Nhưng tập bản thảo bị dập xóa, sửa chữa và viết thêm bên lề rất nhiều bằng loại chữ khác, viết bằng mực tím, nét chữ con gái. Những từ và câu bằng tiếng Anh thì lại bị sửa bằng nét chữ của người thứ ba. Như vậy bản thảo này có một người viết là anh Q và hai người tham gia sửa chữa, biên tập. Khi tôi hỏi, anh Q đã không ngần ngại đáp: "Hai đứa con gái của mình đấy. Đứa biên tập tiếng Việt là đứa lớn, đỗ cử nhân báo chí đã ba năm nay. Đứa biên tập tiếng Anh là đứa bé, nhận bằng cử nhân Anh văn năm ngoái".
Ảnh minh họa bài viết. Nguồn internet |
Hai cô con gái của anh Q thì tôi có biết. Chúng học giỏi nổi tiếng từ thời phổ thông. Lên đại học, cả hai đứa vẫn giữ được phong độ. Đứa lớn còn viết được một số bài in báo. Tôi hỏi: "Công việc của các cháu hiện nay ra sao?", anh Q đáp: "Thất nghiệp dài. Nhưng bố con tớ có một giao ước ngầm rất sòng phẳng. Tớ đã bạc đầu mà vẫn phải còng lưng, nhòe mắt ở cơ quan kiếm tiền nuôi các nàng thì đáp lại các nàng tuổi xuân phơi phới, có năng khiếu, có học hành cơ bản lại phải xúm vào biên tập bản thảo cho tớ". "Anh hài lòng về khả năng biên tập của hai cháu chứ?". "Tất nhiên rồi. Chúng nhúng bút vào bài nào của tớ thì bài ấy hay hẳn lên". “Chẳng lẽ cứ để các cháu nằm dài ở nhà chỉ có một việc là đợi bài của bố viết xong rồi xúm vào biên tập hay sao?". "Ấy chết, tớ đâu có dại dột để chúng như thế. Rách việc lắm. Một là hàng phố dị nghị, hai là hiếm có cơ may lấy chồng. Tớ thuê một gian nhà cấp bốn ở Hà Nội cho hai chị em cháu ở. Đứa chị ngày ngày đạp xe lượn lờ đi nắm bắt thông tin để viết báo. Năm 1996, tổng số nhuận bút cháu lĩnh được từ các bài báo là 900.000₫, như vậy mỗi tháng tớ cho cháu thêm 200.000₫ nữa là đã sống được tàm tạm. Còn con em nó đi làm gia sư tiếng Anh. Thu nhập của gia sư phập phù lắm. Tớ vẫn phải cho thêm bằng con chị. Vậy là tiền cung cấp cho hai đứa gần đi đứt mức lương chính của tớ. Tuy thế, tớ đâu có chịu dừng lại ở đó. Tới đây, tớ sẽ mắc cho hai đứa một cái điện thoại, vừa để giao dịch công việc, vừa để làm sang với mấy chàng trai đang theo đuổi chúng. Ôi, ngẫm chuyện đường dài mà thấy kinh hãi. Chẳng biết tớ còn phải è cổ nuôi báo cô hai đứa đến bao giờ nữa”. "Tại sao anh không về hưu để xin cho con cháu lớn thế vào chỗ của anh?". "Tớ cũng đã tính đến chuyện đó. Đã mấy lần tớ đặt vấn đề với lãnh đạo nhưng xem ra còn mắc mớ lắm. Tớ còn hai năm nữa mới sang tuổi 60, họ không dám cho tớ về vì sợ phạm chính sách. Mà tớ có về bây giờ thì con gái tớ cũng không thế chân được vì không có chỉ tiêu. Cậu nên nhớ rằng 5 năm nay, cơ quan tớ không nạp vào, cũng không thải ra...”.
“Không nạp vào, không thải ra" - Câu nói của Q làm tôi giật mình sực nhớ tới bài học trao đổi chất từ thuở phổ thông. Đã không có trao đổi chất thì khó bề phát triển được.
------------
bài viết cùng chuyên mục:
Biết sợ chính mình Gánh nặng của thơ. Tạp bút của Trần Ngọc Tuấn Người yêu phim. Tạp bút của Khánh Phương Ăn theo. Tạp bút của Nguyễn Quốc Anh "Thời bao cấp" . Tạp bút của Hà Thanh |