Lao Kang đã trở về - truyện ngắn của Vương An Ức (Trung Quốc) - Tô Đức Huy dịch |
Họ nói với tôi Lao Kang đã trở về, ở tại nhà anh trai và đang trong tình trạng suy kiệt. Mấy đứa chúng tôi định tới thăm anh ấy nhưng bởi công việc quá bận bịu, đường sá lại xa xôi, thêm vào đó không phải ai cũng rỗi rãi cùng lúc nên cái thời điểm ấy vẫn chưa được ấn định. Hơn một tháng trôi qua mà chúng tôi vẫn không tụ tập được đầy đủ để đến thăm người bạn cũ. Và bởi vì chả có thêm tin tức gì nên chúng tôi nhanh chóng quên đi chuyện này. Hai mươi năm rồi chúng tôi không gặp lại nhau, gần một nửa đời người còn gì. Cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả hiếm khi có lúc hồi tưởng lại quá khứ; và khi bạn có nó đi nữa, trong cái chớp mắt nhìn lại đó, bạn sẽ thấy giữa quá khứ và hiện tại một sự cách biệt rõ nét khó có thể tưởng tượng nổi. Những gì xảy ra trong quá khứ có thể còn in dấu trong tâm trí bạn nhưng chúng dường như xa lạ, từ thế giới nào đấy cứ như trong mơ vậy.
Khi còn là bạn học, chúng tôi đều hơn hai mươi tuổi và cùng ôm những mộng ước lớn lao. Lao Kang ôm giấc mộng viết về lịch sử âm nhạc Trung Quốc. Hồi còn là sinh viên năm thứ hai, Lao Kang đã có biệt danh là "thư viện sống" và tích trữ được đầy một hộp các danh mục cứ như từ điển vậy.
Chúng tôi chả ai lạ với việc anh thu nhặt rất cẩn thận mọi thứ nhưng ngạc nhiên là anh hiếm khi động tới bút tham gia báo tường khi còn ở trường. Anh thây kệ sách báo. Đây chính là điểm người khác cảm thấy thất vọng ở anh. Vào chính thời điểm này, một trong số bạn học của anh đã viết bài xướng hợp vĩ đại mang tên "Dòng sông khải hoàn" được chọn vào vị trí hàng đầu tại buổi hòa nhạc tại Đại hội Thanh niên Quốc tế lần thứ bảy. Chúng tôi có hỏi anh: "Vậy cái gì đang diễn ra?" Anh trả lời gọn lỏn: "Sắp rồi. Sắp rồi." Lúc đó anh viết khá nhiều ngay cả khi bị gán cho là người hữu khuynh trong phong trào bài hữu và bị đẩy tới Qinghai. Giữa anh và tôi không thân lắm nhưng cũng không có gì gây xung khắc. Anh không có nhiều bạn bè - những con mọt sách, như anh. Anh hiếm khi tạo được ấn tượng giữa đám bạn bè. Vì chính nguyên nhân này nên hiểu biết của tôi về anh còn rất mơ hồ, vả chăng ở anh không có gì nổi bật cả. Chỉ có một việc lấy làm tiếc là anh nghiêng về phe hữu quá sớm. Tôi được biết tội trạng của anh chỉ là mấy lời không phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ, nó không có tính tích cực trong việc phản đối nhóm "Xian Xinghai" gồm ba thành viên (hay còn được gọi là "Nhóm ba tên"). Bởi vậy anh như ngọn đèn đang dần dần cạn dầu. Cuối cùng, vì mọi người không quan tâm nhiều tới việc anh phải đương đầu với quá nhiều nghịch cảnh bi thảm nên sự thương cảm của tôi dành cho anh cũng dần phai nhạt đi. Mối liên hệ giữa chúng tôi chỉ là tình bạn của mấy năm học cùng lớp. Và bây giờ, cái tình đó, qua hai mươi năm, còn mang ý nghĩa nào đó sâu xa hơn, ẩn chứa trong tâm trí tôi.
Một ngày, nhân tiện có công việc gần nhà anh trai Lao Kang, sau khi xong xuôi, tôi tới thẳng đó,
Gốc gác gia đình Lao Kang ở tận Zhenjiang, không phải Shanghai. Anh trai Lao Kang đã đưa anh tới đây để theo học, bởi vậy cứ cuối tuần Lao Kang lại về thăm anh trai. Anh trai Lao Kang từng chơi violon ở một dàn nhạc, còn bây giờ đã về hưu.
Đó là một khu tập thể mới xây và ông ta ở tầng mười hai. Tôi bước vào thang máy, rẽ trái. Ngay trước mắt tôi là của nhà ông ta. Phải bấm chuông đến lần thứ hai một bà già nông thôn trạc 60 tuổi mới ló đầu ở ngưỡng cửa, hướng đôi mắt ngờ vực về phía tôi. Tôi đoán đây là người coi nhà. Với âm giọng vùng bắc Jiangsu, bà nói ngay:
- Không có ai ở nhà cả.
- "Không ai?" Bạn hẳn đoán ra tôi quá thất vọng bởi kết cục lại như thế sau khi phải lặn lội xa đến đây. Không thể như vậy được.
- Chỉ còn một người tàn phế - Bà ta nói thêm.
- Thì tôi tới đây là để gặp người đó.
- Ông muốn gặp người đó à? - Bà ta nhìn tôi vẻ vô cùng bối rối, sau đó trấn tĩnh lại và mời tôi.
Tôi bước vào. Đó là một ngôi nhà kiểu tập thể nhỏ bé nhưng hẳn được sang sửa trước khi chuyển đến. Rèm vải phủ tường, sàn lát gạch mới, đèn trần, vài bức tranh sơn dầu tạo cho khung cảnh có phần sang trọng. Bước qua hành lang ngắn. Cửa phòng phía nam đóng, cửa phía bắc mở trong đó một người đàn ông ngồi gục đầu xuống bàn. Đó chắc là Lao Kang.
- Lao Kang - Tôi gọi - Không một lời đáp lại. Anh ta vẫn gà gật trên bàn. Tôi gọi lần nữa, anh ta vẫn chưa tỉnh. Nhìn anh không giống Lao Kang. Tôi bắt đầu nghi ngờ, hướng ánh mắt ra sau về phía bà trông nhà đứng bắt chéo tay trước cái tạp dề, dường như có điều gì muốn nói ra.
- Người này có phải em trai ông chủ? - Tôi hỏi.
- Anh biết ông ấy? - Bà ta hỏi lại. Tôi gật đầu.
Bà nói:
- Anh hãy bước tới gần và đánh thức ông ta dậy.
Chỉ có vậy và bỏ đi, một lát sau tôi nghe có tiếng nước chảy trong phòng tắm. Tôi lại gọi và anh ta vẫn không đáp lại. Thấy hơi khó hiểu, tôi bước qua phía bên kia chiếc bàn. Anh ta không ngủ, chỉ gục đầu xuống một cánh tay vắt trên bàn, còn tay kia đang vạch thứ kí hiệu gì đó. Một gương mặt hoàn toàn xa lạ, gầy yếu thảm hại, không có thần sắc mà chỉ thấy nào trán, gò má, quai hàm dính với nhau sau làn da trong trong. Bất chợt, tôi rùng mình.
- Lao Kang đấy ư? - Tôi hỏi thầm.
Lao Lang không thèm nhìn tôi, thậm chí tỏ ra không nghe thấy gì cả và vẫn vạch vạch trên mặt bàn. Tôi bước gần hơn nữa, nâng vai anh dậy để bốn con mắt bắt gặp nhau. Vô ích. Tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt vô hồn.
- Anh nhận ra tôi chứ, Lao Kang?
Không đáp lại, mặt anh không còn đủ các thớ thịt để co giãn hòng biểu lộ thứ cảm xúc gì đó. Tôi buông vai anh ra và cái bộ mặt lãnh cảm lại gục xuống bàn, tay tiếp tục vạch ngang, vạch dọc. Tôi nhận ra các kí tự đó ghép lại thành chữ "Gạo".
Tôi bắt đầu run lên, từ từ lùi bước ra khỏi phòng. Bà giúp việc thấy tôi liên hỏi:
- Ông ta có nhận ra anh không?
Tôi lắc đầu.
- Ông ta bị như vậy khi từ Qinghai trở về. Tuy nhiên vẫn còn biết ăn, biết ngủ và đi vệ sinh nhưng cần phải người giúp đỡ. Ông ta không làm bừa bãi, lộn xộn nhà cửa.
- Bà có biết anh ta bị bệnh gì không? - Tôi hỏi mà tay phải lau mồ hôi đang chảy trên trán.
- Họ nói một mạch máu trong não bị vỡ. Việc này xảy ra rất lạ. Ông ta không bị ngã hay đập đầu vào cái gì cả. Nó vỡ khi ông ta đang thanh thản ngủ.
- Liệu có thể là một cú đánh?
