|
Tôi bắt đầu lên kế hoạch chạy trốn nền văn minh không lâu sau khi học được ý nghĩa của từ này. Nhưng làng Bilgoray, nơi tôi sống đến năm tôi mười tám, không có đủ văn minh mà chạy. Sau này, khi đến Warsaw, tất cả những gì tôi có thể làm là chạy về Bilgoray. Ý tưởng này chỉ đi vào thực chất sau khi tôi đến New York. Ở đây tôi bắt đầu bị dị ứng - sốt hoa hồng, sốt cỏ khô, bụi, ai mà biết được. Tôi uống hàng chai thuốc, nhưng không ích mấy. Cái nóng đầu xuân hầm hập như tháng Tám. Không khí ngột ngạt trong căn phòng sẵn nội thất mà tôi sống trong khu West Side. Tôi không hay đi tư vấn bác sĩ, nhưng tôi đã đến chỗ Bs. Gnizdatka, người mà tôi quen ở Warsaw và trung thành đọc bất cứ thứ gì mà tôi được đăng trên tờ báo tiếng Yiddish.
Bs. Gnizdatka đút mỏ vịt vào lỗ mũi và ấn que đè lưỡi vào miệng tôi và nói: “Paskudno.” (Hỏng.)
“Tôi nên làm gì?”
“Đến đâu đó gần đại dương.”
“Đại dương ở đâu?”
“Đến Sea Gate.”
Khoảnh khắc Bs. Gnizdatka nói ra cái tên ấy, tôi nhận ra cuối cùng đã đến lúc chạy trốn nền văn minh, và Sea Gate cũng có thể phục vụ cùng một mục đích như Haiti hay Madagascar. Sáng hôm sau, tôi đến ngân hàng rút hết bảy mươi tám đô la tiền tiết kiệm, trả phòng, gói ghém toàn bộ đồ đạc vào một cái vali các tông lớn, rồi đi bộ đến tàu điện ngầm. Trong quán ăn trên phố Đông Broadway, có người bảo tôi là thuê được một căn phòng sẵn nội thất ở Sea Gate rất dễ. Tôi mang theo vài cuốn sách làm trụ cột tinh thần trong khi cách li khỏi nền văn minh: Kinh Thánh, Ethics của Spinoza, The World as Will and Idea của Schopenhauer, cũng như một cuốn sách giáo khoa có các công thức toán học. Tôi là đệ cứng của Spinoza và, theo Spinoza, người ta chỉ có thể chạm đến sự bất tử khi nghiền ngẫm những ý tưởng thích đáng, có nghĩa là toán học.
Tranh minh họa The New Yorker |
Do cái nóng ở New York City, tôi đoán Coney Island sẽ đông đúc và bãi biển đầy người tắm nắng. Nhưng ở đại lộ Stillwell, nơi tôi xuống tàu, trời đang là mùa đông. Bất ngờ làm sao chỉ trong một giờ tôi đi từ Manhattan đến Coney Island thời tiết đã thay đổi. Bầu trời u ám, gió lạnh thổi qua, và một cơn mưa như mũi kim đã bắt đầu rơi. Xe điện trên đại lộ Surf vắng tanh. Ở lối vào Sea Gate đúng là có một cái cổng để giữ cho khu vực này riêng tư. Hai viên cảnh sát đóng ở đó chặn tôi lại và hỏi tôi là ai và đến Sea Gate có việc gì. Suýt nữa thì tôi nói “Tôi đang chạy trốn nền văn minh” nhưng tôi trả lời “Tôi đến thuê phòng.”
“Anh mang cả hành lí đi cùng?”
Những lời tra hỏi ở một đất nước được cho là tự do làm tôi thấy xúc phạm, và tôi hỏi: “Thế có bị cấm không?”
Một tay thì thầm điều gì đó với tay còn lại, và cả hai đều cười. Tôi được phép đi qua ranh giới.
Mưa nặng thêm. Tôi muốn hỏi xem thuê được phòng ở đâu, nhưng không có ai mà hỏi. Sea Gate trông cô quạnh, vẫn chìm sâu trong giấc ngủ mùa đông. Để lấy can đảm tôi nhắc mình nhớ về Sven Hedin, Nansen, Captain Scott, Amundsen, và các nhà thám hiểm khác đã rời bỏ tiện nghi của các thành phố để khám phá những bí ẩn của thế giới. Mưa đập vào cái vali của tôi như mưa đá. Có lẽ trời mưa đá thật. Gió thổi bay mũ khỏi đầu tôi, nó lăn và bay đi như một tên quỷ nhỏ. Bỗng nhiên qua cơn mưa trút tôi thấy một người phụ nữ đang ra dấu gọi tôi từ hiên nhà. Miệng cô cử động, nhưng gió đã mang tiếng cô đi mất. Cô ra hiệu cho tôi lại gần và tìm chỗ trú ẩn trước những yếu tố hoang dã. Tôi thấy mình đứng trước một ngôi nhà sang trọng có mái tam giác, cột, và cửa trang trí. Tôi bước lên hiên, bỏ vali xuống (sách và bản thảo cũng có thể nặng như đá), lấy khăn tay lau mặt, và có thể thấy cô rõ hơn: một người phụ nữ tóc nâu có lẽ ngoài ba mươi, với làn da màu ô liu, mắt đen, và những đường nét cổ điển. Ở cô có vẻ gì châu Âu. Lông mày rậm. Không có dấu hiệu mĩ phẩm trên mặt. Cô mặc áo choàng và đội mũ beret làm tôi nhớ về Ba Lan. Cô nói tiếng Anh với tôi, nhưng khi tôi trả lời và nghe giọng tôi cô chuyển sang tiếng Yiddish.
“Cậu tìm ai? Tôi thấy cậu trong mưa với cái vali nặng, và tôi nghĩ mình có thể…”
Tôi bảo cô là tôi đến thuê phòng và cô mỉm cười, không phải không có vẻ châm chọc.
“Cậu đi đường này mà tìm phòng sao? Mang theo cả hành lí nữa? Thôi mời cậu vào đây. Tôi có căn nhà này có khối phòng cho thuê.”
Cô dẫn tôi vào phòng khách, kiểu mà tôi mới chỉ thấy trong phim - những tấm thảm phương Đông, những bức tranh khung vàng, và cầu thang xoắn với những đường nét chạm khắc và tay vịn bọc nhung đỏ. Có phải tôi vừa bước vào một lâu đài cổ? Người phụ nữ nói: “Lạ thật đấy nhỉ? Tôi vừa mới mở cửa nhà phút trước. Nhà đóng cửa cả mùa đông. Trời trở ấm nên tôi nghĩ đã đến lúc. Đã thành lệ, mùa xuân ở đây bắt đầu từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu.”
“Sao nhà lại đóng cửa mùa đông?” Tôi hỏi.
“Ở đây không có hơi nước. Tòa nhà cũ rồi, đã bảy tám mươi tuổi. Sưởi thì cũng được, nhưng hệ thống phức tạp lắm. Nhiệt đi qua đây.” Cô chỉ một tấm vỉ bằng đồng thau trên sàn.
Giờ thì tôi nhận ra bên trong lạnh hơn nhiều so với bên ngoài. Trong không khí có vẻ ẩm mốc đặc trưng của những nơi chưa được nắng chiếu một thời gian dài. Chúng tôi đứng im lặng một lúc. Rồi cô hỏi: “Anh có muốn chuyển vào luôn không? Điện chưa bật và điện thoại cũng chưa nối. Thường thì người thuê sẽ đến thỏa thuận, đặt cọc, rồi khi trời thực sự ấm mới chuyển đến.”
“Tôi trả phòng trong thành phố rồi.”
Người phụ nữ nhìn tôi tò mò và nói sau chút do dự:
“Tôi thề là tôi vừa thấy ảnh cậu trên báo.”
“Vâng, họ mới in ảnh tôi tuần trước.”
“Cậu là Warshawsky?”
“Đúng là tôi.”
“Chúa trên Thiên đường!”
*
Bóng tối đã buông và Esther Royskes thắp một ngọn nến trên cây chân nến bằng đồng. Chúng tôi ngồi trong bếp ăn tối, như một đôi vợ chồng. Cô kể cho tôi nghe cả câu chuyện đời mình: những rắc rối mà người chồng cũ, một tay nhà thơ Cộng sản, đã đem lại cho cô; rốt cuộc cô li dị hắn ra sao; rồi hắn cùng người tình đến California và để Esther chăm hai đứa con gái nhỏ như thế nào. Hai năm trước, cô thuê ngôi nhà này với hi vọng nhờ nó mà có thể kiếm sống, nhưng nó đã không mang lại đủ thu nhập cho cô. Người ta thường đợi cho đến khi qua ngày Quốc khánh rồi cố gắng mặc cả. Năm ngoái, nhiều phòng còn không có người thuê.
Tôi thò tay vào túi, lấy ra bảy mươi tám đô la, và đề nghị đưa cho cô một khoản trả trước, nhưng cô phản đối.
“Không, cậu không làm thế được!”
“Sao không?”
“Trước tiên, cậu phải thấy là cậu đang nhận phòng thế nào đã. Ở đây vừa ẩm lại vừa tối. Trộm vía, có khi cậu còn bị cảm lạnh mất. Rồi cậu ăn ở đâu? Tôi rất vui được nấu cho cậu, nhưng vì cậu bảo tôi là cậu đã lên kế hoạch trở thành người ăn chay nên có thể sẽ rất khó.”
“Tôi sẽ ăn ngoài Coney Island.”
“Thế thì hỏng dạ dày mất. Ngoài kia toàn là hotdog. Có một người gói ghém vali rồi đến Sea Gate mà không tính trước không phải chuyện thực tế đâu. Đưa cậu đến với tôi là phép lạ đấy.”
“Vâng, là phép lạ.”
Đôi mắt đen của cô nhìn tôi nửa chế giễu, và tôi biết đây là khởi đầu của một mối quan hệ nghiêm túc. Có vẻ cô cũng ý thức được điều đó. Cô kể tôi nghe những chuyện mà ta thường không kể cho người lạ. Những cái bóng mà ánh nến đổ lên mặt cô làm tôi nhớ về những nét họa than trên vải. Cô bảo: “Tôi vừa mới nằm trên giường đọc truyện của cậu trên báo tuần trước. Bọn trẻ thì ngủ, nhưng mà tôi thích đọc ban đêm. Ngày nay ai lại viết truyện ma, tôi tự hỏi, lại còn trên báo tiếng Yiddish! Chắc cậu không tin nhưng tôi đã nghĩ là tôi sẽ muốn gặp cậu đấy. Lạ nhỉ?”
“Vâng, lạ thật.”
“Tôi muốn kể với cậu là căn nhà này có liên quan đến một chuyện lãng mạn. Một tay triệu phú đã xây nó cho người tình. Hồi ấy Sea Gate hẵng còn là nơi dành cho cánh nhà giàu và giới quý tộc Mỹ. Sau khi tay triệu phú qua đời, cô người tình cũng ở lại đây cho đến lúc chết. Đồ đạc trong nhà là của cô ấy hết - cả thư viện cũng thế. Có vẻ cô không để lại di nguyện nào, nên ngân hàng bán mọi thứ nguyên như thế. Nhiều năm liền nó còn chẳng có ai đến ở.”
“Cô ấy có đẹp không?”
“Đến đây, tôi cho cậu xem chân dung cô ấy.”
Esther cầm chân nến lên. Chúng tôi đi qua nhiều căn phòng tối từ bếp ra phòng khách. Tôi vấp phải bậc cửa và va vào những cái ghế bập bênh. Tôi vấp vào một chỗ thảm phình lên. Esther đỡ cổ tay tôi. Tôi cảm nhận được hơi ấm của bàn tay cô. Cô hỏi tôi:
“Cậu lạnh à?”
“Không. Một chút thôi.”
Dưới ánh nến lập lòe, chúng tôi đứng nhìn chân dung cô người tình. Tóc chải mái ngược cao; váy xẻ sâu để lộ cần cổ dài và bầu ngực trên. Mắt cô trông sống động trong nửa bóng tối. Esther nói:
“Mọi thứ đều qua đi. Tôi vẫn tìm thấy hoa và lá ép sách, nhưng chẳng còn gì của cô ấy nữa. Tôi chắc là linh hồn cô ấy ban đêm vẫn lang thang trong những căn phòng này.”
Chân nến trong tay Esther run và các bức tường, các bức tranh, và đồ nội thất đều rung chuyển như những đạo cụ sân khấu trong rạp.
“Đừng nói thế. Tôi sợ không dám ngủ mất!”
Chúng tôi nhìn nhau như hai người đọc tâm trí. Tôi còn nhớ mình nghĩ gì lúc đó: Một tình huống mà một tiểu thuyết gia sẽ phải xây dựng từ từ, dần dần, qua vài chương, qua hàng tháng hay có lẽ hàng năm, cái số phận được sắp xếp trong vài phút, trong vài đường nét. Mọi thứ đều sẵn sàng - nhân vật, hoàn cảnh, động lực. Nhưng mà trong một vở kịch đích thực thì ta không bao giờ có thể thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra trong khoảnh khắc tiếp theo.
Mưa đã tạnh và chúng tôi đã trở lại bếp, uống trà. Tôi nghĩ là đã muộn, nhưng khi nhìn đồng hồ trên tay nó mới chỉ tám giờ hai mươi lăm phút. Esther cũng liếc nhìn đồng hồ của cô. Chúng tôi ngồi đó một lúc, im lặng. Tôi có thể thấy cô đang ngẫm nghĩ về một chuyện gì đó đòi hỏi một quyết định tức khắc, và tôi biết nó là gì. Tôi gần như có thể nghe được một giọng nói trong đầu cô ấy - có lẽ đó là vị thần bảo mệnh của phái nữ - nói: “Chuyện đấy không nên đến với anh ta dễ dàng như thế. Đàn ông nghĩ gì khi có thể có được một người đàn bà nhanh đến thế?”
Esther gật đầu:
“Mưa tạnh rồi.”
“Vâng.”
“Nghe tôi nói này,” Cô nói. “Cậu có thể lấy phòng xịn nhất trong nhà, và chúng ta không mặc cả chuyện tiền bạc nữa. Tôi sẽ rất hân hạnh và vui nếu có cậu ở đây. Nhưng cậu chuyển vào bây giờ thì sớm quá. Tôi định ở lại đây đêm nay, nhưng bây giờ tôi sẽ đi khóa cửa rồi về nhà với bọn trẻ.”
“Sao chị không ở lại đây? Vì tôi à?” Tôi hỏi, xấu hổ vì lời lẽ của mình.
Esther nhìn tôi đầy vẻ chất vấn: “Cứ cho là vậy.”
Rồi cô nói một điều mà, theo quy tắc ngoại giao của phái nữ, cô không nên nói:
“Mọi thứ đều phải chín.”
“Đồng ý.”
“Thế cậu trả phòng rồi thì cậu ngủ ở đâu bây giờ?”
“Tôi sẽ tìm cách.”
“Cậu định chuyển vào bao giờ?”
“Càng sớm càng tốt.”
“15 tháng Năm thì có để cậu phải đợi lâu quá không?”
“Không, không lâu lắm.”
“Vậy thì, quyết định thế nhé.”
Và cô nhìn tôi với vẻ hờn giận. Có lẽ cô đã mong tôi sẽ nài nỉ và tìm cách thuyết phục cô. Nhưng nài nỉ và thuyết phục chưa bao giờ là một phần trong chiến lược nam tính của tôi. Trong vài giờ ở bên cạnh Esther tôi đã trở nên có phần chắc chắn hơn về bản thân mình. Tôi đoán cô hơn tôi độ mười tuổi. Tôi đã dằn mình bằng sự kiên nhẫn cần thiết cho một người đã chuẩn bị từ bỏ nền văn minh cùng những sự phù phiếm của nó.
Chúng tôi không ai cởi áo khoác - trời quá lạnh - nên không cần mặc lại. Tôi xách vali, Esther xách cái túi đựng đồ qua đêm. Cô thổi nến. Cô nói: “Cậu mà không nhắc đến linh hồn cô ấy thì chắc tôi đã ở lại.”
“Tôi chắc chắn hồn cô ấy là linh hồn tốt đẹp.”
“Ngay cả linh hồn tốt đẹp cũng có khi làm chuyện tai quái.”
Chúng tôi ra khỏi nhà và Esther khóa cửa. Bầu trời giờ đã trong - sáng như từ một mặt trăng vô hình. Sao lấp lánh. Ánh đèn xoay từ một ngọn tháp gần đó rọi xuống một bên mặt Esther. Tôi không biết vì sao, nhưng tôi hình dung đó là đêm đầu tiên của lễ Vượt qua. Tôi nhận ra ngôi nhà này đứng tách biệt với những ngôi nhà khác và bao quanh là những bãi cỏ. Đại dương chỉ cách đó một dãy nhà. Vì tiếng gió thổi nên tôi không nghe được tiếng biển lúc trước, nhưng giờ gió đã lặng tôi có thể nghe thấy tiếng nước đánh, tiếng bọt, như một món thịt hầm vũ trụ trong một cái vạc vũ trụ. Đằng xa, một con tàu kéo đang kéo theo ba cái xà lan tối. Tôi gần như không thể tin cách Manhattan chỉ một giờ người ta lại có thể đến được một nơi tĩnh lặng như thế.
Esther nói ngập ngừng:
“Lúc nãy cậu muốn đưa tôi một khoản tiền trước, tôi đã từ chối nhận. Nếu cậu nghiêm túc chuyện thuê phòng, tôi sẽ nhận, chỉ để đảm bảo là…”
“Hai mươi đô có đủ không?”
“Vâng, thế là đủ. Tôi chỉ hỏi thế để cậu không đổi ý.” Cô nói, và nghĩ lại, cô cười.
Trong ánh sáng ban đêm, tôi đếm ra hai mươi đô. Chúng tôi bước cùng nhau ra cổng. Tôi nhận ra một viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ lúc tôi đến. Anh ta nhìn chúng tôi và hai cái vali đầy ẩn ý, như thể, như một gã phù thủy, anh ta đoán được bí mật của chúng tôi. Anh ta cười và nháy mắt, và tôi nghe thấy tiếng anh ta nói: “Hai người đang trở về với nền văn minh?”
Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản dịch tiếng Anh của Ruth Schachner Finkel