Sự kiện & Bình luận

Chàng trai “độc lạ” trên Cao nguyên Sín Chải

Nguyễn Đức Lợi
Bút ký phóng sự
18:00 | 12/09/2024
Baovannghe.vn - Chàng trai này lạ từ cái tên. Bố mẹ đặt cho là Oàng Dỉn Tề - một dòng họ của tộc Xạ Phang (Dân tộc thiểu số chỉ có ở Điện Biên)
aa

Lần quay lại Tủa Chùa (Điện Biên) này đúng nghĩa là để trả món nợ văn chương dai dẳng, mà trước đây lăn lộn cả chục ngày trời vẫn chưa chạm điệp trùng vi diệu. Hứa rằng, trước khi “nhắm nghĩ”, sẽ phải thực hiện nốt những chuyến săn thuỷ quái sông Đà một còn một mất có giá bạc tỉ; những “bữa tiệc tình tháo khoán” đêm trăng rằm của dân tộc Dao; hay là những cuộc chơi “đẫm máu” hơn, khiếp đảm và rùng rợn hơn, như là bẫy ma trong hủm Nậm Treo…

Biết bao nhiêu lực hấp dẫn, vốn chưa từng buông tha cái tâm hồn luôn luôn đói khát những giai thoại, giả thiết giả tưởng, thậm chí là hoang đường nhưng lại tồn tại vững chắc trong đời sống ở nơi tận cùng thang mây… Ấy vậy mà xoẹt cái, gặp anh chàng Vàng Dỉn Tề, lập tức các đề tài khác bị rớt hạng. Chàng trai này lạ từ cái tên. Bố mẹ đặt cho là Oàng Dỉn Tề - một dòng họ của tộc Xạ Phang (Dân tộc thiểu số chỉ có ở Điện Biên), khi đi học, oàng cái, tất cả các giấy tờ đồng loạt bị “vu” cho là sai lỗi chính tả, sửa luôn thành Vàng Dỉn Tề (một dòng họ dân tộc Mông) cho đến bây giờ. Nhưng cái gọi là “trời sụp xuống đầu” người Xạ Phang phải kể đến mốc 2012. Từ một dân tộc được công nhận là một trong 54 dân tộc anh em Việt Nam, bỗng bị gộp vào “Nhóm người Hoa” - một thứ hệ luỵ mà toàn thể người Xạ Phang vô cùng dị ứng. Kể từ đây, bắt đầu nhen nhóm một cuộc “giành lại tên” cho dân tộc mình, nhưng chủ yếu là đấu tranh trong tư tưởng - một kiểu tâm tư bàn trà hay đại loại là bình hoà và có phần rón rén, cửa dưới. Tất cả những người con Xạ Phang (tạm gọi là Xạ Phang Việt Nam) đều có “nguồn cội” từ Tả Sìn Thàng và Lao Xả Phình (Tủa Chùa)! Nói rành rọt thì, tất cả các dòng họ Oàng, họ Tín, Tống, Sần, Lò, Hồ, Ly, Sỉ, Ngải, Giàng, Thàn, Hoàng… ở Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé đều thoát li từ hai xã này mà ra, chứ không phải “di cư từ Trung Quốc vào đầu thập niên 60 thế kỷ 20” như Tổng điều tra dân số 2019(!)

Theo những lão niên, người Xạ Phang ở Việt Nam đã vài ba thế kỷ - tức là cùng giai đoạn người Mông di cư từ Quý Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam; ồ ạt nhất là sau khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Dân tộc Mông Việt Nam vốn dĩ là dân tộc Miêu gốc Quý Châu thuộc nhóm thuật ngữ H’Mong (Hmong) của Trung Quốc, vì vậy mà thời kì đầu ở Việt Nam họ có tên là dân tộc Mèo. Cũng chung những rắc rối về tên gọi như dân tộc Xạ Phang, nhưng may mắn hơn, dân tộc Mông phần đã được công nhận như một chính thể trong cộng độc các dân tộc Việt Nam, phần bởi họ có một chính khách khác biệt tên Cư Hoà Vần. Ông Cư Hoà Vần là một người con Mông, sinh quán tại Quan Thần Sán - Si Ma Cai - Lào Cai, nguyên là Đại biểu Quốc hội, Chủ tỉnh UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… từng có văn bản đề nghị thống nhất tên gọi, tên viết về dân tộc ông là: Mông! Dân tộc Mông! Theo ý hiểu của đồng bào ông, thì: “Nghĩa sĩ Cư” muốn “thuần Việt” dòng máu Mông chứ không muốn lai căng, hơi hướng, dính dáng gì đến cái “cội tộc” Hmong hay Miêu Mèo… gì bên kia biên giới cả(!) Bởi vì, không được “may mắn danh chính ngôn thuận” như các tộc người Hoa khác ở Việt Nam, dân tộc Mông đã phải trốn chui trốn nhủi theo con đường… rừng hoang núi thẳm, phải mai danh ẩn tích suốt một thời gian dài để tránh tai mắt của kẻ thù, nên trong lòng họ chỉ có thể là sự xấu hổ và thù hận nơi chôn nhau cắt rốn(?)

Như một lẽ dĩ nhiên, cái mong mỏi chính đáng như đá tảng đại thụ, vốn dĩ dũng mãnh và trường tồn trên các đỉnh núi cao ngàn mét của nước Việt ấy, đúng 05/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, viết là: dân tộc “Mông” và dân tộc “Khmer

***

Tôi từng cả chục lần ngồi với gia đình Xạ Phang của Tề và biết họ muốn là một phần máu thịt Việt Nam như dân tộc Mông. Họ dị ứng với những thứ không phải của họ như dị ứng lá han, sâu róm, bọ nẹt. Bởi lẽ, theo các bô lão nhà Tề, trên thực tế dòng họ Oàng nói riêng, người Xạ Phang nói chung đã cư trú trên Cao nguyên Sín Chải từ lẩu lâu lắm rồi. Ít nhất, ông Tổ đời thứ 5 nhà họ Oàng được chôn trên đỉnh núi Tà Chinh cách đây đã không nhớ nổi nữa. Trong khu nghĩa địa dòng họ Oàng ở Tả Sìn Thàng, đã có 5 đời trước thế hệ của Tề - tức là kể từ đời thứ 12 - đã lần lượt an địa quây quần, tính ra cũng hơn trăm năm. Ngược dòng thêm 6 đời nữa, để trở về áp đời thứ 5, cái thời mà vẫn chưa ai dám “nhớ” mộ tổ mình chôn ở đâu, vì nhiều lí do buộc phải ly tán, ẩn dật và… phi tang, thì chí ít cũng tới 250 năm, người Xạ Phang có mặt tại Tủa Chùa(?!)

Cuốn gia phả dòng họ Oàng mới được Tề móc nối gửi cho GS.TS dân tộc học Nguyễn Văn Chính - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, để ông gửi sang Quý Châu - Trung Quốc, nhờ một bà GS người Miêu dịch hộ (văn tự Hán cổ, các nhà Hán học ở Việt Nam không đọc được), nhưng chưa có kết quả.

Tác giả (phải) và chàng trai trẻ Vàng Dỉn Tề (trái)
Tác giả (phải) và chàng trai trẻ Vàng Dỉn Tề (trái). Ảnh: Tác giả cung cấp

Gia đình Tề sinh sống ở thôn tổ của người Xạ Phang Tả Sìn Thàng, cách thị trấn Tủa Chùa 40km đi về hướng Tây Bắc - nơi đây cũng chính là “lõi” cao nguyên đá Sín Chải trải rộng gần như toàn bộ huyện, có diện tích khoảng 1.500km² (25km x 60km), độ cao trung bình 1.500m. Tề lớn lên ở chợ phiên Tả Sìn Thàng nổi tiếng nhất Điện Biên, nên có lẽ cái chất đồng áng, núi rừng trong Tề ít hơn chất đời, chất phiêu, chất “ăn đong, ăn chợ” như người Kinh vẫn nói. Chợ phiên Tả Sìn Thàng cũng na ná như bao phiên chợ của người Mông ở vùng cao khác. Cũng ghém chứa những đặc sản li kì, những tục quy độc đáo. Cũng gói giấu bao la những giai thoại tình yêu, lời nguyền, những hứa mây hẹn gió…

Tôi vinh hạnh được mế (mẹ) Tề nhận làm con nuôi, lại là anh cả của anh em Tề. Kể từ khi được làm “chính thất” thì không bị “phạt” vì dám hiên ngang bước chân vào cửa chính (trừ các nam chủ nhà, còn lại phải đi cửa phụ, cửa nách…). Riêng chuyện ăn cơm gác đũa lên miệng bát, thì mỗi lần phạm lỗi phải tự rót tự uống 5 chén Mông pê tươi rói, không có nhân nhượng, không có vùng cấm. Mà lạ, là người Xạ Phang nhưng lại sính Mông pê? Rượu Mông pê là rượu ngô non của người Mông, được trưng cất 3 lần rồi chôn 3 năm (pê = 3), rượu ngả màu mật ong, thơm và ngọt như men tình yêu nên không chỉ mấy ông bợm Kinh mê mà các thần tửu Xạ Phang cũng không thể cưỡng trước các cuộc… phang nhau! Thì ra rượu Mông pê cũng là rượu của người Xạ Phang. Mông thì , còn Xạ Phang là páo cù chiu. Người Xạ Phang có đến 70% nét tương đồng với người Mông, bởi ngay từ đầu (khoảng 250 năm trước) họ luôn có nhau trong mọi cuộc thiên di và sinh tồn. Họ sống đan xen nên “đồng sáng lập” rất nhiều nét văn hoá của nhau, ảnh hưởng nhau sâu sắc. Họ cùng cướp vợ, cùng nấu rượu ngô một công thức với nhau, cùng một thiết kế kiến trúc không gian sống… (Chỉ khác tiếng nói và trang phục). Nói về thương hiệu rượu Mông pê, hầu hết người Xạ Phang đều công nhận là… người Mông khôn hơn, có ảnh hưởng chung đối với xã hội lớn hơn. Hơn nữa, ngày xưa ít người biết sự tồn tại của dân tộc Xạ Phang, do vậy mà những “của nả” chung đụng, thường mọi sự công nhận đều dành cho người đàn anh đông đúc. Người Xạ Phang vốn dĩ lép vế, và cũng chả buồn cất công đi đòi cái thứ mà hai đầu đều là lưỡi dao, cái thứ mà giống như hai đầu sợi dây kéo co. Rút kinh nghiệm sâu sắc bằng cách cầu kì tỉ mẩn hoá, ví như trang phục, mà độc đáo nhất là những đôi giầy vải lèng hài được thêu tỉ mỉ từng mũi, cả năm mới xong, có giá mấy triệu đồng. Rồi thì bánh hoa gạo, gừng muối chua, rau cải ủ cay, đậu phụ muối (thối)… thì rặt thương hiệu Xạ Phang, chả ai tranh được.

Cái chất riêng hình thành, vừa bởi luật tục, vừa bởi trải nghiệm sâu sắc như vậy. Bản thân anh em nhà Tề cũng thế, không thể sống khác những “luật tục” có nhiều phần kì lạ và bí ẩn. Oàng Dỉn Tề tự hào về dân tộc mình lắm. So với nhiều dân tộc khác, thì dân tộc Xạ Phang rất ít người nghiện, rất ít tội phạm, ít người yếm thế bởi chính sách thượng tôn đoàn kết, tương trợ và tự thân gia giáo. Còn cái “sự giáo dục” thì Oàng Dỉn Tề cũng buồn cho sự thất học của dân tộc mình. Thời của Tề (Tề sinh năm 1991), tức là chưa quá xa mà người ta không muốn đầu tư cho con cái ăn học. Mức phấn đấu chỉ tem tẻm cái “tấm chứng chỉ” tiểu học, để biết cộng tiền. Tề là của độc, học một lèo lên tận cao đẳng. Tinh thần “giác ngộ đường học” ấy của y tá xã Oàng Dùng Phu đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ con, cháu Tề. Có lẽ cũng chính từ tinh thần phá vỡ cái “hủ tục” xuất phát từ chế độ phụ hệ, chỉ con trai mới là con thừa kế, thì giờ dòng họ Oàng sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu cho con gái học đại học, xin nghề để con về nhà chồng cho nó đỡ khổ. Không như ngày xưa, “con gái không phải con mình”, thậm chí, như Oàng Lù Sến, còn không được đệm chữ “Dỉn” như các Oàng trai. Tiến bộ đến thế chứ thế nào nữa!

Tấm bằng Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội (2013) như “phát súng” hiệu lệnh của dòng tộc. Mẹ Tề không biết chữ. Bố Tề là y tá xã, lương thấp, lại nuôi 8 người con ăn học nên gia đình rất nghèo. Tề phải vay ngân hàng 40 triệu để viết tiếp giấc mơ thành người Nhà nước. Nhưng rồi thì lại thất nghiệp. Không xin được việc, Tề ở nhà lấy vợ và gánh vác lần lượt 6 miệng ăn (bà, bố, mẹ, vợ và 2 con) trong nợ nần, nghèo túng. Vợ Tề cũng là con dòng dõi ở xã Lao Xả Phình. Dù vậy, “công nương” Ngải Seo Tống - vợ Tề cũng không được cho đi học. Đến tuổi lấy Tề, của hồi môn là chiếc xe máy Tàu, chấm hết!

Cái sự học của Tề là hiện thân của tất cả học sinh Cao nguyên Sín Chải. 7 tuổi tự đeo gạo, dầu, muối, sách… cuốc bộ 40km đường núi ra huyện học. Tự nấu nướng, khâu vá, và nhất là tự khóc tự ngủ. Ốm đau thì tự ra rừng tìm cây thuốc mà ăn, không khỏi thì gửi lời người đi chợ huyện về cho bố mẹ, có khi mấy ngày lời mới truyền nhau đến, may mắn thì khỏi rồi bố mẹ mới ra đưa đi viện! Là trai bản chính hiệu, con trâu cái cầy, con dao cái cuốc thành thạo như người học võ dùng cung kiếm, nhưng vì phải tự sống giữa “đô thị” nên ngay từ thời tiểu học, Tề đã biết đi vay kim chỉ, muối, mì chính, đường phên, pin đèn… mang đi các bản bán kiếm lãi. Dần dà, cái máu “ăn chợ, chạy rông” ngấm vào máu, để đến khi vỡ mộng công chức, Tề trở về với anh chàng Shippe đúng nghĩa, nhưng là ship hàng của mình đi, và ship tiền về. Ròng rã gần chục năm qua, thời gian Tề cưỡi xe máy trên đỉnh núi nhiều hơn ở nhà. Có những chuyến đi kéo dài cả chục ngày, xuyên qua hết núi này núi khác, hết bản này bản khác, xã này, huyện này, thậm chí cả tỉnh này sang tỉnh khác. Bao giờ bán hết hàng mới được về. Mà hàng thì chả có gì ngoài những nhu phẩm thiết yếu: kim chỉ, đèn pin, giầy dép, mũ, khăn, thuốc nhuộm và trăm thứ bà hầm khác.

Có những chuyến đi 6 - 7 trăm km. Mà toàn tìm đến nơi xa xôi hẻo lánh nhất, thậm chí là nơi dân không biết tiếng phổ thông, thì mới bán được hàng. Phàm là những hộ dân ngại thò mặt ra ngoài vì không biết tiếng, vì không có đường, không có xe… thì làm gì có tiền mà mua. Thế nên chỉ một bao hàng với “tải trọng” vừa vừa để phòng khi phải vác cả xe, cả hàng còn kham được. Ngồi nhâm nhi con đường mà Tề vạch ra bằng ngôn ngữ địa phương, mà choáng váng: “Từ huyện, em phải đi mất mấy ngày, qua Hoàng Cồ - Háng Chua - Mí Lèng - Lạng Dinh thuộc xã Phình Sáng; Khúa Sàng - Kháu Sao - Thanh Khỉa - Pểnh Cứ thuộc xã Ta ma (Tuần Giáo). Lại sang Pểnh Van - Lồng Thằng - Là Giéng - Mồ Cổng thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La), rồi đi vào cửa rừng Cha Mày - Lồng Hề - chợ phiên xã Co Mạ; Mông Pảng - Thảng Pao - Tà Pao - Lông Vay ... cũng thuộc Thuận Châu. Lúc về thì mò theo đường bản, xuyên qua huyện Điện Biên Đông, huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng… của tỉnh Điện Biên. Còn hàng là còn đi…”

Gần 10 năm qua, tính bình quân lãi không được quá 300 ngàn. Ấy là chưa tính xăng xe, “xăng” người. Chưa tính xe hỏng, người “hỏng”, cả tiền gốc cũng chả đủ chi. Chuyện hỏng xe, nằm khóc thét giữa rừng xảy ra thường xuyên. Lần thì chờ cả vài ngày có người ngang qua giúp đỡ, lần thì tự phải “bỏ của chạy lấy người”. Đôi khi cũng gặp “cướp” rừng, thân cô đất lạ. Được cái, cướp gì thì cướp, khi nhìn thấy mặt bộ “ông từ” của Tề, chả ai nỡ đấm đá. Hàng như một ôm rơm, tự bán mà lấy tiền. Cướp xe thì không biết đi, vậy là cướp chỉ còn cách… bắt tay cho qua. Bình quân 2 chuyến thì 1 chuyến gặp mưa. Uống nước cây chuối, ăn lá rừng, ngồi co ro đợi hết đêm giữa mây núi bão bùng, vì đi cũng chả biết đi đâu, quay xuống cũng không quay được. Nhiều chuyến hùng hục dắt, đẩy cả nửa ngày, gặp người đi rừng mới biết là đường người dân đi săn thú… vào chỉ có chông và bẫy thôi!

Những lúc cơ cực ấy thôi thúc Tề xin vào Nhà nước, hoặc chí ít là kiếm một nghề khác để giã từ các cuộc hành xác shippe, mà rồi nghĩ thì dễ, chứ làm không được, vì ai được phân công sống nấy, vừa vặn rồi. Tề mở lò nấu rượu đặc sản Mông pê chính hãng… Xạ Phang páo cù chiu, mỗi tháng đang bán hàng nghìn lít cho muôn nơi, đùng cái có NĐ 100, rượu lại rơi vào ế ẩm, vậy là người ta lại thấy Tề shipper lang thang trên mọi nẻo đường… như thường!

Nhiều lúc điên tiết, Tề bảo số không sướng cũng chả giàu, nhặt tiền rơi không quan trọng mấy nữa. Thỉnh thoảng Tề lại bỏ bán, nhưng vẫn là lang thang, vừa nhặt nhạnh trí nhớ rơi vãi, vừa nhặt nhạnh gom góp tất cả các gia cảnh éo le, khó khăn bĩ cực lại để giúp. Có những trường hợp phải nói là “sống không được, chết không xong”, ví như cháu Chang Thị Hà, 3 tuổi, thôn Dê Giàng 2, xã Sính Phình, bị tai nạn cùng mẹ, mẹ mất còn bé thì bị nát cánh tay. Gia cảnh nghèo túng, ông bố ngót 30 tuổi chả biết chữa trị cho con bằng cách nào, đành để vậy. Tề lặn lội kết nối, xin xỏ được gần trăm triệu cùng ông bố trẻ, cứu bé khắp nơi... . Từ bấy, Tề “bỗng trở thành người lạ”, người rỗi hơi, ăn cơm vợ vác cày nhà khác… bỏ việc nhà để lang thang “cứu chữa” cơ man nào là hoàn cảnh khó khăn với hàng trăm hoạt động từ thiện, giúp hàng ngàn cháu có quần áo, sách vở, khu vui chơi, tấm lợp, nhà tạm… lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Tháng 10 vừa rồi, Tề được UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”.

Tề thích thế, vì Tề cứ như hiện thân của Tủa Chùa, lúc lỉu những giai thoại, những trúc trắc, những bươn bả mưu sinh. Có người nói, với Tề cứ gặp là thân, mà đã thân là… không cần nói nhiều. Tề có can rượu cho can rượu. Tề có can mật ong cho mật ong… Tề rất nhiều bang giao tri kỉ. Những tri kỉ giống như những gia cảnh nơi kịt cùng rừng rú, đã lấy đi của Tề nhiều thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc - tiền bạc của Tề chính là tương lai của vợ con Tề, tương lai của các thế hệ người Xạ Phang đời thứ 21, 22…

Mặc kệ, Tề cứ như hiện thân của nhân vật văn học nào đó, vừa siêu khấp khểnh, siêu thực, lại vừa hư cấu.

Bút ký của Nguyễn Đức Lợi

-------------

Bài viết cùng chuyên mục

Trải nghiệm khám phá cao nguyên đá Đồng Văn- miền trầm tích cực Bắc tổ quốc Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Đến hẹn lại về Về miền mơ tưởng Vài nét về một nền văn nghệ sinh ra trong máu lửa - Bút ký của nhà văn Anh Đức
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn