![]() |
Nhà văn Vương Hằng Tích |
***
Tôi quỳ trước mộ bố dượng, nước mắt tuôn trào: “Bố ơi, nếu như bố còn sống, con sẽ làm mọi điều để báo đáp công ơn của bố!” Nhưng cho dù nước mắt có rơi bao nhiêu thì dượng tôi cũng không thể sống lại nữa rồi.
Bố đẻ tôi là một người chở hàng thuê trong thôn. Trong một lần chở hàng về muộn, ông bị chó dại cắn và bị nhiễm bệnh dại. Ba ngày sau bố tôi qua đời. Năm ấy, tôi bảy tuổi còn em gái tôi năm tuổi.
Bà nội tôi mất sớm, ông nội nén nỗi đau mất con để lo chu toàn mọi việc. Ngày lo việc ba tuần cho bố, ông tôi không may bị ngã và bị tai biến, từ đó ông chỉ nằm một chỗ.
Mẹ tôi ngoài chăm tôi và em gái, còn phải chăm cả bố chồng. Lúc đó, mẹ tôi nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết. Mấy lần, mẹ đã ôm lọ thuốc sâu ngồi thất thần, nhưng không nỡ bỏ lại chúng tôi, mẹ lại ngậm ngùi mà tiếp tục sống.
Một thời gian sau, thương cảnh gia đình, bác bí thư thôn tỏ ý muốn giới thiệu cho mẹ tôi một người bầu bạn. Thương mẹ con tôi nên ông nội tôi đồng ý ngay. Còn tôi khi biết ý định ấy, tôi vô cùng phản đối.
Sau khi bố tôi tròn trăm ngày, nhiều người đến tìm hiểu mẹ tôi, nhưng khi thấy mẹ tôi còn phải đèo bòng “cha già, con cọc”, thêm tôi luôn “tỏ thái độ” nên nhiều người cũng nản mà rút lui. Thấy vậy, tôi mừng thầm.
Một hôm, bác bí thư thôn đưa một người đàn ông trông bộ dạng lôi thôi nhưng có vẻ khỏe khoắn đến nhà tôi, tay dắt theo một đứa trẻ vẫn còn thò lò mũi xanh, chỉ nhìn thôi, tôi đã ngán ngẩm.
Thấy bác bí thư gọi mẹ tôi sang một bên nói nhỏ gì đó rất lâu, cuối cùng, mẹ tôi gật đầu đồng ý. Sau đó, bí thư nói với người đàn ông: “Ông Tự, nhà cô ấy có người già, có trẻ con, ông quyết tâm thì không thể nửa chừng bỏ dở. Nếu đồng ý, hai ngày nữa hai người có thể đi đăng kí kết hôn.”
Người đàn ông liên tục gật gật đầu: “Tôi đồng ý, đồng ý!” Sau đó, tôi được biết, do vợ chê ông nghèo, bỏ ông lên thành phố rồi lấy chồng khác. Dưới sự mai mối của bí thư thôn, ông đã bước chân vào gia đình tôi. Ông còn đứa con trai nhỏ nhờ mẹ già trông nom.
Ngày tái hôn, mẹ tôi muốn tôi gọi ông bằng bố, nhưng tôi đanh thép đáp lại: “Bố con mất rồi, vẫn chôn ở sau núi kia!” Thấy mẹ tôi mắc cỡ, ông liền hòa giải: “Thôi, trẻ con mà, cứ để cháu gọi tôi là chú được rồi!” Tôi nguýt: “Tôi không có ai là chú cả!”.
![]() |
Minh họa Lê Trí Dũng |
Tối hôm đó, mẹ tôi muốn tôi và em gái ngủ ở phòng khác, nhưng tôi không chịu. Ông liền “gỡ khó” cho tôi: “Ba mẹ con cứ ngủ cùng nhau, để tôi ngủ ở phòng ngoài là được mà!” Sau đó, ông liền đi ra phòng khác ngủ.
Ngoài việc làm ruộng, ông không có nghề gì khác. Vì thế, ông xin thêm bốn mẫu ruộng, cộng thêm với bốn mẫu ruộng cũ, dượng một mình cày cấy. Hằng ngày, ông còn phụ trách việc tắm rửa cho ông nội tôi nên ông tôi luôn được sạch sẽ.
Năm tôi học lớp bốn, một buổi trưa trời nắng gắt, người hàng xóm trông thấy dượng đang dưới ruộng, bình nước cạn khô liền về bảo với mẹ tôi mau mang ra cho ông một bình nước. Em gái lúc đó đã tranh: “Để con mang ra cho bố!”
Mẹ tôi nấu xong cơm mà vẫn không thấy em tôi quay về. Mẹ đang định ra ruộng để gọi em về thì bỗng nhiên nghe tiếng la thất thanh trong xóm: Có người chết đuối…
Mẹ tôi và tôi mặt thất sắc, chạy theo những người trong thôn hướng về phía ruộng. Từ rất xa, tôi đã nhìn thấy bình nước, chính là bình nước của nhà tôi. Thì ra, khi đi qua bờ ao, nhìn thấy những bông lau đẹp em tôi liền đặt bình nước xuống để hái, chẳng may trượt chân rơi xuống ao.
Trong tiếng khóc thất thanh của mẹ, dượng người đầy bùn đất chạy xông vào giữa đám đông, cặp mắt mở to, kinh hãi, thất thần. Tôi xông vào túm lấy cổ ông mà cào cấu, sau khi hàng xóm kéo tôi ra thì cổ ông đã đầm đìa máu. Tôi căm thù hét lên: “Chính là ông đã hại chết em tôi, ông chính là kẻ giết người! Ông cút về nhà ông đi!”
Dượng đứng chết lặng, chầm chậm quỳ xuống trước em gái tôi: “Con gái yêu quý, là bố đã hại chết con rồi!…” Rồi cứ thế, ông giơ tay tự cấu xé vào mặt mình, những giọt nước mắt rơi lã chã… Ngay hôm ấy, ông thu dọn áo quần rồi trở về nhà đẻ trong ánh mắt phẫn nộ của tôi.
Dượng đi rồi, không có ai tắm cho ông nội, không có ai ra ruộng làm. Một thời gian, mẹ tôi đi tìm bí thư thôn để thuyết phục dượng quay trở lại.
Ngày trở lại, dượng không nói câu nào, cứ thế, giữa trưa nắng ra ruộng làm. Bí thư thôn liền nạt cho tôi một trận, tôi không dám cãi, nhưng sau này tôi vẫn liên tục “giở trò” với dượng. Mỗi lần nhìn thấy dượng nói cười với mẹ, tôi liền vào trong phòng bê ảnh thờ của bố đẻ ra lau chùi trước mặt hai người. Dượng lúc đó như người vừa bị “cấm khẩu”, lặng im không dám nói gì. Những lúc như thế tôi cảm thấy rất hả hê.
Rồi ông nội tôi qua đời, không lâu sau đó mẹ đẻ của dượng cũng mất, Kiến Hoa - “đứa em” kém tôi ba tuổi được dượng đón về nhà tôi. Nó sợ sệt gọi tôi là “anh trai”, tôi lúc nào cũng ậm ừ một tiếng coi như mình nghe rồi.
Thời gian trôi đi, lớn hơn một chút, hiểu chuyện hơn, tôi cũng dần dần không còn thù hận, khinh miệt dượng, nhưng tôi không chịu gọi ông là chú, cũng chẳng gọi là bố. Việc tôi “hài hòa” hơn, thỉnh thoảng dạy cho Kiến Hoa học làm cho dượng như có thêm động lực, ông cảm thấy rất mãn nguyện.
Tôi thi đỗ vào trường cấp ba trọng điểm của huyện với thành tích vượt trội, nhưng các khoản học phí mỗi năm cộng thêm tiền học phí của Kiến Hoa, gia đình không thể lo đủ tiền.
Không lâu sau, dượng nói ông tìm được thêm việc làm trong một xưởng gạch. Công việc tuy vất vả nhưng mỗi tháng cũng kiếm thêm được ít tiền. Ông còn nói rằng, xưởng gạch gần trường tôi, ông có thể thường xuyên đi thăm tôi. Và thế là, ông thu dọn đồ đạc, nói đi là đi.
Một hôm, đang trong kí túc thì bất ngờ tôi thấy dượng bước vào, tay ông cầm hộp cơm rồi bảo với tôi: “Thanh Thanh, xưởng gạch hôm nay cải thiện bữa ăn, chú để dành một chút, thơm lắm, cháu ăn nhé.” Tôi bước lại, nhìn thấy trong hộp cơm là thịt kho. Trước mặt bạn bè nên tôi nhận. Khi ông vừa đứng lên bước đi, có bạn hỏi tôi ông là ai. Tôi cúi đầu nói đó là chú tôi. Ông nghe thấy, vội vàng quay lại, ánh mắt như bừng sáng lên, trông ông lộ rõ vẻ phấn khởi vô cùng.
Từ đó, dượng thường xuyên mang đồ ăn đến cho tôi, hoặc mang cho tôi vài đồng tiêu vặt. Trong suốt thời gian tôi học cấp ba, ông thường xuyên đến trường thăm tôi nhưng trông ông gầy đi rõ, ho rất nhiều. Tôi hỏi thì ông nói là ở lò gạch hơi nhiều bụi, nhưng không sao, mọi người ở đó cũng đều như vậy… Nhìn bóng dáng ông gầy guộc xa dần, tôi chợt thấy thương xót…
Rồi tôi cũng thi đỗ vào trường đại học với thành tích cao thứ ba toàn huyện. Ngày nhận được thông báo nhập học, dượng và mẹ tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng hai người như bị “dội gáo nước lạnh” vì tôi thông báo chắc sẽ không đi học được vì tiền học phí quá cao.
Ngày hôm sau, lúc ăn cơm tôi thấy Kiến Hoa bỗng dưng khóc, dượng nói: “Điểm thi của con thấp thế thì học cấp ba làm sao được? Có học cũng phí công, tìm việc gì đó để đi làm!”
