Thi hào Nga Mikhail Lermontov. Ảnh: Internet |
Bằng dòng máu nhơ bẩn lũ bay khôn rửa
Vết máu thiêng thắm đỏ của thi hào!
Bài thơ bi tráng Cái chết của nhà thơ với hai câu kết đanh thép ấy nhanh chóng lan truyền khắp kinh thành Saint-Peterburg bằng hàng vạn bản chép tay, trong một chiều đông lạnh giá ngày 10 tháng 2 năm 1837 khi Aleksandr Puskin tử thương do đấu súng với viên sĩ quan cận vệ người Pháp. Công chúng văn học tức khắc đồng thanh: Người kế tục sự nghiệp thi ca của Puskin đây rồi. Từ trước đến giờ phút bi thảm ấy, Mikhail Lermontov hoàn toàn vô danh. Đương kim Hoàng đế Nikolai I không nghĩ như vậy. Nhận được một bản chép tay với lời bút đề: “Hiệu triệu cách mạng”, ngài ngự nổi trận lôi đình, lệnh lập tức bắt giam “kẻ mất trí”, nhanh chóng kết tội trung úy cận vệ quân Lermontov, tức khắc đầy làm bộ binh dã chiến tới chiến tuyến Kavkaz, nơi đang diễn ra những trận chiến ác liệt. Chỉ 4 năm sau, ngày 27 tháng 7/1841 trung úy Lermontov đã bị bắn chết ở chân dãy núi Kavkaz, không phải trên chiến trường, nơi, theo cả loạt nhân chứng, ông đã chiến đấu gan dạ đến liều lĩnh, mà cũng lại do đấu súng, vì sự va chạm cá tính sắc cạnh của nhà thơ với thói tự ái nhỏ nhen của đối thủ đồng ngũ.
M. Lermontov qua đời khi mới 27 tuổi, trẻ hơn mười tuổi so với bậc tiền bối ông từng khóc than thương tiếc!
Người ta thường gọi nhà thơ kế nghiệp Puskin là ngôi sao băng trên bầu trời văn học Nga: vụt lóe lên chói lọi, nhưng quá ngắn ngủi, vẻn vẹn 4 năm 5 tháng 17 ngày. Trong hơn 4 năm ngắn ngủi ấy lại hai lần bị lưu đày ở miền núi Kavkaz, sung vào quân đoàn dã chiến. Vậy mà ông vẫn kịp để lại cho đời ngót trăm bài thơ trữ tình da diết và bi tráng, 4 trường ca, trong đó hai bản lừng danh là Bài ca về thương gia Kalashnikov và Tu sĩ, vở kịch không kém nổi tiếng Vũ hội trá hình và thiên tiểu thuyết bất hủ - Một anh hùng thời đại.
Kỷ niệm 210 năm sinh Mikhail Lermontov, chúng tôi trân trọng giới thiệu ba bài thơ của ông.
Thiên thần lặng lẽ bay trong đêm,
Khẽ hát lên bài ca êm đềm,
Cả trăng, cả sao, mây từng đám
Lẳng lặng lắng nghe giai điệu thiêng.
Thần ca phúc phận hồn trinh bạch
An nhiên dạo gót vườn Địa Đàng;
Lại ca Thiên chúa ngôi vĩ đại,
Lời ca chân thật, chẳng gian ngoan.
Nâng niu hồn niên thiếu trên tay,
Thần ban trần ai lệ sầu đầy;
Thiên khúc vẫn ngân trong hồn trẻ,
Không thành lời, hằng vang vọng bên tai.
Từ ấy hồn trẻ trung khắc khoải,
Chứa chan niềm ước vọng diệu kỳ;
Câu ca buồn tẻ nơi trần thế
Thay sao khúc thiên đường mê ly.
1831
Buồm ai thấp thoáng cô đơn
Lướt trong sương sớm dập dờn biển khơi.
Tìm gì ở cuối phương trời?
Giã từ chi đó ở nơi quê nhà?
Gió gào thét, sóng giỡn nô,
Cột buồm ken két cơ hồ đổ nghiêng.
Không màng tìm hạnh phúc riêng,
Hững hờ chẳng trốn mọi niềm sướng vui!
Mạn thuyền dòng biếc trôi xuôi
Trời xanh rực rỡ mây phơi ánh hồng…
Nhưng buồm khao khát cuồng phong,
Dường trong bão tố bão lòng mới yên!
1832
(Phỏng thơ Byron)
1
Dẫu quỳ bên chân người đẹp khác,
Tôi vẫn không quên đôi mắt em;
Yêu người mới vẫn hoài đau khổ
Bởi tình xưa khắc khoải trong tim;
Ký ức tôi như loài quỷ dữ,
Chuyện xa rồi mà mãi bới tìm,
Mình với riêng mình tôi tự nhủ:
Tôi yêu, tôi yêu chỉ mình em!
2
Em nay đã về nơi người khác,
Lãng quên rồi thi sĩ mến thương;
Từ ngày ấy ước mơ vẫy gọi
Tôi trốn chạy xa đất quê hương.
Một con tàu đưa tôi đi vội
Tới bến bờ kia không tiếng tăm,
Những sóng trùng dương hoài nhắc nhở:
Tôi yêu, tôi yêu chỉ mình em!
3
Đời huyên náo không bao giờ biết
Em yêu ai tha thiết dịu dàng,
Tôi đau khổ sao? Bao năm tháng?
Kỷ niệm da diết nỗi đa mang…
Dù nơi đâu tôi mong tìm lại
Thuở xa xưa tĩnh lặng bình yên,
Con tim tôi vẫn thầm nhắc nhở:
Tôi yêu, tôi yêu chỉ mình em
1831
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: