Chuyên đề

Con cò. Truyện ngắn của Vũ Hùng

Vũ Hùng
Văn học thiếu nhi
15:00 | 12/10/2024
Baovannghe.vn - Chúng sống thành những đàn đông hàng ngàn con, hoặc thành những bầy nhỏ, mỗi bầy là một gia đình gồm một cặp vợ chồng và mấy chú cò non.
aa

Những đàn cò chiếm đa số ở các vườn chim của tỉnh Minh Hải. Trên bảng danh sách của các loài chim xây tổ trong vườn, tên chúng được viết trước tiên: cò ngà, cò trắng, cò nâu, cò đen, cò xanh, cò bông, cò hương, cò bợ, cò ốc, cò tôm, cò ma, cò lửa, cò lửa lùn...

Chúng sống thành những đàn đông hàng ngàn con, hoặc thành những bầy nhỏ, mỗi bầy là một gia đình gồm một cặp vợ chồng và mấy chú cò non.

Lớn nhất trong bọn là lũ cò ngà. Chúng có dáng của những con chim cao quý với bộ lông trắng toát và đôi cánh uyển chuyển. Những lúc đi kiếm ăn về, sau khi mớm no mồi cho bầy con, chúng thường đứng trên các tán cây chà là, im lặng nhìn trời bằng cặp mắt linh động long lanh.

Người ta thường nói gầy như cò. Đó là trường hợp của bọn cò hương, cò bợ chứ không phải của lũ cò ngà. Cái mình chúng béo lẳn, phủ lớp lông tơ nhẹ xốp, đỡ bằng cặp chân mảnh dẻ và cao, vừa đủ cao chứ không lêu nghêu như chân của bọn sếu vườn. Vì thế, trông chúng mảnh mai, thanh nhẹ, tưởng như chỉ cần vươn chân lên là chúng đã bay bổng vào bầu trời xanh.

Đối với gia đình và bầy con, chúng săn sóc chu đáo, ít loài chim nào sánh kịp
Đối với gia đình và bầy con, chúng săn sóc chu đáo, ít loài chim nào sánh kịp - Ảnh minh họa từ Pixabay

Nhỏ nhất trong các loại cò là bọn cò lửa lùn. Chúng khoác một bộ lông vàng nhạt và mang một chiếc đuôi đen xám. Hình dáng ấy khiến người ta đặt cho chúng cái tên “cò lửa”. Vào buổi hoàng hôn, khi bầu trời rực lên dưới ánh nắng quái, trông chúng giống một cây củi đang cháy, đầu và mình là ngọn lửa, đuôi là khúc than. Với đôi giò thấp nhỏ, không cao quá một ngón tay, khi vươn cổ lên chúng cũng chỉ đứng đến kheo chân bọn cò ngà.

Khác với cò ngà, mỗi buổi bình minh họp đàn bay rợp trời ra phía biển, lũ cò lửa lùn kiếm ăn ngay ở rìa vườn. Chúng làm tổ ở những cành thấp, len lỏi, chui lủi ở các bờ bụi kiếm những con tép nhỏ.

Cò là lũ chim ít lời. Nếu chỉ có riêng bọn chúng, khu vườn sẽ không ầm ĩ. Trừ lũ cò con kêu đôi ba tiếng khi đòi mẹ mớm mồi và lũ cò trắng vừa lượn vòng vừa kêu những tiếng lo âu khi trời chuyển gió, còn lại hầu như chúng câm lặng đêm ngày. Người ta bảo nhiều loài cò không kêu được vì chúng không có những dây phát âm. Cách duy nhất để chúng thông tin với nhau hoặc biểu lộ tình cảm là khua mỏ. Bạn đã lúc nào thấy bọn cò khua mỏ lách cách chưa? Chúng đang truyền tin và trò chuyện với nhau đấy.

Để bù lại cho chúng nỗi thiệt thòi không “nói” được, thiên nhiên đã phú cho chúng ít nhiều trí thông minh. Bạn hãy quan sát một chú cò xanh bắt cá. Vì chân ngắn, nó không thể lội xuống nước như bọn cò chân cao. Đang mùa mưa, giun trườn lên khỏi tổ, chú cò xanh nhặt một con quăng xuống nước làm mồi nhử cá. Chờ lâu không thấy cá đến, chú nhặt mồi, đặt ra chỗ khác. Bất hạnh cho con cá nào bơi đến ăn mồi: từ chỗ nấp, chú cò xanh lao ra. Sau một cái mổ nhanh như chớp, con cá đã bị chú cò cặp trong mỏ, đưa lên bờ.

Trong các đàn cò sống ở vườn chim, ngoài những đàn định cư, còn có những đàn di cư từ xa đến. Đôi khi anh Tư bắt được những chú cò đeo vòng. Địa chỉ quê hương của chúng được ghi rõ: chúng đến từ những vùng Xi-bia lạnh lẽo của Liên Xô, có khi xa hơn nữa, từ những xứ Bắc Âu giá buốt, phủ đầy băng tuyết. Những đàn cò di cư ấy không ở lâu trong vườn; Chúng đến khoảng tháng mười, tháng mười một và mùa xuân khi tuyết ở quê hương bắt đầu tan, chúng lại rủ nhau lên đường trở về.

Giữa tháng năm, khi mùa mưa bắt đầu, những cánh đồng quanh vườn chìm ngập nước và đầy thức ăn. Các bầy chim sửa soạn sinh đẻ. Ngoài những đôi đã sinh đẻ nhiều lứa, đàn cò thêm nhiều đôi vợ chồng mới.

Những chú cò con ra đời từ mùa mưa năm trước, lúc này đã lớn. Chúng bắt đầu kết đôi.

Anh Tư, sau nhiều năm quan sát sinh hoạt của chúng, bảo rằng cuộc kết đôi ấy có nhiều nghi thức. Bọn cò mái không phải là những con chim quá dễ dãi. Mặc dù loài cỏ có xu hướng ghép đôi từ khi mới nở, những cô cò mái vẫn chờ đợi các chú có đực thực hiện đủ các nghi thức truyền thống mới chịu thực sự kết đôi.

Vào dịp này, lúc nào cũng thấy những cặp cánh trắng vỗ chập chờn trên vòm cây trong vườn: các chàng trai cò đang múa và khoe mẽ để chinh phục chim mái.

Cuộc khoe mẽ không diễn ra trong tiếng ca hót tưng bừng như ở nhiều loài khác vì cò vốn là những con chim thầm lặng. Sau điệu múa, chàng cò cắp trong mỏ một nhánh cây khô hoặc một túm rêu, những vật liệu dùng để xây tổ trao cho con mái. Con mái nhận quà biếu: nó đã bằng lòng. Thế là đôi cò rủ nhau đi xây tổ, từ nay sẽ sống với nhau trọn đời.

Loài cò không phải là loài khéo léo. Tổ của chúng chỉ là một mớ cành khô xếp cành nọ lên cành kia. Đôi chim thay nhau vào giữa đám cành khô tua tủa đó để tạo thành một khoảng lõm làm ổ cho chim mái đẻ trứng. Sau đó, chúng đi tha một chút cỏ hoặc rêu khô, lót vào ổ cho êm.

Giữa tháng năm, bọn cò ma mở đầu mùa sinh sản trong vườn. Chúng là bọn chim đẻ lứa trứng đầu tiên. Sang tháng sáu, tháng bảy đến lượt bọn cò ngà. Thời kì sinh sản kéo dài đến tháng mười một: lúc đó, những đôi cò muộn màng đẻ lứa trứng cuối cùng.

Thế giới loài chim còn chứa đựng nhiều bí ẩn nhưng có những xu hướng hài hòa. Mỗi đôi cò đẻ từ hai đến sáu trứng. Số trứng thường chẵn để khi nở ra, bọn cò con có đôi ngay. Nhưng cũng nhiều khi có con cò mái đẻ một số trứng lẻ. Thế là sẽ có những con cò đơn độc vào đời. Bạn có bao giờ thấy những con cò lẻ loi giữa một đàn đông đúc không? Lúc nào chúng cũng bơ vơ: bay riêng rẽ, đỗ trên cành một mình, kiếm ăn một mình trong khi những con khác bao giờ cũng đi đôi.

Đó hoặc là những con cò sinh ra đơn độc hoặc những con cò có đôi nhưng bạn đã chết vì tai nạn hay bị săn bắt. Số phận những con cò này thật buồn: sớm hay muộn chúng cũng sẽ chết vì lẻ đôi.

Loài cò có nhiều tập tính đáng yêu. Không bao giờ có sự xung đột tranh chấp giữa các đàn vì mỗi đàn có một nguồn thức ăn riêng biệt: cò bợ, cò lửa, cò xanh chân ngắn nên kiếm ăn ở mép nước, cò trắng chân dài trung bình kiếm ăn ở nơi nước nông, còn cò ngà kiếm ăn ở những vũng nước sâu.

Đối với gia đình và bầy con, chúng săn sóc chu đáo, ít loài chim nào sánh kịp. Vào mùa sinh sản, cò mái và cò đực thay nhau ấp trứng. Con này nằm ấp ở nhà thì con kia đi kiếm mồi về cho nó ăn.

Đôi chim vất vả khi trứng nở. Bọn cò con lớn quá nhanh. Chúng đòi ăn liên tiếp, bao nhiêu mồi đối với chúng cũng không đủ. Suốt ngày cò bố và cò mẹ phải bay đi bay về tha mồi nuôi chúng trong khi các đôi chưa đẻ chỉ về tổ một lần lúc xế chiều. Nhiều khi đàn về hết đã lâu mà vẫn còn những đôi lác đác về sau: đó là những đôi có ổ con đông.

Khi lũ con đã trưởng thành, có thể bay đi kiếm mồi, sự săn sóc vẫn chưa chấm dứt. Cò bố và có mẹ đưa chúng đi ăn, chỉ cho chúng nơi có nhiều cá tép, cách bắt mồi, chia nhỏ giúp chúng những miếng mồi quá lớn.

Để bù lại, lũ cò con rất gắn bó với gia đình, kể cả khi chúng đã thành đôi. Từng đôi, từng đôi, chúng đi kiếm ăn cùng bố mẹ. Không bao giờ thấy đàn con tranh mồi của bố mẹ hoặc tranh mồi của nhau. Hình như còn có những chú cò con kiếm mồi nuôi bố mẹ, khi bố mẹ chúng trở về già, chân run cánh yếu không đủ sức, kiếm ăn một mình.

Tôi đọc được điều đó trong sách, ngày còn là học sinh, khi tôi học lịch sử La Mã. Người La Mã coi con cò là tượng trưng cho đức tính thủy chung, hiếu thảo. Thuở ấy, dân La Mã mải mê với những vinh quang quân sự, chẳng ai chú ý đến người già. Vì thế, người ta đã ban bố một đạo luật, lấy tên là “Luật cò” bắt buộc con cái nuôi dưỡng bố mẹ lúc tuổi già, sức yếu.

Tôi đem chuyện này nói với những người coi vườn. Một người trả lời tôi:

Không biết điều đó có phổ biến trong các đàn cò không nhưng đã một lần, tôi thấy một đôi cò tơ kiếm mồi về nuôi một con cò già yếu. Đôi cò tơ ấy, một con mớm mồi cho ổ con mới nở, một con đặt mồi lên thành tổ của bác cò già. Bác cò khập khiễng đứng dậy ăn mồi, lúc đó tôi mới biết là nó bị thương.

Anh Tư, người đã nhiều năm theo dõi sinh hoạt của các đàn chim trong vườn, sôi nổi nói:

- Điều ấy có thể xảy ra lắm, tuy tôi chưa tận mắt nhìn thấy. Lũ cò rất yêu gia đình và bầy đàn. Nhiều con cò mất bạn, sống lẻ loi đến chết mà không tìm bạn mới, đó là một bằng chứng.

(Trích từ tập truyện Vườn chim của nhà văn Vũ Hùng, Nxb Kim Đồng, 2015)

Ông Pồn và chú hổ con. Truyện ngắn của Ma Văn Kháng Cô chủ vườn. Chùm truyện ngắn của Đào Đức Tuấn Tặng đi bảo bối. Truyện ngắn của Văn Thành Lê Đi học hay ở nhà vui? - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa Hành trình tìm bạn của Niềm Vui Tí Xíu. Truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng

Vũ Hùng | Báo Văn nghệ

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.