Nhưng bây giờ thì chúng tôi có kinh nghiệm rồi. Cơm trộn cháo và mẻ, nặn thành từng viên nhỏ, phơi ba ngày bốn đêm sương, người điếc mũi từ xa ngửi cũng thấy, thì cá nào cũng ham.
Ha! Cá tham mồi nên mắc lưỡi câu. Chưa kể, theo tập tính từng loại, cho đặc sản xuống, nhử các cậu, chẳng hạn, giun chỉ mà thả xuống, chép ta lao tới xinchết cả đàn là cái chắc!
Bây giờ thì chúng tôi chỉ việc thả cần xuống rồi giật. Giật liên hồi. Giật sướng tay. Giật mỗi tay thì thôi. Có lần tôi giật được cả một con chép mười kilô, gẫy đôi cần câu. Và chẳng hôm nào cái giỏ của chúng tôi không đầy nhóc mè, rô, chép, quả. Ôi! Có gì còn mê hơn là đi câu cá.
Nhưng, hôm nay, lần mò tới bờ hồ này, nép vào một búi chuối hột, thả cần xuống, tôi thấy như động vào vũng nước chết. Cả thằng Hiệp đi cùng tôi, ngồi cách tôi hai búi chuối nữa cũng vậy. Mười lăm phút trôi rồi mà chiếc phao vẫn không hề động đậy. Sốt ruột, Hiệp định nhấc cần, mò sang tôi. Nhưng, chưa kịp thực hiện ý định, nó đã vội giật cần, phắt dậy, gào một tiếng to rồi cắm đầu chạy. “Chạy đi, Tầng ơi!”
Hốt hoảng sợ hãi thế có lẽ là vì Hiệp vừa trông thấy ông Pồn. Hai năm nay, ông Pồn trúng thầu, được nhận khoán, làm chủ cái hồ rộng hơn năm mẫu này. Ông Pồn thỉnh thoảng lại đi tuần quanh hồ. Ông đi rình bắn con rái cá. Ông đi bắt bọn câu cá trộm.
Tôi xách cần và giỏ chạy theo Hiệp, nhưng còn kịp ngoái đầu lại. Tuy vậy, giá đừng ngoái lại còn hơn. Thà là thấy ông Pồn. Ông Pồn, to như ông hộ pháp trên chùa. Ông Pồn mặt tròn phính, râu quai nón viền quanh mặt rậm rì. Ông Pồn vác con dao quắm lưỡi sáng trắng như bôi vôi. Con dao quắm chém đứt đôi người con gấu ngựa. Ông Pồn tóm gáy kẻ câu trộm, nhấc lên, như người ta nhấc con cua, con nhái.
Ông Pồn! Nếu là ông Pồn thì cũng đáng hãi lắm rồi.
Lông vằn vàng sọc đen như lưỡi lửa. - Ảnh minh họa từ Pixabay. |
Thế mà không phải là ông Pồn. Mà là ông hổ. Ông hổ. Một ông hổ choai. Lông vằn vàng sọc đen như lưỡi lửa. Đuôi dài. To bằng con bê con. Vừa ra khỏi cái lều canh ao của ông Pồn, nhìn thấy chúng tôi, ông liền há mồm ngáp dài một cái, thè lè cái lưỡi đỏ lòm, hai bên trắng ởn hai chiếc răng nanh, nhọn hoắt rồi ngậm miệng lại, ông lừ đừ đi phía chúng tôi đang chạy. Theo sau ông hổ là ông Pồn vai vác cây dao dài. Bóng ông Pồn và ông hổ in trên mặt nước hồ lặng tờ, uy nghiêm như bóng hai người lính canh ao.
