Sáng tác

Hội đèn Quảng Chiếu. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Phan Ngọc Chính
Truyện
07:10 | 11/12/2024
Baovannghe.vn - Ất Sửu. Tháng giêng. Trời Thăng Long nhuốm một màu âm u. Lập xuân mà chớp rạch nhằng nhằng rồi mưa trút sầm sập. Sét giáng xuống chân tháp chùa Báo Thiên khiến gốc tùng già đổ gục, thân nứt toác, ứa nhựa. Mưa tạnh nhưng gió bấc vẫn ràn rạt thốc tháo.
aa
Hội đèn Quảng Chiếu. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
Hội đèn Quảng Chiếu - Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
Từ hồ Dâm Đàm, sương đùn lên phủ trắng dải phía tây kinh thành. Sương len qua khe cửa nhà, tràn kín các ngõ ngách. Mặt người mờ mịt, nhá nhem. Người già lẩm nhẩm, từ ngày Lý Thái Tổ rời đô về đây, chưa bao giờ Thăng Long trải qua cữ thời tiết “độc” vậy. Đã thế, dân kinh thành râm ran những câu chuyện kỳ dị lần đâu tiên diễn ra. Ở làng Tích Ma bữa nọ có con gà mái nhẩy lên thềm đình vươn cổ cất tiếng gáy. Vào đêm mưa giông, đoạn sông Cái phía bắc, hai con giao long nổi lên cắn nhau, sáng ra cả dải dài đê bối sạt lở, không khí lợm mùi máu. Xác con giao long thua trận dạt về hồ Lục Thủy. Dân mấy làng bu kín tò mò nhìn cái thân thể rách tướp, sầm sẫm trôi lềnh phềnh. Nhưng rồi rất nhanh, mọi người tản ra, mặt mày dớn dác, xanh xám. Ai lặng về nhà nấy, then cửa cài kín bưng. Chợ phiên vãn bóng. Những khuôn mặt âu lo chụm vào nhau rì rầm. Họ hướng ánh mắt về mấy cổng thành, nơi từng tốp lính gươm giáo tuốt trần đang hối hả rảo bước.

Tại tư dinh của Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Thủ Độ luôn đứng ngồi không yên. Vừa dợm ngả mình trên chiếc ghế lớn bọc da hổ, ông lại nhỏm phắt dậy nhìn nền trời sầm sì. Vành môi rộng lúc bậm lại, khi trễ xuống cho thấy chủ nhân đang ngẫm ngợi lung lắm. Bất chợt, ông phẩy tay cho gọi Trần Nhất Cập: “Ngươi qua cung Thiên An truyền lệnh ta tới Lý Chiêu Thánh. Thăng Long mở hội xuân. Hội đèn Quảng Chiếu. Ta muốn kinh thành phải thực sự sáng lên”.

Chờ viên thủ túc tin cậy khuất bóng, Trần Thủ Độ thở nhẹ. Chỉ vài ngày nữa thôi, kinh thành sẽ vào hội hoa đăng. Hàng vạn ngọn đèn sẽ xua tan sương mù và khí tiết u uẩn. Những ngọn đèn sẽ thắp lên thứ ánh sáng của quyền lực độc tôn mà lâu nay tộc Trần phải giấu mình chờ đợi. Bao năm giời nếm mật nằm gai, đương đầu với các thế lực vây quanh lão vua Lý tuyệt tự. Máu. Gươm đao. Bại thành. Những đêm dài mất ngủ nhường chỗ cho kế hiểm, mưu sâu. Để rồi thời khắc này, việc cơ đồ Đại Việt về tay tộc Trần chỉ là chuyện sớm muộn. Vậy thì hà cớ gì... Ông vung tay chém mạnh. Tiếng gió xé ràn rạt. Cặp mày rậm như hai lưỡi mác xếch ngược. Ta muốn lễ hội đèn Quảng Chiếu khẳng định trước bàn dân thiên hạ vị thế tộc Trần, thay đốm lửa tàn Lý triều, thắp sáng trời Đại Việt. Ta muốn….! Quan điện tiền chợt ngửa cổ cười lớn. Gian mật thất như rung chuyển. Vầng hắc ám bao phủ khiến những đường rãnh chia cắt khuôn mặt vương tượng thêm hằn sâu.

*

Thăng Long mở hội đèn Quảng Chiếu. Tự nhiên, lòng thái hậu dâng lên một cảm xúc kỳ lạ.

Hơn mười năm trước, khi nàng theo chồng về kinh, Thăng Long cũng mở hội đèn Quảng Chiếu.

Cô chính phi tuổi mười sáu như bông sen đồng nội, quên hết những phép tắc cung đình, hòa vào đám đông, ngẩn ngơ xem các nghệ nhân dựng đài đèn chính lễ trước sân Đoan Môn. Chạm nhẹ ngón tay ngà ngọc vào lớp vân uốn như mây của bảy tòa bảo tháp được dựng bởi các phiến gỗ quý, cô như thấy mình lạc vào một thế giới vừa quen, vừa lạ. Cũng là tượng phật, nhưng các bức tượng phật Đa Bảo Như Lai, Đức Diệu Sắc Thân, Đức Cam Lồ Vương, Đức Bảo Thắng Phật ở đây toát lên nét tươi nhuần, phúc hậu, ánh nhìn chứa chan hiền từ. Và khi đài đèn chính lễ thắp lên, lạ thay, từ các phường và thôn làng, hàng vạn ngọn đèn cũng nhất loạt tỏa sáng.

Thăng Long của những ngày tao loạn thoáng chốc đã lùi vào dĩ vãng. Các cây bạch lạp, hồng lạp khiến những chùa miếu thêm huyền bí, quyến dụ. Hàng ngàn ngọn đèn giời tỏa sáng các làng ven đô trong tiếng cười, câu hát của đám nam nữ thanh tân. Trước cửa mỗi nhà dân đều có thêm một cây đèn, chiếc cầu kỳ bằng gốm Bát Tràng, chiếc dung dị bằng đất nung khỏe khoắn.

Phải khó khăn lắm đám cung nhân mới tìm được hoàng hậu. Vừa trở về cung, không để đám phu khiêng hạ kiệu, cặp gót son đã lướt như bay trên sân nội điện. Nàng đến bên chồng, giọng vẹn nguyên niềm háo hức, hứng khởi: “Hoàng thượng, hãy kể cho thiếp”. “Cái gì?”. Lý Huệ Tông lơ đễnh: “Hội đèn. Hội đèn Quảng Chiếu”. “Ừ, hội đèn. Chơi, chơi, chơi…”. Bỏ lại người vợ trẻ ngẩn ngơ đợi, Hạo Sảm vụt đuổi theo một trò nghịch. Chiếc vương miện nạm ngọc treo vắt vẻo cành liễu. Đôi hia lớn thêu rồng vứt thềm đá chỏng chơ.

Buông tiếng thở dài, Trần Thị quay sang bà bõ già: “Bõ sống ở Thăng Long nhiều năm, liệu trong tôn thất Lý triều, còn ai hiểu về hội đèn Quảng Chiếu?”

“Bẩm hoàng hậu, những năm qua loạn lạc khiến tôn thất nhà Lý mỗi người mỗi phương. Cũng bởi lễ hội khá lâu rồi mới được mở lại”.

“Chẳng lẽ...”. Hoàng hậu buồn rầu.

“Còn một người...”. Bà bõ già trầm ngâm: “Nhưng …”.

“Bõ cứ nói với ta”. Hoàng hậu khẩn khoản.

“Người duy nhất đó là hoàng thúc Lý Long Tường”.

Lần đầu tiên gặp người chú của chồng, một cảm giác tê dại, ngỡ ngàng như chạy khắp châu thân Trần Thị.

Nhà Lý hết phúc. Hạo Sảm là bậc tinh hoa duy nhất sót lại. Trần Thủ độ khẳng định. Ôi, bậc tinh hoa mà từ ngày se duyên theo sự sắp đặt của cha anh, nàng thấy chồng mình chẳng hơn đứa trẻ hỷ mũi chưa sạch. Những ngày cô đơn trong hoàng cung, Trần Thị tự hỏi, lẽ nào nhà Lý với bao công lao ghi tạc sử xanh không còn người đáng mặt?

Cho đến khi nàng gặp hoàng thúc.

Người đàn ông tuổi ngoài ba mươi dáng người tầm thước trong bộ sắc phục võ tướng vải gấm tía. Những bước chân khoan thai. Hai vệt râu quai nón xanh rì. Nổi bật trên gương mặt vuông vức, cương nghị là đôi mắt của loài đại bàng núi sáng rỡ, tinh anh. Nhưng ánh nhìn lạ thay lại ẩn chứa sự bình thản, tĩnh tại. Và một nỗi buồn như khói mây phảng phất khiến gương mặt ông đầy ưu tư, tựa mặt nước hồ buổi sớm thu tàn.

“Chẳng lẽ lễ hội Quảng Chiếu hoa đăng lại khiến hoàng hậu bận lòng vậy ư?”. Lời hoàng thúc khiến Trần Thị bừng tỉnh. “Vâng, cháu muốn…!”. “Lạ rồi sẽ quen. Cái mới hôm nay rồi sẽ thành cũ càng”. “Thưa hoàng thúc, ban đầu trong cháu chỉ là sự tò mò…”. “Ta hiểu. Nó là điều bình thường. Lễ hội có không ít thú vị. Vậy nhé”.

Lý Long Tường quay người rảo bước.

“Hoàng thúc đừng đi”. Trần Thị đột nhiên thấy mình mạnh mẽ, cứng cỏi.

“Chẳng là… Nhìn nét phấn chấn, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người dân Thăng Long, thực lòng cháu muốn thấu tỏ ngọn nguồn khơi gợi những cảm xúc. Xin người...”.

Lời Trần Thị chứa cả chút khẩn khoản, nài nỉ.

“Có những việc hiểu nhiều chưa chắc đã là tốt. Nó có thể khiến lòng người phân tâm”.

Giọng hoàng thúc ẩn chứa một nỗi buồn thăm thẳm.

“Cháu muốn hiểu điều gì tạo nên niềm vui của bách tính qua những sự việc ngỡ giản đơn, bình thường”.

“Niềm vui của bách tính ư?”. Một thoáng lưỡng lự lướt qua ánh mắt hoàng thúc: “Nó có thực quan trọng với hoàng hậu đến thế?”.

“Thưa hoàng thúc, nếu chỉ là một cô thôn nữ vùng Hải Ấp, có thể cháu không cần bận tâm. Nhưng ở vị trí một hoàng hậu, cháu nghĩ mình cần thấu tỏ... Hiểu để sẻ chia, góp phần mang niềm vui đến cho trăm họ…”.

Gương mặt hoàng thúc như sáng lên: “Nếu vậy, ta đồng ý. Kỳ vọng chút hiểu biết nhỏ mọn này giúp được cho hoàng hậu”.

Chiều muộn, hoàng hôn phủ bóng xuống những mái cung điện đỏ rực. Từ cửa Đại Hưng, cỗ xe song mã che lọng vàng của hoàng hậu xuất hiện. Kế bên là hoàng thúc trên lưng con bạch mã uy dũng.

“Năm xưa, sau khi chiến thắng giặc Tống, mùa màng tốt tươi, tiên đế Nhân Tông quyết định tổ chức một lễ hội”. Lời hoàng thúc ấm áp.

Hai người ngước nhìn đài đèn lớn, nơi mười cây đại hồng lạp xếp hình chữ phúc đang tỏa sáng rực rỡ. Lớp khung viền phủ lụa trắng quây quanh tựa chiếc lọng ngăn gió. Từ xa vài dặm nhìn lại, đài Quảng Chiếu giống cỗ đèn lồng kỳ vĩ treo ngang lưng chừng trời.

“Thưa hoàng thúc, tại sao đèn lại là nét riêng có của lễ hội?”

Với người Việt ta, đèn tựa một pháp khí, dùng bài trí, thờ phụng. Còn theo quan niệm nhà phật, đèn thắp lên sẽ soi sáng cõi vô minh trong tâm tính chúng sinh. Ánh đèn đưa hơi ấm lan tỏa, xua tan bóng đêm mịt mùng”.

Hoàng thúc cảm động nhớ đến phụ hoàng Cao Tông và hiền phi Lê Mỹ Nga, thân mẫu của ông. Hội đèn Quảng Chiếu làm nên cuộc hạnh ngộ để rồi ông, kết quả của cuộc tình nên thơ, từ khi chào đời đã tắm mình trong lời kinh chùa Diên Hựu. Cùng với học chữ thánh hiền, rèn luyện võ nghệ, binh pháp, các lễ hội Thăng Long là một phần của tuổi thơ ông.

“Người có thể nói cho cháu kỹ hơn về hai từ Quảng Chiếu?”

Một đám rước lớn tiến đến. Từ trong đám đông, hai người đàn ông đầu chít khăn có cài những chiếc lông chim, bước đến quỳ trước mặt hoàng thúc: “Kiến Bình vương! Chúng con xin được vấn an người”.

Đỡ hai người đàn ông đứng dậy, giọng hoàng thúc phấn chấn: “Hà My, Hà Ngặt. Ta miễn lễ”.

Cầm cặp đèn lớn có bầu bằng sứ men ngọc, nổi bật hình ảnh Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô, hoàng thúc trao cho hai người đàn ông. Ông nhận lại cỗ đèn màu chu sa có hình thiếu nữ Chăm trong điệu múa Apsara. “Hãy cứ vui hết mình nghe các con”. Đám rước đi xa cả trăm thước, hai người đàn ông còn ngoái nhìn hoàng thúc, vẻ hân hoan ngập tràn.

“Những người đó là ai, thưa hoàng thúc?”

“Họ từng là tù binh của Đại Việt ta. Năm xưa, giặc Chiêm vào quấy phá mấy lộ vùng Tĩnh An. Vâng lệnh triều đình, ta dẫn quân tiễu trừ. Trận đánh kết thúc, ta cho quân đi tìm thì phát hiện nhóm lính Chiêm đang trốn ở một hang núi. Hà My, Hà Ngặt bị thương nặng. Ta truyền thầy lang chữa lành rồi đưa đám tù binh về kinh. Năm sau, nhân hội đèn Quảng Chiếu, triều đình đại xá, cấp lương ăn, cho họ về cố hương. Cảm ân đức đó, Hà My, Hà Ngặt xin ở lại lập làng, khẩn ruộng, làm thần dân Đại Việt. Hôm nay, họ về đây vui hội hoa đăng bằng những cỗ đèn của người Chăm xưa”.

Gương mặt Lý Long Tường bừng lên thứ ánh sáng hiền hòa. Nhìn sang người thiếu nữ kế bên, sắc giọng ông lúc vang, khi trầm và trở nên minh triết: “Khi quyết định chọn tên cho lễ hội, tiên đế Nhân Tông đã nhiều ngày nghĩ suy. Người nói với văn võ bá quan: Địa lý nước ta phía Bắc có láng giềng dân đông, nước mạnh luôn rắp tâm thôn tính. Sau lưng thì Chiêm Thành, Chân Lạp thường lẻn vào quấy phá, cướp bóc. Để tạo nền thái bình bền vững, Đại Việt phải xây dựng cơ đồ sao cho nước lớn thấy vì nể, nước nhỏ luôn quý mến. Quảng Chiếu là lan tỏa ánh sáng của nhân ái, hòa hiếu, mong cùng xây nền thái bình thịnh trị với muôn cõi. “Khuynh thiên hạ chi ung hòa, dạ vi trú thưởng” (dốc lòng vui cùng thiên hạ thì đêm mới trở thành ngày).

Thêm một đám rước đèn từ phía bắc lướt qua họ. Trên kiệu lung linh những cỗ đèn đủ màu.

Nhanh và dứt khoát, hoàng thúc nhận cỗ đèn chạm bạc từ tay người tiểu đồng rồi rảo bước gấp gáp. “Lão Diệc, lão Diệc!”. Tiếng gọi của ông thao thiết. Lão già mù lưng còng gập, tay chống gậy bước theo cậu thiếu niên để chỏm, tách đám đông dừng lại. Trên tay ông lão là chiếc đèn nhỏ bầu bằng đất nung. Ánh sáng từ những cỗ đèn nhuộm mái đầu lơ phơ hồng rực. Hai người tay trong tay. Không rõ họ nói gì với nhau. Chỉ thấy lão già ngửa mặt móm mém cười. Hoàng thúc xoa đầu cậu thiếu niên ân cần rồi đặt cỗ đèn lồng của mình vào tay ông lão, nhận lại cỗ đèn đất nung đơn sơ. Họ bịn rịn từ biệt.

“Năm đó, từ bể Đông về kinh, ta đến thăm gia đình Kha, một chiến binh mà ta rất mực quý mến. Kha ngã xuống trong một cuộc chiến chống đám giặc cướp người Tống. Nhà Kha ở gần gốc đa cuối làng. Trở lại thăm gia đình Kha lần này, ta bàng hoàng khi thấy ngôi nhà xưa hoang liêu. Thì ra, chỉ mới đây thôi, vợ Kha bị tên lộ trưởng cưỡng hiếp đến phải tự vẫn. Lão Diệc, cha Kha đâm đơn kiện, chẳng những hắn không bị xử tội mà đám ruộng là sinh kế của hai ông cháu còn bị quan nha chức dịch thông đồng kẻ ác cướp trắng. Cha và con trai Kha phải dắt nhau đi hành khất lánh nạn. Sự thật khiến ta tê dại đớn đau. Thì ra oan khiên, bất công ở không xa mình mà ta bàng quan đâu hay. Ta thấy mình mắc nợ Kha và bao tráng đinh ngã xuống vì đất Việt. Ngoài việc tức khắc nghiêm trị kẻ có tội, ta cho sửa nhà, lấy lại ruộng cho ông cháu lão Diệc. Nay họ tham gia đám rước đèn cùng bà con dân làng”.

Gương mặt hoàng thúc im lìm như một khối đá lạnh. Nước mắt trào ra đẫm hai gò má ông. Niềm căm giận xót xa khiến khuôn mặt ông thoắt nhàu nhĩ, u uẩn. Hồi lâu, giọng ông cất lên nghèn nghẹn, thầm thì: “Cũng lại năm xưa, nghe khắp nơi bẩm báo đất nước thái bình thịnh trị, trăm họ no ấm, hạnh phúc. Cho đến một ngày tiên đế xa giá đến phủ ngục tụng. Người giật mình. Từng chồng án thất cao ngất phủ bụi trong sự thơ ơ của những kẻ chấp pháp. Thái bình mà sao nạn tham ô, nhũng lạm tràn lan, dân đen khắp nơi bất lực kêu cầu. Đất nước thịnh trị sao “giặc nội xâm” ngang nhiên lộng hành, bao người thấp cổ bé họng bị hà hiếp, cướp bóc. Tiên đế bàng hoàng. Cơ đồ Đại Việt sẽ về đâu khi không còn niềm tin nơi trăm họ! Ngài tức khắc ban chiếu xử nặng những kẻ tha hóa rồi tự mình đặt tên cho lễ hội đèn Quảng Chiếu. Ngài muốn mượn ánh đèn nhắc mỗi quan nha, chức dịch phải soi lại mình, gột rửa lòng tham, cái ác trước đức phật và ánh sáng trời đất. Quảng Chiếu còn là hàm ý xua tan bóng đen của oan trái, bất công”.

Hoàng hậu lặng đi trong niềm xúc động. Thăng Long với nàng còn là lớp lớp trầm tích...

*

Thăng Long mở hội đèn Quảng Chiếu.

Nhận tờ chỉ từ kinh đô, chàng trai trẻ vội mang vào trình cha. Anh dừng lại ngoài cửa. Trong gian án thất, cha anh đang tiếp một vị khách lạ.

“Biết tướng quân là bậc hiền tài của Đại Việt nên hoàng đế Tống triều rất trọng. Về với nhà Tống, bổng lộc và biệt đãi thậm chí còn tốt hơn nhiều những gì Đại Việt dành cho ngài. Với sự giúp sức của thiên triều, việc hoàng thúc phục hưng nhà Lý, lên ngôi cai quản Đại Việt dễ như trở bàn tay. Còn ở lại ư, thân không giữ được, dòng họ tuyệt tự, phỏng có ích gì?”.

Viên sứ giả nhà Tống khôn khéo chốt lại rồi cáo từ. Chờ gã bên ngoài đã có một thuyền buôn phương Bắc.

“Phụ thân, con xin tạ lỗi. Nãy giờ đứng ở ngoài kia, vô tình con đã nghe hết câu chuyện”.

Lý Long Hiền nhìn cha cảm thương. Từ ngày ra trấn thủ miền duyên hải, cha anh không về Thăng Long. Khi hay tin Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh, chỉ một ngày sau râu tóc ông đã bạc trắng. Đôi gò má ông hóp lại, nước da nâu sẫm thoắt xạm đen. Duy chỉ đôi mắt ông, đôi mắt của loài đại bàng, dù trũng sâu vẫn như hai đốm lửa rừng rực. Đêm đêm, bóng ông im lìm như tạc trên ghềnh đá ven biển. Nhưng rồi giữa khuya khoắt hoang lạnh, tiếng gầm của ông át cả tiếng sóng xô bờ đá. Lưỡi kiếm bổ xuống dữ dằn. Kiếm gãy. Mỏm đá trước mặt ông bung vỡ, mòn vẹt.

Nhận ra con trai, gương mặt Lý Long Tường vẫn bất động như đá. Lòng ông đang sóng cuốn, bão nổi. Bất chợt ông vung tay, mặt kỷ rung bần bật. Giọng ông sang sảng, dứt khoát: “Không đời nào, con ạ!”. Vươn mình lồng lộng, ông vòng tay ôm chặt con trai: “Chỉ vì an thân, cầu vinh ư? Xuống cửu tuyền, ta còn mặt mũi nào để gặp các tiên đế”.

Chờ sự xúc động lắng xuống, hoàng thúc nâng bờ vai Long Hiền như tìm sự đồng cảm, sẻ chia. “Con ơi, nhiều ngày qua, kẻ ngoại bang tìm đến lôi kéo ta đâu chỉ có Tống triều. Vùng phương Bắc đang nổi lên đế quốc Mông Cổ với đội quân kỵ binh bất khả chiến bại. Sớm muộn chúng cũng bình xong nhà Tống rồi xua quân xuống phương Nam. Người của chúng tìm đến đây vẫn với lời hứa sẽ giúp phục hưng Lý triều. Con ơi, ta đã từ chối thẳng thừng. Ta không tin có kẻ ngoại bang nào sẽ vô tư xả thân giúp đỡ mình, vì mình và Đại Việt”.

Chàng trai dâng cha tờ chỉ dụ của nữ hoàng. Ánh mắt hoàng thúc chợt lóe lên một tia nghi hoặc. Kỳ lạ. Ông khẽ nhếch mép. Một suy nghĩ ùa đến khiến gương mặt cương nghị thêm rắn đanh.

*

Làm sao nhắn hoàng thúc đừng về dự hội đèn Quảng Chiếu! Lòng thái hậu bời bời.

Ngay lần đầu gặp ông, hình bóng hoàng thúc đã khảm khắc vào lòng người thiếu nữ đang độ xuân sắc. Không ít lần Trần Thị thầm ao ước giá như Lý Long Tường không phải là chú ruột của Huệ Tông. Giá như cuộc hôn nhân của nàng không là quân cờ “độc” trong mưu đồ vì vương quyền Trần tộc. Số phận thật trớ trêu. Có ai thấu đằng sau vẻ đài các, kiêu sa của bậc mẫu nghi vạn kẻ mơ kia là cảm giác của sự tủi phận vây bủa.

“Thưa điện tiền chỉ huy sứ, phải chăng người định lấy việc tổ chức hội hoa đăng để...”

Thái hậu nhớ lại phút giây nàng gặp và hỏi thẳng Trần Thủ Độ. “Là sao, ý nàng là...”. Quan điện tiền nhìn nàng, không giấu sự mê đắm.

“Để quy tụ tôn thất nhà Lý...”. Trần Thủ Độ giật thột. Nhưng rất nhanh, ông lấy lại vẻ tự tại: “Hì, chuyện chính sự, nàng bận tâm làm gì. Ta muốn nàng chăm chút, giữ gìn ngọc thể để chính lễ thật đẹp”.

Ánh mắt thái hậu vẫn chiếu thẳng không chớp: “Ông đừng giấu ta. Chỉ cần nhìn qua, ta cũng biết ông đang mưu tính gì...”.

Khuôn mặt Thủ Độ chợt bừng bừng rồi chuyển qua tái nhợt. Chộp bàn tay thái hậu, giọng ông rên lên dữ dằn: “Thì sao. Sau lễ hội này, cả Đại Việt và nàng sẽ thuộc về Trần tộc và ta. Hiểu không!”.

Giằng ra khỏi bàn tay cứng như sắt, thái hậu hốt hoảng: “Nghĩa là ông muốn mượn lễ hội đèn Quảng Chiếu...”.

“Phải, để chôn vùi lũ tôn thất nhà Lý. Còn cơ hội nào tốt hơn”.

Khuôn mặt Trần Thị tái xanh. Thủ Độ nổi giận:

“Hừ, nàng nuối tiếc cái vương triều mục ruỗng đó ư? Hay thương lão Huệ Tông - Hạo Sảm?”

Bất chợt, hai tay Thủ Độ chộp lấy vai Trần Thị, siết mạnh, giọng rít qua kẽ răng: “Phải rồi. Nàng thương và lo cho tay hoàng thúc, bậc chính nhân quân tử của lòng nàng”. Quan điện tiền cười gằn. Từng lời thốt ra đầy mỉa mai, uất ức: “Trúng tim đen phải không? Ta biết bao năm qua, nàng thầm dành cho hắn sự ngưỡng mộ đặc biệt. Nó khiến ta thực sự ghen tức. Ta không ghen với Hạo Sảm, gã vua, lão thái thượng hoàng chồng nàng. Ta ghen với Long Tường, kẻ duy nhất trong đám tôn thất Lý triều còn xứng danh kiệt hiệt”. Thủ Độ thở dốc, những ngón tay xoắn sâu như khoan vào da thịt Trần Thị: “Cái gai của tộc Trần. Ngày nào hắn còn, cơ đồ lớn vẫn sẽ bị đe dọa. Nhiều lần, ta muốn ra tay nhưng hắn luôn kiếm cớ lẩn tránh”.

Thái hậu lấy hết sức bình sinh vùng thoát khỏi bàn tay Thủ Độ. Nước mắt nàng lã chã rơi.

*

Đô đốc Lý Long Tường quyết định về dự hội đèn Quảng Chiếu. Biết tin, Lý Long Hiền khẩn khoản: “Phụ thân, người có đọc được mưu đồ hiểm độc...”.

Gương mặt hoàng thúc bao phủ một màn sương mỏng: “Ha ha. Mưu kế đó sao qua khỏi mắt ta. Lấy độc trị độc...”.

Ông vén nhẹ cánh tay áo. Thanh đoản kiếm, bảo vật năm xưa của thái úy Lý Thường Kiệt được ông ép chặt, giấu kín. Thanh đoản kiếm chém sắt như chém bùn từng giúp quan thái úy tả xung hữu đột trong vòng vây giặc dữ. Bao năm qua, hoàng thúc âm thầm tu luyện, tài dùng đoản kiếm đạt đến bậc thượng thừa, chỉ kẻ tâm phúc mới biết.

Hoàng thúc về dự hội đèn Quảng Chiếu.

Không lay chuyển được cha, Lý Long Hiền đứng ngồi không yên. Chuyến đi lành ít, dữ nhiều. Anh hy vọng mong manh phút cuối, cha anh sẽ thay đổi ý định. Anh cầu cho chặng đường về kinh cứ dài mãi ra. Nhưng rồi kinh thành vẫn hiện lên, nhờ thấp thoáng những ngọn đèn.

Đài Quảng Chiếu được các nghệ nhân Thăng Long dựng trước cửa Đại Hưng. Năm nay, Trần Thủ Độ chỉ đạo tất cả phải làm thật công phu để các tôn thất Lý triều không một ai nghi hoặc. Bởi vậy, gỗ dựng đài đèn và các tòa bảo tháp đều được chọn từ những gốc tùng trăm tuổi.

Trên nền những tòa tháp, triều đình cho thợ giỏi mài ngọc biếc, ngà voi, sừng tê, khảm khắc các cảnh sắc, điển tích nổi tiếng. Những lời hay ý đẹp. Cảnh thần dân, vua tôi vui vẻ, xum vầy. Mặc dù vậy, người dân Thăng Long vẫn dè dặt, nghi ngại.

Đúng giờ Dậu, từ cung Thiên An, Lý Chiêu Hoàng trong bộ triều phục thùng thình cùng phu quân ngồi kiệu vàng mười sáu phu khiêng tiến ra sân Đoan Môn. Chiếc vương miện trĩu nặng khiến đầu nữ hoàng lọt thỏm, lúc lắc đầy mệt mỏi, khó chịu. Mặc dù phu quân Trần Cảnh kế bên đưa tay đỡ nhưng chiếc vương miện vẫn tì xuống đôi vai nhỏ bé, mỏng mảnh. Sát phía sau là cỗ xe song mã phủ lọng vàng của điện tiền chỉ huy sứ. Cách ông không xa là kiệu của thái hậu cùng văn võ bá quan.

Dân kinh kỳ lục tục đổ về khu vực chính lễ. Họ không nhớ đã bao xuân, Thăng Long dường như quên các lễ hội. Nhưng rồi khi đài đèn Quảng Chiếu quen thuộc được dựng, niềm háo hức lan trong dân chúng rất nhanh. Người già tìm những cây đèn cổ cất kỹ, đem ra sửa soạn, lau chùi. Các nam thanh, nữ tú dập dìu trong những bộ cánh đẹp nhất. Trong mắt mỗi người như có một ngọn đèn lấp lánh sáng. Họ không hề biết có rất nhiều võ sỹ đã hóa trang trà trộn đám người vãn hội, bám sát các tôn thất nhà Lý.

*

“Truyền cho Kiến Bình vương, đại đô đốc thủy binh Lý Long Tường và đoàn trấn duyên hải dâng lễ”.

Câu xướng danh khiến tất cả ánh mắt đổ dồn về phía cửa chính. Vị hoàng thúc trong trang phục thủy binh màu xanh dương cùng lễ đoàn trang trọng tiến vào.

“Tâu bệ hạ, thần và các nghệ nhân vùng duyên hải dâng lên đại lễ Quảng Chiếu những chùm đèn là hải đăng cho thuyền bè ra khơi. Đêm xuống, ngọn đèn như đốm sáng nhỏ nhoi giữa biển trời mênh mông, nhưng là chỉ dấu để thuyền bè và lòng người hướng về đất mẹ”.

Từ đội quân cấm vệ đến các võ sỹ ẩn mình đã liếc nhau những ánh mắt kín đáo. Ở trên cao, nữ hoàng Chiêu Thánh lột chiếc vương miện trĩu nặng, bắt chồng cầm hộ, nhất quyết không chịu đội. Cặp vợ chồng trẻ đùa giỡn. Đứng bên thái hậu, Trần Thủ Độ hướng ánh nhìn ra xa. Ẩn một góc khuất, Trần Thiêm, Trần Nhất Cập nhìn quan điện tiền thấp thỏm. Chúng chờ một cái liếc mắt. Theo quy ước, tín hiệu ra tay với hoàng thúc sẽ là hiệu lệnh mở đầu cuộc thảm sát các tôn thất nhà Lý.

Thời gian như ngừng trôi.

Bên dưới chính điện, cách Trần Thủ Độ chỉ hai bước chân, vừa đúng một tầm kiếm, hoàng thúc Lý Long Tường đang làm tiếp các nghi thức.

Trần Thị cố nén nhịp thở. Mỗi thời khắc trôi qua ngỡ như thể bất tận. Thái hậu nhắm mắt, lầm rầm đọc một câu kinh Dược Sư.

Không gian lặng yên. Nghe rõ cả tiếng lửa nến cháy xèo xèo. Trời sập tối. Bốn phía lan tỏa thứ ánh sáng huyền ảo.

Chỉ vài khắc trước khi chính lễ khởi sự, trong gian cánh gà, thái hậu có một cuộc gặp riêng quan điện tiền chỉ huy sứ. “Cả cuộc đời ta hy sinh cho tộc Trần, là quân bài trong tay ông. Ta chưa xin điều gì cho riêng mình. Bởi vậy hôm nay, ta xin ông một điều duy nhất”.

“Nàng nói đi”.

Trần Thủ Độ nhìn thái hậu dịu dàng. Việc chuẩn bị cho hội đèn Quảng Chiếu suôn sẻ và đúng ý đến từng chi tiết. Ông đang vui.

“Ta xin ông không sát hại đô đốc Lý Long Tường. Cho hoàng thúc mang bài vị của các bậc tiên đế Lý triều rời Đại Việt”.

“Không được. Tha cho hắn, khác nào thả hổ về rừng. Nếu hắn theo nhà Tống, sẽ thành mối nguy khôn cùng cho xã tắc”.

Trần Thị quỳ xuống trước mặt Điện tiền chỉ huy sứ:

“Ta lấy tính mạng mình đảm bảo với ông điều đó không xảy ra. Ta tuyệt đối tin con người này”.

“Nếu ta không đồng ý thì sao?”.

“Thì hôm nay cũng là ngày cuối cùng ta làm tròn bổn phận người con dâu Lý triều, ngày ta trả xong nợ cho ông và Trần tộc...”.

Trần Thủ Độ trầm tư nín lặng. Vành môi bậm xuống khiến khuôn mặt ông tối và nặng như một phiến đá. Cặp lông mày dựng ngược. Những đường rãnh trên khuôn mặt vương tượng liên tục co giãn. Chẳng biết thời gian trôi đi đã bao lâu. Thái hậu vẫn quỳ, khuôn trăng đài các hơi ngửa lên chờ đợi. Cặp mắt u huyền nửa hy vọng, nửa tuyệt vọng, lạ thay lại toát lên một vẻ đẹp diễm lệ. “Được. Còn điều gì nữa không?”. Cuối cùng thì giọng quan điện tiền như vọng về từ một thế giới khác.

“Việc Trần tộc mở đầu triều đại bằng màn chém giết thoán đoạt nhờ mượn một lễ hội là tinh thần và sức sống Đại Việt sẽ đem lại sự khiếp hãi, ám ảnh. Nó sẽ là vết đen hằn sâu trong lòng dân nước Nam. Dù đoạt được vương quyền thì sau này, khi có giặc ngoại xâm, việc quy tụ lòng dân sẽ ra sao, cơ đồ của tộc Trần liệu có bền vững?”.

Cùng thời khắc đó, ở phía Nam kinh thành, hoàng thúc Lý Long Tường trong trang phục thứ dân, gỡ chiếc nón lá, cúi mình bước vào gian tam bảo của ngôi chùa nhỏ có tên An Tự:

“Bạch thầy. Con vừa về kinh. Con đến ngay đây gặp thầy”.

Vị cao tăng tuổi ngoại thất thập, tay lần tràng hạt, mắt vẫn nhìn lên đài sen: “Ta biết, con sẽ về!”.

“Thầy ơi. Con đang đứng trước một quyết định hệ trọng”.

Vị cao tăng mình hạc sương mai lúc này mới quay lại đối diện với người học trò mà ông đã kèm dạy thủa ấu thơ. “Ta hiểu lòng con. Để đi đến quyết định mạo hiểm này, trong con hẳn phải rất giằng xé”.

Vị hòa thượng cố nén tiếng thở mạnh. “Nhưng giết Trần Thủ Độ ư? Ông ta là con người chí lớn, mưu sâu, hẳn sẽ luôn phòng bị kỹ lưỡng. Mà kế hoạch có thành thì con cũng khó toàn mạng. Tại sao? Đám võ sỹ, thủ hạ của Trần tộc khắp nơi, mình con sao có thể địch nổi”.

“Con sẵn sàng chết để bảo vệ Lý triều”.

Ôm vai Lý Long Tường, giọng hòa thượng thoảng nhẹ:

“Ta hiểu. Nhưng rồi sau đó thì sao? Các dư đảng tranh đoạt lại nổi lên như nấm sau mưa. Nồi da xáo thịt. Đất nước phân chia. Gươm đao giết chóc gieo tai họa xuống đầu trăm họ lại xảy ra như nạn Quách Bốc năm nào. Mà Đại Việt ta mỗi khi trong nước loạn lạc là kẻ thù phương Bắc lại rắp tâm xâm lược”.

Hai tay nâng vai, vị hòa thượng nhìn sâu vào mắt người học trò:

“Những năm qua, nhiều lần các tôn thất Lý triều rồi tộc Trần đến nhờ ta thả đèn giời, đoán vận nước. Lần nào đèn của tộc Trần cũng sáng rỡ còn đèn của tộc Lý cứ leo lét rồi tàn lụi dần. Con ơi, bậc trí nhân phải hiểu được thời thế. Thịnh suy là lẽ thường ở đời. Nhìn bàn cờ chính trị nước nhà, ai cũng có thể nhận ra, giời không còn phù hộ cho họ Lý”.

Nước mắt lăn dài trên gò má hoàng thúc. Ông cứ quỳ lặng như một bức tượng. Ôm vai ông, vị hòa thượng lầm rầm cầu kinh. Hồi lâu sau, Lý Long Tường như bừng tỉnh: “Bạch thầy, nếu như phải rời Đại Việt, con sẽ đi về đâu thưa thầy?”

Từ đôi mắt có cặp lông mi bạc trắng, một ánh nhìn lấp lánh, cảm thương: “Ta nghĩ những ngày qua, tự con đã có câu trả lời. Ta tin, dù ở phương trời nào con cũng là niềm tự hào của nước Nam. Ta tin rồi có ngày các hậu duệ của con sẽ tìm về Thăng Long, tìm về cội nguồn Đại Việt”.

Rưng rưng từ biệt vị hòa thượng, Lý Long Tường tước thanh đoản kiếm thả xuống dòng sông Tô. Ông về tới gian quán trọ cũng là lúc người nữ tỳ của thái hậu vừa đến. “Hoàng thúc hãy yên lòng vào thành”. Nét chữ viết vội, run rẩy. Người thị nữ trao thư rồi nhanh nhẹn lẩn vào dòng người vãn hội.

Quay sang con trai, hoàng thúc quả quyết: “Con hãy về Đền Đô sửa soạn nghi lễ. Nếu không có gì bất trắc, ta sẽ về tạ tội với tiên tổ rồi xin rước bài vị các tiên đế xuống thuyền”.

…Thái hậu nhắm mắt. Mồ hôi rịn ra ướt đẫm gương mặt đài các. Dù được Trần Thủ Độ miễn cưỡng đồng ý, nhưng nàng hiểu, làm sao lường hết tâm can kẻ cơ mưu như ông. Trong Trần Thị, mọi suy nghĩ cứ lộn xộn, mâu thuẫn. Có lúc, thái hậu mong hoàng thúc hãy đi xa thật nhanh, đừng nghe lời nàng. Ngay sau đó, nàng lại khát khao được gặp ông lần cuối.

Ở hai bên cánh lễ, Trần Thiêm, Trần Nhất Cập và đám võ sỹ thực sự sốt ruột. Chúng nhấp nhổm chờ đợi.

Nhưng vẻ mặt Trần Thủ Độ vẫn bất động. Đôi mắt sáng quắc thường ngày khẽ nhíu lại. Cặp lông mày lưỡi mác trễ xuống. Ở bên dưới, Lý Long Tường đã bước qua vấn an nữ hoàng và phu quân. Lướt qua gương mặt thái hậu, ông thoáng dừng lại trao ánh mắt từ biệt. Viên quan thủ lễ đã xướng tên các lễ đoàn kế tiếp.

Lý Long Tường bước đi chầm chậm. Ánh đèn soi bóng ông đơn côi trên nền đường. Những ngọn đèn chợt bừng lên thứ ánh sáng dịu dàng tiễn chân ông.

Nước mắt ông trào ra. Rồi đây, các vương hầu, tôn thất sẽ phán xử ra sao về ông. Trên trời cao, các bậc tiên đế có ai thấu tỏ lòng ông, ai sẽ kết tội, trách cứ ông? Và giống nòi Đại Việt mai này sẽ nhìn nhận, ghi chép điều gì về ông?

Bất giác, ông quay nhìn Thăng Long lần cuối rồi quả quyết dấn bước. Thăng Long và quê hương Đại Việt lưu dấu trong ông với muôn ngọn đèn tỏa ra thứ ánh sáng hiền hòa, bao dung.

*

Có một câu chuyện người dân vùng Hoa Sơn, Cao Ly truyền khẩu như một huyền thoại về vị tướng đến từ phương Nam, người hai lần giúp đất nước họ chiến thắng giặc Nguyên Mông. Đó là những ngày vị tướng cùng quân dân Hoa Sơn bị giặc dữ vây khốn. Vòng vây thít chặt trùng trùng. Tính mệnh tòa thành ngỡ trứng treo đầu đẳng. Đêm đó, trên lầu cao, bất giác những ngọn đèn người Cao Ly lần đầu nhìn thấy được nhất loạt thắp lên. Đắm mình trong thứ ánh sáng lung linh, ảo huyền, vị tướng phương Nam cất những lời thì thầm. Không ai rõ ông trò chuyện gì với các ngọn đèn, cỗ bầu bằng sứ men ngọc, cỗ bằng gốm đất nung khỏe khoắn, cỗ màu chu sa rực hồng. Sáng hôm sau, đại tướng khoác áo giáp, cưỡi bạch mã mở cửa thành. Quân sỹ theo chân ông khí thế ngùn ngụt. Tiếng thét dậy đất. Kẻ thù dồn hàng trăm mũi tên, đường kiếm về phía vị chủ tướng. Kỳ lạ, tên đạn giặc đều vô dụng, bất lực. Không thể hiểu nổi, chúng kinh hãi bỏ chạy rồi lũ lượt quy hàng.

Sau ngày Cao Ly thanh bình, vào cữ chiều muộn, người dân bản địa quen với hình ảnh một ông già râu tóc bạc trắng ngồi lặng trên mỏm đá núi nhô ra biển. Mắt ông dõi về phương Nam theo những lớp sóng chập chùng và muôn vàn vì sao xa xăm. Bộ tướng phục của Lý triều Đại Việt vải gấm tía đã cũ nhưng vẫn giữ nguyên sự thẳng thớm, nghiêm ngắn. Dáng ông như vị tiên tạc vào chiều. Và khi đêm về cũng là lúc xung quanh vị tiên ông, những ngọn đèn nhất loạt tỏa sáng.

Ông tin ở bên kia bờ đại dương, những ngọn đèn Quảng Chiếu trong lòng đất nước ông không bao giờ lụi tàn, dù bóng tối luôn lẩn khuất vây bủa.

Văn nghệ, số 2+3+4/2023
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà
Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Baovannghe.vn - Trong bài viết này, tôi muốn nhìn thơ Việt Nam sau đổi mới đến nay từ chính bản chất thơ ca trong liên quan, tác động lẫn nhau với những mốc lớn của bối cảnh lịch sử - xã hội
Tiếng thét ngàn năm. Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh

Tiếng thét ngàn năm. Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh

Baovannghe.vn - Mùa đông năm Kỷ Tỵ (1389), đời vua Thuận Tông nhà Trần, Thăng Long có nguy cơ lại bị giặc Chiêm tấn công lần nữa, thế nên đã gần nửa tháng rồi, triều đình phải dạt sang phía tả ngạn sông Cái, cách kinh thành hơn mươi dặm.
Thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ rét đậm, vùng núi cao có nơi rét hại

Thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ rét đậm, vùng núi cao có nơi rét hại

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 12/12: Bắc Bộ rét đậm, có mưa vài nơi. Vùng núi cao có nơi rét hại.
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)