Điều trớ trêu là, không có nàng, chàng vẫn sống nhởn nhơ. Ngược lại thiếu chàng, nàng sẽ rất khó khăn trong việc giữ phẩm hạnh. Ở đây loại trừ loại ngụy nghệ thuật để kiếm lợi đơn thuần. Chưa nói tới việc nhờ thương mại, nhiều người có cơ may được thưởng thức những kiệt tác nghệ thuật. Lịch sử còn ghi nhận nhiều nghệ sĩ lớn sản sinh những tác phẩm lớn dưới sự bảo trợ - cứ cho là một lối kinh doanh đi - của những cá nhân có tiền. Thương mại góp phần kích thích người nghệ sỹ sáng tạo, giúp họ hiện diện trước công chúng, cái khác nhau chỉ là: Nghệ thuật, từ bản chất là không vụ lợi. Còn thương mại thì vụ lợi trở thành lẽ tồn tại. Không vụ lợi, thương mại lập tức bị tiêu diệt. Sự bỉ ổi chính là mưu toan lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị. Còn với nghệ thuật không có gì đáng khinh hơn sự vụ lợi.
Tranh của Tranh của van Gogh. |
Sinh thời van Gogh - danh hoạ người Hà Lan sống trong cơ cực do tranh vẽ ra không bán được. Chỉ có một người bạn Nga mua cho ông bức tranh làm phúc. Ông thừa khả năng để vẽ loại tranh bán chạy như tôm tươi, cốt vừa lòng, vừa mắt đám quý tộc rởm hay những kẻ có tiền nhưng mù tịt về nghệ thuật. Nhưng nếu ông làm thế thì ngày nay nhân loại làm sao được chiêm ngưỡng những kiệt tác vô song. Nếu lấy tiêu chuẩn thương mại để định giá tranh van Gogh thì chỉ hơn một trăm năm trước ông là gã tí hon, còn vẫn là ông, sau khi chết cả trăm năm, lại trở thành người khổng lồ. van Gogh là trường hợp không phải độc nhất nhưng vẫn quá đặc biệt. Nhân loại chỉ có lỗi là không đủ sức hiểu nổi ông. Nói cách khác không hiểu ông (cũng như sau này châu Âu không hiểu Sanvado Dali) chưa lấy gì làm hổ thẹn. Chỉ có điều thương mại không chờ được một thời gian dài nhường ấy. Nó phải cập nhật. Nó quay lưng lại cái vĩnh cửu.
Trong khi đó nghệ thuật lại quá cao đạo khinh miệt tất thảy những gì ăn bám trên cơ thể nó, không nài ép cầu xin ai phải hiểu mình.
Một người nào đó khoe rằng sách của anh ta vừa ra là hết veo, phim do anh ta đạo diễn khán giả xếp hàng trước của bán vé, báo của anh ta số in tới chục vạn... chỉ mới đáng mừng về mặt thương mại. Còn giá trị nghệ thuật dường như tạm gác sang một bên. Đơn giản vì không biết số đông kia có đại diện cho một giá trị thẩm mĩ nào không? Nhưng thương mại tìm thấy ở đó một cơ hội tuyệt vời. Nó làm mọi cách để những người chần chừ cũng bị lôi cuốn. Đến khi gần như tất cả cùng ngả về một phía thì theo luật đa số, tác phẩm đó ắt phải có giá trị! Tác phẩm na ná nó cũng phải có giá trị (!) Cứ thế thương mại tiêu diệt tất cả những gì định đảo ngược. Trong đa số trường hợp nó đồng nghĩa với việc tiêu diệt nghệ thuật. Đây chính là sự mở đầu để những giá trị giả lên ngôi và thao túng thị hiếu đám đông (sách đen, sách phỏng phim chưởng là một ví dụ).
Nhưng thương mại không hề có lỗi. Nó không thể bỏ lỡ một thời cơ có lợi cho nó. Nó không được trao sứ mệnh thức tỉnh những kẻ u mê. Nếu vì sự u mê mà nó phất lên, thì nó sẽ dùng mọi cách để sự u mê đó kéo dài vô tận. Vấn đề là nghệ thuật có chịu đựng nổi để thủ tiết đến cùng hay không. Và hoá ra nếu ai ở đây có lỗi thì chính là nghệ thuật. Kẻ được hứa cho hưởng ân huệ, phải gánh theo sứ mệnh không được phép thoái thác: lặng lẽ chinh phục trái tim con người ngay cả khi bị giày xéo. Bởi vì trước mắt nghệ thuật là thiên đường chỉ dành riêng cho nó. Khi đó nó hiểu rằng, chính thương mại, sau tất cả sự toan tính lạnh lùng đã góp phần báo trước cho con người sự vô giá của nghệ thuật đích thực.
------------
Bài viết cùng chuyên mục: