Ca khúc phổ thơ là điều bình thường xưa nay của đời sống văn nghệ. Chẳng thế mà trong tiếng Việt - và hình như ngôn ngữ nhiều quốc gia cũng thế - người ta thường nói “thi ca”. Thi (thơ) và ca (âm nhạc) là một “cặp bài trùng”. Một bài thơ hay, vần điệu sinh động đã mang đầy tính nhạc. Đồng thời, lời thơ vốn chắt lọc và cô đúc, từ ngữ chọn lọc và khơi gợi, giàu nhịp điệu và hình ảnh… nếu được chọn làm ca từ cho ca khúc thì thật là đắc địa.
Ảnh minh hoạ |
Ca khúc phổ thơ thường có nhiều dạng thức. Có không ít ca khúc, gọi là “phổ thơ”, nhưng thực ra người nhạc sĩ chỉ “phổ” cái thi tứ hoặc thi ảnh của bài thơ mà thôi, hoàn toàn không phụ thuộc vào lời thơ. Trường hợp nhạc sĩ chỉ phổ một phần lời thơ hay chọn phổ một số dòng thơ tiêu biểu của bài thơ để phổ nhạc là khá phổ biến. Trường hợp phổ nhạc trọn vẹn một bài thơ cũng có, nhưng rất hiếm. Tuy thơ và ca là “cặp bài trùng” nhưng đặc trưng mỗi thể loại khác nhau; cùng đó là tùy thuộc vào văn bản bài thơ và ý thức chủ quan của nhạc sĩ mà ca khúc phổ thơ có thể là phổ trọn bài thơ, hay chỉ phổ ý tứ, hoặc phổ một phần bài thơ. Đồng thời khi thao tác sáng tạo, người nhạc sĩ có thể thay đổi một số từ, ngữ trong câu thơ, sao cho phù hợp với nốt nhạc trong quãng giai điệu đã chọn, miễn vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa của thơ. Đây là “quyền chuyên môn” của nhạc sĩ. Tuy nhiên, nếu đã mặc định là “ca khúc phổ thơ” thì nhạc sĩ rất nên liên hệ trao đổi, thống nhất với nhà thơ để tạo sự đồng thuận.
Ca khúc phổ thơ là sự tương hỗ tuyệt vời giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Âm nhạc chắp cánh cho bài thơ “bay cao, bay xa” và tạo cho bài thơ có một đời sống nghệ thuật mới. Đồng thời, những câu thơ hay khiến cho bài hát có những ca từ đẹp, sang trọng, sâu sắc, tạo nên một nhạc phẩm toàn bích cả phần nhạc lẫn phần lời. Tuy nhiên trong thực tế, đôi khi giữa hai tác giả của hai phần nhạc và lời cũng có sự “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ấy là khi người làm nhạc “quên” ghi tên người làm thơ vào tác phẩm, do cố ý hoặc vô tình. Công chúng rất khó chịu khi trên ấn phẩm hay trong lời giới thiệu chương trình, sự kiện… âm nhạc, người ta cứ quên tác giả thơ một cách “hồn nhiên”. Chẳng hạn như ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” khá nổi tiếng, đã không ít chương trình hay sự kiện âm nhạc, khi giới thiệu, người ta đã quên mất tên nhà thơ Phan Vũ, khiến nhạc sĩ Phú Quang cũng đã vài lần phải lên tiếng xin lỗi và tự nhận lỗi. Ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang phổ thơ Giáng Vân (bài thơ “Yên tĩnh”) cũng thường “phạm lỗi” này. Có tài liệu cho rằng, ca khúc “Tùy hứng Lý qua cầu” là Trần Tiến dựa vào một bài thơ của Bế Kiến Quốc, nhưng hầu như từ trước đến nay, chẳng mấy ai nhắc đến nhà thơ đồng tác giả đã quá cố và không biết lỗi từ đâu. Lại có chuyện, bài thơ “Cô gái vót chông” của Mô Lô Y Choi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, khi giới thiệu, người ta thường quên tên tác giả thơ đã đành, mà khi ca khúc nằm trong chùm 6 tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, cái tên Mô Lô Y Choi cũng không được ghi danh (!)
Vấn đề tiền bản quyền tác phẩm của ca khúc phổ thơ cũng gây ra không ít vụ “lùm xùm”. Sự cố này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là hiện nay không có một căn cứ văn bản nào quy định cụ thể, mà người ta cứ ấn định tỷ lệ 7/3 khi trả tiền bản quyền cho ca khúc phổ thơ; trong đó phần nhạc chiếm 7 phần và phần lời thơ là 3 phần. Tỷ lệ này, hiện Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) vẫn đang áp dụng. Cách giải thích thông thường nhưng thiếu thuyết phục là: vì tác phẩm thơ đã có một đời sống riêng rồi, nay được sống với đời sống của tác phẩm âm nhạc thì âm nhạc phải là chủ đạo, là chính chủ! Mặt khác, cũng có không ít tác giả phần nhạc thường hay “quên” gửi lại một chút nhuận bút cho tác giả phần thơ, mỗi khi nhận được tiền tác quyền hay khoản bồi dưỡng từ các hình thức phổ biến tác phẩm. Bản thân tôi từng biết có nhạc sĩ, khi nhận khoản tiền không nhỏ từ các giải thưởng, trong đó có cả Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc, nhưng đã “lờ” đi hoặc chỉ gửi một khoản “tượng trưng” cho tác giả phần lời của tác phẩm. Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến, có vị nhạc sĩ “xin” thơ của một nhà thơ để phổ thành ca khúc “đặt hàng” của doanh nghiệp. Khi tác phẩm âm nhạc được nghiệm thu, ông chủ doanh nghiệp trả thù lao khá hậu hĩnh. Người làm nhạc tất nhiên hân hoan nhận, nhưng chẳng hề đoái hoài gì tới người “cho” thơ, mặc dù ở buổi tiệc liên hoan, họ ngồi chung một bàn tiệc (!)
Nhân đây, cũng xin nói thêm đôi điều về “hội chứng ca khúc phổ thơ” đang là một hiện tượng khá “rầm rộ”, với sự tung hứng của các nhà thơ ít được biết đến về mặt tác phẩm và các nhạc sĩ phần lớn là “tay ngang”. Có hai khía cạnh thấy rõ ở khuynh hướng này. Một là: người viết nhạc thường không mấy tên tuổi, trình độ chuyên môn “thường thường bậc trung” nhưng đã phổ thơ ào ào, sở hữu hàng trăm ca khúc trong một khoảng thời gian ngắn đã cho ra đời hàng mấy trăm ca khúc!? Những ca khúc phổ thơ này, thường là do “quen thân” hoặc do “gu” thơ yêu thích mà người làm nhạc chọn để viết. Nhìn chung, ca khúc phổ thơ loại này, thường “lặn mất tăm” sau khi ra đời, rất ít tác phẩm được công chúng đón chờ, ghi nhận và truyền lưu. Hai là: người có thơ đã chủ động “liên hệ” với người viết nhạc (thường là “chơi” với nhau” hoặc “năn nỉ” nhau), hầu phổ cho được, càng nhiều càng tốt tác phẩm của mình. Nói chung, sự kết hợp này, đã không đưa lại kết quả có giá trị và ý nghĩa. Khi nhắc đến “hội chứng” này, chắc những nhạc sĩ phổ nhiều thơ thành công như Giao Tiên hay những nhà thơ có thơ hay được phổ thành nhiều ca khúc như Tạ Hữu Yên cũng phải... bái phục! Cả hai khuynh hướng trên đây, thường cả tác giả âm nhạc và lời thơ đều tỏ ra mãn nguyện và tự hào vì cho rằng mình đã có nhiều ca khúc phổ thơ, cũng như đã có nhiều bài thơ được phổ nhạc! Không biết, đây có phải là một bi kịch ngộ nhận của sáng tạo hay không, nhưng theo tôi, thành ngữ ông cha hằng nhắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, quả thực rất đáng treo lên làm slogan cho những người này và tất cả chúng ta cùng suy ngẫm…
Khi phải nêu ra những điều trên đây, chúng tôi hoàn toàn không “vơ đũa cả nắm”. Hơn nữa trong thực tế, cũng có không ít những nhạc sĩ đương thời có nhiều ca khúc phổ thơ rất thành công và có những nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc thành những bài hát được nhiều người hâm mộ. Vả lại, “hội chứng phổ thơ” nếu đặt đúng vị trí của nó ở các sân chơi quần chúng thì thậm chí còn có ích cho cuộc sống. Nhưng nếu nó được “chuyên nghiệp hóa” một cách khiên cưỡng, được tung hô trên các diễn đàn chính thống thì sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học, nghệ thuật đích thực. Và khi đó, rất cần sự điều chỉnh của các hội chuyên ngành và các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật.
THAI SẮC | Báo Văn nghệ