Sáng tác

Chiên Đàn hoang hoải. Tạp bút của Phạm Nguyên Tường

Phạm Nguyên Tường
Tản văn
07:00 | 07/09/2024
Baovannghe.vn - Mẹ rời Tam Kỳ ra làm dâu xứ mưa đã hơn 50 năm. Mỗi bận về quê ngoại, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, tôi vẫn thường ra khu tháp Chiên Đàn
aa

Mẹ rời Tam Kỳ ra làm dâu xứ mưa đã hơn 50 năm. Mỗi bận về quê ngoại, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, tôi vẫn thường ra khu tháp Chiên Đàn thơ thẩn hàng giờ. Không hiểu sao, ngồi đà đẫn trong khu tháp Chăm cổ, nhìn những bức phù điêu sa thạch với những tượng nữ thần, nam thần, vũ nữ Apsara… loang lổ, sờn mòn trong gió chiều hoang hoải, tôi cứ luôn liên tưởng đến mẹ tôi, cuộc đời của bà, cả thân xác lẫn thần hồn, mới có mấy mươi năm mà như đến hàng trăm năm trong cõi, từ thuở thịt da căng tràn nhựa sống cho tới ngày nhăn nheo đổ nát rêu phong, giờ đây vẫn không thôi uốn lượn những vũ điệu nghê thường… Chiên Đàn Mẹ tôi. Mẹ là nữ thần Uma sáu tay, “hai tay chắp lại trên đầu, bốn tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba, vòng. Mẹ là Đấng Tạo Hóa hay là Đấng Bảo Hộ tối cao hiện thân trong những tượng thần Siva, Vishnu, Brahma thờ trong ba cụm tháp. Không, thật ra mẹ không cầm cung tên, đinh ba hay vòng. Mẹ không ngồi trên đài sen mà phóng vào gió bụi, nắng mưa. Những năm hậu chiến đói kém, mẹ múa lượn trên khắp các bến xe, ga tàu…, tay ôm vai vác giỏ áo quần nặng trịch bán cho khách đường dài. Mỗi buổi trưa bới cơm lên ga Huế cho mẹ, tôi thử vác giỏ áo quần nặng đến oằn lưng. Vậy mà mỗi khi có tàu tới, mẹ vác giỏ hàng chạy dọc sân ga, vừa chạy theo các toa tàu vừa cầm mớ hàng vẫy vẫy mời mọc khách, mắt trông chừng công an rượt đuổi. Ngày đó ngăn sông cấm chợ, buôn bán tự do kể cả buôn bán vặt đều bị quy là phi pháp, nhóm bạn hàng của mẹ đều bị gọi miệt thị là “đám con buôn”. Tôi nhìn thấy mẹ nhào trộn trong “đám con buôn” thô mộc, không hoa văn cầu kỳ nơi dãy tượng tháp Chiên Đàn khỏe khoắn, có phần đơn điệu. Đoạn, tàu rời ga, mẹ quay lại chỗ lán trọ ngồi ăn tiếp phần trưa, vừa nhai vừa thở trệu trạo. Tôi mờ mắt trong nắng trưa hoang hoải, như vừa xong một vũ điệu ở Chiên Đàn.

Chiên Đàn hoang hoải. Tạp bút của Phạm Nguyên Tường
Người mẹ tần tảo. Ảnh minh họa

Hơn chục năm sau giải phóng đẫm nước mắt mồ hôi trên sân ga Huế với những chuyến nhảy tàu chợ Huế - Đà Nẵng, mẹ tôi còn xoay qua nhiều “vũ điệu nghê thường” khác hơn cả chục năm nữa mới chịu ngừng lại, khi mấy chị em tôi lần lượt tốt nghiệp đại học, đủ lông đủ cánh bươn chải với đời. Trên tấm lá nhỉ nơi vòm cửa tháp Nam, tôi thấy mẹ là nữ thần đứng trên lưng con bò, chân phải co lại, chân trái duỗi ra, hai bên có 2 người cầu nguyện. Có ai cầu nguyện cho Chiên Đàn Mẹ tôi qua thời vàng son - thời của những lao lực cùng kiệt? Rêu phong tóc bạc da mồi, mẹ như tấm bia đá lớn khai quật được trong khu tháp với những dòng cổ tự. Tôi không hiểu những dòng sanskrit ấy nói gì. Tôi không hiểu hết Mẹ.

Quê mẹ làng Đông Yên, nay là khối phố Đông Yên, phường Hòa Thuận của thành phố Tam Kỳ. Sinh thời ông ngoại hay ngâm nga: “Trà Thái Đức năm canh thức đái/ Rượu Đông Yên sáu chén điên ông”. Nhà ngoại mấy đời nối nhau làm lý trưởng, đất đai ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Ông ngoại tôi là lý trưởng đời cuối, mỗi lần đi thăm ruộng là phải cưỡi trên lưng ngựa, qua Gò Tre, về Đá Dựng… Những ngày hè được về quê ngoại đối với tôi luôn là phần phúc hạnh vô giá của thời thơ ấu. Mẹ đưa chúng tôi về quê, từ Huế về tới Tam Kỳ mất hơn một ngày đường vạ vật sang xe chờ tàu, phải chăng cũng là dịp để mẹ tìm kiếm lại tuổi thanh xuân của mình. “Tôi đi tìm mê mải/ Mái tóc thật nhà quê/ Mắt mẹ tôi ngày ấy/ Không còn sau ngõ tre. Đó là mấy câu thơ trong bài Giếng cũ viết cho “đổ nát mắt trời làng” của tôi. Rồi một ngày nọ, quê ngoại cũng vợi dần theo tuổi thơ tôi. Vẫn khung trời cũ, những yêu thương không hề suy suyễn, nhưng Chiên Đàn của tôi đã không còn như xưa. “Bỗng muốn đòi bằng được/ Cái gì chẳng hình thù/ Lỡ đánh rơi xuống giếng/ Vào một chiều xưa thu. Tôi bùi ngùi đứng trước sân gạch nhẵn mòn nhà ngoại, ngôi nhà rường cổ tường gạch rêu phong ấn mình trong khu vườn hoang hoải của ngôi làng đang trở thành một khu phố đô thị hóa nhanh đến chóng mặt. Trong gian thờ lớn, những tấm liễn gỗ cẩn xà cừ đề thơ xưa cùng những họa tiết tinh xảo với đôi chim tước mỏ dài đậu trên cành liễu, cây thủy trúc, chậu thủy tiên, bướm lượn dập dìu… Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Tảo xuân của nhà thơ Bạch Ngọc Thiềm thời Nam Tống: “Nam chi tài phóng lưỡng tam hoa/ Tuyết lý ngâm hương lộng phấn ta/ Đạm đạm trước yên nùng trước nguyệt/ Thâm thâm lung thủy thiển lung sa”.

Tạm dịch nghĩa: Cành nam chớm nở vài ba đóa hoa/ Trong tuyết tỏa hương giỡn đùa chút phấn/ Bảng lảng lồng khói hương dưới bóng trăng đẫm/ Khi thăm thẳm lung linh nước ẩn chìm trên cát.

Rồi thêm bài thơ Sơn hành của nhà thơ Đỗ Mục cuối thời Đường: “Viễn thướng Hàn sơn thạch kính tà/ Bạch vân sinh xứ hữu nhân gia/ Đình xa tọa ái phong lâm vãn/ Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa”.

Tạm dịch nghĩa: Lên núi lạnh cao vút triền đá chênh vênh/ Mây trắng tỏa đầy thấp thoáng mấy bóng nhà/ Dừng xe ngựa vì thích ngắm rừng phong khi chiều tà/ Lá gặp sương mùa thu đỏ rực tươi hơn cả hoa tháng hai…

Nhà ngoại đã quá vãng vàng son, thi hứng người xưa ẩn tàng dưới mái ngói rêu phong giờ chỉ còn nỗi cảm hoài. Ông bà ngoại, những dì dượng, cậu mợ tôi lần lượt khuất núi, chỉ còn sót lại mẹ với dì Bốn Hiểu, rài rạc như hai ngọn tháp Nam và tháp Bắc. Những anh chị họ của tôi, người ở lại quanh quẩn với mấy đám ruộng lúa bờ tre cuối cùng, người bôn ba bốn phương trời, nhưng tôi thấy rất rõ những thơ dại cùng nhau đã kịp tạc vào trong phù điêu sa thạch. Những vũ điệu của chúng tôi đã nằm lại trong ấy. Chúng tôi là những vũ công, nam thần, nữ thần… trong hoa mộng thần tiên. Chúng tôi là rắn Naga, là ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, là những linh vật người và thú… kỳ quái trong những giấc mơ tuổi nhỏ. Và tất nhiên cả những dòng cổ tự sanscrit trên tấm bia đá lớn. Tôi không hiểu những dòng sanskrit ấy nói gì. Một đôi khi tôi tự hỏi nó có phải là những mẩu nhau rã cuống ngày đó của tôi?

Mẹ tôi từng nói: nếu ngày đó ở nhà ngoại mẹ không kịp phát hiện ra tôi bị nhiễm trùng rốn và tự tay xử lý, chắc tôi đã chết rồi…

Phạm Nguyên Tường |Báo Văn nghệ

Qua cửa sổ con tàu. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Ngẫu nhiên. Tản văn của Nguyễn Tri Thức Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến Nghe thu - Tản văn của Phạm Gia Hưng Đêm đàn bầu. Tản văn của Lê Trung Lương
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá