Sáng tác

Hành trình của hòa bình

Nhà thơ cựu binh Kevin Bowen
Văn học nước ngoài
11:12 | 29/09/2024
Baovannghe.vn- Năm 1986, tôi rời Boston để thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Tôi đi cùng với một nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliffe. Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.
aa
LTS: Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định trao tặng Huân chương Hữu nghị cho hai nhà thơ Mỹ Kevin Bowen và Bruce Weigl vì “Đã có đóng góp tích cực trong việc tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam, tổ chức giao lưu, kết nối các nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ”. Lễ trao tặng Huân chương diễn ra vào 15h30 ngày 22-9 tại New York (khoảng 2h30 ngày 23-9 giờ Việt Nam). Với mong muốn giúp độc giả hiểu hơn về đóng góp của các nhà văn hai nước trong tiến trình xây dựng nhịp cầu hữu nghị, Văn nghệ trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Kevin Bowen.

Dù có rất nhiều viện, trung tâm nghiên cứu tại các trường đại học ở Mỹ và trên toàn thế giới, Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Mỹ (nay là Viện Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội William Joiner) vẫn là độc nhất vô nhị. Tôi trở thành sinh viên của Đại học Massachusetts Boston (UMass Boston) vào tháng 1/1969, bốn tháng sau khi trở về từ Việt Nam. Tôi thấy mình ngồi trong lớp học với đầy cựu chiến binh khác.

Hành trình của hòa bình
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà thơ Bruce Weigl hôm 22-9 tại New York. Vì điều kiện khách quan, nhà thơ Kevin Bowen không kịp đến buổi lễ.

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Mỹ cô lập Việt Nam. Nhưng đó không phải là điều diễn ra trong các cựu binh. Nhiều người bắt đầu kể những câu chuyện về cuộc đấu tranh của bản thân để “thích nghi” với đời sống xã hội sau thời gian tham chiến, về sự bất công và quên lãng mà họ phải đối mặt. Nhiều cựu chiến binh có những mối liên hệ sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam và mang một khát vọng cháy bỏng là làm một việc gì đó tốt, tạo ra một vài giá trị ở một đất nước mà những gì còn lại dường như chỉ là nỗi đau và sự chịu đựng. Liên hệ với Việt Nam trong những ngày đó là rất khó khăn. Lệnh cấm vận vẫn còn khiến cho việc đi lại gần như là không thể.

Năm 1986, tôi rời Boston để thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Tôi đi cùng với một nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliffe. Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, bàn chân tôi có cảm giác kết nối với mặt đất, toàn bộ cơ thể tôi thức dậy, không phải trong bầu không khí cảnh giác cao độ của chiến tranh mà là sự công nhận và trân trọng đối với sự thống nhất và toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc. Trong chuyến đó, tôi đã đi qua những khu vực mà tôi từng ở trong chiến tranh. Ở Huế, tôi gặp người lãnh đạo của phong trào kháng chiến địa phương, Nguyễn Văn Lương. Bên bàn ăn tối, ông ấy đề nghị nâng cốc. Ông ấy giơ tay lên và nói: “Chúng ta đã từng gặp nhau như những người lính cầm súng, giờ chúng ta gặp nhau như những giáo viên cố gắng kiến tạo hòa bình. Hãy nhớ rằng ông luôn được chào đón ở đây”.

Hành trình của hòa bình
Đại diện Ban đối ngoại Trung ương trao huân chương cho nhà thơ Kevin Bowen.

Lời khích lệ này đã giúp tôi trở lại Việt Nam vào năm 1987 với nhóm USIRP, cùng với một vài cựu binh khác muốn thiết lập những chương trình trao đổi giữa hai nước. Tháng 1/1988 là chuyến đi đầu tiên của phái đoàn thuộc Trung tâm Joiner tới Việt Nam với những chuyên gia về y tế công cộng, bác sĩ, lịch sử, khoa học thư viện, nghệ thuật, hậu quả của chiến tranh với tâm lý và xã hội. Cuối năm đó, tôi trở lại Việt Nam với vợ của tôi, Leslie, người đã rất yêu Việt Nam và trong 20 năm sau đó đã mở cửa nhà chúng tôi cho rất nhiều khách Việt Nam và rồi họ cũng như những thành viên của gia đình chúng tôi.

Điều đã thay đổi nhiều nhất qua năm tháng, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi có bạn bè và gia đình, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần.

Cũng trong những chuyến đi đầu tiên, chúng tôi gặp Lê Lựu, người sau này trở thành chiếc cầu nối đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi với Việt Nam. Ông giới thiệu chúng tôi tới trung tâm chăm sóc thương binh và giới thiệu chúng tôi đến nhà văn Việt Nam đầu tiên. Mùa hè đó, ông cùng bạn của mình, Nguỵ Ngữ, là những vị khách nhà văn Việt Nam đầu tiên của chúng tôi đến Mỹ. Tiểu thuyết Thời xa vắng của ông là cuốn sách đầu tiên chúng tôi dịch và là bản dịch đầu tiên của Việt Nam nhận được tài trợ từ Quỹ quốc gia vì nghệ thuật. Lê Lựu và Nguỵ Ngữ tham gia cùng chúng tôi trong Hội thảo các nhà văn vào mùa hè, một sự kiện hội tụ các cựu binh và những người viết về chiến tranh một cách nghiêm túc.

Những chuyến thăm đầu tiên đó không dễ dàng. Có rất ít nguồn tài trợ. Các nhà văn Việt Nam phải ở cùng gia đình tôi ở Dorchester hoặc nhà của những người bạn Việt Nam. Những tác giả Mỹ thì ngủ ở trại ở ngoài sân nhà tôi cũng như ở nhà của đồng giám đốc David Hunt. Ngôn ngữ vẫn ngăn cách chúng tôi; chúng tôi dựa vào một số người bạn Việt Nam như Nguyễn Bá Chung hay Ngô Vĩnh Long để có thể trao đổi với các nhà văn Việt Nam.

Nhưng khó khăn không ngăn cản những vị khách Việt Nam mời các nhà văn Mỹ sang tham dự hội thảo các nhà văn cựu binh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm sau đó. Nhiều nhà văn Mỹ đã thúc đẩy dự án này. Bruce Weigl, cùng Nguyễn Thanh, một sinh viên trẻ làm việc tại Trung tâm, thực hiện những bản dịch về sau trở thành tuyển tập Poems from Captured Documents (Thơ từ những tài liệu thu giữ), gồm những đoạn microfilm chụp lại những lá thư, những cuốn sổ tay của những người lính Việt Nam bị chết hoặc bị bắt trong chiến tranh. Larry Heinemann sẽ trở lại nhiều lần, để làm bộ phim Bicycle Doctors (Những bác sĩ xe đạp) cùng với Larry Rotman, nghiên cứu những câu chuyện dân gian và viết cuốn hồi ký Black Virgin Mountain (Núi Bà Đen), kể lại sự gắn bó của ông với Việt Nam. Wayne Karlin tiến hành dự án với Curbstone Press để giới thiệu các tiểu thuyết Việt Nam…

Hội thảo của chúng tôi trở thành một điểm kết nối các nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam và các nhà văn, nghệ sĩ Mỹ. Mỗi năm, khi mùa xuân đến, những câu hỏi lại xuất hiện: Nhà văn nào sẽ đến năm nay?

Tôi đã có may mắn trong những năm đó là được đón các nhà văn trở thành khách của nhà tôi, chia sẻ những giây phút tĩnh lặng với họ bên hành lang sau nhà, cùng nấu ăn, nhìn hoa trong vườn nở. Có những năm Đỗ Chu đã vẽ chân dung mọi người. Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và sau đó Tô Nhuận Vỹ thay nhau bế đứa con mới sinh Lily của tôi. Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh và những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có một nửa là Ireland và một nửa là Việt Nam. Có quá nhiều kỷ niệm. Ai có thể quên được khúc đồng diễn Sông Hương được chơi ở sân sau nhà tôi ở Dorchester, hay Chu Lượng, Lương Tử Đức, Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quang Thuật, lập một nhà hát múa rối nước mini và biểu diễn cũng ở khoảng sân đó? Làm sao quên cảnh Nguyễn Quang Thiều hướng dẫn một nhóm dân làng ở Ireland hát một bài dân ca Việt Nam? Và tất nhiên, tất cả các bữa tiệc chia tay ở sân sau nhà chúng tôi, các nhà văn Việt Nam nấu ăn và hát dưới những cây đào và cây táo.

Những tuyển tập, sách, bài báo viết về các tác phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện. Thời xa vắng được Nhà xuất bản Đại học Massachusetts xuất bản. Writing between the Lines (Viết giữa những lằn ranh) là một tuyển tập những bài thơ và truyện của các nhà văn từ cả hai phía cũng đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Bản thảo mà Vũ Tú Nam, Chính Hữu và Anh Ngọc trao cho chúng tôi đã trở thành tuyển tập song ngữ Mountain River (Sông Núi). Martha Collins và Thùy Dinh dịch Green Rice (Lúa xanh) của Lâm Thị Mỹ Dạ. Martha Collins cũng dịch Người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Bá Chung và tôi dịch Distant Road (Đường xa) của Nguyễn Duy. George Evans và Nguyễn Quý Đức dịch The Time Tree (Cây thời gian) của Hữu Thỉnh. Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung hợp tác để dịch Góc sân và Khoảng trời của Trần Đăng Khoa. Tập thơ của các nhà thơ Việt Nam và một loạt các xuất bản phẩm của Curbstone cũng ra đời.

Đã có những quãng thời gian khó khăn như: sự không hiểu nhau giữa các nhà văn, sự tấn công thù địch của các cựu binh Mỹ vẫn bị nỗi tức giận và lòng hận thù của chiến tranh ám ảnh. Họ chỉ trích chúng tôi dịch thuật tác phẩm của nhà văn Việt. Có cả những lời đe dọa giết, đánh bom và biểu tình trong nhiều năm. Một chương trình được lên kế hoạch, gồm nhiều cuộc biểu tình, những chiến dịch viết thư, những bài báo chứa đầy những lời dối trá và bôi xấu cá nhân và một vụ kiện kéo dài 4 năm.

May mắn là tôi có nhiều bạn bè. Và chúng tôi có Việt Nam. Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn. Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên, bạn bè tôi trở thành ông bà. Nói về đất nước của chúng tôi, những cái đúng và sai của họ. Những bài thơ, bộ phim, âm nhạc của họ. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm điều gì. Có thể là sự hiểu nhau. Hòa bình. Tình yêu. Sự giác ngộ.

Hành trình này đã lên đến đỉnh điểm khi Nguyễn Duy, Nguyễn Bá Chung và tôi bắt đầu dịch Thơ thiền Lý-Trần. Công việc dịch của chúng tôi diễn ra đồng thời với việc đi thăm các ngôi chùa, trèo lên những ngọn núi. Còn có chặng hành trình nào tuyệt vời hơn thế - hành trình từ chiến tranh đến hòa bình?

Kevin Bowen | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

BÁC HỒ với đời sống tâm linh Về đời sống thi ca hôm nay Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học Đưa nghệ thuật đến gần hơn với đời sống Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.