Diễn đàn lý luận

Đọc lại Minh Đức Hoài Trinh

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng
Lý luận phê bình
10:35 | 10/07/2024
Thơ Minh Đức Hoài Trinh để lại ấn tượng trong tôi về một âm điệu bồn chồn, đau đớn mà gần gũi với con người, bề ngoài nghiêm cẩn mà bên trong phóng túng.
aa

Thơ Minh Đức Hoài Trinh để lại ấn tượng trong tôi về một âm điệu bồn chồn, đau đớn mà gần gũi với con người, bề ngoài nghiêm cẩn mà bên trong phóng túng.

Người ấy bay về xứ

Chim kia bay về xứ

Đại dương trôi về xứ

Gió cuốn lá về xứ.

Nhịp ngắn và mạnh, lời thanh đạm nhưng hình ảnh giàu cảm xúc, làm tôi nghĩ đến Nelly Sachs (1891-1970), nhà thơ nữ lừng danh viết tiếng Đức, bạn thân của Paul Celan, cả hai từng trải qua những ngày đen tối trong trại tập trung Đức quốc xã.

Đọc lại Minh Đức Hoài Trinh
Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh - Ảnh: V&Đ

Minh Đức Hoài Trinh là sự kết hợp nhiều yếu tố trái ngược: sinh trưởng trong gia đình quyền quý nhưng tham gia kháng chiến chống Pháp rất sớm, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng lại ly hương ở Paris từ đầu những năm sáu mươi, viết văn nhiều, in sách nhiều nhưng ít người thực sự đọc tác phẩm của bà, dù ai cũng biết tên. Minh Đức Hoài Trinh mang một tâm sự dài đằng đẵng tựa như ám ảnh trong suốt cuộc đời mình. Tôi đọc văn và thơ của bà đều thấy thế. Đó là tâm sự gì? Tình yêu trắc trở. Hoài niệm quê xưa. Lòng yêu nước. Ý thức xã hội. Minh Đức Hoài Trinh làm thơ theo phong cách cổ điển, nhưng ý tứ và hình ảnh khá mới, như thể chúng tự nhiên tuôn trào trên ngòi bút, không gọt dũa. Bà là người sống nhiều; những trải nghiệm ấy bộc lộ dễ dàng. Bà có một mối quan hệ đặc biệt với mẹ và có tình cảm trân quý với nhiều người thân khác. Viết nhiều bài thơ về mẹ, về Huế, về quê hương. Những sự kiện trong đời sống riêng, như sự mất mát người thân, sự tan vỡ của tình yêu, ảnh hưởng sâu đậm lên tâm hồn và thơ văn của bà:

Quê nhà

Trở về thành phố của màu rêu tuổi nhỏ

vẫn còn nghe trong gió

bầy chim sẻ trên nóc chuông nhà thờ

gọi tên rất khẽ

hoài trinh

kỷ niệm xưa thức dậy dưới bàn chân

khiến em như trượt ngã

tình thơ dại ùa vào trong mắt

buồn tênh

tình thơ dại dìu em bay lên

vòm khuya trăng non tháng sáu

tình thơ dại chập chờn như cơn bão

đường phố thênh thang bởi thiếu một môi cười

tuổi mười bảy mắt biếc chưa nguôi

vẫn ngày mưa tháng nắng

vẫn lối đi quen hò hẹn dẫn nhau về

từng có lúc mười ngón tay lạnh cóng

hoa cúc vàng ve vuốt những cơn mê

ngày tháng đi qua

từng ngày khôn lớn

vẫn một màu rêu trên mái ngói chưa nhòa

một mình em đi, một mình em gọi

một người đã xa

Những năm sáu mươi, thơ như thế là mới.

Minh Đức Hoài Trinh tên thật Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế, con tổng đốc Võ Chuẩn. Ông nội là Võ Liêm, thượng thư bộ Lễ. Bà sống ở Pháp từ 1953, năm 1964 vào học trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris, năm 1967 ra trường làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, định cư tại Hoa Kỳ từ 1982. Các bút hiệu khác là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Năm 1972, bà được đài ORTF cử tường thuật hòa đàm Paris. Bà trở về Việt Nam năm 1974, giảng dạy khoa báo chí tại Viện đại học Vạn Hạnh năm 1974-1975. Sau biến cố 1975, bà trở lại Paris, cho xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam, trở lại cộng tác với đài ORTF.

Thuở bé tiểu học tôi thường đọc Lá thư Paris của Minh Đức Hoài Trinh cùng với Lá thư khoa học của Hoàng Xuân Hãn, hai người đều từ Paris, trên bán nguyệt san phổ thông của Nguyễn Vỹ. Đó là đầu những năm sáu mươi. Vào thời đó bà ra mắt tập thơ đầu tay, Lang thang, 1960, nhưng ít người biết. Đó là một trong những tác phẩm được in ở hải ngoại sớm nhất của người Việt. Nhưng tập thơ được nhiều người xem là quan trọng nhất, có nhiều bài hay, là tập Bài thơ cho ai do nhà Thanh Trúc xuất bản, Lãng Nhân đề tựa, Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1974. Sau tập Bài thơ cho ai và sau năm 1975, sống ở hải ngoại, Minh Đức Hoài Trinh không được nhiều độc giả biết tới, tuy nhiên bà vẫn liên tiếp cho ra đời những tác phẩm khác như Bài thơ cho quê hương, 1976.

Danh sách tác phẩm của bà rất dài:

Lang thang (1960), Thư sinh (1962), Bơ vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên nga (1965), Hai gốc cây (1966), Sám hối (1967), Tử địa (1973), Trà thất (1974), Bài thơ cho ai (1974), Dòng mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài thơ cho quê hương (Nguyễn Quang Paris, 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên ni bên tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm thư 1 (tái bản 1987), Biển nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).

Khi còn trẻ, đi kháng chiến, Minh Đức Hoài Trinh từng có những vần thơ tươi mát, phơi phới yêu đời:

Thôi gió lên rồi anh cứ đi

Sẵn sàng em đợi đón chia ly

Ngày mai dầu kết toàn thương nhớ

Một chút tình vương có nghĩa gì.

Đó là bài Gió lên, viết vào tháng 8 năm 1946, khi nhà thơ vừa tròn mười sáu tuổi, xa gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp. Hơi thơ còn cũ, ảnh hưởng nặng của thơ cổ điển hay tiền chiến, tiêu biểu cho một thời kỳ văn học:

Bao lần lặng ngắm áng mây xanh

Trời Phật vì em ủng hộ anh

Ngọn ải trập trùng vang tiếng ngựa

Khi về dâng khúc khải hoàn thanh.

Minh Đức Hoài Trinh là người đa tài, làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch, làm phóng viên, viết bút ký và tiểu luận, hoạt động sôi nổi. Nhưng có một nỗi buồn mãnh liệt ngự trị trong thơ Minh Đức Hoài Trinh. Đó không phải là tất cả thế giới của bà nhưng là sự ám ảnh lớn nhất từ những ngày thanh niên, như vết thương không lành. Trên nỗi buồn ấy, nhà thơ ghi chép lại đời sống của mình, những biến đổi, sự lắng nghe chúng, lòng dũng cảm của sự lắng nghe ấy.

Nỗi buồn sinh ra từ tình yêu, từ sự thất vọng, là một trong những nguồn cội của sáng tạo. Nỗi buồn chỉ có giá trị khi nào chúng được chúng ta xem xét. Thơ bà nhiều bài được các nhạc sĩ như Phạm Duy, Võ Tá Hân phổ nhạc, như Kiếp nào có yêu nhau, Đừng bỏ em một mình, Hỏi mẹ, Ai trở về xứ Việt, Bài thơ cho ai, Bài thơ cho Huế, Bản nhạc xưa, Buồn Thái sơn không gieo, Đợi em về, Mây vẫn còn bay, Nhớ mẹ.

Đừng bỏ em một mình

Đừng bỏ em một mình

Chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh.

Có một điều gì không hài lòng với đời sống này trong thơ Minh Đức Hoài Trinh. Từ bỏ giữa chừng cuộc kháng chiến, từ bỏ giữa chừng giấc mơ tình yêu, người phụ nữ tài hoa chọn con đường riêng biệt của mình, đã đúng hay sai, đã hối hận hoặc không bao giờ hối hận, tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng đó là một người phụ nữ dũng cảm, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng trả giá cho tự do chọn lựa của mình. Thi sĩ biết sự chọn lựa ấy có thể không phải là sự chọn lựa tốt nhất, nhưng bà sống đến cùng với nó, và không hề che giấu cảm giác hạnh phúc hay không thỏa mãn. Trong những vần thơ tự nhiên, bộc bạch riêng tư, bạn nghe được tiếng nói của bà, chất phác.

Chờ mẹ nhé, chúng ta chờ buổi ấy

Phải có một ngày đất nước hết điêu linh

Người dân Việt sẽ thương nhau như chưa ai từng thấy

Và quê hương mình sẽ trở lại nguyên trinh.

Hầu hết thơ bà đều dễ hiểu. Minh Đức Hoài Trinh không chỉ viết thơ tình, nhưng đó là phần quan trọng nhất của sáng tác. Thơ tình không quan tâm lắm đến các khía cạnh đạo đức và luân lý của các quan hệ, chỉ quan tâm đến sức mạnh của tình yêu, những khoảnh khắc làm cho đời sống trở nên sâu sắc, thời gian dừng lại, sự hiện hữu bất tận.

Mặt khác, Minh Đức Hoài Trinh là một người viết đầy ý thức xã hội. Bà quan tâm rộng lớn đến các vấn đề của đất nước, lịch sử, là một cây bút nữ có tính xã hội bậc nhất. Năm 1962, từ Paris, Minh Đức Hoài Trinh viết về cho bạn bè trong nước, trong không khí sôi sục của phong trào phật giáo miền Trung, bài thơ cảm động:

Ai trở về xứ Việt

(Gửi các bạn tù trong những

năm quê hương rách nát)

Ai trở về xứ Việt

Nhắn giùm ta người ấy ở trong tù

Nghe đâu đây vang giọng hờn rên siết

Dài lắm không ? Đằng đẵng mấy mùa thu

Ai trở về xứ Việt

Thăm giùm ta người ấy ở trong tù

Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc

Thay giùm ai mầu trời ngục âm u

.

Các bạn ta ơi bao giờ được thả

Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi

Được lắng nghe tiếng chim cười trong gió lá

Đến bao giờ?

Bao giờ hờn uất mới nguôi?

Người bạn tù ơi, ta không quên đâu

Nhớ hôm xưa nhìn đôi tay cùm xích

Hàng song thưa chia cách vạn tình ngâu

Ai tra tấn nghe lòng ai kim chích

Anh sửa soạn lên đường về xứ Việt

Ta gửi về theo một ít tự do

Và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết

Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo

Còn bạn nữa, biết nhau từ ngày ấy

Ta sẽ về đón ở cửa âm u

Đời sẽ đẹp, mùa xuân hồng biết mấy

Dầu ngoài kia mây có trĩu mùa thu.

(Paris 62)

Đối với Minh Đức Hoài Trinh, thơ là sự chuyển đổi, là phút linh cầu, là thiêng liêng như tình yêu. Bà xem sự tan vỡ là một trong những đặc tính của đời sống. Những cuộc khủng hoảng trong đời là nguồn cơn của sáng tạo. Ngay cả chia ly cũng là chọn lựa. Đặc điểm quan trọng của thơ tình Minh Đức Hoài Trinh là tính âm nhạc. Điều đó không có nghĩa là những yếu tố như ngôn ngữ, hình ảnh, ẩn dụ, không quan trọng. Nhưng tôi muốn nói thơ tình gần với các ca từ trong âm nhạc, vì vậy chúng thường có tính đơn giản, tiết kiệm chữ, dễ hiểu, lay động mạnh. Đối với những bài thơ hay, dù bạn đọc kỹ đến đâu, đọc lại bao nhiêu lần, sự đọc không bao giờ kết thúc. Thơ ấy có thể chỉ cho người đọc trung tâm cuộc đời của họ, ngọn lửa của họ, tình đầu và sự kết thúc. Ngọn lửa ấy có trong mỗi chúng ta, cũng như buổi đầu và kết thúc; bài thơ làm nó chiếu sáng.

Anh đừng nhìn em nữa

Hoa xanh đã phai rồi.

Những nhà thơ báo hiệu xã hội tan rã, báo hiệu ngày tận thế (apocalyptic), hầu hết là những nhà thơ trí thức, khốn quẫn, bi quan, siêu thực. Minh Đức Hoài Trinh có phải là một người như thế không? Có một xung đột ở bà giữa lòng yêu cuộc sống, tình yêu tha thiết, sự cổ vũ những giá trị vĩnh hằng, tình yêu nước và nỗi buồn bi thiết, sự chán nản cùng đường; đó là tính cách phức tạp của một con người hay là tính cách phức tạp của một xã hội mà bà đã sống qua?

Sau những câu thơ cũ, trong thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp như:

Em muốn ngày về em được thấy

Áo anh nhuốm đỏ máu quân thù.

Minh Đức Hoài Trinh nhanh chóng đi vào thơ trữ tình cá nhân. Cách dùng chữ của bà nhiều chỗ bất ngờ, gây xúc động, với cách nói táo bạo, mới lạ, thoát hẳn ra khỏi hơi hướng cũ.

Người đã quên ta rồi

Quên ta rồi hẳn chứ

Trăng mùa thu gãy đôi.

“Hẳn chứ”, “Trăng mùa thu gãy đôi” là những chữ mới, thời đó chưa ai viết thế. Những câu thơ giàu vần điệu như một thứ ca khúc trữ tình. Bà nói về tình yêu, sự xa cách, sự vĩnh biệt, tình gia đình và mẹ con, lòng hoài nhớ cố hương của người đi biền biệt. Thơ bà nhiều thương nhớ, nhiều giận hờn, nhiều tán thán. Và những ám ảnh:

Thấm thoát đã ba năm

Từ ngày ta mất mẹ

Mồ yêu chưa viếng thăm

Bâng khuâng đời xuân trẻ

.

Ngày được tin mẹ mất

Ta không có quyền về

Trông vời cơn gió bấc

Đêm dài bước chân lê.

Các ẩn dụ trong thơ chính là các ý tưởng bên ngoài diễn ngôn. Nhờ ẩn dụ mà người đọc chuyển từ trạng thái không biết đến hiểu biết, từ thờ ơ đến quan tâm. Hai loại ý tưởng, diễn ngôn và phi diễn ngôn, có khuynh hướng làm việc hòa hợp với nhau nhưng hình ảnh bao giờ cũng đi trước. Các hình ảnh và ngôn ngữ có khả năng làm cho bài thơ biến một thành nhân chứng của thời đại mình. Nhân chứng ấy là về niềm vui và những bất hạnh của đồng bào, sự tàn phá thiên nhiên, các tội ác, sự vô minh. Nghệ thuật dùng chữ từ thời những năm năm mươi sáu mươi đã táo bạo, vượt thoát, cá tính:

Đêm sao sao ngắn ngủi

Tình sao sao mong manh

Chữ sao vừa là ngôi sao vừa là tại sao.

Nhà thơ nào cũng viết về tình yêu; nhưng trong thơ Minh Đức Hoài Trinh nó quá đỗi nồng nàn, nhiều say đắm, đầy khổ lụy nức nở. Thơ của bà mang nét tự nhiên, có khi hơi quá tự nhiên thành ra tầm thường nhưng cũng có những câu tự nhiên mà làm dâng lên cảm xúc. Người đọc hôm nay cần đọc chúng trong bối cảnh người viết, ngôn ngữ thời ấy, cảm xúc thời ấy, cách đây mấy mươi năm:

Nếu anh chết em sẽ ở gần anh mãi

Mỗi chiều về sẽ đốt nén hương xanh

Nghĩa trang tím bước hoàng hôn chậm rãi

Em sẽ gục đầu và gọi tên anh.

Thơ Minh Đức Hoài Trinh chứa đựng huyền thoại. Thơ ấy dùng một ngôn ngữ trong sáng, các hình ảnh hợp lý, cách nói duyên dáng và dễ hiểu, mặc dù nhiều khi cũ, nhưng toàn bộ những yếu tố ấy của thơ bà tạo nên một bức tranh rất lạ về một người phụ nữ làm thơ, với những chi tiết đời sống chưa có nhiều người hiểu rõ, những tâm sự bí ẩn, làm nên cá tính sáng tạo.

Tác giả chọn cách viết trừu tượng trong một số bài. Mô tả những tình cảm tổng quát nhưng cũng có một số bài bà sử dụng chi tiết và cụ thể. Thơ ấy tựa như giấc mơ, như cái chết, như tình yêu say đắm, với chữ dùng ngắn gọn, hình ảnh sắc nét, cấu tứ rõ ràng. Bà có tình cảm thương nhớ đặc biệt đối với người thân:

Xuân này con mẹ vẫn tha hương,

Mẹ một phương trời, con một phương,

Tóc trắng mẹ già thêm chút nữa,

Và con, nhòa nhạt tiếng yêu đương.

Ngay cả sự tuyệt vọng, khi được chia sẻ, cũng không còn là tuyệt vọng nữa. Sự thất bại, thất vọng, tuyệt vọng có thể chia rẽ con người nhưng cũng có thể hàn gắn, tập hợp họ. Những người đi một mình trên đường gian nan không nhất thiết phải đi một mình.

Sự cô độc xuất hiện ở nhiều nhà thơ trữ tình, nhưng ở Minh Đức Hoài Trinh đó là tình cảnh thường xuyên, trong một thời đại mà sự gặp gỡ và sự tương tác truyền thông ngày một tăng lên. Đằng sau chiếc mặt nạ của thành công, hạnh phúc, là những cá nhân yếu đuối, cô độc và đổ vỡ. Thơ giúp chúng ta nhìn thấy điều ấy. Các nhà thơ mô tả không những các lý tưởng mà còn mô tả những bi kịch của con người, các xung đột của họ, chất phi lý của hiện hữu. Xem xét các xúc cảm chính là đi tìm ý nghĩa của chúng, biến quá khứ thành giá trị của đời sống.

Đi sâu vào nỗi bi lụy của tình yêu để thoát khỏi sự nô lệ cho chúng, chứ không phải chết chìm ở đó. Hãy để nỗi buồn làm bạn lớn lên. Một ngày nào đó chúng sẽ bay đi.

Hay sẽ không bao giờ. Thơ Minh Đức Hoài Trinh là sự tuyệt vọng, nhưng nhu cầu của con người vẫn là chia sẻ:

Kiếp nào có yêu nhau

Anh đừng nhìn em nữa

Hoa xanh đã phai rồi

Còn nhìn em chi nữa

Xót lòng nhau mà thôi

.

Người đã quên ta rồi

Quên ta rồi hẳn chứ

Trăng mùa thu gãy đôi

Chim nào bay về xứ

.

Chim ơi có gặp người

Nhắn giùm ta vẫn nhớ

Hoa đời phai sắc tươi

Đêm gối sầu nức nở

.

Kiếp nào có yêu nhau

Nhớ tìm khi chưa nở

Hoa xanh tận nghìn sau

Tình xanh không lo sợ

.

Lệ nhòa trên gối trắng

Anh đâu, anh đâu rồi

Rượu yêu nồng cay đắng

Sao cạn mình em thôi

Thi sĩ là tình nhân nhưng cũng là người làm chứng.

Thơ Minh Đức Hoài Trinh ca ngợi tự do, sự hy sinh, nghĩa đồng bào. Giữa các nhà thơ nữ Việt Nam, Minh Đức Hoài Trinh là một trong vài người rất hiếm hoi quan tâm rộng rãi đến các vấn đề đất nước và xã hội. Khi nói về những người có thật, những sự kiện, bà cũng dùng một ngôn ngữ nồng nhiệt, tha thiết, như từ máu huyết. Đó là một người sống đầy đủ các giây phút của đời.

Khi lần đầu tôi biết bài thơ Kiếp nào có yêu nhau, tôi thuộc nó dễ dàng. Tôi chia sẻ với người khác. Tôi đọc lớn lên. Sự chia sẻ như thế làm cho cảm xúc của tôi được biểu hiện, làm cho đời sống của tôi phong phú hơn. Thơ Minh Đức Hoài Trinh không phải bài nào cũng hay, nhiều bài cũ, và điều đó không có gì lạ, vì bà làm thơ từ những năm năm mươi, sáu mươi, lại ở hải ngoại quá lâu. Tuy vậy ở những bài xuất sắc, bạn nghe được tiếng nói của một người gần với chúng ta, cất lên ở khoảng giữa điều đã xảy ra và điều lẽ ra phải xảy ra, nơi mọi chú tâm hôm nay đều tập trung về đó.

Có những thời gian chúng ta rời bỏ lòng tin, chúng ta nghi ngờ vào sức mạnh của lẽ phải; có những thời gian chúng ta muốn thỏa hiệp. Đó là lúc những câu thơ hay làm bạn dừng lại, suy nghĩ, cảnh giác, thay đổi. Một người đang có câu chuyện cần kể lại. Một người đang có cảm xúc bồng bột cần diễn tả. Sự hoan hỉ bất ngờ, sự phẫn nộ, yêu đương cháy bỏng, sự ấp úng bí mật, đều tìm đường để thể hiện ra, và bạn lắng nghe chúng.

Vì ở cuối con đường đau khổ của chúng ta, sẽ có một cánh cửa.

Tháng 1 năm 2024

Hai bài thơ khác của Minh Đức Hoài Trinh:

ĐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH

Đừng bỏ em một mình

Khi trăng về lạnh lẽo

Khi chuông chùa u minh

Chậm rãi tiếng cầu kinh

.

Đừng bỏ em một mình

Khi mưa chiều rào rạt

Lũ chim buồn xơ xác

Tìm nhau gục vào mình

.

Đừng bỏ em một mình

Trời đất đang làm kinh

Rừng xa quằn quại gió

Thu buốt vết hồ tinh

.

Đừng bỏ em một mình

Đừng bắt em làm thinh

Cho em gào nức nở

Hòa đại dương mông mênh

.

Đừng bỏ em một mình

Biển đêm vời vợi quá

Bước chân đời nghiêng ngả

Vũ trụ vàng thênh thênh

.

Đừng bỏ em một mình

Môi Vệ thần không linh

Tiếng thời gian rền rĩ

Đường nghĩa trang gập ghềnh

.

Đừng bỏ em một mình

Bắt em nghe tiếng búa

Tiếng búa nện vào đinh

Hòa trong tiếng u minh

.

Đừng bỏ em một mình

Bóng thuyền ma lênh đênh

Vòng hoa tang héo úa

Yêu quái vẫn vô tình

.

Đừng bỏ em một mình

Cho côn trùng rúc rỉa

Cỏ dại phủ mộ trinh

Cho bão tố bấp bênh

.

Đừng bỏ em một mình

Mấy ngàn năm sau nữa

Ai mái tóc còn xinh

Đừng bỏ em một mình

.

MƠ THẤY MẸ VỀ

Đêm qua mơ thấy mẹ về

Nụ cười, ánh mắt tràn trề yêu thương

Từ ngày xa cách quê hương

Là ngày mộ mẹ khói hương lạnh lùng

Sương chiều nhẹ tỏa linh lung

Nơi đây cô quạnh mịt mùng xót xa

Nhớ xưa bên cạnh mẹ già

Nếp đời thuần hậu, tháp ngà bướm hoa

Nam Giao xa thật là xa

Đồi thông xanh ngát, trăng ngà ấp yêu

Mong nhiều, tiếc nhớ cũng nhiều

Chừ đây cảnh cũ tiêu điều xác xơ

Mẹ ơi, con mẹ vẫn chờ

Ngày nào ngắm lại được bờ sông Hương

Ngày nào rực ánh Triêu Dương

Làm dân một nước hiền lương thanh bình

Ngày nào bớt cảnh điêu linh?

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Thơ Vi Thùy Linh Thơ Thi Hoàng - Như ngọn đèn vặn nhỏ Thơ Trần Thị Mỹ Hạnh Thơ Phạm Đương Chùm thơ viết ở Mỹ - Thơ Từ Nguyên Tĩnh
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.