Văn chương thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động, khi những scandal văn chương và những tranh cãi liên tục diễn ra bên cạnh các xu hướng sáng tạo mới sẽ vẫn luôn thách thức các chuẩn mực đạo đức và tự do sáng tác. Nhiều vấn đề như tôn trọng quyền riêng tư của tác giả và di sản văn học, hay sáng tác bằng trí tuệ nhân tạo, cùng với sự đọc được mạng xã hội lan tỏa, hay nhà văn trước sức ép của chính trị, vai trò của văn giới trong xung đột quốc tế là những câu hỏi lớn không chỉ ở riêng năm 2024 mà còn cho cả tương lai của văn học. Văn chương vẫn là một vũ khí không thể thiếu trong cuộc đấu tranh cho công lí và tiến bộ của nhân loại.
Nữ hoàng truyện ngắn, biểu tượng văn học Canada, tác giả đoạt giải Nobel 2013 bất ngờ trở thành tâm điểm tranh cãi khi con gái út của Alice Munro công bố việc mình bị cha dượng xâm hại tình dục khi còn nhỏ, và Munro vẫn ở với kẻ xâm hại con gái mình ngay cả sau khi hắn bị kết tội. Vụ việc đã gây chấn động văn đàn thế giới. Trong các tác phẩm của mình, Munro thường xuyên khai thác những chủ đề như sự phức tạp của tình cảm gia đình, các xung đột trong mối quan hệ, và đôi khi là những hi sinh thầm lặng trong tình yêu. Thế nhưng chỉ sau khi bà vừa mới qua đời, đời tư và tác phẩm của bà bỗng dưng trở thành một song đề đạo đức khi bà bị chính con gái mình công khai buộc tội, rằng Alice Munro đã coi trọng tình yêu hơn tình mẫu tử.
Vụ việc này đã gây ra làn sóng phản ứng trái chiều, nhiều độc giả cho rằng, đời là đời, văn là văn và vẫn ngưỡng mộ văn tài của Alice Munro, nhưng nhiều độc giả cảm thấy rằng Munro đã phản bội chính những giá trị tình cảm gia đình mà bà từng tôn vinh trong các tác phẩm. Bí mật gia đình đen tối ấy đã làm lung lay hình ảnh Munro, khiến nhiều người phải xem xét lại các tác phẩm của bà dưới góc nhìn khác, nhiều người đã công khai vứt bỏ các tác phẩm của Alice Munro vào sọt rác. Sự kiện này không chỉ là một câu chuyện đời tư mà còn mở ra cuộc đối thoại lớn hơn về mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm, liệu nhà văn có thể tách biệt đời tư khỏi các tác phẩm không và liệu sự trung thực trong văn chương có đòi hỏi sự trung thực trong cuộc sống cá nhân của họ không? Liệu rằng khi độc giả biết rõ đời tư của nhà văn, các tác phẩm của họ có còn giữ được sự nguyên bản? Hay sự phức tạp của cuộc sống cá nhân chính là chất liệu tạo nên chiều sâu của những câu chuyện này? Những câu hỏi này, mặc dù không có câu trả lời dễ dàng, lại cho thấy một khía cạnh phức tạp của văn chương, nơi mà sự sáng tạo và đời tư có thể giao thoa một cách khó đoán.
|
Trong khi giá trị văn chương của Alice Munro, tác gia đoạt giải Nobel văn chương 2013, được người ta đưa lên bàn cân, thì hồi tháng 10, giải Nobel Văn chương 2024 đã gọi tên Han Kang - nhà văn nữ của Hàn Quốc, vì “những trang văn xuôi mạnh mẽ nhưng thơ mộng, đối diện với chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh cuộc sống con người.” Giải thưởng Nobel văn chương của Han Kang không chỉ là sự công nhận tài năng của cá nhân, mà còn là dấu mốc quan trọng đối với văn học Hàn Quốc trong làn sóng Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc - đã và đang làm mưa làm gió toàn cầu nhiều năm nay, từ âm nhạc K-Pop đến điện ảnh K-Movies và giờ đây đến lượt văn học “K-Literary”. Thời điểm này, văn học Hàn Quốc đã được ghi tên trên bản đồ thế giới, người đọc khắp thế giới đã có thể tìm đọc thêm các tác giả Hàn Quốc khác ngoài Han Kang như Kim Young-ha, Shin Kyung Sook, Hae Min, Gong Ji Young, Jo Kyung Ran, Hwang Jung Eun và Cho Nam-Joo… văn chương Hàn Quốc không chỉ chinh phục độc giả bằng những câu chuyện về bản chất con người, mà còn giữ gìn phát huy giá trị văn hóa bản địa, tạo nên sự đặc sắc của văn học Hàn Quốc.
Lại một tác gia đoạt giải Nobel khác - Gabriel García Márquez - nhà văn bậc thầy của thể loại hiện thực huyền ảo, dù đã qua đời được 10 năm, nhưng sách của ông lại trở thành trung tâm của một cuộc tranh luận lớn về đạo đức xuất bản. Năm nay, gia đình ông đã cho xuất bản một bản thảo chưa hoàn thiện của ông, bất chấp di nguyện của García Márquez là không công bố các tác phẩm chưa hoàn chỉnh, bản thân ông cũng từng mong muốn đốt bỏ nó. Nhưng di nguyện bị phản bội. Sách đã được ra đời. Quyết định xuất bản sách đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong văn giới, nhiều người cho rằng gia đình ông đã lợi dụng di sản của García Márquez vì lợi ích tài chính, nhiều độc giả lại tò mò chờ đợi một tác phẩm dở dang của một nhà văn lớn. Nhưng quả thật, tác phẩm cũng không được như mong đợi.
Sự kiện này đã gợi người ta liên tưởng đến câu chuyện của Franz Kafka. Duyên sao, năm nay cũng kỉ niệm 100 năm ngày mất của Kafka. Trước khi qua đời, Kafka cũng từng yêu cầu Max Brod - người bạn thân của mình - đốt hết các bản thảo chưa hoàn thành. Nhưng Max Brod đã phản bội di nguyện của bạn, ông vẫn cho xuất bản những tác phẩm đó, và quyết định ấy đã tạo nên những tác phẩm kinh điển của văn chương hiện đại, và quyết định ấy đã làm Kafka trở thành một biểu tượng không thể thay thế trong lịch sử văn học. Câu chuyện làm trái với mong muốn của người đã khuất, không chỉ đặt ra câu hỏi về đạo đức xuất bản mà còn về quyền sở hữu trí tuệ: Liệu di nguyện của tác giả có phải là tối thượng, hay người ta có thể nhân danh văn học để vượt qua ý muốn cá nhân đưa những sáng tạo ấy trở thành một phần của di sản văn hóa toàn cầu? Có lẽ Gabriel García Márquez và Kafka sẽ tiếp tục là hai biểu tượng đối lập trong cuộc tranh luận này, để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về giá trị và quyền sở hữu trong nghệ thuật.
Những tranh cãi về di nguyện và đời tư không biết có tác động gì đến xu hướng sáng tác của các nhà văn không? Nhưng xu hướng sáng tác văn học năm nay có thể gói gọn trong từ: “thực tế”, tự truyện và văn học phi hư cấu đang dần chiếm ưu thế. Các tác phẩm được đề cử giải Pulitzer và Booker 2024 tập trung vào thể loại tự truyện hoặc hồi kí, khai thác trải nghiệm cá nhân của tác giả với các vấn đề như di cư, định kiến và phân biệt chủng tộc. Các tác giả ngày càng đi sâu vào lịch sử cá nhân, lịch sử nhỏ, biến những trải nghiệm riêng thành nguồn cảm hứng cho sáng tác và khi sáng tác dần chuyển dịch sang hướng này, một phần bởi thị hiếu của độc giả, bởi độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được những khía cạnh chân thực của cuộc sống, một phần bởi thủ pháp kể chuyện mới mẻ, gần gũi hơn, sẽ tạo ra mối liên hệ sâu sắc giữa người vết và người đọc. Văn học đã chuyển mình từ thế giới hư cấu để quay về với thực tại. Xu hướng này đã minh chứng cho khả năng văn chương vượt qua ranh giới giữa thực và hư.
Nhiều nhà văn giờ đây cũng tập trung khai thác các chủ đề nổi bật như sinh thái, bình đẳng giới và di dân… khiến các tác phẩm văn học trở thành một thứ vũ khí hữu dụng trong cuộc đấu tranh xã hội. Văn chương giờ đây không chỉ làm nhiệm vụ giải trí, mà còn là kênh để truyền tải thông điệp xã hội, mở cho độc giả những cái nhìn mới về thế giới quan và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội và người đọc.
Trong khi văn học quốc tế đua nhau đẩy mạnh tự do sáng tác, thì nước Mỹ tự do lại chứng kiến một làn sóng kiểm duyệt chưa từng có, nhắm vào các tác phẩm có nội dung về giới tính LGBTQ+, bình đẳng và những vấn đề nhạy cảm. Từ thư viện công cộng đến thư viện các trường học, nhiều cuốn sách bị loại bỏ khỏi kệ chỉ vì đề cập đến các chủ đề bị cho là “không phù hợp với giá trị truyền thống.” Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do tiếp cận kiến thức mà còn làm dấy lên những lo ngại về sự suy giảm phong phú văn hóa của Mỹ.
Các tổ chức nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn và cộng đồng xuất bản, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ làn sóng cấm sách, cho rằng đây là hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hạn chế quyền được tiếp cận kiến thức của công chúng. Những người phản đối đã lập nên các chiến dịch bảo vệ quyền tự do xuất bản và kêu gọi bảo vệ sự đa dạng trong văn học. Ở thời điểm hiện tại, làn sóng cấm sách vẫn tiếp diễn và trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, nhưng cuộc chiến bảo vệ tự do văn hóa tiếp tục. Sự kiện này không chỉ phản ánh tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ mà còn cho thấy văn chương vẫn luôn có khả năng tạo nên những làn sóng làm thay đổi xã hội.
Hội chợ sách Frankfurt năm nay không chỉ là sàn diễn văn chương mà đã trở thành sàn đấu đạo đức, khi Ý, với tư cách là quốc gia Khách mời danh dự, bị chỉ trích vì không đưa nhà văn đương đại nổi tiếng Roberto Saviano vào phái đoàn chính thức. Việc một nhà văn đương đại hàng đầu nước Ý Roberto Saviano không được mời tham dự đã làm văn giới đất nước hình chiếc ủng phẫn nộ, nhiều tác giả cho rằng đây là hành vi kiểm duyệt và chịu sức ép từ chính quyền cực hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni.
Saviano nổi tiếng với những tác phẩm về mafia Ý và phê phán chính phủ Ý, vì thế nhiều người cho rằng ông làm xấu hình ảnh nước Ý. Những người đã phản đối sự hiện diện của Saviano cho rằng các tác phẩm của ông làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia. Cuộc tranh cãi không chỉ nhắm vào cá nhân nhà văn mà còn mở ra cuộc thảo luận rộng hơn về vai trò của văn chương trong xã hội: Liệu nhà văn có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh quốc gia không hay văn chương nên là nơi mà sự thật được phơi bày, bất kể sự thật đó có khó nghe đến đâu? Và văn chương có nên thỏa hiệp không? Nhà văn có nên bẻ cong ngòi bút vì sức ép chính trị không? Frankfurt năm nay đã chứng minh rằng, hội chợ sách không chỉ là một nơi trưng bày sách, hội chợ sách còn là diễn đàn đối thoại văn hóa quan trọng, và rằng văn chương vẫn là một công cụ mạnh mẽ để phê phán xã hội.
Trong thời đại mà mạng xã hội chi phối mọi mặt của cuộc sống, TikTok đã không chỉ là một nền tảng cho các video nhạc, nhảy múa, và chia sẻ khoảnh khắc, mà còn trở thành một ngôi nhà bất ngờ cho những người yêu sách qua cộng đồng BookTok. Với các video ngắn nhưng đầy sức truyền tải, cộng đồng này đã mang lại sức sống mới cho sách giấy, đặc biệt là các tác phẩm văn học dành cho giới trẻ, một thế hệ tưởng chừng đã hoàn toàn chìm đắm trong ánh sáng xanh của màn hình. Trớ trêu thay, giữa kỉ nguyên công nghệ, sách giấy lại vươn lên như một thứ biểu tượng thời trang, một phụ kiện “cool” nhờ chính BookTok.
Nhiều ông lớn xuất bản đã ngay lập tức nắm bắt xu hướng, nhanh chóng hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung BookTok. Ngoài việc trích dẫn sách, bán hàng, làm nội dung quảng bá sách, thì các nhà xuất bản còn tạo ra các ấn bản đặc biệt, thiết kế bìa bắt mắt và đúng gu đúng với thị hiếu của giới trẻ đã đẩy doanh số một số tựa sách giấy lên cao chót vót. Quả thực, sách giấy vẫn có thể bắt nhịp với thời đại, vẫn có thể sống động và hấp dẫn người đọc. Đây không chỉ là một chiến thắng cho ngành xuất bản mà còn cho văn hóa đọc toàn cầu và rằng “đừng mơ từ bỏ sách giấy”.
Nhắc đến mạng xã hội thì không thể bỏ qua AI được. Giờ đây AI không chỉ bước vào cuộc sống thường nhật mà còn đang mở ra những cuộc cách mạng trong thế giới văn chương, đặc biệt là trong sáng tác và xuất bản. Các công cụ như ChatGPT, Bard, và Claude đang được nhiều tác giả thử nghiệm như một “đối tác sáng tạo.” Từ việc phát triển cốt truyện đến tạo ý tưởng, AI giúp cho quá trình sáng tạo trở nên dễ dàng hơn, thậm chí còn có khả năng bắt chước phong cách viết của một số tác giả nhất định. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi: liệu những tác phẩm được hỗ trợ bởi AI có giữ nguyên được giá trị sáng tạo của con người?
Trong ngành xuất bản, AI còn đóng vai trò như một công cụ tối ưu hóa quy trình từ khâu biên tập, tiếp thị, đến phân phối. Nhờ phân tích dữ liệu từ người dùng, các nhà xuất bản có thể tiếp cận đối tượng độc giả mục tiêu một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, AI cũng đang thách thức tính minh bạch trong quy trình xuất bản và mở ra những tranh luận về quyền tác giả. Rồi đây liệu AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong sáng tạo nghệ thuật và văn chương?
Sự kiện gây tranh cãi nhất trong làng văn học năm nay đó là chiến dịch tẩy chay các Tổ chức văn hóa Israel, do hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản, bao gồm các nhà văn tên tuổi lớn như Sally Rooney, Arundhati Roy và Rachel Kushner khởi xướng. Họ cho rằng các tổ chức văn hóa này “đồng lõa hoặc im lặng trước sự áp bức người Palestine.” Chiến dịch, được dẫn dắt bởi Palestine Festival of Literature (PalFest) và các nhóm vận động khác, đã kêu gọi các nhà văn và các nhà xuất bản không hợp tác với bất kì tổ chức nào của Israel có hành vi “phân biệt chủng tộc” hoặc “biện minh cho sự chiếm đóng.”
Chiến dịch tẩy chay này đã làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng văn chương quốc tế, với những người ủng hộ coi đây là một hình thức đấu tranh cho công lí, trong khi những người phản đối cho rằng nó mang tính định hướng và phân biệt đối xử. UK Lawyers for Israel, tổ chức luật sư ủng hộ Israel, đã gửi thư phản đối đến các hiệp hội văn học, cho rằng chiến dịch này vi phạm quyền bình đẳng và có nguy cơ đối diện với các rủi ro pháp lí. Tuy nhiên, chiến dịch đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng. Đây không chỉ là một lời kêu gọi tẩy chay, mà còn là một lời mời gọi các nhà văn và nhà xuất bản cùng suy ngẫm về vai trò đạo đức của mình trong việc chống lại bất công xã hội. Những tranh cãi xung quanh chiến dịch này cũng phản ánh một thực tế phức tạp trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị, đặt ra câu hỏi về cách thức ngành văn hóa có thể đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người và công lí.