa mà cái ngoái nhìn của chúng ta có thể làm chính mình sửng sốt. Chẳng hạn, năm năm trước đa phần dân số thế giới chưa biết đến thứ gọi là COVID-19. Ba năm trước, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn là câu chuyện hoang đường. Và giờ đây, những gì đã xảy ra đã thay đổi chúng ta.

Trong mười năm qua, bản thân đất nước Hàn Quốc đã đạt những thành tựu đáng nể trong văn học nghệ thuật. Giải Oscar Phim hay nhất cho Ký sinh trùng của Bong Joon Ho (bản thân vị đạo diện này cũng đoạt một tượng vàng Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất). Trò chơi con mực đoạt 6 giải Emmy của Mỹ, một bộ phim đạt hiệu ứng toàn cầu rất tốt. Chưa kể những thành công ở các lĩnh vực giải trí khác.

Rõ ràng, Hàn Quốc chỉ thiếu một giải Nobel văn chương để khẳng định với thế giới mình là cường quốc văn hóa thực thụ, hoàn toàn có thể sánh vai với các “đế chế văn hóa” trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản.

Dù vậy, như một lẽ tất yếu, vẫn có những tranh luận xung quanh giải Nobel văn chương năm nay. Phần lớn có lẽ đến từ ý kiến cho rằng còn nhiều tên tuổi khác về tài năng và danh tiếng xứng đáng với giải thưởng này hơn. Nhưng nhìn lại lịch sử giải thưởng, bao nhiêu văn thi sĩ từng đoạt Nobel văn chương?

Người Hàn có lẽ không bận tâm nhiều đến điều đó. Ở nhiều cửa hàng sách ở Hàn Quốc, độc giả vẫn đang xếp hàng chờ mua sách của “nhà văn quốc dân” Han Kang. “Hiệu ứng Nobel” đã giúp làm hồi sinh những bộ phim điện ảnh chuyển thể sách Han Kang, vốn dĩ khi công chiếu lần đầu đã bị khán giả quê nhà thờ ơ. Ca khúc How Can I Love the Heartbreak, You’re the One I Love của bộ đôi AKMU phát hành từ năm 2019 thịnh hành trở lại vì Han Kang từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng bà đã cảm động rơi nước mắt khi nghe ca khúc này…

Trái lại, Han Kang ứng xử với giải thưởng của mình khá chừng mực. Văn chương và vẻ ngoài của bà gây ấn tượng cho độc giả về một nhà văn hiền lành, khép mình nung nấu bên trong một con người dữ dội, phản kháng.

Một phần cá tính đó có thể thấy trong tác phẩm liên truyện Người ăn chay, tác phẩm đã giúp Han Kang trở thành nhà văn quốc tế khi bản dịch The Vegetarian của Deborah Smith đoạt giải Man Booker quốc tế năm 2016. Giải thưởng này tôn vinh cả dịch giả và tác giả, điều đó cho thấy bản dịch của Deborah Smith đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quảng bá Han Kang ra thế giới, dù độ “trung thành” với nguyên tác của bản dịch này, chính độc giả Hàn Quốc cũng đặt nghi ngờ.

Trước khi cuốn Người ăn chay nhận giải Man Booker quốc tế, giải thưởng này thường được trao cho sự nghiệp của tác giả chứ không trao tác phẩm. Đây là giải thưởng bổ sung cho giải Man Booker trao cho những tác phẩm nguyên bản viết bằng tiếng Anh. Trong khi đó giải Man Booker Quốc tế đã trao cho Ismail Kadare (2005), Chinua Achebe (2007), Alice Munro (2009), Philip Roth (2011), Lydia Davis (2013), László Krasznahorkai (2015). Đây là những tên tuổi lừng lẫy của văn học thế giới. Trong đó Alice Munro đoạt giải Nobel năm 2013. Từ năm 2016, giải này thay đổi, trao cho các tác phẩm được dịch sang tiếng Anh.

Thế giới đang có một sự chuyển dịch bên ngoài hướng ra khỏi phạm vi Âu - Mỹ, có thể dễ dàng thấy điều này thông qua các giải thưởng không chỉ văn chương. Điều này là cơ hội nhưng cũng đòi hỏi một nỗ lực quảng bá bài bản.

Trong diễn từ công bố giải Nobel văn chương năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Nobel, Anders Olsson sau mỗi tác phẩm bằng tiếng Hàn của Han Kang thường mở ngoặc ghi tên bản dịch bằng tiếng Anh cũng như năm xuất bản bản dịch. Có thể thấy, việc đánh giá văn nghiệp của một tác giả thuộc về ngôn ngữ thiểu sổ đòi hỏi “cây cầu” dịch giả mà ở đây cụ thể là Anh ngữ.

Thông qua quỹ dịch thuật được chính phủ tài trợ, Hàn Quốc đã xem việc dịch và quảng bá các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang nước ngoài là một chiến lược quốc gia lâu dài và giải Nobel như một minh chứng cho thành công của họ.

Đơn cử trường hợp Han Kang ở Việt Nam, tác phẩm của bà đã hiện diện ở nước ta từ hơn mười năm trước. Người ăn chay, Bản chất của người, Trắng, những tác phẩm được nhắc đến trong diễn từ của Anders Olsson đều đã xuất bản ở Việt Nam. Cho thấy chính sách quảng bá của họ không chỉ chăm chăm vào những ngôn ngữ phổ biến mà muốn khẳng định tầm vóc thực sự của nền văn chương này với toàn thế giới.

Câu chuyện quảng bá văn học những năm gần đây ở Việt Nam chúng ta cũng bắt đầu bàn tới. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng nếu quan niệm quảng bá văn học Việt Nam là một chiến lược thì phải xem đây là một chiến lược quốc gia lâu dài và có đầu tư bài bản mà Hàn Quốc là mô hình thành công chúng ta có thể học tập, áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

Yếu tố đầu tiên chính là văn học Hàn Quốc xuất hiện ở nước ta không chỉ giới thiệu những tác giả đơn lẻ hay những tác phẩm xuất sắc mà là một thế hệ tác giả nổi bật của nền văn học Hàn Quốc đương đại, giúp chúng ta hình dung sơ sơ về nền văn học này, những tác giả nào đang nổi tiếng, tác giả nào đang thành công quốc tế…

Dĩ nhiên, yếu tố tài chính cũng được quan tâm. Không thể phủ nhận, việc Hàn Quốc vươn lên thành nền kinh tế tốp đầu châu Á có tác động tích cực đến cách họ đầu tư và quan tâm hơn vào nền văn hóa của mình.

Trong câu chuyện này cũng không thể phủ nhận tài năng của tác giả, ở đây là Han Kang. Nhưng tài năng đã chỉ có thể thoát khỏi bán đảo Triều Tiên khi được quan tâm, đầu tư và quảng bá đúng mực.

Chưa đầy mười năm để từ một nhà văn gần như vô danh trên nền văn học quốc tế trở thành một nhà văn Nobel là một sự phát triển rất nhanh chóng. Nó cũng thể hiện tốc độ phát triển của xã hội đương đại, khi mọi thứ được cập nhật nhanh hơn, giao lưu, liên kết thuận lợi hơn.

Trường hợp Han Kang gợi nhớ đến Pearl Buck, nữ văn sĩ Mỹ đoạt giải Nobel văn chương năm 1938. Bà nổi tiếng với các tác phẩm lấy bối cảnh Trung Quốc, kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay năm 1925 đến khi lãnh giải Nobel cũng chưa tới 15 năm. Nhưng đó là vì bà viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Còn với một nền văn học thiểu số, việc quảng bá chắc chắn phải cần một đội ngũ dịch giả chất lượng bên cạnh một nguyên tác xuất sắc.

Thêm một giải Nobel văn chương, thêm một nhà văn đoạt giải, độc giả có lẽ là người có lợi nhất khi được biết thêm một tác giả, có cơ hội được tiếp cận thêm nhiều tác phẩm văn học hay trên thế giới. Nhưng với tầm nhìn xa hơn, chúng ta cũng cần nhìn ra trong một sự kiện quốc tế, cơ hội, tiềm năng, và quan trọng là bài học mà chúng ta có thể áp dụng để phát triển văn hóa nước nhà.

--------

Bài viết cùng chuyên mục

BÁC HỒ với đời sống tâm linh Về đời sống thi ca hôm nay Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học Đưa nghệ thuật đến gần hơn với đời sống Đọc truyện: Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương