Những khối đá cẩm thạch hằn vân cả trăm tuổi, im lặng nhìn nàng. Hình như, sau khi trình diễn vở Don Giovani, thiên tài Mozat cũng đã từng đứng đây, lau những giọt mồ hôi lặng lẽ giữa mùa đông như nàng. Chợt, nàng lạnh người vì trong gương hiện lên một bóng người đàn ông, vận veston thời trung cổ, mỉm cười, rồi lặng lẽ cúi xuống nâng đuôi chiếc váy trắng còn vươn dài ngoài hành lang đặt vào trong phòng.
Một giọng nam trầm vang lên: Mùa đông năm ấy, Hoàng đế Franz Joseph I đã từng làm như vậy.
Nàng giật mình quay lại, không gian yên lặng, nàng vẫn đứng đó một mình. Khung cửa vàng vẫn khép chặt. Một mùi hương dâng lên, hoà trộn giữa violet và hạt tiêu đen, giữa hương cỏ vetiver và hương gỗ Nam phi, tạo thành một thanh yên rực rỡ và mạnh mẽ (Burberry). Chợt tiếng chuông báo hiệu hết giờ giải lao vang lên. Nàng hít một hơi thật sâu, rồi bước ra sân khấu. Khán giả đã ổn định chỗ ngồi. Những tràng pháo tay lại vang lên giòn giã. Lần này, nàng ngồi trên chiếc ghế màu nâu gụ được đặt sẵn giữa sân khấu. Trước mặt là phong thư tình mà hoàng tử Franz Joseph đã gửi cho nàng Elisabeth Sisi.
Sisi yêu dấu! Nàng có biết không, đôi mắt màu hạnh nhân, nước da trắng trong như thạch của nàng đã ám ảnh tâm trí ta, khiến cả đêm hôm qua ta không thể nào chợp mắt. Ta ước, nàng có thể ở đây, xoa dịu nó, xoa dịu nỗi khát khao đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng ta. Mặc dù, chị gái của nàng, Helene có sắc đẹp tuyệt trần, nàng ấy đã được huấn luyện để trở thành hoàng hậu, nhưng nàng, chính nàng mới là người được sinh ra để làm hoàng hậu của ta! Nàng có nghe thấy, có cảm thấy trái tim ta đang đập loạn xạ trong lồng ngực đây không. Mái tóc buông dài như suối của nàng cứ quấn chặt lấy cổ ta, khiến ta không thể thở nổi. Đôi tay mềm mại của nàng đang bóp nghẹn trái tim ta nàng có biết không. Hãy đến bên ta, Sisi thiên thần của ta!
Chiếc piano màu nâu gụ nhả những giọt âm thanh êm ái, giọng nàng trầm mặc, tha thiết, trải dài thì thầm theo từng giai điệu. Đêm nay, ở đây, không hoàn toàn dành cho kim cương, áo lông thú và mùi hương xa hoa, lộng lẫy, điều này khiến nàng thoải mái khi đắm mình vào bức thư tình của hoàng tử gửi Sisi.
Nàng có nhận ra ta trong hơi thở của nàng không? Nàng có nhớ về ta như ta đang nhớ nàng bây giờ không? Ta biết, mẹ nàng, công chúa Ludovica, thậm chí ông ngoại của nàng, nhà vua Ludwig I xứ Bavaria, mọi người đều đã dồn tâm trí cho Helene, nhưng ta lại dồn tâm trí cho nàng! Đêm qua một nụ hồng đã đóng băng trong vườn ngự uyển, đêm nay, một nụ hồng nữa cũng sẽ bị đóng băng, sáng mai cả vườn hồng sẽ bị đóng băng vì sự lơ đễnh của những kẻ hầu vườn. Ta không muốn, ta bỏ lỡ một nụ hồng đẹp nhất mà ta đã chọn lại bị đóng băng, nàng có hiểu tâm trạng của ta không Sisi.
Giọng nàng vút lên không trung, thao thức, giằng xé, thúc giục. Những phím nâu gụ dồn dập chạy theo nàng. Nàng thì rượt đuổi theo cao độ, theo tâm trí của hoàng tử, hẳn là nỗi nhớ đang tan ra, lạnh cóng và tê tái.
Sisi yêu dấu! Nàng thật may mắn khi không được cha mẹ nàng đào tạo để gặp ta. Nàng thuần khiết đến với thế giới này như cha của nàng vậy. Công tước Max, ta biết, ông ấy không quan tâm đến triều chính mà đã dành toàn bộ tâm trí cho nghệ thuật, sân khấu, rạp xiếc và cho nàng. Ta cũng không cần nàng cho triều chính, nhưng triều chính cần sự chữa lành, tưới mát và bao dung của nàng, thiên thần ạ!
Chàng ngồi trên tầng 2, chìm đắm và thấm đẫm từng cung bậc, thanh âm mà nàng cất lên. Vừa rồi, chàng đã rất gần nàng, chỉ cách một sải tay, một cánh cửa nhưng lại cách cả một sự im lặng. Nàng vừa hiện ra trong gương, thanh khiết trong chiếc váy màu bạch yến. Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng, dâng lên một mùi hương huyền thoại, hoà quyện giữa hoa hồng, nồng nàn cùng hoa nhài, hoa Ylang Ylang, cuối cùng là sự dâng lên ngọt ngào của vani và gỗ đàn hương ấm áp (Chanel No.5). Khiến chàng bị dẫn dụ, vừa lại gần nàng lại vừa muốn rời đi vì sợ phạm.
Sisi yêu dấu! Ước gì ta có thể cùng nàng, như cha của nàng đã bên nàng những năm tháng, nhưng ta biết là ta không thể, ta còn trọng trách với muôn dân của ta. Nàng có thể nào đợi ta khi hết trọng trách được không? Chắc hẳn là không rồi. Ta có thể dâng nàng cả Đế chế của ta. Ta biết nàng sẽ cô đơn khi đón nhận nó và ngay cả khi ở bên ta, nàng cũng sẽ bị nỗi cô đơn xâm chiếm. Nhưng hãy vì ta mà đến, hỡi Sisi của ta!
Vâng hãy vì ta mà dừng bước, chàng thầm nghĩ trong đầu. Chàng sẽ không còn cơ hội vì nàng sẽ sớm rời đi Paris. Chàng nhẹ nhàng đứng lên, đi xuống cuối bục số 7 và đứng nép vào bóng tối.
Xin nàng, hãy bao bọc sự dũng mãnh, rực cháy, khát vọng của ta bằng sự e thẹn, nhút nhát, thuần khiết của nàng. Hãy cân bằng và bao dung cho ta, cho đế chế của ta. Hãy dìu dắt con ngựa bất kham và vương triều của ta. Ta cần nàng, thần dân của ta cần nàng! Hãy tha lỗi cho ta Helene! Hãy đón nhận ta Sisi!
Lời cuối vừa dứt, nàng cúi xuống lau hai hàng nước mắt. Một khoảng lặng thấm đẫm sự nhập tâm giữa nàng với tâm trạng của hoàng tử Joseph. Giữa nàng với những giai âm thánh thót, nhảy múa trên những phím nâu gụ. Giữa nàng với hơn một nghìn công chúng trong nhà hát. Và rồi, tích tắc sau, tiếng vô tay cất lên, giòn giã, vang mãi cho đến khi nàng cúi đầu lần nữa và rời đi.
Nàng liêu xiêu bước nhanh về phía phòng gương. Bỗng nhiên nàng khựng lại, mùi hương ấy lại dâng lên, đâu đó quanh nàng. Nhìn quanh, chỉ thấy một mình, nàng mở cửa phòng gương, bước vào nhưng để lại đuôi váy phía hành lang, rồi khép nhẹ cửa lại. Nàng nhắm mắt, tưởng tượng về tâm trạng của Sisi sẽ như thế nào khi nhận được những bức thư của Hoàng tử Franz Joseph. Sisi hẳn là hạnh phúc, nhưng chắc hẳn là sẽ rất dằn vặt…
Chợt có tiếng gõ cửa. Nàng bối rối, cất giọng:
- Mời vào!
Cánh cửa khẽ mở, mùi hương vetiver dâng lên, im lặng. Nàng ngước lên, nàng biết chắc chắc mình không phải là Sisi, nhưng có lẽ người đang hiện lên trong gương, mùi hương lúc trước quay trở lại, chắc chắn như thể là Hoàng tử Franz Joseph đang đứng ở đây, sau lưng nàng.
- Xin lỗi cô, chiếc váy vẫn còn vương ngoài cửa - Chàng vừa nói, vừa thả đuôi chiếc váy màu bạch yến vào trong phòng.
- Oh cảm ơn anh - Nàng quay mặt lại phía chàng.
Trong khoảnh khắc ấy mùi vetiver và mùi gỗ đàn hương hoà vào nhau, khiến cả hai sững người, im lặng.
- Chúc mừng cô đã biểu diễn xuất thần - Chàng cất tiếng.
- Tôi, tôi… đâu có tốt đến vậy - Nàng ấp úng.
- Sisi chắc chắn sẽ nghe thấy lời của Franz - Chàng nói tiếp.
- Anh, anh… cũng nghĩ như vậy à? - Nàng lúng túng hỏi lại.
Chàng không trả lời, mà khẽ gật đầu, đôi mắt hơi cụp xuống.
- Bây giờ mới là 21h, nếu cô không thấy phiền, tôi có thể mời cô một ly kem thành Vienna được không?
Nàng run run, không gật, cũng không lắc.
- Tôi hiểu rồi, tôi xin lỗi - Chàng định rời đi.
- Khoan đã, hình như anh đã nói: Mùa đông năm ấy, Hoàng đế Franz Joseph I đã từng làm như vậy, phải không?
- Vâng, thưa cô!
- Vậy, vậy… tôi có thể ăn kem vào tối ngày mai được không? - Nàng khẽ hỏi lại.
Chàng, không trả lời mà nhìn nàng với đôi mắt lấp lánh, đầy biết ơn. Rồi chàng vòng tay cúi chào theo điệu của hoàng tử và rời đi.
Ảnh: pixabay |
Bức thư tình của Sisi
Vienna State Opera với 1709 chỗ ngồi đã chật cứng người. Nàng khoác lên mình bộ váy màu hoàng yến, thướt tha bước ra sân khấu. Nàng Sisi đã đứng ở đó một mình tự bao giờ. Sisi nhìn nàng trìu mến rồi đưa cho nàng một phong thư. Nàng cúi đầu nhận lấy nhưng khi ngẩng mặt lên thì không thấy Sisi đâu cả. Nàng giật mình choàng tỉnh, thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Đêm nay, nàng sẽ hoàn thành sứ mệnh đêm diễn thứ hai tại kinh thành Vienna. Với tất cả những cảm xúc nàng sẽ phải diễn tả được nỗi nhớ nhung, cô đơn, khát cháy của đôi trai gái vương quyền đang yêu nhau. Xuyên thấu nó là nỗi tuyệt vọng, cô độc của bậc đế vương.
Nàng bước đến căn phòng gương. Không khép cửa. Chiếc váy màu hoàng yến, khiến nàng rực rỡ như một nữ hoàng. Mùi hương vetiver vừa dâng lên, trong gương, chàng hiện ra với bộ lễ phục thời phục hưng màu trắng. Chàng mỉm cười chào nàng.
- Đêm qua em đã gặp Sisi - nàng cất tiếng đáp lễ.
- Năm xưa, cuối mỗi tuần Hoàng hậu đều đến đây, có thể, bà ấy đã đứng ngay ở chỗ em đấy.
Nàng giật mình quay lại nhìn chàng, rồi lẩm bẩm: Vâng, có thể mà.
- Bà ấy đưa cho em một phong thư. Trông bà ấy có vẻ u buồn và rất cô đơn anh ạ.
- Đó là định mệnh của Sisi.
Tiếng chuông vang lên. Chàng mạnh dạn ngỏ ý:
- Tôi có thể dìu em ra không?
Nàng mỉm cười gật đầu và bám vào cánh tay vững chãi của chàng.
Tiếng vỗ tay vang lên như thể hàng nghìn cánh hoa đang tung lên đón nàng. Nàng cúi cầu cảm kích đáp lễ, và dường như cũng là đáp lễ chàng.
Những phím nâu gụ đã ngủ từ đêm hôm qua, đêm nay thức giấc, chảy tràn âm vực trữ tình màu sắc/sobourette. Nàng cất giọng hơi mỏng, nhẹ, mềm mại, bay bổng, trong sáng:
Hoàng tử kính yêu! Đêm qua thần cũng thao thức cả đêm nghĩ về chàng. Nghĩ về buổi chiều như là định mệnh của chúng ta. Nghĩ về buổi chiều vô tình được câu cá bên chàng. Nghĩ về vẻ mặt hoảng hốt của những viên quan hầu cận đã thót tim khi chàng bỏ giầy lội suối cùng thần. Giá chàng không phải là hoàng tử thì hay biết mấy. Giá thần không trèo cửa sổ, đi câu cá một mình thì hay biết mấy. Giá viên cảnh sát ấy cứ bắt giữ thần thì hay biết mấy. Tất cả chỉ là giá như. Giờ đây nụ cười rực rỡ như ánh nắng ban mai chiều hôm ấy đã bao phủ lấy tâm trí thần. Thần không sao có thể xua đuổi nó.
Phi Hương! Chàng cũng vừa mới biết tên nàng mà thôi. Nàng ngước nhìn chàng, trên tầng hai và dứt giọng ở câu cuối lên đến note D6/Lirico soprano.
Hoàng tử cũng biết là cả hai ta đều đã được gia đình an bài nhưng bằng cách nào đó, Chúa đã đưa chàng tới. Thần cảm thấy mơ hồ, chàng vừa thuộc về thần, vừa rất xa vời. Thần không thể diễn tả rõ cảm nhận về hoàng tử, vừa xa lạ, trìu mến, vừa cao ngạo, ân cần, vừa lạnh lùng, nồng nhiệt. Chị Helene là lựa chọn đúng đắn nhất cho chàng. Chàng chọn chị ấy sẽ không có rủi ro, còn nếu chàng chọn ta sẽ gặp vô vàng phiền phức. Những gì chàng vừa chứng kiến chiều nay, cũng đã đủ để chàng thấy rằng lời bộc bạch của ta lúc này là chân thành phải không thưa hoàng tử.
Giọng nàng trải dài từ nốt C trung (C4) đến nối A cao (A5), có lúc lên tới nốt C soprano (C6). Chàng tưởng tượng Phi Hương đang cố gắng nhập vào tâm trạng của Sisi, của trường phái Verismo, khiến cho người ta cảm nhận được sự bất hạnh sắp xảy ra.
Thưa hoàng tử! Thần biết lý trí không thể sai khiến con tim nhưng con tim của chàng là của một đấng quân vương. Chàng cũng biết, chàng không thể chỉ sống cho riêng mình mà còn phải sống cho hàng triệu sinh mệnh ở lục địa này. Cha thần đã dạy thần và cùng thần cưỡi ngựa qua nhiều miền, thần đã thấy, sự tàn bạo của tranh giành, sự vô nghĩa của những cái chết, sự xa hoa, cách biệt giữa chúng ta và phần còn lại của thế giới.
Lúc này, giọng nàng hơi tối, nhưng khi nàng lên cao, toàn giọng (fullvoice) note E6 thì lại rất sáng. Có lúc nàng đã cất lên đến note F6 và cao hơn. Và đã có lúc nàng hát xuyên dàn nhạc, với chất giọng dày, khoẻ và rất vang. Chàng trầm ngâm, thầm nghĩ, giọng nàng trên sân khấu thật sự khác biệt với ngoại hình mỏng manh, thướt tha, im lặng của nàng. Im lặng thế mà cất lên là tha thiết. Im lặng thế mà cất lên là dịu ngọt. Im lặng thế mà cất lên là thương nhớ. Nàng đã thiêu đốt hết mình cho đêm thành Vienna rực rỡ này. Hương thơm của hơn một nghìn con chiên hướng về nàng một cách đầy mê dụ, vương vất. Và dường như những bức tường cẩm thạch hằn vân trăm năm của Vienna State Opera cũng xúc động dâng lên đầy rực rỡ và quyến rũ. Không gian đồng nhất một mùi của thiên lương, huyền ảo và mê đắm. Chàng lẩm nhẩm, thật quả đúng như nhà văn, nhà soạn kịch Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp, Victor Hugo đã từng đúc rút: Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng câm (Music expresses that which can not be said and on which it is impossible to be silent).
Bức thư tình thành Vienna
Những tràng pháo tay vừa dứt, chàng đứng dậy đi nhanh về phía phòng gương, đứng lặng sau chiếc cột đá cẩm thạch có bán kính khoảng nửa vòng tay ôm để ngắm nàng. Phía xa, nàng đang đứng giữa đám đông, với những lời chúc tụng, tán dương, những cái bắt tay, điệu nghiêng chào lịch lãm của giới quý tộc thành Vienna. Một vài bạn trẻ cũng xin nàng chữ ký. Suối tóc đen đổ dài đến thắt lưng. Nàng lộng lẫy, kiêu sa nhưng vẫn giữ được vẻ e lệ, tôn quý trong chiếc áo dài màu hoàng yến. Nàng nở nụ cười hàm tiếu đáp lễ các quý ông quý bà, rồi tiến về phía phòng gương.
- Chúc mừng em lần nữa, đêm nay em biểu diễn thật ấn tượng. Anh tưởng chính nàng Sisi đang đọc thư của mình chứ.
- Oh đêm nay thật là một đêm đáng nhớ trong cuộc đời lưu diễn ở nước ngoài của em. Em rất cảm kích vì sự đón nhận của công chúng quý tộc thành Vienna và anh rất nhiều! - Nàng đáp lời.
- Bây giờ, anh mời em đi ăn kem thành Vienna được rồi chứ?
- Vẫn chưa được anh ạ - Nàng mỉn cười nhìn chàng trong gương.
Chàng kiên nhẫn:
- Hãy cho anh một lý do từ chối chính đáng nào?
- Em mặc thế này mà đi dạo phố được sao?
Ánh mắt chàng sáng lên:
- Oh anh xin lỗi, anh sẽ chờ em ngoài sảnh nhà hát nhé.
Vài phút sau, nàng hiện ra trong chiếc áo dài màu trắng sứ, thanh khiết, dịu dàng. Nàng lướt đi như thể chân không chạm đất. Như thể chỉ cần một cơn gió mạnh ngang qua là nàng sẽ biến mất. Chàng mỉm cười, cúi đầu, đưa tay về phía nàng như chuẩn bị thực hiện một nghi thức chào hỏi theo kiểu quý tộc thành Vienna.
- Xin chào quý cô, tôi lên là Andy Joseph, rất hân hạnh được chào đón quý cô đến với thành Vienna - Chàng cúi gập người xuống hôn tay nàng.
- Tôi tên là Phi Hương, rất vui được biết quý ngài - Nàng khẽ nhún vai, hạ thấp người, đưa tay về phía chàng rồi mỉm cười đáp lễ.
Chàng đưa khuỷu tay về phía nàng ngỏ ý mời nàng và lịch sự dìu nàng bước đi. Hai người sóng bước lướt qua những dãy hành lang cẩm thạch, bước xuống tầng hầm. Bỗng nàng rụt tay, rồi khựng lại. Chàng mỉm cười nói:
- Một quý ông thành Vienna sẽ không mất lịch sự với em đâu. Em không còn nhiều thời gian ở đây nên tôi muốn dẫn em đi xem một báu vật của cái nôi âm nhạc thế giới này.
Nghe chàng nói thế, nàng bỗng thấy nhẹ cả người. Nàng cảm thấy mình hơi thất thố với chàng. Nàng hít một hơi thật sâu, rồi tiếp tục để chàng dìu đi. Trên trần, dọc hành lang dẫn vào tầng hầm được trang trí bằng những chùm đèn pha lê nhiều tầng sáng lấp lánh. Trên tường, là những bức họa của thiên tài âm nhạc Mozart, Beethoven, Schubert, Johans Straus… được treo trong khung vàng. Tiếp đến là dãy hàng lang được vẽ bằng những nốt nhạc màu trắng, nhảy múa như những vũ công, khéo léo, uyển chuyển, chạy dài từ đầu cho tới cuối hành lang nơi dẫn đến căn phòng đầu tiên. Chàng dừng lại, nàng ngước nhìn lên tấm biển có dòng chữ mạ vàng: K620 - Die Zauberflöte, Wolfgang Amadeus Mozart. Một mùi hương huyền hoặc, xa xăm dâng lên khắp không gian.
- Đây là nơi lưu giữ bản nhạc kịch Cây sáo thần của thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart từ năm 1791 em ạ. - Vừa nói, chàng vừa ra lệnh cho nàng nhắm mắt lại. Rồi chàng với tay, cẩn thận quẹt thẻ, cánh cửa từ nhanh chóng mở ra.
- Bây giờ em có thể mở mắt được rồi - Chàng khẽ thì thầm vào tai nàng.
Nàng mở mắt, đứng im bất động. Căn phòng tràn ngập màu trắng.
Mozart ngồi cạnh một cây đàn dương cầm màu trắng. Toàn thân ông được ghép bằng những nốt nhạc màu trắng, trên tay cầm một vật như là chiếc quyền trượng. Trên đầu ông đội một quyển sách, bên trong là bản nhạc kịch Cây sáo thần, được chạm khắc bằng những sợi vàng lấp lánh.
- Em đang nghĩ trên tay ông ấy cầm cái gì? - Đợi cho nàng bình tĩnh, chàng mới khẽ hỏi.
- Em không rõ nhưng trông có vẻ như chiếc quyền trượng ạ?
Chàng không trả lời mà dìu nàng lại gần hơn, để nàng có thể chạm vào thần tượng của mình.
- Đó là nốt lặng đơn! - Nàng thốt lên.
- Vở nhạc kịch Cây sáo thần đã được ông ấy chỉ huy và trình diễn ở đây - nơi em vừa biểu diễn đêm nay đó em.
Giọng chàng trầm ấm, kính cẩn khiến nàng càng thêm xúc động:
- Ông ấy đã không kịp nhìn thấy thành quả của mình anh nhỉ.
- Uh ông ấy đã mất sau đêm diễn đó khoảng hai tháng. Ông ấy đã chết trong bão tuyết, nghèo khổ và cô đơn. Nghe nói, chỉ có người vợ cả đã cố gắng đến để đưa tiễn ông nhưng do bão tuyết lớn quá nên bà ấy đã phải quay về. Cuối cùng thì chỉ có hai nhân viên của nhà tang lễ thành phố đã khênh ông ấy vứt xuống hố chôn tập thể. Đến bây giờ thì có khoảng 200 giả thuyết về cái chết của Mozart đã được đặt ra.
- Vì Cây sáo thần mà ông ấy đã bị tình nghi? - Nàng hỏi thêm.
- Trước đó em ạ, đón là thời điểm sau cách mạng Pháp năm 1789 thì tư tưởng “bình đẳng, tự do, bác ái” đã lan truyền khắp lục địa già. Điều này, đã khiến các hoàng đế Âu châu và đặc biệt là hoàng đế Đế quốc Áo – Hung Leopold II đã rất lo ngại và đưa ra các chiến dịch đàn áp rất mạnh mẽ. Bản thân Mozart và những người bạn nghệ sĩ của ông cùng giới trí thức Âu châu cũng đã từng bị tình nghi là đã tham gia Hội Tam Điểm (Hội Nền tảng tự do) và bị bắt quản thúc. Sau đó, vở nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart ra đời, và được giới học thuật coi là một kiệt tác. Ngoài giá trị nghệ thuật thì nó đã thể hiện được một cách mạnh mẽ nhất cho tư tưởng đấu tranh vượt thoát của thời kỳ này. Đây cũng là bản cuối cùng của ông ấy để lại cho hậu thế, và cũng là bản ông ấy yêu thích nhất em ạ.
- Hình như thi hào Goethe đã từng nhận xét rất trí lý về Cây sáo thần anh nhỉ?
- Uh sự đổi mới, cách tân của Cây sáo thần đã gây tranh cãi kịch liệt trong giới nghệ thuật lúc đó ở thành Vienna và nhiều thành phố khác ở Âu châu, đến nỗi Goethe đã phải thốt lên rằng: Phải có kiến thức để hiểu được giá trị của kịch bản và tác phẩm đó, kẻo không thì sẽ phủ nhận nó.
- Vâng về mặt âm nhạc thì có lẽ đây là lần đầu tiên Mozart đã tạo được hệ thống chủ đề và âm hình dàn nhạc bám đuổi nhau, những chuyển động rất nhanh và đột ngột trong kịch bản. Các nhân vật chính như Hoàng tử Tamino, giọng tenor, công chúa Panima, giọng soprano, đặc biệt, là Nữ hoàng Bóng đêm, giọng soprano hay Pháp sư Sarastro, giọng bass… mỗi nhân vật đều được khắc họa rất rõ nét. Các chất giọng đã hoà quyệt và nâng đỡ cho nhau, để hoà tấu cùng dàn hợp xướng, chúng tạo thành một khối âm thanh vừa mạnh mẽ vừa mềm mại, vừa thét gào vừa ngưng đọng, vừa như vụt thoát nhưng lại uyển chuyển. Giáo sư của em cũng từng nói rằng: Cây sáo thần đã đánh dấu một bước chuyển biến rõ rệt trong nghệ thuật sử dụng hợp xướng và dàn nhạc, nó đã được coi là một cuộc cách mạng về công nghệ kiến tạo nghệ thuật và tư tưởng thời kỳ đó anh ạ.
Nàng nói đến đây thì bỗng nhiên im lặng. Họ bối rối nhìn nhau, dường như cả hai đều cảm nhận được luồng ánh sáng lấp lánh, ấm áp, kỳ diệu đang phát ra từ phía bên kia. Có lẽ, đây chính là bức thư tình của thành Vienna mà Mozart đã truyền lại cho hậu thế. Nó đã khiến cho hai luồng ánh sáng đến từ hai nền văn minh Âu-Á vừa chạm vào nhau, vừa được mở ra giữa kinh thành Vienna. Linh hương vetiver hoà quyện với đàn hương dâng lên sóng sánh, chảy tràn trên quyền trượng, trên nốt lặng đơn của Mozart.