Đi lên từ một tác giả viết truyện trên mạng, nhà văn Thảo Trang (1991) gặt hái được những thành công, đặc biệt là về mặt thương mại với những tác phẩm kinh dị, tâm linh như Tết Ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn… Những tác phẩm này cũng lần lượt được chuyển thể lên màn ảnh, thu hút nhiều khán giả theo dõi. Mới đây, nữ tác giả trẻ ra mắt tác phẩm 25 Độ Âm (Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, 2024), cuốn tiểu thuyết tâm lý dựa trên sự kiện có thật về 39 người Việt chết cóng trong một container tại Anh (2019) trong quá trình vượt biên trái phép.
Tác giả Thảo Trang ký tặng tác phẩm 25 Độ Âm. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam |
- Cảm giác của bạn như thế nào khi viết dòng cuối cùng của 25 Độ Âm?
- Tin tức về 39 người chết trong thùng container là một điều quá khủng khiếp đối với tôi. Khi biết 39 nạn nhân đó là đồng bào của mình, cảm xúc của tôi còn đau xót, nghẹn lòng hơn. Từ khi bắt đầu ý tưởng, tìm hiểu và viết tác phẩm này, tôi cũng đi tìm một câu trả lời cho mình. Tâm trạng của tôi rất khó tả khi viết câu cuối cùng của 25 Độ Âm. Tôi có cảm giác như mình đã trải qua một cuộc “vượt biên” cùng với các nhân vật trong trang sách mà gần như không có một phép màu nào ở điểm cuối cùng.
Tuy nhiên, tôi vẫn có một niềm hy vọng duy nhất nhân vật chính của mình thoát nạn. Kể cả khi thoát nạn, cảm giác khi là người duy nhất sống sót cũng đã vô cùng đau thương. 39 nạn nhân chết trong container tại Anh là đồng bào nhưng cũng là những người vô cùng xa lạ với tôi. Nhưng đến cuối cùng, tôi lại có gắn kết tình cảm với những người xa lạ, đặc biệt là trên trang sách.
- Bạn dành 4 năm chỉ để nghiên cứu và trò chuyện với nhiều người vượt biên. Đó là một quá trình dài để viết ra một tác phẩm?
- Trong quá trình phỏng vấn những người vượt biên ngoài đời thực, có những câu chuyện khiến tôi cảm thấy xót xa. Là tác giả nữ, tôi để ý hơn đến những người nữ khi họ chọn di dân. Trong lúc phỏng vấn một cặp anh em từng vượt biên, tôi được biết rằng người anh đã phải cắt tóc, bôi tro lên mặt em gái mình. Cô bé không hiểu nhưng người anh trai hy vọng với những cố gắng bé nhỏ đó, em gái của mình sẽ không bị hãm hiếp khi đã bước chân lên hành trình đầy nguy hiểm. Một trong những hành trang quan trọng nhất của họ là bao cao su và thuốc tránh thai khẩn cấp. Đó là những chi tiết cực kỳ nhỏ bé nhưng nó chứa đựng những câu chuyện về thân phận con người. Có những người phụ nữ toàn mạng sau hành trình vượt biên cũng là lúc hạ sinh em bé mà không biết cha của đứa bé là ai.
- Việc hư cấu “dựa trên những câu chuyện có thật” có khiến bạn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng tác phẩm?
- Đó là một điều khó khăn, đối với riêng tôi. Tôi phải biết đích xác và chính xác những điều mình viết và phải cân bằng giữa hiện thực và hư cấu. Điều này tôi học được nhiều hơn từ việc làm biên kịch và làm phim. Với 25 Độ Âm, tôi đã phải vẽ một bản đồ chi tiết về hành trình vượt biên có thật ở ngoài đời. Điều tôi hư cấu ở đây chỉ là những nhân vật tham gia vào hành trình đó, những biến cố, xung đột giữa các nhân vật mà thôi. Tôn trọng các dữ kiện, dữ liệu có thật nhưng đồng thời cũng được tự do sáng tạo kể câu chuyện về con người theo cách của riêng mình.
- 13 ngày để hoàn thiện bản thảo tác phẩm là điều không dễ. Bạn đã làm điều đó như thế nào?
- Tôi nghĩ quá trình viết tác phẩm cũng giống như người bác sĩ phẫu thuật. Người viết dành nhiều thời gian tiền kỳ cho câu chuyện cũng giống như bác sĩ trau dồi tay nghề, nghiên cứu và có thời gian thăm khám, chẩn đoán. Vì thế, khi nhà văn viết tác phẩm và bác sĩ vào phòng phẫu thuật, họ đều cần có một sự đảm bảo về mặt thời gian.
Tôi dành 4 năm để thực hiện kỹ tất cả phần tiền kỳ để có thể viết ra bản thảo trong vòng 13 ngày. Tôi không biết các nhà văn khác có làm dàn ý khi viết tác phẩm hay không nhưng tôi học được điều này khi làm biên kịch. Tôi đã tạo ra một dàn ý chi tiết đến mức có thể ngồi xuống và viết tác phẩm liền một mạch. Mặt khác, tôi cũng không phải kiểu người viết tủn mủn vì sợ mất nhịp và cảm xúc. Vì thế, tôi viết liên tục mỗi ngày cho đến khi hoàn thành bản thảo 25 Độ Âm. Một khi bạn bước vào thế giới của cuốn tiểu thuyết mình viết, bạn chỉ bước ra khi hoàn thành nó. Viết xong 25 Độ Âm, tôi khóc không dừng.
- Bạn có đồng ý với quan điểm của một nữ nhà văn đương thời từng chia sẻ, “Báo chí cần sự kiện lớn, văn chương thì không”, nhất là khi 25 Độ Âm dựa trên một sự kiện lớn và rúng động có thật ngoài đời?
- Tôi biết đó là ý kiến, quan điểm cá nhân của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, đồng tình hay không với quan điểm này, chúng ta phải nhìn vào những trường hợp cụ thể. Việc văn chương có cần những sự kiện lớn hay không, đối với tôi vẫn nằm ở câu chuyện mà nhà văn muốn viết là gì. Khi bạn có ý định viết một tác phẩm dựa trên một sự kiện lớn và có thật thì bắt buộc phải làm nổi bật được sự tác động giữa con người/nhân vật với sự kiện đó. Viết về những miền đất yên bình, những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hay viết về những sự kiện lớn, quan trọng nhất vẫn là việc chúng ta nhìn thấy tình người ở trong đó.
- Là một nhà văn cũng đồng thời là biên kịch, hai vai trò này giúp gì cho bạn trong hoạt động sáng tạo?
- Về bản chất, nhà văn hay nhà biên kịch đều là những người hoạt động sáng tạo. Họ đều muốn mang đến những câu chuyện mà khán giả cảm thấy trân trọng khi dành thời gian để thưởng thức. Nghề biên kịch có những công cụ đặc biệt có thể giúp ích cho nhà văn trình bày tác phẩm một cách mạch lạc. Ở mặt khác, nhà văn có khả năng sắp đặt và kể chuyện, giúp công việc biên kịch trở nên màu sắc và văn chương hơn. Với trường hợp của tôi, là một người làm kinh doanh, tôi còn phải thấy sự thực tế và tính khả thi [của dự án sáng tạo]. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng.
Tôi là một nhà văn đi lên từ khởi điểm viết truyện online (đăng tác phẩm lên internet). Ở Việt Nam, đó là một khởi đầu khó khăn, không hề dễ dàng cho người viết. Dù miễn phí hay kiếm tiền, tôi xem tác phẩm của mình như một sản phẩm và tôi muốn sản phẩm đó chất lượng nhất có thể. Và một cách thành thực, tôi luôn xác định mình là một nhà văn nghiệp dư và là biên kịch tay mơ.
- Được biết sắp tới bạn sẽ ra mắt nhiều dự án khác nhau, trong đó có Đoàn tàu 183. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về dự án này?
- Đoàn tàu 183 cũng là một tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật, được Hiệp hội ngành đường sắt thế giới đánh giá là một thảm hoạ lớn trong lịch sử. Đoàn tàu mang số hiệu FE183 gồm 13 toa đã xảy ra tai nạn, cướp mất 200 đồng bào của chúng ta vào năm 1982. Những câu chuyện xung quanh về thảm họa này có thể gây xúc động với bất cứ ai, đến tận thời điểm bây giờ.
Tôi biết đến câu chuyện này theo một cách li kì và bí ẩn. Lúc đầu tôi có ý chuyển thể thành một tác phẩm kinh dị nhưng cuối cùng tôi chọn thể loại chính kịch cho Đoàn tàu 183. Tôi muốn viết một câu chuyện về tình người trong tác phẩm này. Tác phẩm sẽ được ra mắt vào năm sau cùng với đó là một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể lên màn ảnh do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện.
Cảm ơn Thảo Trang đã chia sẻ!
----------
Bài viết cùng chuyên mục: