Sáng tác

Trước tuổi ba mươi - Truyện ngắn của Phan Tấn Linh

Phan Tấn Lin
Truyện
06:00 | 11/08/2024
Baovannghe.vn - Khi nội tôi còn sống, có lần người bảo: Thằng này Canh Tuất - Canh cô, phải cưới vợ ngoài ba mươi thôi con ạ. Cũng lận đận lắm thôi. Mẹ tôi thì cười
aa
Trước tuổi ba mươi - Truyện ngắn của Phan Tấn Linh
Trước tuổi ba mươi - Truyện ngắn của Phan Tấn Linh

1. Khi nội tôi còn sống, có lần người bảo: Thằng này Canh Tuất - Canh cô, phải cưới vợ ngoài ba mươi thôi con ạ. Cũng lận đận lắm thôi. Mẹ tôi thì cười: Ôi giời, bà cứ nói thế thanh niên bây giờ ngoài ba mươi mới lấy vợ là thường. Thằng Dũng của bà còn phải lo học hành phấn đấu chứ. Hồi ấy, còn nhỏ nên tôi cũng chả để ý những chuyện này. Bây giờ một chân đã bước sang tuổi ba mươi, tôi mới giật mình: lẽ nào nội tôi nói đúng.

Mười bảy tuổi đăng lính, loanh quanh mấy năm ở biên giới phía Bắc rồi mới giải ngũ, học đại học, tốt nghiệp đi làm được gần một năm thì bỏ việc, nửa năm lang thang xin việc ở miền Nam cũng chẳng đâu vào đâu, lại về quê đi làm phụ hồ, gần ba chục tuổi đầu tay trắng - Đó là chân dung tôi.

2. Một lần Thành bảo: Tao thấy mày dở ông dở thằng thế nào. Trí thức thì trí thức con mẹ nó đi, mày đi làm thơ trông nhếch nhác quá. Tôi bảo: Tao học văn, khó kiếm việc chứ có phải tao chán việc Nhà nước đâu. Thành mắng: Đấy, cái chỗ tao lo cho mày ngon thế, mày lại bỏ ngang. Tôi bảo: Nhưng ở đấy tao không chịu được. Khi tao có ý tự khẳng định thì người ta bảo: Ở đây bọn tôi không làm thế. Khi tao góp ý về chuyên môn với tay trưởng phòng thì hắn ta bảo: Ở đây tôi là sếp của cậu. Thành xẵng: Tài năng có hạn thì hãy cứ tròn như bi ve mà lăn, hiểu chưa, như tao đây này. Tôi bảo: Nhưng tao không tròn được. Thành bảo: Mày làm mất mặt tao! Rồi giận dữ bỏ đi.

Tôi và Thành học chung lớp, chung trường từ cấp một đến cấp ba, nhưng hiểu nhau không nhiều. Hồi học phổ thông ai cũng bảo tôi học hơn Thành một bậc nhưng Thành đậu đại học ngay còn tôi thì trượt. Thành học sư phạm, tốt nghiệp về tỉnh làm việc ở một cơ quan đoàn thể. Một vợ một con và cũng lên đến chức trưởng ban. Nhà cửa tiện nghi đầy đủ cả. Nhiều khi Thành mắng, tôi đành chịu nhịn. Thành thành đạt quá, mà tôi thì... Chả bù cho hồi đi học, có gì khó Thành cũng đem hỏi tôi. Và, trong các buổi tranh luận, phần thắng bao giờ cũng nghiêng về phía tôi.

3. Hảo đưa tôi cái băng cátsét có tựa đề: "Xin trả nợ người" của Trịnh Công Sơn, bảo: Dũng nghe đi, trong này có mấy bài ngày xưa Hiền rất thích. À, mà Hiền thích thì Dũng cũng thích, phải không? Tôi chợt nhớ Hiền và buồn bã nhận cuốn băng. Hảo hỏi: Thế nào, đã nhòm ngó được chỗ nào chưa, gần ba mươi rồi mà Dũng cứ như hồi phổ thông. Lấy gương Thành mà soi ấy.

Hồi ấy, lên cấp ba, tôi và Thành có thêm ba người bạn mới: là Hảo, Hiền và Tú. Bộ năm chúng tôi học giỏi và cũng nghịch ngợm chết người. Lớp mười, tôi vặn đồng hồ của ông Phúc trực trống, Tú xì lốp xe của thầy Hân dạy lịch sử, Thành bỏ cóc vào bàn cái Hà lớp trưởng. Hảo tóc ngắn, quần tây, đấm đá, chạy nhảy như con trai. Cả nhóm Hiền hiền lành và học giỏi hơn cả. Chúng tôi coi như em út, có gì cũng nhường. Hiền học giỏi nhất môn văn, có bài luận được làm mẫu trong sách Tập làm văn. Hiền sống nội tâm và khá lãng mạn.

Lên lớp mười một, chúng tôi bớt nghịch ngợm hơn. Vì cả nhóm tôi và Hiền có ý định thi khối C nên thường học cùng nhau. Cả bọn thường trêu chọc và ghép đôi tôi với Hiền. Riêng tôi cũng thấy mến mến Hiền và có ghi nhật kí. Nhưng không biết là Hiền có nghĩ gì không. Có lần Hiền bảo: Đàn ông cần nhất là đức tính trung thực. Dũng thì có rồi nhưng hơi cực đoạn. Hèn gì văn Dũng hay mà cứ lành lạnh thế nào! Tôi và Hiền có khá nhiều kỉ niệm, hết lớp mười một, nhật kí của tôi đã đầy ắp. Có lần Hiền vớ được đọc, khóc và nói: "Còn trẻ mà Dũng, với cả Hiền bệnh, sợ người ta khổ.” Tôi nổi khùng: Đừng nói kiểu ấy với tôi. Tôi yêu thì mặc tôi. Còn đằng ấy có hay không, không cần biết. Sau này nghĩ lại, tôi cứ ân hận mãi.

Hiền bệnh tim, đột ngột mất giữa năm chúng tôi học lớp mười hai. Cả trường ai cũng thương tiếc. Riêng tôi, là con trai mà hôm đưa đám còn khóc. Khi người ta hạ huyệt quan tài Hiền, hình như có gì trong tôi cũng bị chôn theo.

Sau cái chết của Hiền, Hảo tỏ ra là người hiểu tôi hơn cả. Hình như Hảo không như tôi nghĩ khi Hảo bảo với tôi rằng cũng biết những tình cảm riêng tư mà tôi dành cho Hiền. Dạo tôi đóng quân ở Hà Giang, Hảo học trường Tài chính - kế toán ở Vĩnh Phú. Chúng tôi thư từ cho nhau luôn. Đến bức thư thứ bảy, Hảo thổ lộ là yêu tôi. Tôi viết lại là trái tim đã lỡ dành cho Hiền, niềm đau thì chưa chịu nguôi ngoai. Tôi còn viết rằng rất trân trọng những tình cảm mà Hảo dành cho tôi và xin Hảo cho tôi được làm một người bạn tin cậy nhất. Hảo đồng ý.

4. Hôm qua đám thợ xây nhao nhao tranh cãi về mức thu nhập của các hạng người trong xã hội. Cu Tuấn bảo: Muốn có tiền thì phải có quyền. Bố thằng bạn em làm giám đốc, nhà chả thiếu thứ gì, nó thì tiêu tiền như rác. Anh Quang bảo: Ối, chuyện đó xưa như trái đất, khoan tính ở đây. Hãy tính thu nhập của những người thợ. Thợ xây 300 ngàn, phụ hồ 150 ngàn, thợ mộc 400 ngàn, thơ cơ khí 500 ngàn, như vậy chúng ta vẫn nằm trong loại thợ có thu nhập thấp. Vậy phải làm gì thêm để đủ sống, buổi tối tao đạp xe lai cũng kiếm đủ tiền học Anh văn. Còn bọn mày? Tuấn bảo: Em chả có việc gì, Thức, mày có dám đạp xe lai không? Thức cười: Thôi, người yêu tao là giáo viên, ngại chết. Anh Quang bảo: Mày hỏng, rồi mày định làm thợ hồ, thợ xây mãi à. Mỗi người một việc, chúng mày không có khả năng thì đừng đứng đó mà so bì với người ta. Nếu chúng mày có khả năng thì phải biết vươn lên chứ. Tao học xong cái bằng "xé" này nữa là tao sẽ có việc làm nhẹ nhàng mà thu nhập cao đấy. Còn Dũng, mày làm gì? Tôi trả lời: Em cũng chả có việc gì, à, thỉnh thoảng em có viết lách. Anh Quang bảo: Nghề đấy cũng khổ, mày có bằng cử nhân rồi, lo mà xin việc đi. Có khó khăn gì về vật chất cứ bảo anh.

Cách sống của anh Quang làm tôi kính nể. Anh ba mươi ba tuổi, chưa vợ, cũng từng là lính - lính đảo. Bố mẹ anh cũng giàu có nhưng anh cứ làm việc như một cỗ máy, sống chan hòa, thẳng thắn và hay giúp đỡ anh em, bạn bè. Nhiều khi tôi nghĩ anh Quang đúng là mẫu người đàn ông chân chính.

5. Có lần nào đó khi tôi bỏ việc đi làm thợ phụ về, mẹ tôi mắng: Tôi thấy anh như thằng chán đời. Có lẽ, ngày xưa bà nội anh nói đúng dấy. Ba tôi thì im lặng, tính ông vẫn thế. Ông năm nay mới năm bảy tuổi mà tóc đã bạc trắng, Hồi trẻ cũng đánh đấm ra phết. Tiếp quản Sài Gòn rồi chuyển ngành, công tác ở một nhà máy quốc doanh và cũng lên đến chức trưởng phòng kế hoạch. Vì không ăn cánh với tay giám đốc, ông bị vu cáo là tham nhũng, trai gái. Sau đợt ấy tay giám đốc mất hai cái răng cửa còn ông thì bỏ về quê sống cùng vợ con. Đôi khi tôi nghĩ, trong chuyện này ông còn đứng về phía tôi. Một lần ông bảo: Đàn ông cần phải trung thực. Không có lí gì thằng Dũng phải làm việc ở những chỗ như thế. Mẹ tôi thì lườm: Ừ, thì nó là con ông mà. Ông mà bây giờ còn khổ thế là cũng do trung thực mà ra cả đấy.

6. "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng... Em là tôi và tôi cũng là em..." Trịnh Công Sơn hát vậy đấy. Ông ta đúng là một người kì dị, những bài hát của ông mới nghe thấy ngang ngang, càng nghe càng thấm nỗi thương đời, thương người.

Không! Tôi nào có tuyệt vọng, chán đời gì đâu. Tôi yêu cuộc sống đến nỗi nhiều lần Thành đã phải thốt lên: Mày lãng mạn bỏ mẹ. Còn Hảo thì bảo: Phải thực tế hơn một chút Dũng ạ, có tuổi rồi. Tôi bảo: Đôi khi mình thấy làm thợ cũng vui vui. Vô tư, yêu ghét rạch ròi và đỡ phải tiếp xúc với những khuôn mặt cặp da, những trái tim cặp da. Thành mắng: Mày như cua, thế cái bằng cử nhân mày vứt xó à. Hảo bảo: Nghề gì không quan trọng, chỉ sợ là Dũng thiếu trách nhiệm thôi. Tôi thấp giọng: Ừ, có lẽ mình thiếu trách nhiệm trước cuộc đời mình. Hảo nói lảng: Hôm qua Tú vừa gọi điện thoại về. Cái thằng vẫn tếu táo thế, bây giờ đã là bố của hai đứa trẻ và rất giàu có. Nó hỏi thăm Dũng đã xin được việc chưa, không thì ra chỗ nó làm. Nó bảo sắp về.

Tú cũng là một mẫu người thành đạt. Nó cứ nói nói, cười cười mà giải quyết mọi việc thật nhanh. Bây giờ cũng mở công ty trách nhiệm hữu hạn hẳn hoi. Đôi khi tôi cũng thèm có được cái nguyên tắc sống của Tú hồi nào: Thách thức không hẳn lúc nào cũng đặt ra một sự lựa chọn khắc nghiệt. Khước từ hoặc chấp nhận. Hai khả năng ấy đều thiếu cân bằng trước thực tế. Một mực độ giao thoa có thể, vẫn tốt hơn. Không biết giờ Tú có còn nhớ không.

7. Sáng nay trước khi đi làm, Hảo ghé chỗ tôi bảo sẽ nhờ ba Hảo giới thiệu cho chỗ làm việc mới. Tôi ngường ngượng, bảo với Hảo là sợ làm ba Hảo phiền lòng vì khả năng có hạn, tính tình lại ương ương. Hảo bảo: Cứ đi làm đã biết đâu gặp được chỗ tốt. Tôi hỏi anh Quang, anh đồng ý. Tôi tự an ủi chẳng qua đây cũng là một dịp thử thách mới.

Tú ở Hà Nội về, bảo: Mày làm việc với tao, lương tháng năm trăm ngàn. Tôi hỏi: Làm gì? Tú bảo: Thì làm sổ sách giấy tờ. Tôi nói: Nhưng tao không có nghiệp vụ. Tú nói: Nghiệp vụ mẹ gì, mày chỉ kiểm hàng, viết giấy biên nhận, rồi giao dịch với khách hàng và cơ sở sản xuất, chỉ khéo khéo một tí là xong. Tôi bảo: Thôi, để mấy nơi tao nộp hồ sơ họ trả lời đã. Nếu không được, tao ra mày, kẻo uổng mấy năm học của tao. Tú mắng: Đồ khùng, đời mày rồi khổ.

Tôi hỏi Tú: Mày còn giữ cái nguyên tắc sống ngày xưa chứ. Bia vào, mặt đỏ gay, Tú cười hềnh hệch: Bây giờ làm nghề này, lừa nhau như chóe, chiếm dụng hàng, tiền của thằng nào được càng lâu càng quý, mà người ta cũng lừa tao, cũng chiếm dụng của tao chứ tử tế gì. Nguyên tắc nguyên tiếc gì, tao quên ráo rồi.

Nghe Tú nói, tôi cứ nghĩ là đến một lúc nào đó, người ta bắt đầu lợi dụng lòng tin để chiếm dụng cả tâm linh của nhau nữa. Đến lúc ấy sẽ thế nào nhỉ?

8. Tôi đi làm thợ trở lại. Điều này chỉ riêng Hảo hiểu tôi. Chỉ tiếc là tôi đã làm phiền lòng ba Hảo. Ông cũng là người cả một đời không phiền đến ai, cũng không để ai động đến mình. Sắp nghỉ hưu, người ta cũng sắp cho ông cái ghế đầu ngành.

9. Trước khi đi tìm anh Quang, tôi ghé trả lại Hảo cuốn băng Trịnh Công Sơn. Mẹ Hảo hỏi: Dũng lại đi làm thợ hồ à con. Đã đến lúc phải chín chắn hơn rồi Dũng ạ! Tôi chưa kịp trả lời mẹ Hảo thì Hảo đã kéo đi: Dũng nhớ gì không? Hôm nay là ngày giỗ của Hiền. Tôi thở dài: Thế mà đã mười năm rồi.

Hảo bảo: Dũng có nhớ quê nội Hiền có một dòng sông không, và cái lần cả bọn về thăm quê Hiền ấy. Tôi bảo: Nhớ! Hảo bảo: Lần ấy, trên bờ sông Hiền nói với cả bọn nhưng hình như cho riêng Dũng, rằng: Cần phải học theo thái độ của dòng sông, gặp khó khăn, trở ngại thì đi vòng để tránh, chứ không đi lui. Tôi nói: Vì, đó là buổi chiều, sau cái lần mình bảo lưu một quan niệm về văn chương trước thầy Mai dạy văn và đã phải xơi điểm bốn. Hảo bảo: Thế đấy, Dũng nhớ về Hiền, sao không nhớ là cần phải học theo thái độ của dòng sông. Tôi im lặng thắp hương, Hảo cũng lặng lẽ cắm hoa trên bàn thờ Hiền, hình như cả hai chúng tôi đang nhớ về Hiền.

Nhìn những bông huệ trắng vướng vào mái tóc dài của Hảo, tự nhiên tôi thấy Hảo thật giống Hiền của tôi ngày nào.

Chắc chắn, tôi sẽ nói với Hảo điều này.

Phan Tấn Linh | Baovannghe.vn

-----

Bài viết cùng chuyên mục:

Miêu cầm - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Người vãi linh hồn - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Bão Bức tranh - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài Napoleon và Bóng ma - Truyện ngắn của Charlotte Brontë
Văn nghệ Trẻ, số 26/1996
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn