Quê tôi bên dòng sông La, đất Yên Hồ rộng rãi và khoáng đạt đã nuôi nấng dân làng tôi bằng cái nghề thợ rèn đêm đêm đỏ lửa, nghề kéo che nấu mật, nghề đãi hến ven sông... tất cả cái nỗi vất vả nhọc nhằn dậy mùi thơm thảo đó đã hun đúc lại mà làm nên hình người dân Yên Hồ: có cái thật thà của đất, có cái đằm sâu dân dã của mật và có cái mượt mà ngọt ngào của dòng La tuôn chảy để dù có đi đến đâu, khắp bốn phương trời... cái lẽ tự nhiên làm nên cốt cách đó vẫn không thể nào thay đổi.
Trong những chuyến về quê suốt cả những năm tuổi thơ, tôi nhớ nhất dòng sông La hiền hòa chảy qua con đê trước ngõ. Muốn ra sông chỉ việc băng qua con đường đê cao ngút cỏ may là đến. Chân cứ bước rướn từng bước, hít căng lồng ngực khí trời, ánh nắng chan hòa nhuộm ướt mồ hôi lưng áo, khi bắt đầu thở dồn hơi rồi là ra được với dòng sông. Lúc đó, mọi cảm giác mệt như tan biến, trong lòng chỉ là một cảm giác mênh mông diệu vợi của nước và cỏ. Thủa đó tôi cứ tự hỏi mình rằng: trên dòng sông này, có bao nhiêu nguồn nước ở các con sông con suối nhỏ, băng qua bao nhiêu vực sâu, ngóc ngách khe đá, thác đổ ở sông Ngàn Sâu hay sông Ngàn Phố đổ về, hợp nhau ở Tam Soa mà trở thành sông La lừng lững. Chỉ biết rằng chỗ đó là khúc quanh của dòng sông, chỗ đó là con sông mà tôi thường muốn đến.
|
Lần giở lại sách Đại Nam nhất thống chí có viết rằng, sông La có hai nguồn: Một nguồn từ động Thâm Nguyên (tức Ngàn Sâu) ở núi Khai Trương (tức núi Giăng Màn) châu Quy Hợp tỉnh Hà Tĩnh (đạo Hà Tĩnh xứ Nghệ xưa), chảy về Đông đến xã Chu Lễ, hợp với sông Tiêm, đến xã Bào Khê gặp sông Trúc, qua sông Cửu Khúc đến xã Vụ Quang thì hội với sông Ác (tức sông Ngàn Trươi), dến xã Đỗ Xá thì gặp sông Ngàn Phố. Nguồn kia là sông La Hà bắt đầu từ ngọn Cốt Đột núi Giăng Màn, chảy về phía Đông gọi là sông Ngàn Phố đến Đỗ Xá hợp với sông La. Sông La chảy đến xã Bùi Xá thì chia ra một nhánh chảy vào sông Minh, chảy tiếp về Đông đến xã Tường Xá thì đổ vào sông Lam.
Có phải vì Sông La là khúc quanh của dòng sông, là nơi ngơi nghỉ của những con sông sau khi vượt qua bao núi non thác ghềnh, bao nóng nảy thét gào mà trở nên hiền hòa, thoai thoải. Hay tại con sông ngắn nên đất trời bao dung, hòa hợp hay không mà nước ở đây trong xanh nhất, phong cảnh ở đây được xem là đẹp nhất ở xứ Nghệ. Bởi thế, Sông La đã đi vào lịch sử quê hương và dân tộc, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nhân tài tử. Cũng đúng thôi, từ hai bên bờ tả ngạn sông La này là những xóm làng trù phú, phong cảnh hữu tình, con sông này hàng năm có đến 6000 triệu mét khối nước đổ qua đầy cùng hàng trăm vạn tấn phù sa tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu nhất nhì Xứ nghệ, quanh năm một màu xanh mát mắt ở đôi bờ lại có lịch sử hàng ngàn năm, bao danh nhân kiệt xuất đã ra đời làm rạng danh non nước: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú... thì hà cớ gì không làm nên huyền thoại.
Yên Hồ là dải đất cuối đồng bằng hữu ngạn sông La dưới thời nhà Trần gọi là Bà Hồ, thời Lê gọi là Bình Hồ. Đời Tây Sơn (1789) để tránh tên húy của Quang Trung, nên đổi Bình Hồ thành Yên Hồ. Cái tên Yên Hồ được bắt đầu từ đó.
Cũng có tích rằng: Một thầy địa lí người Trung Quốc cho rằng Yên Hồ có thế đất Điểu linh (Con chim linh thiêng) hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ “Tâm”, đây là cái thế bền vững muôn đời. Đất Yên Hồ được nhắc đến như một nơi học hành, thi cử đỗ đạt bậc nhất châu Hoan xưa.
Sự phân cắt về địa lý đã vô tình ưu ái cho người dân nơi đây khi thôn xóm, ruộng đồng được ôm ấp, vỗ về bởi con sông La trong xanh nối với sông Minh thơ mộng. Đất đai do phù sa hai con sông này bồi đắp nên nông nghiệp Yên Hồ ngày càng phát triển, xóm làng trù phú, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Yên Hồ xưa còn là làng rèn lâu đời, nổi tiếng với nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Từ nghề truyền thống ấy mà con gái Yên Hồ đươc ca tụng về sự đoan trang, chung thủy, xinh đẹp: “Muốn ăn xôi nếp đỗ chà, Muốn xem gái đẹp thì ra Yên Hồ”
Có thể rằng những chuyện xửa chuyện xưa cũng chỉ là huyền tích. Song người đời không dễ gì cứ tự nhiên mà khen chê mà đúc kết thành câu ca dao để đời đến thế... nhưng tất cả những điều kiện thiên thời địa lợi ấy mà không có sự vun đắp chung tay của những sức người đắp thì làm sao có được một làng quê trù phú về nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải để cho con gái Sông La có được làn da trắng, tóc xanh làm mộng mơ bao kẻ si tình cho đến lúc chết vẫn muốn được làm “cá mương Đức Thọ”, làm sao có được làng rèn Trung Lương đêm đêm tay quai tay búa để làm ra những sản phẩm nổi tiếng khắp vùng.
Một ngày tháng sáu, chưa kịp đi qua cái bỏng rát của những ngày nắng lửa. Về đến quê, ngay đầu làng tôi đã cảm nhận được sự yên bình, mộc mạc của làng quê khi đi qua những con ngõ xanh mát, qua hồ sen, hồ súng ngát hương. Trước mặt tôi là dòng sông, dòng sông La xanh biếc trong kí ức của tôi ngày nào bây giờ đang ở trước mặt tôi đang ôm trọn quê tôi bằng cái thế “chữ tâm” vững chãi muôn đời bằng những lắng đọng phù sa lặng lẽ bồi đắp nên dáng hình xứ sở. và lúc ấy tôi chợt nhận ra rằng: không phải trước mặt tôi thôi, dòng sông La đã ở trong tôi nguyên vẹn tự kiếp nào.
Lâm Lâm | Báo Văn nghệ
Sấu rụng mà thương Tản mản trà ở phố và ở núi "Những cơn bão qua..." Nhớ ba - Tản văn Nhật Lượng Nỗi nhớ... tản văn của Trần Quỳnh Nga |