Sau hơn một tháng trời vùi đầu vào bài vở và kết thúc năm học lớp 8, Khé vội gói ghém mấy bộ quần áo và đồ dùng cá nhân, tạm xa ký túc xá của nhà trường để về nhà với bố mẹ trong kỳ nghỉ hè hứa hẹn đầy vui vẻ.
Ngôi nhà Khé cùng với bố mẹ và em gái sinh sống nằm khuất sau khe núi dưới chân dãy Chiêu Lầu Thi hùng vĩ. Quê Khé vốn ở mãi bên xã Tân Lập của huyện Bắc Quang, cách đây hơn hai mươi năm bố Khé theo ông bà di cư đi làm kinh tế mới ở huyện Hoàng Su Phì và lập gia đình sau đó ra ở riêng. Khác với miền xuôi, ở các thôn bản của huyện Hoàng Su Phì mỗi gia đình dựng nhà biệt lập ở một quả đồi sát với những thửa ruộng bậc thang nhiều tầng bậc uốn quanh sườn núi. Dù chỉ có bố mẹ với hai chị em nhưng nhà Khé là một trong những hộ có nhiều ruộng nhất bản, mỗi năm cấy được hơn hai chục cân giống trên chân ruộng một vụ, những năm mất mùa kém nhất cũng thu được gần chục tấn thóc, ấy là chưa kể còn thu nhập từ trồng thảo quả, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò ít nhất cũng được gần trăm triệu đồng. Vì vậy, dù chưa phải là hộ giàu có nhưng nhà Khé cũng thuộc diện có của ăn của để trong làng.
Đời sống vật chất ổn định là thế nhưng với bố mẹ Khé thì luôn có một nỗi buồn canh cánh trong lòng. Ngày mẹ trở dạ chuẩn bị sinh ra Khé, bố Khé và bà đỡ ngồi canh ngóng chỉ mong mẹ Khé cho ra đời một thằng cu tí để nối dõi vì bố Khé vốn dĩ là con trưởng của dòng họ Phượng. Theo phong tục của người Dao, để mười hai bà Mụ trợ giúp cho mẹ Khé sinh nở mẹ tròn con vuông mọi người không ai được nói to, mẹ Khé dù bụng có đau đến mấy cũng không được kêu rên, bố Khé dù sốt ruột đến mấy cũng không được nói to hay thở dài kẻo động đến các bà Mụ. Vì thế ngay từ khi chưa sinh ra bố mẹ đã tâm niệm đặt tên con đầu lòng là Khé - ý muốn nói đến sự nhẹ nhàng và tỏ lòng hiếu khách để các bà Mụ chuyên tâm giúp mẹ sinh nở.
Minh hoạ: Lê Cù Thuần |
Sau khi sinh ra Khé là con gái bố mẹ Khé cũng có đôi chút buồn và hy vọng lần sinh nở sau sẽ có một thằng con trai để nối dõi. Vậy mà người tính không bằng trời tính, sau hơn 3 năm đứa em Khé được sinh ra vẫn lại là gái. Mặc dù rất yêu thương con nhưng bố mẹ Khé vẫn canh cánh trong lòng, sợ sau này không có ai nối dõi để hương khói cho tổ tiên. Sau những đêm dài thức trắng, trong đầu bố mẹ Khé nảy ra một ý mà sau này nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời của Khé. Và rồi ý định đó cứ nung nấu những hơn mười năm mà cả hai không thổ lộ cho Khé biết.
Nghỉ hè mới được hai ngày, sau bữa tối Khé và bố mẹ ngồi bên bếp lửa, ông bảo:
- Tối nay con chuẩn bị quần áo tư trang, sáng mai cùng bố mẹ về quê thăm ông bà nội.
- Ngày mai nhớ mặc quần áo đẹp vào nhé. - Mẹ Khé dặn thêm.
Bản tính vốn thích chân đi chân chạy nên nghe nói được về quê lòng Khé vui khôn xiết mà không nghĩ rằng bao trắc trở đang chờ mình ở phía trước. Gấp vội mấy bộ quần áo, Khé lên giường đánh một giấc đến tận sáng.
***
Sau hơn 3 giờ ngồi sau xe máy vượt qua mấy chục cây số đường đèo, cuối cùng Khé cùng bố mẹ cũng đến được nhà ông bà nội, nhưng ngồi chưa nóng chỗ, uống chưa xong chén nước bố mẹ Khé đã lôi cô dậy để sang nhà hàng xóm ăn cơm uống rượu. Cũng thật lạ, với người dân tộc Dao hiếm khi con gái được ngồi ăn cơm cùng mâm với bố mẹ, vậy mà bữa cơm hôm đó bên nhà hàng xóm của ông nội dù có những ba mâm cơm nhưng Khé lại được ưu tiên ngồi cùng bố mẹ và hai bác chủ nhà. Ngồi đối diện còn có một anh chàng trông khá kháu khỉnh nhưng nhút nhát, cả bữa chỉ cúi xuống ăn và rót rượu cho người lớn mà không nói được câu nào.
Mãi đến quá trưa khi mâm rượu đã tàn, đôi má Khé nóng phừng phừng vì được hai bác chủ nhà mỗi người mời một chén rượu thì bố Khé mới bảo:
- Khé à, hôm nay là bố mẹ cho con về quê vừa thăm ông bà, vừa có công việc. Đây là bố của Mềnh, nhà mình thì bố có lỗi với tổ tiên là không sinh được thằng con trai để sau này thờ cúng mà chỉ có hai chị em mày. Vì thế hôm nay bố mẹ đưa mày về để ra mắt ông bà, nếu mày ưng thì tý nữa làm thủ tục luôn để vài hôm nữa sẽ làm cái lễ để cưới nó về ở rể. Ý con thế nào?
Hai tai đang ù ù nghe không rõ vì mấy chén rượu, Khé tưởng bố mẹ nói là nhận Mềnh là con nuôi nên gật đầu liền và nói:
- Được bố ạ, nhà mình nhiều thóc, thêm người thì thêm bát thôi chứ có đói đâu mà.
Ngờ đâu chỉ vài phút sau bố mẹ Khé đã chuẩn bị sẵn một con gà thiến, một chai rượu, một ít bánh kẹo để sắp lễ và cúng tổ tiên để làm thủ tục xin cưới Mềnh về làm rể, đến lúc hai gia đình bàn đến chuyện lễ lạt thì Khé mới ngã ngửa.
Thì ra đã từ lâu sau khi mẹ Khé sinh hạ được em gái thì bố mẹ Khé đã có ý định sau này sẽ tìm một gia đình nào đó có con trai và có nguyện vọng ở rể thì sẽ làm thủ tục cưới rể vì phong tục của dân tộc Dao là thế. Nếu một gia đình nào đó không có con trai thì có thể tìm người ưng ý để cưới về ở rể. Nhưng để lấy được rể thì nhà gái phải chuẩn bị sính lễ đem đến nhà trai xin rể giống hệt như khi nhà trai đi hỏi vợ, sau đó thì hai bên gia đình sẽ làm lễ đổi họ cho chủ rể sang họ nhà vợ. Đổi lại, bên nhà vợ sẽ coi chủ rể như con trai và chủ rể cũng có mọi trách nhiệm với gia đình nhà vợ từ thờ cúng tổ tiên, chăm sóc bố mẹ, vun vén cho gia đình con cái như với gia đình bố mẹ đẻ. Sau khi tìm hiểu và đánh tiếng bố mẹ Khé biết được rằng ở quê nội có gia đình ông Hín sinh được ba người con trai, do hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn, ruộng nương lại ít nên đồng ý cho cậu út tên là Mềnh - hơn Khé năm tuổi đi ở rể.
Mừng như bắt được vàng, bố mẹ Khé nhiều lần đến gặp gỡ trao đổi và giao hẹn với nhau sau này khi hai đứa trưởng thành thì sẽ xin về làm rể nhà Khé. Thế nhưng cách đây vài tháng bố mẹ Khé nhờ một Sài Ông ở xã bên xem bói thì Sài Ông phán rằng hai đứa mặc dù tuổi tác có hợp nhưng năm nay phải cưới, nếu không thì phải đợi những năm năm nữa.
Trong lòng dù rất thương Khé nhưng nếu đợi những năm năm thì trong chừng ấy thời gian biết đâu lại có sự đổi thay, nếu Mềnh lại được nhà khác xin rể thì coi như tay trắng. Vả lại thấy Mềnh đẹp trai và ngoan ngoãn nên bố mẹ Khé quyết lấy về bằng được. Chính vì vậy sau nhiều vòng bí mật đàm phán đến hôm nay bố mẹ Khé mới dàn dựng màn kịch để Khé về ra mắt bên nhà chồng tương lai. Lần đầu thấy Khé xinh xắn và nhanh nhẹn và trong lòng cũng muốn gả con đi ở rể cho một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả để sau này con đỡ vất vả nên bố mẹ Mềnh cũng ưng liền cái bụng.
Biết được màn kịch sắp đặt của bố mẹ, Khé thấy trong đầu lộn nhào, quả tim đập thình thịch như muốn nổ tung lồng ngực mà không nói được câu nào. Thấy vậy bố Khé bảo:
- Con ạ, gái lớn thì phải lấy chồng, con chưa lớn nhưng Mềnh nó là người tốt, chăm chỉ hiền lành, sau này về làm rể nhà mình sẽ gánh vác trách nhiệm thay cho các con để thờ cúng tổ tiên. Trước mắt bố mẹ cứ đặt lễ để xin tổ tiên nhận nó về làm rể nhà mình trước đã.
- Nhưng con còn phải đi học mà bố... - Khé phản ứng yếu ớt.
- Lấy chồng thì lấy, còn học thì vẫn cứ đi chứ sao, ai cấm. Mà lúc nãy bố cũng đã thắp hương trên bàn thờ kia xin nó về làm rể nhà mình, được các cụ tổ tiên đồng ý rồi, giờ không chối được đâu.
Liếc sang bên cạnh thấy Mềnh cúi gằm mặt, hơn nữa thấy gia cảnh nhà Mềnh cũng khá vất vả làm Khé cảm thấy muốn chia sẻ miếng ăn miếng uống. Thấy con gái có vẻ xiêu lòng, mẹ Khé bồi thêm mấy câu:
- Thôi con ạ, con là phận gái, bố mẹ không sinh em trai nữa mà tập trung nuôi con và em con khôn lớn như này, đến giờ thì con cũng phải có trách nhiệm với bố mẹ chứ...
Nghe vậy Khé không biết nên giận hay thương bố mẹ vì trong trái tim non nớt của một cô bé mới chưa qua cái tuổi ăn tuổi lớn chưa nhận thức được những hệ lụy của cuộc sống hôn nhân ở tuổi vị thành niên. Nhưng quả thật, trong lòng Khé cũng thấy thương bố mẹ vì mấy lần đi ăn cỗ thấy toàn bị xếp ngồi vào các mâm ở góc nhà, rồi thì những tiếng trêu chọc nổi lên làm cho bố mẹ ăn cơm uống rượu cũng không ngon. Nhiều khi bố ốm hoặc lúc say rượu ngoài mẹ ra thì không có ai chăm sóc, việc nặng nhọc trong nhà cũng không có ai gánh vác. Những ý đó lướt nhanh qua đầu cộng với chút men rượu chưa tan hết làm cho Khé mạnh bạo gật đầu.
Lễ vật được bố mẹ Mềnh đặt vấn đề với bố mẹ Khé gồm có 15 đồng bạc già, 30 cân thịt lợn, 5 can rượu, 50 cân gạo nếp và 50 cân gạo tẻ. Cuối buổi hai gia đình thống nhất thời gian đến cuối năm sẽ cho hai đứa về ở với nhau.
Do Khé chưa đủ tuổi lấy chồng, nếu tổ chức hôn lễ sẽ vi phạm quy ước làng văn hóa và bị phạt nên hai gia đình thống nhất bố mẹ Khé sẽ đưa trước cho gia đình ông Hín 12 đồng bạc già, các lễ vật còn lại sẽ để dành đến khi Khé đủ tuổi thì mới đăng ký kết hôn rồi tổ chức lễ cưới và trao vào dịp đó.
Về nhà, bố mẹ Khé bán một con trâu được gần hai mươi triệu, vừa đủ mua 12 đồng bạc già làm sính lễ và làm vài mâm cơm để làm thủ tục với tổ tiên sau đó đón Mềnh đến ở hẳn nhà Khé mặc cho bạn bè và cô giáo can ngăn, thậm chí chính quyền xã còn gọi bố mẹ lên làm việc và phạt tiền vì hành vi tổ chức cho người dưới 16 tuổi chung sống như vợ chồng, nhưng sau rồi đâu vẫn vào đấy.
Những ngày đầu Mềnh mới về nhà Khé, hai đứa như người xa lạ cả ngày chẳng nói với nhau một câu, cứ cơm ai người đấy ăn việc ai người đấy làm. Bởi ở cái tuổi chân đi chân chạy dù có phổng phao đến mấy thì Khé cũng vẫn là đứa trẻ con, chưa thể mường tượng được thế nào là cuộc sống vợ chồng. Tối tối Khé cứ rúc vào nách mẹ để ngủ, khi thấy người lớn bảo vào phòng ngủ với Mềnh Khé thấy đỏ bừng mặt vì xấu hổ và lắc đầu quầy quậy. Về sau trong một vài lần nhà có khách Khé bị ép uống rượu đến say mềm rồi được người lớn bế vào phòng với Mềnh. Và về sinh lý hai người trở thành vợ chồng từ đó.
Nhưng rồi, cuộc sống vốn không đơn giản như suy nghĩ của con người, nhất là với những thiếu niên ngây thơ chưa có kinh nghiệm sống như Khé. Sau khi Mềnh chuyển đến ở như vợ chồng với Khé được mấy tháng thì Khé học hết lớp 9 rồi bỏ học gác lại ước mơ sau này sẽ đi thoát ly làm cán bộ Nhà nước, và hơn một năm sau thì sinh được một bé trai, dù thiếu tháng nhưng nhờ Trời cậu bé cũng hay ăn chóng lớn. Chỉ tội cho Khé, sau khi ở với Mềnh và sinh con được hơn hai năm, cuộc sống đời thường đầy dẫy những gian truân vất vả trong khi kinh nghiệm sống, nuôi dạy con, cách chăm sóc bản thân hầu như không có đã biến Khé từ một nữ sinh xinh xắn, lanh lợi trở thành người phụ nữ nhỏ thó đen đủi và nhàu nhĩ, chân tay quần áo lúc nào cũng nhọ nhem.
Còn với Mềnh, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên ước nguyện duy nhất là có ruộng nương, có trâu cày và được ăn no mặc ấm. Vả lại từ nhỏ đã không được học hành, ít va chạm nên nhận thức xã hội không nhiều nên suốt ngày Mềnh chỉ chuyên tâm vào việc ruộng nương với chuồng trại. Sống với nhau như vợ chồng thế nhưng chưa bao giờ hai người ngồi nói chuyện với nhau hay chia sẻ tâm tư, tình cảm. Cả ngày Mềnh đi làm ngoài ruộng nương hoặc đi uống rượu với anh em bạn bè, tối đến chẳng cần tắm rửa cứ để người khét lẹt như thế mà lăn lên giường đánh một giấc tới sáng mặc kệ việc chăm sóc con cho Khé kể cả những lúc trái nắng trở trời. Thấy Khé vất vả, bố mẹ Khé cũng phụ giúp nhưng không thể làm hết được những thiên chức làm mẹ của Khé, càng không thể vá víu những lỗ hổng trong đời sống tình cảm của Khé với Mềnh.
Cứ thế, ở với nhau được hơn hai năm cuộc sống nhạt nhẽo tù túng khiến khát vọng được giải thoát chợt xuất hiện và lớn dần theo mỗi ngày trong lòng Khé. Nhìn đám bạn học cùng lớp ngày nào đứa thì đi công tác, đứa đi làm công ty kinh tế khá, giả cuộc sống đỡ vất vả hơn nghề làm ruộng, ngẫm lại Khé mới thấy ngày ấy mình sai lầm, nóng vội. Dù cuộc sống vất vả nhưng ở tuổi mười bảy Khé đã chững chạc, chín chắn hơn, cô nghiệm ra rằng cuộc sống hạnh phúc vợ chồng không chỉ đơn giản là miếng ăn, nhà cửa đất đai hay con cái, càng không thể chỉ có lòng thương hại mà phải có tình yêu, sự chia sẻ của cả hai người. Và Khé nghĩ cuộc sống hôn nhân của mình không thể kéo dài như vậy đến hết đời được.
Sau cả năm đấu tranh tư tưởng để lựa chọn giữa hai con đường, một bên là bằng lòng với thực tại để tiếp tục cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, một bên là mong muốn được ăn học để thành người, một bận trong lúc Mềnh đi uống rượu ở nhà hàng xóm Khé mạnh dạn nói với bố mẹ:
- Bố à, mẹ à, chúng con phải chia tay nhau thôi.
Nghe vậy bố Khé trầm tư suy nghĩ vì ông biết sớm hay muộn thì Khé cũng nói ra điều này. Sau một hơi thuốc lào ông mới chậm dãi:
- Không thể được, vì thằng Mềnh đã được tổ tiên nhận làm ma ở nhà này rồi...
- Con không thể sống cuộc sống tù túng mãi thế này, anh Mềnh cũng chịu khó nhưng bố mẹ thấy đấy, anh ấy không có tình cảm với mẹ con con mà chỉ yêu thương mấy thửa ruộng, đàn trâu nhà mình thôi, anh ấy bằng lòng với cuộc sống thực tại, miễn sao có đủ cơm ăn áo mặc. Nhưng con thì khác, con phải đi học, phải đi làm cán bộ chứ không thể quanh quẩn với mấy mảnh ruộng khoảnh nương như này...
Nghe Khé trần tình thổ lộ, mẹ Khé thấy như nát trong lòng vì thương Khé một phần và quả thực bà cũng thấy thương Mềnh vì cái tính chịu khó rồi cũng đã sống với gia đình được hơn hai năm, tình cảm ban đầu chỉ như sợi chỉ nhưng giờ đã to như cái thiếu cày nên trong lòng cũng không muốn bỏ. Bà bảo:
- Thôi con ạ, cuộc sống khó khăn vất vả nhưng được cái thằng Mềnh chịu thương chịu khó, tao với bố mày ngày xưa cũng thế, ông bà đi hỏi và đi lấy về cho thì mới biết mặt nhau và ở với nhau đến giờ đấy thôi. Là con gái thì chỉ cần lấy được người chồng chịu khó làm ăn như thế là được rồi...
Nghe vậy, Khé cương quyết:
- Con quyết như vậy rồi, ngày trước bố mẹ sai lầm, con cũng sai lầm giờ thì vẫn có cơ hội sửa sai. Con năm nay mới mười bảy tuổi chưa đủ tuổi nên chưa đăng ký kết hôn thì chia tay nhau cũng không có gì phiền phức cả. Còn thủ tục với ông bà tổ tiên thì bố mẹ cứ làm theo phong tục thôi...
Sau nhiều lần đấu tranh, nảy lửa cũng có mà khuyên nhủ cũng có, cuối cùng bố mẹ Khé cũng phải nghe lời. Và thật lạ, trong buổi họp gia đình để bàn chuyện hôn nhân Mềnh đón nhận chuyện đó một cách bình thản và tỉnh queo như không. Cậu chỉ đề xuất xin bố mẹ chia cho một ít ruộng để làm ăn, còn thằng bé thì nhờ bố mẹ Khé chăm nuôi hộ.
Cuộc hôn nhân buồn tẻ và chóng vánh giữa Mềnh và Khé rồi cũng đi đến hồi kết. Bố mẹ Khé cũng nghiệm ra một điều là hôn nhân không thể mua được bằng tiền, phong tục tập quán không thể áp vào cho giới trẻ bây giờ. Thương Mềnh, bố mẹ Khé ra Ủy ban xã làm thủ tục tách thửa đất cho Mềnh mấy khoảnh ruộng bậc thang và làm cho một cái nhà nhỏ để sinh sống.
Sau khi chia tay, Khé đăng ký đi học bổ túc Trung học phổ thông ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đúng như lời cam kết với bố mẹ khi ông bà ra điều kiện với Khé là phải chuyên tâm ăn học để thành người, hơn hai năm sau thì tốt nghiệp và trúng tuyển vào Học viện hành chính Quốc gia. Để sửa chữa sai lầm lớn nhất của mình, trong suốt thời gian Khé đi học ông bà chịu trách nhiệm nuôi dạy bé Nu - con trai của Khé với Mềnh. Cuộc sống va vấp ngay từ những ngày niên thiếu đã rèn rũa, giúp cho Khé trưởng thành chững chạc hơn. Trong hơn sáu năm đi học bổ túc văn hóa rồi học đại học, Khé tranh thủ mỗi ngày nửa buổi để đi học và làm thêm nghề chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ để vừa kiếm tiền trang trải, giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính cho bố mẹ vừa tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống.
Còn với Mềnh, sau khi chia tay được gần một năm thì cậu lại được một gia đình ở xã bên xin về làm rể. Theo đúng phong tục truyền thống, bố mẹ Khé đứng ra tổ chức đám cưới cho Mềnh và mua lại mấy thửa ruộng trước đây ông bà đã tách thửa sang tên cho Mềnh với số tiền hơn hai mươi triệu đồng để Mềnh làm vốn liếng khi xây dựng cuộc sống ở gia đình mới.
Và một niềm vui nữa đến với Khé, trong đợt thi tuyển công chức vừa qua cô đã trúng tuyển vào công tác tại một cơ quan chuyên môn của huyện. Gác lại chuyện đời sống tình cảm riêng tư, đến giờ khi cuộc sống đã một phần yên ổn ngẫm lại Khé mới thấy mình may mắn và nhận ra rằng trong cuộc đời ai cũng có thể có những va vấp, những sai lầm, thế nhưng quan trọng nhất là khi đứng giữa hai con đường thì phải sáng suốt nhận ra được đâu là còn đường mình nên đi, phải đi, và phải làm gì để sửa chữa những sai lầm đó để tìm đến cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp hơn. Phong tục tập quán, dù có nhiều mặt tốt nhưng cũng có không ít những hạn chế, nếu không biết nhìn nhận một cách toàn diện để chắt lọc mà cứ mù quáng tuân theo thì sẽ là rào cản đối với sự phát triển của mỗi người cũng như cả xã hội. Và Khé cũng thấy mình may mắn vì đã được bố mẹ sửa chữa sai lầm và hậu thuẫn giúp mình thoát ra được cái vòng luẩn quẩn ấy để tạo dựng cuộc sống mới.
Truyện ngắn của Trần Chí Nhân