Ông chống gậy dò từng bước lên bậc tam cấp văn phòng cơ quan tôi. Người ra tiếp chuyện ông được yêu cầu trả lời một câu hỏi: Tây Sơn Nguyễn Huệ dấy binh năm mấy?
Không ai có thể trả lời, trong số những người hiện diện ở văn phòng. Tôi cũng vậy. Một cảm giác xấu hổ, không, buồn thì đúng hơn, dai dẳng bám theo tôi từ lúc đó. Tôi đề nghị ông cụ hỏi ở Thư viện, cũng nghĩ rằng, chỉ để trả lời cho qua chuyện, trốn câu trả lời mà tôi không thể nhớ chính xác.
Buổi chiều, có việc cần đến Thư viện. Vừa bước vào cổng, một chiếc xe lôi dừng ngay cạnh. Tôi giật mình nhận ra ông cụ, cũng bộ bà ba trắng loang lổ ấy. Nhưng giờ tôi còn phát hiện thêm, râu ông rất dài, bạc phơ trắng hơn màu áo. Ngoài ánh mặt trời, trông ông hom hem đến tội. Ông cụ quơ gậy run rẩy bước xuống xe. Tôi vội vã bước đến đỡ tay ông. Lòng chạnh lòng, bao cảm giác lẫn lộn. Một cái gì, như là buồn, như là vui... như là ray rứt bâng quơ. Vẫn còn những tấm lòng như thế. Lịch sử không hề bị lãng quên.
Một lỗ hổng. Không, có rất nhiều khiếm khuyết trong tri thức của chúng ta đối với cuộc sống mênh mông vạn trạng này. Một con số, một sự kiện và nhiều sự kiện lớn lao không thể biết hết, có lẽ không đáng trách lắm, đối với mỗi cá nhân. Song tận sâu đáy lòng, tôi vẫn buồn. Nếu như chúng tôi chịu khó hơn, ông cụ đã không phải vất vả như vậy!
Lúc ở Thư viện ra về, tôi thoáng thấy ông cụ ngồi ở bàn tiếp khách, đối diện một anh thủ thư rất trẻ đang chăm chú lật sách.
Không biết ông cụ tên gì, ở đâu, hỏi điều ấy để làm gì. Nhưng có lẽ hình ảnh ấy sẽ còn ám ảnh tôi rất lâu.
Văn Miếu Quốc Tử Giám. |
Mùa đông năm ấy. Tạp bút của Yên Ba Ào ạt và ào ào - Tạp bút của Tâm Nguyện |