***
Hoá ra ít lâu nay ông Pồn đã nuôi hổ để canh ao cá mà bây giờ cả làng tôi mới biết. Chà! Chuyện ông Pồn nuôi hổ lạ mà cũng không lạ. Vì ai cũng biết, ông Pồn cự ngu ở đất này từ hồi đây chỉ là một vùng mông quạnh, ngoài ông ra, không có bóng người thứ hai. Ở đây, ông là cơ sở đầu tiên của cách mạng ở tỉnh này. Ở đây, ông sống cạnh hươu nai, cáo cầy, hổ báo. Có lần gặp con hổ cúi đầu uống nước ở suối quá lâu chắn mất đường đi, ông còn vỗ mông nó, giục: “Uống nhanh lên, lấy chỗ tao đi chứ!” Ông sống giữa cây cỏ, muông thú. Và cây cỏ, muông thú đối với ông như bạn bè, hàng xóm chốn làng quê.
Thế còn ông hổ này? Về ông hổ này, ông kể:
- Một lần, mình đi uống rượu ở nhà Ké Bài về. Uống nhiều quá, bị rượu nó uống lại, say tít, lăn ra giữa đường ngủ mê mết. Gần sáng, sực tỉnh thì thấy mưa mù mịt trước mặt. Quái, mưa sao người không ướt, đất xung quanh, cây cối xung quanh cũng không ướt? Lại nghi thấy mùi hôi sặc. Mình ở đâu thế này? Nghĩ mãi một câu ấy thì chợt nhớ ra rằng giống hổ nó có thói quen như thế. Nghĩa là gặp người say rượu đang ngủ, nó sẽ đi tới gần, há mồm phun mưa vào mặt người đó, để người đó tỉnh rượu rồi nó mới ăn thịt. Trời! Nghĩ thế, cố mở mắt mà không được, nhưng may óc còn nhớ có cây dao đeo bên sườn. Thế là rút dao ra, lia một cái rõ mạnh. Và nghe thấy phựt một cái.
- Trúng con hổ?
- Có lẽ là trúng chân nó thôi.
Nó là ông hổ con bác đang nuôi đây à?
Không! Nó là con hổ bố, nó là hổ đực. Nó đang đi tìm con hổ con này để ăn thịt. Nó to hơn con ngựa ba tuổi.
- Ôi chà! Bố ăn thịt con!
- Hổ đực nó không biết gì đến tình bố con đâu. Một lần tôi nhìn thấy nó đuổi bắt con hổ con này. Nó dữ lắm. Được bảy tuổi rồi. Dài, cả đuôi phải tới ba mét đấy. Khổ, hổ con có nhiều kẻ thù đe dọa lắm mà.
- Thế mẹ nó không bảo vệ nó à?
- Có chứ. Hổ con không dựa cậy vào mẹ thì dựa cậy vào ai? Mẹ nó sinh được hai con. Tôi còn thấy hai con nó vật nhau, đùa nghịch với nhau như hai con chó con mà. Nhưng, một con đã bị chó sói ăn thịt rồi. Sói nó về cả một đàn mười hai con. Hổ mẹ chống chọi lại được cũng vất vả lắm.
- Thế còn con hổ con bác đang nuôi đây?
- Ồi, tôi biết nó từ lúc nó mới được năm tháng tuổi. To hơn con chó một tí thôi. Còn khuôn mặt, bộ lông nó thì y hệt con mèo. Lúc ấy nó chỉ là con mèo to, nhưng không biết leo trèo thôi. Mẹ nó đi kiếm ăn. Nó nằm trong ổ chơi với ngọn cây, cồ đá. Mẹ nó có bốn vú. Mồm ngậm một vú, tay nó nghịch một vú, như đứa trẻ bú tí mẹ ấy. Nó cũng giống đứa trẻ, nó sợ bóng đêm. Tối đến là nó rúc vào lòng mẹ. Mẹ nó có lãnh thổ riêng. Mưa gió xoá hết dấu vết lãnh thổ đã được đánh dấu, nó cũng vẫn nhớ vùng đất riêng tìm về. Mưa to gió lớn, cây cối dầm dề tốt tươi, cũng chẳng thấm qua được bộ lông dầy rậm của nó. Nó chẳng ngại gì. Chỉ ngại nhất là con hổ đực.
- Con hổ bố?
- Chứ còn gì. Phải đánh nhau với con hổ đực để bảo vệ con. Hây dà, ác liệt lắm. Một lần, đánh nhau với con hổ đực, nó bị bại một bên chân. Lần khác, nó gẫy một răng nanh. Còn lần cuối cùng, nó bị tám vết thương.
- Những tám vết thương
- Thế đấy. Tám vết thương, ở đầu, ở cổ, ở lưng, ở sườn. Đau lắm. Nó liếm láp rồi nằm liệt một chỗ. Rồi nó lên cơn sốt. Nó gầm gào đau đớn. Rồi nó gượng dậy, khập khiễng lê từng bước đi.
- Nó bỏ con nó
- Ừ, nó bỏ con, vì biết không thể sống và tiếp tục nuôi con được. Hừ, chuyện ấy một buổi sáng tỉnh dậy hổ con mới được biết. Tinh dậy, thoạt đầu không thấy mẹ, nó bổ nháo bổ nhào đi tìm. Đi tìm mẹ gần không thấy thì phải đi xa. Nhưng, đi xa được một quãng nó lại về vùng lãnh thổ quen thuộc của mẹ nó. Rồi nó ở đó, gào khóc, rên rỉ. Gay go rồi! Mới có tám tháng tuổi, biết kiếm ăn thế nào bây giờ, tuy là móng vuốt cũng đã sắc. Còn đang là tuổi nhi đồng bắt khỉ cũng chẳng nổi mà. Vì có biết leo trèo đâu. Khỉ lại là giống quá khôn ranh; ở dưới đất chúng yếu lắm, nhưng nhác thấy bóng hổ là chúng đã leo tít lên ngọn cây, phát huy sở trường đu chuyền và la hét vang động cả rừng. Muông thú nghe khi la hét, biết có động, thế là cũng bỏ chạy cả.
- Thế là hổ con chịu đói?
- Đói quá đi, chứ còn gì. Đói, không nhấc nổi chân. Đói, ngáp không há nổi miệng. Đói quá, cậu lăn ra đất bất tỉnh. Lúc ấy cậu chỉ là con mèo to không biết trèo cây. Lúc ấy, tôi chỉ việc ôm cậu đem về nhà thôi.
***
- Thôi, nín đi. Mẹ mày số trời chỉ cho sống đến thế thôi. Khóc thương cũng chả lại được nữa rồi, hổ con ạ.
Ông Pồn đặt hổ con xuống đất, vỗ đầu, khuyên giải nó, rồi xẻo cho nó một miếng thịt lợn lạp treo ở gác bếp:
- Ăn đi. Rồi ở đây với tao.
- Éc éc...
- Ừ, ăn đi rồi làm việc. Phải có việc làm không là hư người đi đấy.
- Éc éc...
- Việc gì à? Đi săn lợn rừng với tao. Mày không thấy à, lợn rừng nó về đào bới tanh bành cả nương sắn của tao kia à? Săn con cầy, con cáo hay bắt gà bắt vịt nữa. Hiểu chưa?
Hổ con hiểu ý ông Pồn. Ông chẳng có gì phân cách xa lạ với nó. Nó nhập vai trợ thủ cho ông Pồn trong các cuộc đi săn chỉ sau vài lần tập dượt. Đi săn, nó làm nhiệm vụ của con chó đánh hơi vồ mồi, tìm mồi; đồng thời lại còn như một người thợ săn ở những lúc cần phải khiêng vác. Mùa săn năm ấy, hai thầy trò như cặp bài trùng, săn được hai con lợn rừng, sáu con cầy, ba con cáo, một con rái cá. Con rái cá này vẫn thường lặn bắt mất rất nhiều cá ông Pồn thả ở hồ hợp tác khoán cho.
Một lần bắn được con lợn độc nặng gần tạ. Ông Pồn buộc bốn chân con lợn lại, xỏ một dây đòn qua, bảo hổ con khiêng một đầu. Hai thầy trò đi. Hổ con đi trước. Nhưng đi được một quãng nó liền đứng lại, trật đòn khỏi vai, kêu éc éc…đau quá! Ông Pồn rút cây đòn xem. Thì đó là một cành gạo sần sủi gai nhọn. Ông Pồn lấy dao dóc gai. Nhưng từ đó, hổ con không chịu khiêng bất kì đồ vật gì nữa.
- Thôi, nếu vậy thì ở nhà canh ao cá cho tao.
Ông Pồn nói. Lúc này ông đã tám mươi tư tuổi, già yếu lại mắc chứng đau dạ dày và thấp khớp, nhiều hôm nằm liệt, cảm thấy rõ ràng chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Từ đó hổ con trở thành người canh ao cá cho ông Pồn. Hổ con nằm trong cái lều canh ao ở cạnh cây chanh và khóm chuối hột. Hai chân sau soải về sau. Hai chân trước soải về phía trước. Đầu thẳng, mắt không chớp, hổ con nhìn cái hồ. Thấy có bóng người lảng vảng, là nó đứng dậy, cùng ông Pồn đi quanh một vòng hồ.
Có hổ canh ao, bọn rái cá quen dạ ăn cá hồ, chạy biến. Lũ trẻ con hay câu cá trộm cũng chẳng dám bén mảng tới. Cái hồ chẳng bao lâu đặc cá là cá. Cá ăn tầng trên. Cá ăn tầng dưới. Đủ cả trôi, mè, trắm cỏ, rô, trê, chạch tha hồ nhởn nhơ trong yên bình.
Ngày trôi đi trong yên bình. Bỗng một hôm chúng tôi bàng hoàng nghe thấy ba tiếng súng kíp nổ chỉ thiên báo điều chẳng lành và một tiếng hổ gầm rung trời ở nhà ông Pồn. Ba tiếng súng kíp do người con đẩy mái cỏ ngoi lên nóc nhà bắn chỉ thiên quả nhiên đã là tín sứ báo hiệu ông Pồn chẳng còn nữa, theo phong tục làng quê tôi. Chúng tôi vội đến nhà ông Pồn. Ông Pồn nằm thẳng đơ bất động trong cánh màu trắng. Còn con hổ choai không thấy đâu.
Tại sao ông Pồn chết? Người nói ông chết vì tuổi già và tật bệnh. Người nói ông bị gấu tát. Người nói, ông đi kéo gỗ, bị ngã vực.
Mộ ông Pồn đặt trên sườn quả núi sau làng, giữa có cây hoang dại.
Chúng tôi đem hoa đến viếng ông, nhà lão thành cách mạng. Đó là một buổi chiều mùa đông gió thổi vật vã cây cối cả một triền núi. Đến nơi thì đã thấy phủ phục trên nóc mộ ông một con lợn rừng bị cắn cổ chết từ lúc nào.
Con trai ông Pồn bảo: Hổ con nó đem về báo hiếu ông Pồn đấy. Từ hôm an táng ông, cứ một tuần nó lại tha một con lợn rừng về cúng mộ ông. Lại có người nói: Không phải thế đâu. Chính là con hổ sau hai năm được ông Pồn nuôi dạy đã bỏ lên rừng và nó đã vồ ông, gây nên cái chết thảm thương cho ông. Ông lên rừng hái măng. Nó nấp từ bụi cây phóng ra. Nó không biết đó là ông Pồn. Giờ nó ân hận lắm. Lợn nó đem về cúng ông để tạ tội với ông. Thế đó, nhưng chưa hết đâu, thi thoảng nó còn về nằm cạnh mộ ông, chân trước chân sau duỗi dài, điệu bộ rất uy nghiêm và ngoan ngoãn như hồi nào nằm canh ao, thực thi nhiệm vụ ông giao. Con thú nó là vậy đấy. Có chỗ nó rất xa con người, có chỗ nó rất gần với giống người.
15.3. 1983
Trích từ tập sách Ma Văn Kháng – Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2013 |
Ma Văn Kháng | Báo Văn nghệ