Theo dượng nói thì Kiến Hoa không đạt điểm trung bình nên không đi học nữa. Nhưng thường ngày dạy học tôi thấy Kiến Hoa học cũng rất tốt. Tôi ý kiến cho Kiến Hoa học ôn thi lại năm sau. Dượng lắc đầu nguầy nguậy, chỉ nói hai từ “Không được!” khiến Kiến Hoa càng lúc càng khóc to.
Cuối cùng, Kiến Hoa cũng không được thi lại, cậu phải đến một xưởng ô tô học việc. Còn tôi thì đến Vũ Hán để học tại một trường có tiếng. Bố dượng đưa cho tôi một món tiền rồi nói: “Thanh Thanh, cố gắng học, chú còn đây thì cháu không phải lo học phí.”
Nhìn dượng đôi hàng tóc mai đã bạc trắng, lẫn trong những nếp nhăn và sự dãi dầu mưa nắng là thần sắc mệt mỏi. Trong lòng tôi chợt ấm lại, chỉ thiếu chút nữa là tôi đã buột miệng gọi hai tiếng “Bố ơi…”
Dượng vẫn làm việc trong lò gạch, nghe mẹ tôi nói, bệnh ho của ông vẫn không khỏi. Một hôm, đang trong giờ học thì tôi nghe gọi thông báo nhà có việc gấp. Tôi luống cuống gọi về vì dượng xảy ra chuyện. Ông đang làm thì bị ngất trên đống gạch, ông nôn ra rất nhiều máu. Chủ xưởng gạch đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ thông báo ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Tôi xin nghỉ học về nhà, dượng nhìn thấy tôi liền nhoẻn miệng cười: “Thanh Thanh, về rồi à?” Tôi gật gật đầu. Dượng nói: “Chú cũng biết là cũng có vấn đề về sức khỏe, chú định cố gắng để nuôi cho cháu ăn học hết đại học, nhưng xem ra, mong ước này của chú sẽ không bao giờ thực hiện được rồi!”
Tôi khuyên dượng, hiện tại y học rất tiến bộ, bệnh này có thể điều trị được. Ông lắc đầu: “Lần này bị bệnh, lãnh đạo xưởng gạch và anh chị em công nhân thật tốt, họ đã quyên góp được một khoản tiền.” Nói xong, ông dõng dạc: “Bệnh này không điều trị được. Số tiền này không được đụng vào một xu và để dành để cho Thanh Thanh nộp học phí năm sau.”
“Bố!” Tôi nắm chặt lấy tay ông, tiếng “Bố” từ bao lâu kìm nén trong tôi bất chợt thốt ra. Bố dượng người như run lên, ông nghiêng về phía tôi: “Con, con… vừa nói gì thế?”
“Bố!” Tôi lại gọi “Bố” to hơn. Dượng nở nụ cười như được an ủi vô cùng, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi trên khuôn mặt khắc khổ: “Thanh Thanh, chỉ vì một tiếng “Bố” này của con, bố đã đợi chờ hơn mười hai năm trời. Hôm nay, cuối cùng thì bố cũng đã đợi được rồi, đợi được rồi!...”.
Tôi quay trở lại trường được hai mươi ngày thì dượng đã bình yên rời xa cõi đời. Trong điếu văn có đoạn: “…Xưởng gạch mỗi tuần có bữa ăn cải thiện, ông chỉ ăn một chút rau, còn những thức ăn ngon ông mang vào trong huyện, nói rằng con trai đang học thường phải thức khuya, cần ăn có dinh dưỡng hơn ông…” Lời điếu văn như lưỡi dao cắt lòng tôi, nhớ lại những gì tôi đã bất kính với dượng, tôi thật sự hối hận vô cùng.
Sau khi lo xong việc chôn cất cho dượng, tôi và em trai dọn dẹp đồ đạc của dượng, bỗng tôi tìm thấy một tờ giấy thông báo nhập học. Trên giấy tên của Kiến Hoa và bất ngờ hơn là em đã thi đỗ vào một trường trung học trọng điểm.
Tôi mông lung không hiểu. Kiến Hoa khóc nức nở: “Vì điều kiện kinh tế của bố đến nuôi anh học đại học cũng không đủ thì làm sao cho em đi học được? Bố nói là em là con đẻ của bố, em có chịu thiệt thòi một chút thì cũng không ai nói gì, nhưng nhất định không được để cho anh phải thiệt thòi. Bố cất giấu kĩ giấy báo nhập học của em, bố không cho em nói với anh và mẹ…”
“Những đợt sóng” cứ thế trào dâng trong lòng, phá tan “khóa tình cảm ngăn cách” mà từ trước tới giờ tôi vẫn khóa chặt. Tôi ôm chặt Kiến Hoa, nước mắt tuôn trào…
Tôi ôm di ảnh của dượng cung kính đặt vào phòng thờ, thắp ba nén nhang, tôi thầm khấn: “Bố ơi, con nhất định sẽ cố gắng nỗ lực để nuôi em ăn học nên người, bố ơi…”.
Tường Vy
Dịch từ nguyên bản tiếng Trung