Sáng tác

Về nhà. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Nguyễn Thu Hằng
Truyện
20:51 | 11/11/2024
Baovannghe.vn- Từ trong gian bếp, bà lão bê cái khay có hai tô mì bốc khói ra bàn mời hai người ăn cho nóng. Tránh dọn mấy cái cốc uống nước gọn vào một góc.
aa

Hai người, một lớn, một bé, khoác áo tơi mỏng, đang lầm lũi bước đi trong màn mưa trắng đục. Cây cỏ đôi bên đường nghiêng ngả, những trận gió đã giật tung lá vàng, lá xanh rơi tan tác. Con đường đất lầy lội quấn đến mắt cá chân. Bước chân trước rút lên được khỏi bùn đất thì bước chân sau lại đặt xuống, ngón chân cái chúi đầu bấm chặt xuống bùn. Nước mưa táp vào mặt, lúc đầu còn rát, họ lấy tay vuốt mặt, sau thì tê dại, lạnh toát, mưa tự trượt dài, rơi xuống. Mưa cứ mưa. Hai người cứ đi.

Về nhà. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng
Minh họa Công Quốc Hà

Mái quán lá cũ lụp xụp nhô lên trong tàng cây xanh. Người đàn ông đi trước quay lại nói điều gì đó với cậu bé trai. Họ dấn bước. Trước cửa quán, một cây gậy tre được chống cho tấm cửa liếp hé lên. Mưa đổ dồn xuống tấm liếp, đổ ào ào trước cửa. Hai người chui qua dòng nước mưa bước vào quán, đem theo những hạt mưa rơi lã chã.

Bà cụ chủ quán đang lúi húi xếp hàng trong cái thùng cát tông, nghe tiếng chào, ngẩng lên. Bà cụ nhìn người đàn ông, lại nhìn cậu bé trai. Có cảm giác như bà không ngờ hai người lại xuất hiện giữa cơn mưa dai dẳng chưa từng có này. Người đàn ông nhìn bà lão, khẽ mỉm cười, tay lau những giọt nước mưa trên mặt: “Bà Xoan, bà vẫn khỏe chứ?” Bà lão chợt rưng rưng xúc động khi tên cúng cơm của bà được gọi lên bằng thứ tiếng quê nhà da diết. “Anh Tránh phải không?” “Vâng, cháu đây bà. Bà vẫn nhận ra cháu à?” Người đàn ông khẽ khàng. Bà lão lật đật đứng lên: “Cái tiếng nói quê hương, với cái nốt ruồi ở giữa trán kia của anh, tôi đã ngờ ngợ. Dễ có đến một năm rồi ấy nhỉ?” “Một năm hai tháng rồi bà ạ.” “Thế còn cháu bé này?” “Cháu ấy là Vững, cũng được sinh ra ở vùng cà rốt quê cháu.” Bà lão nhỏ giọng, giục: “Hai người vào nhà trong mau đi, rồi tôi làm cái gì đó ăn cho ấm bụng!” Bà lão vén tấm mành, hai người bước vào gian nhà bên trong. Quay lại, nhìn trước sau chỉ thấy mưa, bà lão yên tâm hạ cây gậy tre đóng cửa quán xuống. Mưa gió đổ ở bên ngoài.

Tìm được hai bộ quần cộc trong chiếc hòm gỗ, bà lão mang ra giục hai người thay ngay kẻo nhiễm lạnh. Tránh lúc đầu có vẻ ngại nhưng trước tấm lòng của bà lão, anh không nỡ từ chối. Đây là hai bộ quần áo cộc cũ của anh con trai út bà lão. Anh con trai đã không mặc vừa nó mấy năm nay, gấp cất đi. Bây giờ, anh ấy đang làm việc trong một nhà máy trên thị trấn, cuối tuần mới về nhà thăm bố mẹ. Ông chồng bà lão mấy hôm nay cũng lên chỗ con trai trưởng để đi khám bệnh, chỉ còn mình bà lão ở nhà. Vừa kể chuyện, bà lão vừa tra nước sôi nấu mì cho hai người. Tránh mặc xong quần áo quay lại thấy thằng Vững mặc áo trái thì cởi ra mặc lại cho nó. Bộ quần áo cộc thành bộ quần áo lưng lửng dài với nó.

Thằng bé mười một tuổi, song trông rắn rỏi, chắc nịch. Nó phải làm việc quá nhiều kể từ khi bị lừa bán cùng mẹ sang đây, lúc ấy, nó mới sáu tuổi. Mười một tuổi, nó có thể đi bộ gùi hàng cả chục cây số. Nó có thể bơi dọc con sông để chuyển một gói hàng theo lệnh của bố dượng. Nó có thể gò lưng trong xưởng mộc đục đẽo, ráp, sơn cả ngày. Sau những ngày mẹ nó, chị Là mất, Tránh từng ôm nó ngủ trong xưởng gỗ sặc mùi mùn cưa, dầu mỡ, PU... Mùi mô hôi của nó y như mùi mồ hôi thằng cu Bơ khiến Tránh nhớ con, nhớ nhà không ngủ được. Thằng Vững tỉnh dậy, thấy Tránh ngồi bó gối trong đêm, nó hỏi có phải Tránh nhớ quê không. Tránh gật đầu. Nó thở dài như người lớn, nói có lẽ ở đâu đó xa tít, mẹ nó cũng nhớ quê lắm. Thằng Vững kể, hồi mẹ nó còn sống, bị bố dượng đối đãi chẳng ra gì, mẹ nó hay ra sau lán ngồi ôm gối gục mặt xuống khóc. Nó bắt gặp, hỏi, thì mẹ bảo nhớ nhà mà không về được. Mẹ nó lại hỏi nó có nhớ gì ở nhà, ở quê không? Thằng bé nói là nhớ cái lần được ăn chè kho trong đền cạnh sông có treo đầy cờ quạt, có đàn nhị, đàn bầu, có người nhảy múa. Mẹ ôm nó vào lòng bảo đó là hội đền Tam phủ ở ngoài đê sông Thái Bình. Mẹ ước có một ngày mẹ sẽ đưa nó về đấy. Sẽ có một ngày, hai mẹ con sẽ được về nhà. Nhưng còn chưa kịp đưa nó về, thì mẹ nó đã rời đi mãi. Mẹ bỏ nó một mình bơ vơ ở đây. Ông Chu Thự, bố dượng thì coi nó không bằng người làm thuê. Bắt nó làm không từ một việc gì, chỉ cần không hoàn thành hay khiến ông ấy ngứa mắt là nó sẽ bị mắng chửi thậm chí là đòn roi.

Lúc Tránh tìm đến làm thuê trong xưởng gỗ ông Chu Thự được một thời gian mới gặp hai mẹ nó. Nhận ra người cùng làng nhưng cả hai không dám để lộ vì sợ bố dượng nó ghen sẽ hành hạ hai mẹ con nó và trù úm Tránh. Bí mật ấy vẫn giữ đến bây giờ. Thằng Vững hỏi Tránh: “Chú có muốn về nhà không?” Tránh gật đầu: “Muốn chứ.” “Sao chú không về?” Tránh thần người. Người ta dụ dẫn Tránh sang đây theo con đường du lịch rồi gã trốn ở lại. Trước khi vào xưởng gỗ nhà Chu Thự, Tránh bị trấn mất hết tiền công đi xây thuê hơn nửa năm, giấy tờ tùy thân cũng mất hết. Thân phận gã chẳng khác gì con gián, trốn chui trốn nhủi. Giọng thằng bé thì thầm, phá tan những suy nghĩ rối bời của Tránh: “Cháu cũng nhớ nhà lắm. Cháu nhớ nhà bà ngoại gần sông. Năm tuổi cháu đã ra sông bơi ếch. Sau vườn bà có hai cây mít dai thân to bằng vòng tay người ôm. Bà cháu mắc một cái võng, cháu hay ngủ trưa trên võng.” “Cái khúc sông Thái Bình ấy, mùa hè, nước mưa đổ xuống, sóng lớn cá to, chú hay ra sông thả lưới đánh cá với bố chú.” Thằng Vững lay cánh tay Tránh: “Khi nào chú trở về chú cho cháu theo về nhà nhé! Cháu chán ở đây lắm rồi! Khổ lắm!” Đôi mắt nó ngân ngấn nước, giọng nó lạc đi. Tránh đã gần như gật đầu ngay mà không hề suy nghĩ.

Thằng bé không phải là một chiếc ba lô để đeo theo người một cách dễ dàng. Thằng bé không là con Tránh. Thằng bé cũng không là ai giữa cái đất này. Nhưng nó cũng không phải là cây cỏ. Nó bơ vơ như Tránh. Nó cũng không có một thứ giấy tờ tùy thân nào như Tránh. Đem theo thằng bé về chuyến này, Tránh biết không hề dễ dàng. Nhưng Tránh vẫn quyết đưa thằng bé về.

*

Từ trong gian bếp, bà lão bê cái khay có hai tô mì bốc khói ra bàn mời hai người ăn cho nóng. Tránh dọn mấy cái cốc uống nước gọn vào một góc. Hai người đang đói ngấu, chẳng cần làm khách, ăn húp xì xụp. Người nóng dần lên. Cặp má thằng Vững cũng đang hồng trở lại. Bà lão ngồi nhìn thằng bé ăn, nét mặt hoan hỉ. Cái cung cách bà lão nhìn thằng bé y như lúc bà lão nhìn Tránh ăn, khi Tránh vừa trốn ở lại, đi lang thang cả ngày, gặp quán nước, liều vào quán xin bà nấu cho bát mì. Nghe giọng nói ngọng nghịu, bập bõm từ được từ chăng, bà lão đã hỏi bằng tiếng Việt: “Anh mới sang đây phải không?” Cái chất giọng của người đàn bà vùng châu thổ ở nơi đất khách quê người đã làm vơi bớt đi sự lạc lõng, bơ vơ, sợ sệt của Tránh. “Vâng bà. Thế ra bà cũng người mình ạ? Quê bà ở đâu thế?” “Quê tôi ở Vĩnh Bảo, nơi trồng cây thuốc lào đấy anh.” “Thế cũng gần quê cháu, cháu ở Cẩm Giàng.” Bà lão cúi xuống gầm bàn, lục tìm rồi lôi ra một cái điếu cày và một gói thuốc lào nhỏ. “Tôi vừa cất được đúng thứ lá thuốc lào ở quê sang đấy. Anh có đánh một điếu không?” “Dạ, cháu xin.” Tránh không nghiện thuốc lào nhưng biết hút. Hồi còn ở làng, gặp đám mấy ông già có điếu đóm Tránh vẫn đánh một hơi, điếu kêu sòng sọc, nhả khói từng vòng tròn to, vòng tròn nhỏ. Tránh cầm điếu, vo thuốc lào và châm lửa hút. Khói thuốc bung tỏa trước mắt, cảm giác thư thái chưa từng. Mọi sự lo âu, sợ sệt, bất an trong mấy ngày qua tan biến hết. Bà lão cũng đánh một điếu. Nhìn cái cách bà nghiêng mặt nhả khói lên trời, mắt lim dim, Tránh biết sự hút thuốc lào của bà đã ăn đứt mấy ông già nghiện thuốc lào ở làng mà Tránh từng hầu điếu đóm. “Tôi nghiện thuốc lào từ trẻ. Đàn ông trong vùng họ chê tôi, đâm ra tôi chỉ có thuốc lào làm vui. Một trưa, tôi đang say thuốc thì người chị họ xa đến rủ tôi đi xa làm ăn. Tôi đi theo. Sang đây, chị ta bảo xin việc cho tôi trong trang trại chăn lợn. Vài hôm sau thì tôi biết mình đã bị bán cho người bây giờ là chồng tôi.” Bà lão nhìn Tránh. Tránh dựng lại cái điếu vào cạnh bàn: “Cháu thì... ở nhà làm ăn khó khăn quá nên sang đây tìm chỗ làm thuê vài năm cho có ít vốn rồi về.” Ánh mắt bà lão chợt sâu thẳm: “Mé ngoài này còn ít chỗ, nhưng anh có thể đi sâu vào trong thị trấn, có nhiều người mình cũng làm thuê trong ấy.” Tránh đã đi sâu vào trong thị trấn, lăn lộn tìm chủ làm thuê. Một năm hai tháng. Tránh đếm từng ngày. Đổi đến ba chủ. Vất vả, cơ cực. Tiền mới gửi được hai lần về. Một lần bị trấn lột. Đêm qua thì Tránh quyết định trở về nhà. Không còn tiền bạc trong tay. Sẵn sàng bỏ hai tháng lương không lấy được ở xưởng gỗ nhà Chu Thự. Tránh về nhà.

Bà lão là người ý nhị. Bà cứ ngồi đấy, vờ lau chùi cái bàn, cái ghế cho hai người ăn tự nhiên. Thỉnh thoảng, bà lại nhìn thằng Vững ăn, khẽ mỉm cười. “Nó muốn về nhà bà ạ. Mẹ nó là người làng cháu. Chị ấy là mẹ đơn thân. Hai mẹ con bị dụ dỗ đưa sang đây. Ở với người ta mà cực khổ. Chị ấy ốm, đã mất hai tháng nay rồi.” “Khổ thân thằng bé. Nó còn nhỏ mà đã mất mẹ. Vậy rồi hai người có gặp trở ngại gì không?” Tránh bần thần cả người, chưa kịp trả lời bà lão thì phía ngoài quán có tiếng động mạnh. Bà lão nhổm người nhìn qua khe liếp. Đoạn quay lại, đưa mắt vào trong buồng, nói thầm: “Vào trong đó lánh tạm, để tôi ra xem sao!” Bà lão vơ chỗ bát đũa cất dưới gầm tủ, đi ra. Tránh vơ vội chỗ quần áo ướt, dắt thằng Vững đi vội vào phía trong buồng. Căn buồng thấp, có vài bao lương thực, một cái tủ gỗ cũ, cái chạn bát cũ, bắp ngô treo dây trên dây dưới, mạng nhện, bụi bặm... Hai chú cháu ngồi giữa cái khe tủ với mấy bao lương thực. Mùi hôi mốc bay lên. Thằng Vững ngồi im, không thấy nó có vẻ gì sợ hãi như hồi sáng sớm nấp dưới ống thoát nước.

Giữa đêm, trong lúc ba người thợ bạn say giấc, ngáy to hơn cả thợ mộc xẻ gỗ, hai người đã rời đi. Đêm tối nhờ nhợt, chỉ có vài ngôi sao lấp lóe phía góc trời. Cuối tháng, trăng không lên. Cuối tháng, thợ phải tăng giờ làm để hoàn thành đơn hàng cho chủ nên mệt mỏi hơn. Cuối tháng, ông chủ Chu Thự phải đi trả hàng. Cuối tháng, chưa được lĩnh lương. Không có tiền bạc, không có thứ đồ gì trong người thì mới không gặp nguy hiểm, một người thợ trong xưởng, anh Bàng đã nói với Tránh điều ấy. Anh ta đã sang bên này làm thuê đến lần thứ ba. Một lần thuê người bắt xe chui cho về, một lần thì tự vượt sông về, bởi bị chủ quỵt tiền không còn tiền mà thuê người ta bắt xe chui được nữa. Ở nhà vất vưởng, đi làm thuê tiền không đủ sống, Bàng lại trốn sang lần ba.

Tránh làm mộc thuê cho nhà Chu Thự, đã gửi được hai tháng lương về cho vợ. Hai tháng cuối chưa lấy, bỏ về coi như mất. Tránh giờ tìm đường về trong người cũng không còn gì, lại còn đèo bòng thêm một đứa trẻ. Cả hai bỏ đi trong đêm. Đi chừng ba tiếng thì đến khu chợ nông sản ở một ngôi làng. Hai thằng côn đồ trông hai người biết kẻ lạ, đến cà khịa, chặn đánh để lột tiền bạc. Chúng giật cái túi Tránh đeo, chỉ thấy bộ quần áo thì ném ra bãi rác. Chúng đấm đá Tránh túi bụi. Móc túi quần Tránh được mấy tờ tiền lẻ. Một thằng lại thúc đầu gối vào bụng Tránh, thằng kia bóp cằm thằng Vững gầm gừ chửi. Bỗng tiếng còi xe cảnh sát ré lên, hai thằng côn đồ bỏ chạy. Tránh vội vã dắt thằng bé bỏ chạy. Vài người dồn hàng lên xe thồ đùn chạy táo tác. Mấy thanh niên tóc xanh tóc đỏ đang ngồi nằm ngả ngớn ở góc chợ cũng vùng dậy lẩn nhanh. Tránh chạy tới cuối chợ, nhìn thấy đoạn ống cống ở phía dưới mương khô, Tránh lôi thằng bé xuống nấp ở đấy. Thằng bé ngồi trong vòng tay Tránh mà nó run lên bần bật. Phía trong kia vẫn còn tiếng còi, xe, tiếng người kêu, xin. Nhốn nháo một lúc lâu nữa thì khu chợ mới yên trở lại. Hai người chui lên khỏi ống cống, nhằm con đường phía trước đi miết.

Trời bắt đầu rạng dần. Chiếc xe máy đi ngược chiều pha đèn thẳng vào mặt làm cả hai chói mắt. Mấy chiếc xe máy, xe đạp qua. Những ánh mắt xoi mói nhìn hai người đang đi bộ trên đường. Tránh nghĩ, bộ dạng thế này không ổn. Đi đến chỗ vắng, Tránh bảo thằng bé rẽ vào sau lùm cây. Cả hai cởi bộ quần áo dài đầy bụi bẩn vứt đi. Chiếc mũ cối Tránh đội cũng bỏ. Cả cái túi đeo đựng mấy đồ dùng cá nhân linh tinh của thằng bé cũng bỏ. Chỉ giữ chiếc mũ lưỡi trai cho thằng bé đội đầu. Cả hai mặc áo cộc với quần short, chân đi giày bata. Vuốt lại tóc tai, rót chai nước lọc ra tay lau mặt mũi cho tỉnh táo, rồi uống nốt chai nước, cả hai bước ra đường đi tiếp.

Một người đàn ông đạp chiếc xe thể thao qua, quay lại cười với hai người, giơ tay lên trán chào kiểu cũng thể dục buổi sáng phỏng. Đi một đoạn nữa thì có tiếng còi xe cảnh sát rúc phía sau. Tránh nhắc khẽ thằng bé cứ đi bình thường. Hai người vung tay bước đều. Xe cảnh sát đi ngang qua hai người. Một chú cảnh sát quay mặt nhìn chằm chằm hai người đang đi bộ ở rìa đường. Tránh nhìn lên, mỉm cười, bàn chân vẫn bước đều. Chiếc xe phóng vụt đi. Cái thở phào qua thì nỗi lo cũng mon men tới. Cần phải nhanh chân hơn để vượt qua khu quán dừng nghỉ cho xe đường dài đến chỗ rẽ vào con đường đất. Lối ấy ít người, xe. Lối ấy ra sông. Nhưng điều lo lắng của Tránh đã xảy ra. Vừa đi qua được ba cái quán lá ven đường thì thằng Vững ôm bụng kêu đau và muốn đi ngoài. Thấy cái quán lá bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm phía trước, Tránh đưa nó vào sâu sau đấy.

Đợi thằng bé tháo ruột, Tránh đi lên phía sau quán quan sát ra đường, giật mình thấy hai bóng người trên chiếc xe máy quen quen. Hai thằng cháu họ xa nhà Chu Thự cùng làm ở xưởng gỗ. Chúng đã mò tới đây. Chúng đang hỏi điều gì đó với chị chủ quán. Họ nói với nhau vài câu. Chị chủ quán đưa tay chỉ chỗ ngã ba, ngoắc tay rẽ phải. Đó là con đường lớn dẫn tới bến xe gần cửa khẩu. Hai thằng kia phóng xe theo hướng đó. Tránh lặng người, đôi chân chợt run lên. Lão Chu Thự đã biết tin và sai hai thằng đi lùng Tránh và thằng Vững. Nếu để chúng tóm được thì tiệt đường về nhà.

Tránh lo lắng nhìn con đường mới giữa sáng đã đầy nắng chang chang. Bất chợt từ phía vách ngang, có tiếng bước chân. Quay lại, Tránh giật bắn người, chị chủ quán lúc vừa nói chuyện với hai gã kia đã bước đến gần. “Họ bảo đi tìm hai người Việt bỏ trốn!” Chị ấy nói tiếng Việt. Hai tay Tránh đưa ra trước ngực như sắp sửa van xin. Chị ấy vội xua tay Tránh: “Tôi đã nhìn thấy hai người vào đây. Tôi chỉ đường khác rồi.” Tránh lạc giọng: “Chị là người Việt ạ?” Chị chủ quán gật đầu, rồi dúi cho hai cái ngô nướng và cái túi ni lông: “Sao chẳng có gì bên người thế? Nay đài báo có mưa lớn. Nắng gắt để mưa đấy. Cầm cái áo mưa đi. Có phải định ra... bờ sông không?” Tránh gật đầu. “Đừng đi lên đường kia nữa!” Chị ấy chỉ tay xuống một lối mòn sau vùng cây lau lách: “Đi tắt qua lối ấy thì rẽ vào con đường đất, từ đó ra bờ sông.” “Vâng. Xin cảm ơn chị nhiều!” Tránh xúc động.

Thằng Vững đi lên, Tránh tạm biệt chị chủ quán rồi dắt thằng bé luồn qua mấy bụi cây dại đi xuống con đường mòn. Đi chưa hết con đường mòn thì trời đổ mưa. Ra tới con đường đất thì mưa xuống như trút nước. Con đường đất bị cày xới, nhão nhoét dưới mưa. Người đi làm nương rẫy quanh đây cũng chạy trú mưa hết. Không còn ai đi lại trên đường. Chỉ còn hai người, một lớn, một bé đội mưa bước đi. Tránh nhớ, cái quán lá của bà lão ở phía trước. Đi qua cái quán nước bên đường, đi tiếp lên gần cây số nữa, mới tới khúc sông đó. Một lần đưa hàng, Tránh đã từng đi qua đó và suy ngẫm rất lung về khúc sông đó, về câu chuyện anh Bàng kể. Chỉ có thể là khúc sông đó.

Mưa cứ táp. Chân người cứ bước. Khúc sông để trở về đang sắp hiện ra trước mắt. Chuyến này còn sống trở về, đói khổ cũng ở nhà với vợ con, Tránh tự thề với lòng mình như vậy. Sẽ ở nhà trồng cà rốt, trồng ngô, khoai, hay đi xách vữa, làm mộc thuê, đi đánh cá trên sông... Ít tiền cũng được, bao người ở làng vẫn sống bình yên như vậy. Bố mẹ thì đã già yếu. Tránh không thể như con chim cứ tách đàn bay đi theo mùa. Không thể cứ như con mèo bỏ đi hoang tìm miếng ăn ngon mà nào có thấy. Đã không phải nơi mình sinh ra và lớn lên thì đi mãi cũng chỉ là đi hoang. Chuyến này về được quê nhà sẽ không đi đâu nữa. Sẽ không đi đâu nữa. Thấm quá rồi. Cái cảnh trốn chui trốn lủi này. Còn nỗi cơ cực nào bằng. “Lạy Trời Phật, lạy ông bà tổ tiên phù hộ cho con.” Hai chú cháu đang ngồi ôm nhau ẩn trong cái khe tủ, tự dưng thấy Tránh chắp tay lầm rầm khấn vái, thằng Vững khẽ nói: “Cháu nhớ, bà ngoại cháu cũng hay khấn lạy như thế.” “Chú sẽ đưa cháu về với bà ngoại.” Thằng Vững chắp tay theo: “Cháu cũng lạy như chú để được về nhà!” Tránh xoa đầu thằng bé. Bên ngoài, mưa vẫn rơi, át cả tiếng hai chú cháu.

*

Bà lão khẽ khàng bước vào. Nhìn thấy hai người đang ngồi co ro trong góc buồng ngủ gật bà đưa ống tay áo lên chấm nước mắt. Bà nói thầm: “Rõ khổ, sa cơ lỡ bước. Cứ ngủ một lúc đi cho tỉnh táo.”

Bà quay vào bếp nấu nồi cơm tối và suy nghĩ miên man. Ngoài trời, mưa đang ngớt dần. Nước trong vườn dềnh lên ngập đường. Mưa từ cữ chớm trưa tới giờ cũng chừng tám, chín tiếng đồng hồ, biết bao nhiêu nước. Con sông giờ có lẽ cũng đã rộng thêm ra. Gió mưa to thế có lẽ đã giật đổ đám ngô đang trổ hoa trên bãi bồi. Có khi những con sóng đã chồm lên, ngoạm lấy. Bao công lao ông bà tranh thủ ra vỡ vạc gieo trồng giờ trôi xuống sông. Còn hai cái người này, đi đến đây là nhằm cái khúc sông ấy rồi. Mưa to, nước lớn, liệu có vượt qua...

Mùi cơm chín đánh thức Tránh, rồi đến thằng Vững. Nghe ngóng một lúc không thấy bên ngoài có điều gì đáng nghi ngại, Tránh bảo thằng Vững cứ ngồi im đấy, Tránh lách người ra trước. Nhìn xuống bếp thấy bà lão đang cời than hồng ủ nồi cơm, bèn đi tới. “Bà nấu cơm ạ!” Bà lão đứng lên, dẫn Tránh ngồi xuống bàn, nói khẽ: “Tôi vào, thấy cả hai đang ngủ. Mưa lớn mất điện, tôi đi nấu vội nồi cơm. Cơm chín rồi, ăn cơm cho chắc bụng đã.” “Bà tốt với chúng cháu quá! Thế lúc trước có chuyện gì không bà?” “Có hai người đi xe máy đến dò hỏi tin tức về hai người Việt đang bỏ trốn. Tôi bảo từ sáng tới giờ mưa gió ngập trời chẳng ai đi qua đây. Mưa như thế mà hai người đi xe được đến đây thì giỏi thật đấy. Họ lầm rầm với nhau rằng có lẽ hai người kia đã ra bến xe khác. Rồi họ lên xe đi.” Tránh cúi đầu: “Bà đã cứu chúng cháu.” Bà lão hỏi: “Anh định vượt sông về đấy à?” “Giờ với cháu, chỉ còn mỗi con đường ấy thôi!” “Trời đang tối. Mưa vẫn còn. Sóng nước chắc to lắm. Lại còn thằng bé?” “Làng cháu trẻ con biết bơi từ lúc bốn, năm tuổi. Thằng bé là người làng cháu, nó bơi được. Trời tối lại mưa thế này mới không gặp người bà ạ.” “Vậy ra ăn cơm đi, cơm chín rồi đấy!” “Bọn cháu ăn mì rồi, phải đi ngay thôi.” Tránh vào, vừa gọi thằng Vững, vừa xoay người rút ra hai tờ tiền nhỏ trong người ra. Đi đến ngoài cửa, Tránh đưa cho bà lão: “Cháu biết ơn tấm lòng của bà. Xin cho cháu gửi chút gọi là cảm ơn!” Bà lão đẩy tay Tránh ra: “Không, tôi không lấy. Cầm lấy mà phòng thân. Đây không kịp ăn thì cầm nắm cơm nhỏ này đi, lúc nào tiện thì ăn chút lấy sức!” Tránh cứ dúi tiền vào trong túi bà lão: “Bà cầm cho hai chú cháu cháu xin vía lấy may thôi chứ đáng bao nhiêu đâu so với tấm lòng của bà. Rồi cháu xin một nắm cơm.” “Nói vậy thì tôi xin nhận một đồng thôi. Cho tôi gửi lời hỏi thăm gia đình và bà con quê hương. Còn tôi thì giờ già rồi, chẳng thể về được nữa!” Mắt bà lão ứa mấy giọt nước. Bà vội lấy tay áo lau vội đi: “Thông cảm cho tôi, già nên cứ hay chảy nước mắt thế chứ. Hai chú cháu đi nhé! Chúc hai chú cháu gặp mọi sự may mắn!” Tránh nắm chặt tay bà lão, thằng Vững cất tiếng chào. Hai người bước đi. Bà lão không dám nhìn theo bóng hai người, quay vào trong nhà ngay.

Càng gần tới bờ sông, hai người càng bước nhanh. Vừa đi vừa bẻ nắm cơm ăn cho chắc bụng. Trời vẫn mưa lai rai nên bóng tối ập xuống mau. Đã nghe rõ tiếng sóng vỗ bờ oàm oạp. Xuyên qua lau lách, cỏ dại um tùm tới bãi ngô non bị đổ rạp. Băng qua bãi ngô là tới bờ sông.

“Đúng là khúc sông này.” Tránh cởi bỏ hết, chỉ còn mặc độc cái quần sịp. Thằng Vững làm theo Tránh, nó không có cả quần sịp. Tất cả đồ cởi ra vùi trong đám lau. Tránh làm mấy động tác giãn cơ, khởi động. Thằng Vững làm theo.

Mưa ngớt hẳn. Mấy vì sao ló ra sáng nhấp nháy trên bầu trời. Tránh quay nhìn lại phía vừa đi tới, một màu tối sẫm, nhìn ra sông, một màu trắng đục dập dềnh trước mặt, có vài ánh sao lóe sáng trên mặt nước: “Cháu đã sẵn sàng chưa?” Thằng Vững mỉm cười như thể chuẩn bị vào một trận thi bơi: “Cháu sẵn sàng!” “Cháu có nhìn thấy bờ bên kia có đốm lửa nhỏ lập lòe không?” Vững gật đầu. “Ta nhằm đốm lửa ấy mà bơi đến nhớ chưa?” “Vâng.” Vững lao xuống trước, Tránh lao xuống sau.

Hai người bơi mải miết. Nước chảy xiết. Những con sóng đục ngầu chồm lên rồi lại vùi người xuống. Nhìn lên phía trước thấy sải tay thằng bé vẫn vung đều vượt những cơn sóng, Tránh như có thêm động lực, bơi miết. Mỗi cái nghiêng người sải tay bơi, mắt lại cố nhìn lên phía trước, lại thấy lóe lên những tia sáng lấp lánh nhỏ lẫn trong làn nước. Có lúc, những đợt sóng lớn đẩy người lại nhưng không hề làm hai chú cháu nản lòng. Tránh hét to cho thằng Vững nghe thấy: “Cố lên, đã sang đến phần sông bên mình rồi, sắp tới bờ rồi!” Thằng Vững lại đạp nước mạnh hơn, vung tay dài hơn. Tránh như được thằng bé lôi theo bằng một sợi dây vô hình. Người như nhẹ hơn trong nước, mỗi chuyển động đều nhẹ nhàng hơn. Đốm lửa mỗi lúc một to dần. Đang bơi thằng Vững xoay người lại, nằm ngửa bụng lên trời đêm kêu: “Là một đống lửa to!” Tránh thấy ấm từ trong bụng ấm ra. Hai người lại bơi tiếp chặng cuối cùng. Cho đến khi chân chạm được vào bùn đất thì Tránh mới thấy toàn thân thể mỏi nhừ, chân tay như muốn rời rụng ra.

Phía trước, thằng Vững bước lên bãi cát dáng đi xiêu vẹo. Tránh bước theo thằng bé, nước từ người chảy ròng ròng. Tới những bụi cỏ dại. Bàn chân giẫm đạp lên cỏ dại bị gai cứa đau nhói. Những tiếng thở đứt quãng, mệt mỏi. Hơi lửa ấm đang rất gần. Đống lửa trên bờ rõ hơn. Ánh lửa bập bùng cháy. Cả hai bám vào rễ cây leo lên bờ. Lên tới nơi cả hai đổ vật ra cạnh đống lửa, như hai con cá ngược nước nhảy từ dưới sông lên. Tránh nhắm nghiền mắt, nghe thấy được cái mệt bã bượi trong người mà sung sướng trào nước mắt. Chợt có tiếng con gái kêu lên sợ hãi: “Ối cha ơi! Cứu con!”

Cô gái đang ngồi vun củi vào đống lửa đã thất kinh, ôm mặt kêu cứu. Ông già đang trong chiếc thuyền con chạy ra. Lửa hắt vào mặt hai người đang nằm thẳng dẵng gần như không còn mảnh vải che thân. Ông già cầm con dao dựa trong tay: “Chúng mày dân nghiện phải không? Muốn chết à mà đến đây quấy tao?” Tránh ngóc đầu ngồi dậy, xua tay, thều thào: “Chúng cháu không phải nghiện. Chúng cháu ở bên kia, vừa vượt sông trốn về.” “Tao không tin, cái ngữ này mà lại vượt được sông?” Tránh đành quay mặt đi, lựa tay rút ra mấy tờ tiền trong quần sịp ra: “Cháu trốn sang làm thuê bên ấy, chỉ cầm được mấy tờ này thôi. Cháu sẽ không làm phiền bác. Bác bán cho cháu hai bộ quần áo rồi cháu sẽ đi ngay!” Ông già cầm mấy tờ tiền soi ra trước lửa, nhìn chăm chăm, lại nhìn hai con người trần truồng tái nhợt như cá sắp chết ngạt. Đoạn, ông trả lại mấy tờ tiền: “Cầm lấy mà lo đường về nhà!” Quay sang cô con gái đang đứng cách xa đống lửa: “Con về nhà tìm hai bộ quần áo ra cho họ!”

Ông già đi vào chỗ con thuyền, bê ra cái thau nhỏ có mấy con cá vừa gỡ lưới, lấy que xiên cá rồi đưa cho hai người: “Nướng đi, chín rồi ăn tạm.” Thằng Vững đón lấy xiên cá, đưa vào lửa. Tránh nhìn thấy lửa nhảy nhót trong mắt nó. Tránh ngồi gần đống lửa hơn. Nước sông vẫn oàm oạp vỗ bờ. Ông già chỉ về mái nhà nhỏ xíu lẫn trong lùm cây phía trước, nói: “Đêm nay, bố con tôi đánh cá, hai người có thể về nhà tôi nghỉ tạm. Sớm mai hãy về!” Tránh nhìn theo tay ông. Sau ánh lửa bập bùng, mái nhà nhỏ hiện lên một đốm thẫm như chóp nón lá. Lòng Tránh dâng lên cảm xúc nôn nao khó tả. Tránh cũng có một mái nhà nhỏ như thế ở bên một dòng sông.

Về nhà. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024