- Âu cũng là cái số. Ông ta đang chuẩn bị đi Sanghai. Họ nói rằng công việc của ông ta sẽ thay đổi và cả chỗ ở cũng được xét đến. Ngay sau đó, mạch máu tai ác vỡ ra còn hậu quả thì ông vừa thấy đấy.
- Bà ở đây để chăm sóc anh ta à?
- Tôi tới đây là vì sự cảm thông, thực sự vậy.
- Ở đây chắc rỗi nhỉ?
- Bận ra trò đấy chứ lại. Tôi không rời mắt được khỏi ông ấy. Ông chủ bảo sẽ trả tôi hậu hĩnh nhưng tôi nói tôi không tới đây vì tiền.
Bà ta lưỡng lự khi tôi tỏ ý muốn về và xin lỗi đã quên không pha chè mời khách. Tôi vội nói là không sao cả và quay bước. Ra đến ngoài, nhận ra để quên chìa khóa, tôi lại trở vào. Anh vẫn gối tay lên bàn, không để ý tới tôi và đang "vẽ" chữ "Gạo" bằng mấy ngón tay. Tôi chẳng hiểu ra sao cả.
Trên đường về, tôi nghĩ nhiều về Lao Kang. Tôi không tưởng tượng nổi biến cố gì đã dẫn anh ta tới tình trạng như vậy. Suốt hai mươi năm sống ở Qinghai, không ai trong số bạn bè nghe tin về anh. Anh giữ im lặng tuyệt đối về hai mươi năm đó.
Tôi dành một khoảng thời gian trong kì nghỉ, mua hộp bánh và tới chỗ Lao Kang.
Người anh của Lao Kang lại đi vắng, hình như tới một cuộc họp thì phải. Chị dâu cũng đưa con đi học đàn. Lao Kang đang ngủ trưa trên chiếc giường như của trẻ em. Bà trông nhà thì tỉnh ngủ hẳn khi nhận ra tôi. Chắc đây là lần thứ hai nên bà tỏ ra thân thiện hơn. Sau khi pha chè và chỉ ghế mời ngồi, bà lại kể: "Ông ta ăn được gần hai bát cơm, thịt sườn, rau và đậu, thậm chí cả xúp. Ông ta ăn tốt nhưng phải được mớm. Khi ăn xong, ông ta ngủ liền tới tận ba giờ. Sau đó thì chỉ ngồi đây thôi."
- Anh ta vẫn thế chứ? Vẫn không nhận ra ai à? Tôi hỏi mà lòng cứ hi vọng tình trạng đã khá hơn.
- Ông ta thực sự không nhận ra ai, ngay cả anh của mình.
- Ngay cả người anh? - Tôi ngạc nhiên thốt lên.
- Khi anh gọi, ông ta dường như lắng nghe, còn bây giờ khi tôi gọi, ông ta đã tỏ ra khá hơn một chút.
- Tôi đoán là anh ta bắt đầu có sự nhận thức về những gì đang diễn ra xung quanh.
- Khi tôi bảo ăn, ông ta biết cầm bát lên và khi bảo đi nghỉ, ông ta biết tháo tất và cởi quần áo. Rất dễ sai khiến.
- Xin bà hãy hứa là chăm sóc anh ta cẩn thận, vì lòng tốt!
- Thế ông nghĩ là tôi sẽ mặc kệ ông ta sao? Ông chủ luôn bảo tôi phải mua thức ăn ngon cho ông ấy bởi ở Qinghai thì chả có mấy dễ ăn. Bây giờ là lúc để ông ta thật thoải mái. Tôi luôn cố gắng thay đổi món ăn cho lạ miệng. Tỉ dụ như nếu hôm qua có gan lợn, thì hôm nay là sườn, xúp khoai tây.
- Anh ta có thấy ngon miệng không?
- Thức ăn nào ngon là ông ấy biết! Ông ấy đã ăn rất nhiều sườn từ bữa sáng đến giờ. Thế đấy! Ông ta hẳn biết mình thích gì chứ!
Tôi thở dài.
- Thưa ông - Bà ta chợt xưng hô với tôi như thế - Nếu ông hỏi tôi một con người như thế này có thể coi là đang tồn tại hay không thì tôi chỉ biết nói rằng tất cả những gì hiện hữu ở ông ấy là thở.
Tôi thật không biết trả lời như thế nào nữa.
- Đúng! Đó đúng là điều làm tôi phải suy nghĩ. Đây, một con người chỉ còn biết hít cho đầy phổi rồi lại thở ra, hít vào. Nếu còn thở, anh ta còn sống. Nếu không, anh ta sẽ chết.- Cái mồm bà ta vừa cử động vừa sệ xuống, những sợi tóc tõe sang hai bên trước trán sáng bóng lên dưới tia nắng chiếu xuyên qua cửa sổ.
Anh ta trở mình trên giường.
- Kìa! Ông ta đã tỉnh giấc! - Bà bước tới và đỡ Lao Kang. Ngoan ngoãn dưới sự hướng dẫn, anh ta ngồi dậy, thõng chân xuống rồi bước chậm chạp nhờ sự nâng đỡ để tới chỗ ngồi cạnh bàn. Gần như ngay tắp lự sau khi ngồi xuống ghế, bàn tay anh lại vạch lên bàn. Vẫn lại chữ "Gạo".
Sau khi gập chiếc giường lại, bà ta nói: "À, ông ta luôn như vậy." Để chiếc giường sang cạnh, bà bước tới và đỡ Lao Kang dậy, nói ngọt: "Nào, hãy đi vệ sinh." Lao Kang ngoan ngoãn bước theo. Chẳng bao lâu sau, tiếng nước xối từ trong phòng vệ sinh vọng ra. Tôi đứng dậy định ra về. Tôi không mong nhìn thấy những gì bà ta làm cho Lao Kang.
Tôi không muốn lại thăm anh ta lần nữa, nhưng vẫn ấp ủ "moi" thêm tin tức về cuộc sống của Lao Kang hai mươi năm trước. Có lẽ anh ta vẫn chưa lập gia đình. Và anh ta ngã ốm như thế nào mà nhanh như vậy? Ngoài ra, chữ "Gạo" ở đây có ý nghĩa gì mà Lao Kang lại viết đi viết lại nhiều lần đến vậy? Để làm sáng tỏ việc này, chỉ còn mỗi một cách là phải gặp anh Lao Kang. Cứ như được sắp đặt trước, hôm đi xem phim ở nhà văn hóa, tôi gặp ngay anh ta. Tôi gật đầu chào và nói luôn:
- Tôi tới hai lần nhưng không gặp anh.
- Hóa ra chỉ một mình anh sao? Tôi đã không nghĩ ra ai khi bà giúp việc nói lại. Anh ta mời tôi vào quấy giải khát. Chúng tôi còn hơn mười phút.
- Việc gì xảy đến với Lao Kang vậy. Ghê gớm lắm chăng? -Tôi hỏi, thậm chí khi chưa ngồi xuống ghế.
Anh ta im lặng đốt thuốc.
- Lao Kang lập gia đình chưa?
- Chưa. Anh ta lúc đầu. - Thế mọi việc xảy ra như thế nào?
Anh ta rít một hơi thuốc. Kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, bứt rứt xoay đi xoay lại bao diêm, chậm rãi đáp: "Lúc đầu đi lao động, sau được chuyển đến một phân khu văn hóa gì đó." Anh ta có nói tên nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến.
- Anh vừa nói phân khu nào cơ?
Anh nói lại. Một cái tên vô cùng lạ lùng đến nỗi tôi không còn biết viết như thế nào nữa.
- Anh ta có về thăm nhà lần nào không?
- Tất thảy hai lần.
- Còn viết thư đều chứ?
- Trong thư, lần nào cũng vậy, nó nói mọi việc vẫn tốt. Tôi có gửi mì mấy lần nhưng nó không cần phải như vậy nên tôi thôi. Và bây giờ, khi nhìn lại, tôi vẫn nghĩ nguyên nhân phần nào do tôi gây nên. Sau đó tôi có nghe phong thanh về cuộc sống vô cùng khắc khổ ở Qinghai.
- Nhưng thực tế thì anh không biết vậy và dẫu có cũng không làm gì được. - Tôi an ủi.
- Sau khi "bè lũ bốn tên" đổ, tôi cố gắng chạy chọt, cuối cùng trường hợp của nó được xét đến và được phục hồi chức cũ. Nó đã chuẩn bị đầy đủ để lên đường, hành lí đã đóng gói và nó có gửi cho tôi một bức điện. Tôi ra ga đón nhưng không gặp. Tôi lo lắng nghĩ có lẽ việc gì đó bất chợt xảy ra kìm chân nó lại. Không ngờ, khi về đến nhà, một bức điện khác gửi đến thông báo nó bị ốm nặng. Chúng tôi đang bàn về việc đi Qinghai, anh biết không, lại một bức điện gửi đến, nói nó đã qua khỏi cơn nguy kịch và sẽ có người đưa nó về nhà. Lẽ ra chúng tôi nên tới đó để biết rõ thực hư. Ở đây thì có trời mới đoán ra được.
- Thế anh có hỏi người đưa Lao Kang về điều gì không?
- Đó là một thanh niên mới chuyển về đó vài tháng. Hắn chưa biết em trai tôi, chỉ nói rằng nó là một người tốt và trung thực.
- Tôi nói tôi không cần những điều đó, anh ta cười. Đồ đạc gồm có một chiếc túi ngủ cũ nát, chiếc vali rách và vài trăm đồng. Tất cả chỉ có vậy.
- Khi trở về cũng ở trong tình trạng như hiện nay?
- Gần như vậy. Thậm chí còn mất cảm giác nhiều hơn. Bây giờ thì khá hơn chút đỉnh.
- Anh ta mắc bệnh gì?
- Một cơn sốc. Tối hôm trước khi lên tàu. Có lẽ bởi quá kích động.
Tôi bất chợt im lặng và anh cũng vậy.
Kéo dài hồi lâu, tôi hỏi: "Còn chữ "Gạo" anh ta viết mang ý nghĩa gì vậy?" Tôi nghĩ việc đó thật lạ lùng. Thực sự vậy. Nó chả nhớ gì hết ngoài cái từ "Gạo" chết tiệt đó. Vợ tôi nói nó phải chịu đựng quá nhiều trong những năm đói khát đến nỗi từ "Gạo" đã ăn sâu vào tâm khảm. Con tôi thì cho đó là tên một người đàn bà hồi tuổi trẻ. Chúng tôi đã tra trong danh bạ và có một người tên như vậy thật. Còn tôi thì không nghĩ đó là một chữ, đơn giản chỉ là một hình tượng. Có thể nó quen với việc vẽ một cách máy móc, không mang ý nghĩa gì. Thử nhìn mà xem, hai đường chéo bắt nhau, nhiều đường khác nữa, anh ta nhúng tay vào nước chè và vẽ cho tôi xem, đây không phải là một cấu trúc giản đơn.
Tôi cảm thấy vô cùng mơ hồ. Tôi hỏi xin điếu thuốc và rít mạnh. Ho khan.
Đấy có thể là một chữ lắm chứ. Nó nhất định đã khắc sâu vào tâm trí Lao Kang. Có nghĩa quái quỉ gì đây? Càng nghĩ tôi càng không dám "đào sâu" hơn nữa.
Tôi lại ho.
- Để hiểu cho rõ hơn, tôi nên tới đó một lần. Khổ một điều là quá xa. Tôi không nghĩ còn có dịp thực hiện ý định đó.
Chúng tôi đã không quan tâm nhiều tới Lao Kang. Tôi nói bùi ngùi đầy hối hận.
- Tôi thậm chí còn tồi hơn. Những năm đó, người dân tự bảo vệ mình còn chưa đủ. Thực ra, tôi và Lao Kang không phải anh em ruột, chúng tôi chỉ cùng mẹ. Việc tôi đưa nó về Shanghai dường như đã làm hại nó.
Tôi ngần ngừ rồi cũng lấy can đảm hỏi một câu tôi từng nghĩ đến mà không dám:
- Liệu anh ta còn sống được bao lâu?
- Bác sĩ nói là còn lâu.
Nhấc khỏi môi điếu thuốc, anh ta rơi vào im lặng. Chuông reo, chúng tôi không thèm đứng dậy. Tôi không biết gì về hai mươi năm qua của Lao Kang và càng không biết chữ "Gạo" ám chỉ gì. Tôi chỉ biết rằng trong cuộc sống, duy nhất từ "Gạo" là phát triển và được lưu giữ trong trí óc Lao Kang. Thật may là từ đó vẫn sống và anh thì chưa chết hẳn. Ở Lao Kang vẫn còn hơi thở của sự sống. Bất chợt tôi nhớ đến lời bà giúp việc về sự sống, và hiểu ra hàm ý của câu đó. Chuông lại reo và chúng tôi cùng một lúc đứng dậy.
- Vào xem chứ? - Anh ta hỏi.
- Nhất định rồi - Tôi đáp lại. Chúng tôi cùng vào. Ánh nắng trải dài như thủy ngân, xuyên qua vòm lá.
TÔ ĐỨC HUY | Baovannghe.vn
dịch trong tuyển tập các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đương thời
(NXB Ngoại văn - Bắc Kinh - năm 1991)