Sáng tác

Phố lá. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Đông Anh

Nguyễn Thị Đông Anh
Truyện
11:00 | 13/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi lên chợ sống từ ngày ba tôi bị trái bom bi của Mỹ nổ chết ngay trên ruộng. Mẹ tôi hồi trước làm cán bộ mật giao của cơ quan binh vận khu, không hiểu vì sao lại đi biệt không về ngày tôi tròn một tuổi. Sau này người ta bảo mẹ tôi mất tích trong chiến tranh theo tin tức người Mỹ cung cấp.
aa
Phố lá. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Đông Anh
Phố lá - truyện ngắn của Nguyễn Thị Đông Anh

Mười sáu tuổi tôi thành thằng bé mô côi. Có lẽ trên đời này không gì buồn hơn vắng cha thiếu mẹ. Tôi theo người quen của một người quen với ba tôi ngày trước lên tỉnh làm thuê và học bổ túc cấp ba. Từ bé tôi đã mê làm thợ. Những người hàng xóm khuyên tôi nên thi vào trường học nghề để sau này "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".

Tôi buồn bã giao đất đai cho tập đoàn, gởi nhà và mồ mả cho người bà con, quyết chí lập thân. Ngày ngày tôi làm mọi chuyện mà phường tứ cố vô thân phải làm để kiếm cơm: từ hốt ống cống, làm phu hồ, cạo gỉ khung xe, đổ rác mướn, gánh nước, chạy bàn và những việc linh tinh khác. Dân nhà quê ra tỉnh ham việc lắm. Ba tôi đã để lại cho tôi cái đức tính không thể ngồi không được. Nhờ vậy nên người chủ nhà tốt bụng mà tôi phải gọi bằng "cô lớn" theo vai vế của ba tôi rất thương tình hứa nhận tôi làm "con nuôi" chính thức khi nào hết hạn thử thách. Tôi làm thêm có bao nhiêu tiền đều đưa hết cho cô, trừ phi phải giữ lại để mua mấy quyển sách, chút ít bút mực. Ngược lại thì tôi được cô nuôi cơm gạo quần áo, và sau này được thêm chiếc xe đạp cũ đi làm. Cô dạy tôi răng rắc, còn nghiêm khắc hơn cả ba tôi. Cô là cán bộ lớn mà mãi sau này tôi mới biết: Phó Ban tổ chức, Phó Ban kiểm tra và cuối cùng là Phó chủ tịch Công đoàn tỉnh. Cô thuộc loại người bình dân, ít khi ngồi xe du lịch, chịu khó tập xe đạp. Có lẽ cũng vì thế mà cô thương tôi, muốn lo lắng cho tôi nên người. Cô lớn hơn tôi 10 tuổi. Mùa hè tôi thi tốt nghiệp bổ túc cũng là mùa thi vào đại học tại chức của cô. Cô vừa học xong trường bổ túc công nông với chế độ giảng dạy đặc biệt hai năm: Mùa ấy tôi không đậu được vào trường sư phạm dạy nghề. Còn cô đương nhiên là đậu. Cô học sư phạm văn vì lúc đó chỉ có hai khoa văn, toán. Hai năm sau trường có thêm khoa tổng hợp văn sử, cô xin chuyển qua, vì theo cô học tổng hợp kiến thức nó uyên bác, học thông thoáng, lại có điều kiện nghiên cứu. Hàng trăm cán bộ trong tỉnh đua nhau vào học tại chức. Phong trào bỗng chốc trở nên rầm rộ. Nhưng theo chỗ tôi biết, chỉ có cô tôi là một nhân vật điển hình. Hai năm, sáu lớp, lại đậu ngay vào đại học, là cán bộ nữ lớn nhất tỉnh chưa có gia đình và chịu khó, ham học. Có người khuyên cô, xong lớp 12 là lo làm cán bộ được rồi. Lớp 12 dư sức làm tới cấp tỉnh. Cô tôi phản bác. Cô nghiêm chỉnh bảo rằng: "Thời buổi này không thể nhỏ không học mà lớn làm đại úy được.” Cô còn tuôn nho gia "Ngọc bất trác bất thành khí". Tôi bắt đầu ái ngại khi nghe cô nói chuyện hay khuyên bảo một điều gì. Ngay trong bữa cơm bữa trà, trong bếp, trong nhà tắm, ngay cả khi có đám cưới hay đám ma bên cạnh nhà, cô tôi cũng chẳng buông tha. Hình như học được bao nhiêu là nói hết bấy nhiêu. Vừa nói vừa liên hệ, chứng minh. Nhiều hôm ăn cơm mà quên mất mình đang ăn cơm, vì trong mâm cơm đầy những nguyên lí văn học, thẩm mĩ, phương pháp sáng tác, chủ nghĩa hiện thực... và tôi đâm ra ngại ăn cơm, ngại ngồi gần cô. Thật tình là tôi cũng có biết ít đỉnh văn trong những bài tập phổ thông nhưng thầy giảng cho tôi nghe đâu có như cô vậy. Thầy nói ít mà nghe hay lắm, nhớ hoài. Đằng này hầu như cô nói câu nào cũng thừa. Tôi không dám nhận xét gì, nhưng có người học chung với cô đã vỗ vai nói mỉa với tôi rằng: "Cô mầy sắp làm luận án tiến sĩ văn chương rồi đấy." Tôi buồn và sợ. Dẫu sao thì cô vẫn là người có ơn đã cứu giúp tôi thoát khỏi cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Tôi cố tìm lí lẽ để biện minh cho cô và thông cảm với cô tôi. Hạnh phúc và nỗi đau khổ ấy kéo dài cho đến khi cô sắp tốt nghiệp đại học, còn tôi vừa học xong trường công nhân kĩ thuật - bỏ hẳn mộng vào trường sư phạm dạy nghề, sắp vươn vai bước vào đời.

Hôm ấy, lén cô (đúng hơn là dối), tôi hẹn đi chơi với cô hàng xóm nhà chung hẻm phố có nhiều cỏ và ễnh ương nhất của khu phố, gần đất thánh tây vừa bốc dỡ. Đó là cô gái dễ thương kì lạ, làm tôi hoang mang không biết nên yêu hay nên thương trong những ngày đầu đặt chân đến phố.

Mấy năm trước, khi tôi mới vuốt mặt nhà quê còn nhớn nhác nhìn cái gì trên phố cũng lạ thì cô bé ấy là người ân nhân của tôi. Nhà cô bé nghèo, người cha luôn bị bệnh, nhà cửa thì như cái lều chữa Honda trống hoác trước sau. Cha cô làm nghề đạp xe lôi, giống nhiều người khác trong hẻm phố có nhiều mái lá và dân cư nghèo nàn, thất nghiệp này. Thường ông chỉ chở hàng cho những người buôn chợ, từ rau cải cho đến cá mắm và những mớ hàng vặt của xóm lá cuối hẻm. Sáng mấy cuốc, chiều mấy cuốc là xong. Thi thoảng lắm ông mới chở khách vãng lai, ấy là khi cơn bệnh phổi bớt hành. Bởi vậy nên cô bé (con gái thứ tư của ông) người giỏi giang nhất nhà, có tánh tình mạnh bạo như con trai, hay thay phiên ông đạp xe lôi để cha được nghỉ. Cô đạp rất tài. Đôi khi tối trời (vì thiếu quần áo) cô bé cởi trần mà đạp. Nắng cháy lưng, mưa rát mặt rát mày cũng đạp. Chính cô tập cho tôi biết chạy xe, biết đường nào đến máy nước gần nhất để gánh, biết ở đâu có cóc và ễnh ương nhiều để mưa lớn đi soi, biết cống nào có cá lên để thả câu bắt cá. Cô bé đen nhẻm như người Chà lai, miệng lúc nào cũng cười, tay chân lúc nào cũng động đậy nhún nhẩy. Mùa nắng ráo cô bé còn lén chở tôi ra sân banh ngoại ô nơi có nhiều trời xanh thu và gió mát để thả diều. Tôi vẫn lén cuộc sống thành thị mà trở về với cuộc sống thôn dã ngắn ngủi và vụng trộm ấy bên cô bạn gái nhỏ hơn tôi đã đến tuổi "dậy thì". Chúng tôi bắt đầu thân nhau từ một đêm mùa hè. Đêm ấy, khi tôi đi học về, ngang máy nước vắng người, tự dưng cô bé gọi, giọng chua giòn như xoài sống:

- Bùi ơi Bùi, xối nước dùm em với, cay mắt quá!

Tôi bỏ tập xuống chạy vội lại, xách nguyên cả xô nước xối lên tóc cô bé đang cởi trần. Tiếng cười rí rắc trôi theo nước hòa tan vào sương đêm.

- Kì lưng dùm em nữa. Hồi chiều giờ đi vác đất cho nhà bác Bảy, dơ lắm. Đất ở đây ghê lắm, toàn rác bẩn với nước thối không thôi. Mạnh tay một chút, kì gì yếu ờ. Kì từ sau ra tới trước đi nào, gì dữ vậy?

Cô bé tên là Bé Tư - giống như những cái tên miền quê tôi vậy. Gia đình cô trôi giạt lên đây cũng vì tai vạ tập đoàn mà. Tôi ngoan ngoãn kì hết lưng đến cổ, đến ngực. Khi bàn tay tôi chạm đến cái vật vừa mềm vừa cứng như trái xoài con mới ươm ướp chín ấy thì Bé Tư chụp tay tôi giữ lại rồi ngước lên cười ri rí, nghịch ngợm vừa đủ để hai đứa nghe:

- Chỗ nầy nhột mà thích lắm. Nó còn nhỏ quá phải không anh Bùi. Em cứ mong nó lớn để dành cho ai anh biết hôn...? Mấy hôm trước thấy cái gì lạ ghê ghê trong người. Em hoảng quá không biết hỏi ai đành hỏi má, má bảo là em sắp thành con gái rồi... Em hết sợ mà thấy thinh thích, muốn chạy đến cho anh hay và rủ anh đi thả diều. Em thành con gái rồi, anh có thích không?

- Thích. Nhưng Bé Tư đừng có cởi trần đi nhong nhong như con trai nữa. Nắng ở chợ nó chưng như lửa ấy.

- Từ hôm đó đến nay em đâu có ở trần nữa. Chỉ bữa nay thôi. Tối mờ anh Bùi. Vài bữa nữa em ráng đạp xe để xin tiền ba mua chiếc áo ngực. Anh có thích em mặc áo ngực không?

- Thích...

- Mình về đi. Anh xách dùm em cái xô nghen. Mai đến phiên gánh nước xóm Bà Tiên rồi anh nhớ không. Chiều mai mình đi thả diều anh nhé. Cô anh dạo nầy còn khó tính không? Nhớ nghen.

Đêm ấy tôi như được gối đầu trên chiếc gối bằng rơm hăng hăng mùi cỏ rạ. Tôi nhớ như in cái trái xoài ươm ướp chín trên ngực Bé Tư. Đứa trẻ nào cũng được măng vú mẹ. Riêng tôi, chiến tranh và li loạn đã lấy đi hạnh phúc tuổi thơ quý báu. Tôi tự bào chữa cho mình và cảm ơn cô bé. Tôi quyết định để dành tiền mua tặng Bé Tư một chiếc áo ngực nhỏ. Tôi thành đàn ông trong giấc ngủ chập chờn lơ lửng một vầng trăng có hai cánh diều và bãi cỏ mềm mát rượi sương đêm, rưng rức hương đồng nội quê nhà.

Chợt thức, chợt tỉnh, tôi nghe văng vẳng bên tai mình những lời đay đát của cô. Nào là mồ cút mồ côi mà không lo để nên thân nên phận. Chần ngần cái đầu rồi mà vẫn cứ chơi diều. Nào là cứ lo đến trường, lo thực tập, lo làm mướn kiếm tiền bỏ túi riêng mà không ngó ngàng đến công việc ở nhà. Chén dơ, nồi niu đầy lọ nghẹ, cái la phong hư không chịu sửa, quần áo cả thau muối đến chua không giặt, cứ bắt người khác phải làm mọi cho mình... Thoắt một cái, cô gái trong mơ và những cánh diều đã bay đi mất. Đã vậy mà tối nào cũng phải nhận bình, chiều thứ bảy tuần nào cũng kiểm điểm. Lịch làm việc trên bàn, lịch ăn treo bếp, thời khóa biểu cho heo thì treo cạnh cửa chuồng. Mãi về sau mới bỏ được nhật bình, chỉ còn kiểm điểm cuối tuần. Nhiều khi lên cơn sốt cô cũng không tha. Cô quyết tâm biến tôi thành thằng con trai mẫu mực. Rầu lòng muốn trốn đi nhưng sợ bơ vơ, sợ thành kẻ bất nghĩa, sợ cuộc sống chợ búa dày bừa chà đạp nên lặng lẽ nín thở chịu đựng cho qua tháng qua ngày. Giặt sạch thau quần áo, cho heo ăn và dọn chuồng xong tôi vào bếp hấp cơm nguội. Dọn cơm ra bàn, chờ cô thể dục dưỡng sinh, tôi đi ủi quần áo (vì biết hôm nay cô thi) liền được cô ngăn lại.

- Không cần. Ở nhà nhớ đi xuống phòng lương thực Lông Hồ mang cám về. Cô có gặp đồng chí trưởng phòng và giám đốc công ty rồi. Chở xe đạp, không đi xe lôi, tốn tiền. Từ đây sắp tới đi làm ở đâu cũng phải nói rõ cho cô biết. Tối đi học về là phải về nhà ngay, không được tấp bờ, tấp bụi. Giờ rảnh ở nhà lấy bài ra học, lấy sách của cô ra đọc. Không lây thói hư tật xấu của dân thị thành, nghe chưa?

-Dạ... (Tôi chỉ còn biết buông lên tiếng "dạ" như một tiếng rên). Mấy ngày sau biết được là cô chỉ có điểm bốn. Về đến nhà là cô hét nháo nhào lên, gặp heo thì đánh heo, nồi đập nồi, và thật là kinh hoàng khi cô bắt gặp chiếc áo ngực mới tinh có đề chữ tặng Bé Tư của tôi! Cô xé tanh bành và chửi vào mặt tôi như tát nước mà không đợi đến chiều thứ bảy.

- Mầy giở thói mèo chuột, học đòi chơi bời trác táng phải không? Ai cho phép mầy làm cái trò đồi bại này. Mầy tặng cho con đĩ nào, con đĩ nào! Tao sẽ bỏ tù nó... Nó ở đâu...? Mầy phải chỉ cho tao!

Cô xát, cô nghiến rồi ngã vật ra giường ôm ngực, bọt mép phì ra hai bên khiến tôi điếng hồn. Tôi lấy thuốc trợ tim và pha nước đường cho cô uống vì cô có bệnh tụt huyết áp. Tôi chạy sang nhà đối diện mời ông thầy thuốc nam gốc là một nhà sư đến bắt mạch lên đơn thuốc cho cô. Ông thầy chùa có lần đã bị cô đòi bắt bỏ tù ấy cứ rụt rè vì sợ người láng giềng luôn qui tội mình là sư hổ mang, thầy lang bùa ngải, mê tín. Thấy tôi năn nỉ mãi, ông qua và run rẩy cầm lấy tay cô xem mạch. Cô dùn dằn. Cô thở dốc. Rồi cô nhắm mắt nằm yên. Tôi nhẹ người đến toát mồ hôi lạnh. Chiều lại cô được đón vào viện bảo vệ sức khỏe cán bộ. Sau đó cô được chuyển lên bệnh viện Thống Nhất ở Sài Gòn. Bác sĩ trong đoàn Hồng Thập tự nước ngoài khám và xác định cô tôi bị bệnh sơ gan thời kì thứ ba và nhiễm nặng chất Điôxin-chất độc màu da cam. Tôi rạc người ra với cái điều khủng khiếp ấy.

Ba tháng sau người ta làm thủ tục cho cô nghỉ theo chế độ hưu non. Tôi thương cô mà không còn giận cô nữa. Dù không nói ra nhưng tôi đã dốc lòng phục vụ cô như đứa con nuôi chính thức đã được thừa nhận. Tôi hiểu rằng cô đã hi sinh, chịu đựng, đã mất mát quá nhiều trong cuộc chiến tranh.

Một hôm, cô cứ kêu tôi vào giường thầm thì bên tai, âu yếm như người mẹ:

- Con phải ở bên cạnh cô. Không có con cô chết mất. Cô sợ mất con lắm. Cô không ngủ được... - Cô nói mà nước mắt rưng rưng.

Ngay khi ấy thì cô bạn thả diều của tôi lại đến gõ cửa:

- Bùi ơi, lên xe em chở đi chơi trăng đi... Để cô ở nhà một lát mình về, nghen.

Cô tôi lộn trắng hai con mắt nhìn ra cửa rồi vật vã ngã ra giường.

Tôi chạy ra ngoài nháy mắt xin lỗi Bé Tư rồi yên lặng trở lại với cái nhìn khẩn khoản và mệnh lệnh của cô. Cô ôm tôi, âu yếm tôi suốt cả đêm như mẹ thương con nhỏ vậy. Tôi được lệnh trường đi thực tập ở tỉnh khác một tháng. Cô tôi mới nghe đã phát bệnh. Phải có thầy chủ nhiệm đến phân giải với cô thì cô mới miễn cưỡng đồng ý để tôi đi. Đêm cuối cùng tôi được cưng chiều và còn được cho tiền. Tôi cất công năn nỉ Bé Tư đến tắm heo, mua cám, sắc thuốc và nấu cơm, đi chợ phục vụ cô dùm tôi. Tôi chạy sang ông thầy thuốc nam nhờ ông dòm ngó đêm hôm và chăm sóc tinh thần dùm cô tôi. Ông ngần ngại nhận lời để tôi yên lòng. Và tôi đã ra đi thanh thản. Bé Tư cứ bịn rịn, đòi tiễn tôi bằng chiếc xe lôi đạp cho đến tận trường. Thương cô bé đã biết đỏ mặt, tay mân mê trên áo, miệng cứ se sẽ mấy câu nói đèo bòng: "Hôm nào về phải đi chơi trăng thì em mới chịu. Anh không biết đâu, bữa nay em đã mặc được chiếc áo bà ba của má rồi. Má mua cho em cả áo ngực và những chiếc quần nhỏ có hình con bướm, bông hoa đẹp lắm. Má mua cả xà bông để dành cho anh thơm nữa. Anh hửi vào tóc em xem, nó thơm cái mùi em chỉ dành riêng khi đi chơi với anh thôi đấy!"

Suốt những ngày thực tập khổ cực trên các xí nghiệp cơ khí tỉnh bạn, tôi cứ bị dần vò về chuyện hai người phụ nữ - một trẻ một già có quan hệ đến đời tôi. Tôi già sụ đi có đến bốn, năm mùa tuổi. Tôi thương cô tôi như thương mẹ của mình. Tôi chiều cô và tự nguyện làm liều thuốc trị bệnh cho cô, níu kéo cô trở về cuộc sống tự nhiên như ông thầy thuốc nam đã nói. Nhưng biết đến bao giờ cô tôi mới khỏi hẳn, và tôi phải chiều cô người cưu mang tôi tới bao lâu nữa. Sao cô tôi không chịu lấy chồng? Biết đâu lấy chồng cô sẽ hết cả bệnh xơ gan? Các con Amíp chết tiệt ấy. Còn Bé Tư của tôi nữa. Người ta hay nói về mối tình đầu. Không biết có phải đây là mối tình đầu của hai anh em tôi không. Bây giờ cô bé đã 15 tuổi, cái tuổi lúc nào cũng thơm như cây và bánh ngọt. Con gái ôm vào mình con trai không giống như người lớn. Con gái mới lớn chỉ ôm cái cổ và cho hương thơm từ miệng. Con gái chỉ cho hôn lên ngực và đòi được hôn nhiều hơn. Còn người lớn như cô thì toàn là cho, cho cả những cái mà mình không biết đòi, hay không dám đòi ở con gái. Cô như tấm chăn dày. Bé Tư là miếng khăn mỏng. Cô nóng như mùa hè và lạnh như mùa đông. Bé Tư mát dịu như mùa thu, nồng ấm như mùa xuân. Xa cô thì sợ cô buồn mà trở bệnh. Điều đó sẽ như là một tội lỗi. Còn vắng Bé Tư thì... biết đâu những ngày con gái của em lại giống như cô? Bỏ đi xa thì mất tất cả, là mang sự chết cho cả người. Ở lại thì trớ trêu, trắc ẩn, là... Bây giờ tôi lớn rồi, tôi sắp thành một người thợ có tay nghề mà tôi hằng mong muốn. Hay là... cứ ở lại với cô tôi vài năm nữa... Cũng để đợi Bé Tư lớn hẳn thành cô gái đôi mươi. Và tôi đã trở về sau những ngày thực tập.

Sợ cô mất giấc ngủ, tôi sử dụng chìa khóa riêng của tôi vẫn dùng vào nhà. Một chuỗi những tiếng rên cột chân tôi vào đất. Tôi nghe rõ hơi thở của cô tôi và tiếng của ông thầy thuốc nam láng giềng. Tôi tụt lùi từng bước và tự dưng cảm thấy lòng buồn vô hạn. Tôi đã mất một cái gì ngoài mẹ, ngoài cô nữa chăng. Tôi quyết định quẩy ba lô lang thang trong đêm để cố tình dành trọn cho cô cháu tôi niềm trắc ẩn - cái nỗi buồn đẹp mà tôi không ngờ bỗng dưng rơi xuống giữa tuổi bắt đầu làm một thằng đàn ông của mình.

Một chiếc xe lôi đạp vừa tuột dốc cầu lộn ngược. Tôi chạy đến theo tiếng kêu cứu thất thanh của một thiếu nữ mà linh tính khắc nghiệt đã báo trước với tôi về một điều khủng khiếp vừa xảy ra cho cô gái bé bỏng của tôi. Cảnh tượng hãi hùng làm hoa cả mắt tôi: Chiếc xe lôi chở đầy gạo lậu và đồ biển đã đè rướn ngang mình Bé Tư làm cô gái bật té xuống những cục đá tảng chân cầu vừa được gia cố một cách cẩu thả. Người chủ hàng tiếc của đã lo lượm nhặt hàng của mình, chẳng hề ngó ngàng đến cô bé đạp xe lôi đang thoi thóp. Tôi vác Bé Tư chạy bộ vào bệnh viện. Người em nhây nhốp những giọt máu đỏ nhà nghèo. Bé Tư chỉ nhìn được tôi một lần, nói với tôi một lần.

"Em mong anh về để tặng anh cái đồng hồ điện tử em để dành tiền mua..."

Chiều ấy và một ngày sau nữa, khi con trăng đục ngầu vừa chen Phố Lá mọc lên bên kia khu đất thánh uềnh oàng tiếng ễnh ương kêu, tôi theo gia đình đưa Bé Tư về nhà. Cái đám ma nghèo dành cho con gái vị thành niên được tổ chức lặng lẽ như một bữa cúng sao. Tôi cứ nhìn em, nhìn mãi cái máy nước năm nào em bảo với tôi "Em đã thành con gái"... Vĩnh biệt em. Vĩnh biệt Phố Lá đã đưa tôi một đoạn vào đời.

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
Văn nghệ Trẻ, số 33/1997
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Baovannghe.vn - "Có những năm chúng tôi phải 'nín thở', không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới," PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nxb Giáo dục Việt Nam chia sẻ