Sáng tác

Tìm về với những phiên chợ tuổi thơ ngày ấy. Tản văn của Nguyễn Thị Hải

Nguyễn Thị Hải
Tản văn
10:20 | 01/11/2024
Baovannghe.vn - Nhà tôi nằm trên một dải đất bồi ven sông, nơi có khoảng gần trăm nóc nhà và đều là dân chài lưới từ tứ xứ giang hồ tụ hội về đây.
aa

Thoạt đầu chỉ có vài hộ như thế, về sau các nóc nhà cứ đông dần cho tới khi các khoảng trống của dải đất ven sông ấy không còn chỗ nữa. Bà tôi bảo: “Ông bà sau bao năm bôn ba hết sông này tới bến khác, đã về đây và sinh ra bố mày. Bố mẹ chúng mày cũng lớn khôn trên mảnh đất này và giờ là thế hệ thứ ba đã bám trụ trên vạt bồi ven sông…”.

Tìm về với những phiên chợ tuổi thơ ngày ấy. Tản văn của Nguyễn Thị Hải
Chợ phiên. Tranh của Thiên Ngân.

Mặc dù làng đã thành lập từ khá lâu, song do là dân vãng lai nhập cư tới nên làng tôi không có chợ mà tất tật sự trao đổi bán mua mọi người trong làng đều phải vượt đê vào chợ trong đồng của xã lân cận, cách chừng 5 km! Cứ 5 ngày chợ họp một phiên vào các ngày mồng năm, mồng mười, mười lăm… hàng tháng. Một tháng trung bình có 6 phiên chợ và buổi chợ phiên nào cũng đông nghẹt người đến từ mấy xã xung quanh. Muốn bán, các loại nông thổ sản, sản vật của nông nghiệp, hay mua các nhu yếu phẩm phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày, cũng như công cụ sản xuất… người dân làng tôi đều phải tới chợ phiên này.

Gia đình tôi cũng không ngoại lệ khi tháng nào mẹ tôi cũng có mặt ở chợ đủ 6 phiên, bởi nhà tôi vẫn làm nghề chài lưới trên sông, cộng với trồng ngô, khoai, cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn… nên mẹ tôi cũng hay tới chợ để khi thì bán con tôm con cá, lúc lại bán buồng chuối, đàn gà con, mớ khoai lang… Khi bán xong mẹ thường mua thịt, mua gạo, rau, mắm, muối và nhiều thứ khác cho gia đình. Vì cách tới 5 ngày mới tới phiên chợ sau nên mẹ tôi thường tính toán để mua đủ gạo, thực phẩm sao cho tới phiên chợ kế tiếp họp là vừa!

Nhà có hai chị em, tôi là lớn nên vẫn được mẹ cho theo đi chợ từ những ngày tôi mới bước vào lớp 4. Những lần đầu được mẹ cho đi chợ phiên để bán mua là cả những háo hức, đến nỗi cả đêm không thể ngủ được vì mừng, vì vui sướng. Vì thế có khi tôi không chợp mắt chút nào mà cứ chong chong mắt đợi tờ mờ sáng để chờ mẹ gọi dậy đi chợ. Được đi chợ cùng mẹ có quá nhiều kỷ niệm, trong đó niềm vui cũng lắm mà nỗi buồn thì cũng không phải là hiếm. Với niềm vui là những lúc mẹ bán mua hàng hóa xong, bao giờ mẹ cũng không quên mua cho tôi và đứa em ở nhà bao nhiêu là quà, từ bỏng ngô, bỏng gạo đường ép thành bánh; cho tới kẹo bột, kẹo vừng, hoa quả, bóng bay…

Sau khoảng thời gian đứng trông quang gánh để mẹ mua bán hàng hoá, lúc cuốc bộ trở về trên con đường dài 5km ấy là khoảng thời gian tôi vừa đi vừa đánh chén no nê bao nhiêu là thứ quà. Có lần, do bán cả một đàn chó con, lẫn mấy con gà to được nhiều tiền, mẹ không chỉ mua quà như thường lệ mà còn thưởng cho tôi một bộ quần áo và đôi dép nhựa màu vàng rất đẹp. Trải qua biết bao những buổi chợ phiên cùng mẹ suốt những năm tháng tuổi thơ tôi đã được ăn biết bao những thứ quà quê dân dã nhưng tuyệt ngon. Từ những miếng bánh đúc lạc chấm tương đậm đà; từ những bát bún chan canh riêu cua nóng hổi ngon ngọt…; cho đến bánh đa vừng, bánh đa quế, rồi bỏng ngô, oản đường…

Nhớ và vui hơn cả có lẽ là những phiên chợ cuối năm họp ngày 30 Tết, vì bao giờ tôi cũng được đi cùng mẹ, được mua sắm quần áo đẹp, quà bánh đầy mẹt và lại còn được mẹ cho chút tiền để tiêu pha trong mấy ngày đầu năm mới. Những món quà chợ ngày ấy dẫu bình dị, mộc mạc, rẻ tiền và đậm đặc chất thôn quê vậy mà tới giờ tôi vẫn không thể nào quên được, từ hình hài cho tới cả chút hương vị của nó, dẫu quãng thời gian để có thể trở về với những ký ức tuổi thơ ấy là quá xa xôi…

Còn nỗi buồn ẩn hiện trong những lần đi chợ phiên cùng mẹ cũng theo tôi suốt cuộc đời, đó là vài lần đứng bán hàng giúp mẹ do không cẩn thận nên làm rơi mất cả tiền khiến mẹ buồn, mặc dù mẹ chỉ mắng nhẹ nhàng và không đánh đòn nhưng tôi thấy buồn và ân hận suốt, bởi giai đoạn đó kinh tế nhà tôi rất khó khăn túng thiếu. Hay như dịp chợ phiên cận Tết của năm tôi học lớp 5, do hôm đó chợ quá đông, đứng trông đồ, quang gánh cho mẹ đi mua sắm nhưng do mải chơi, không để ý nên cả đống đồ mà mẹ mua cùng đôi quang gánh đã bị kẻ gian trộm mất. Tôi ngẩn ngơ, sợ hãi chẳng biết làm thế nào!

Mẹ rất đau khổ vì mất tất cả, và mẹ buồn, mẹ có trách móc đôi điều, ý nhắc tôi phải chú tâm cẩn thận trong những lần sau. Dẫu không bị đánh đòn nhưng lần mất trộm đó do lỗi lầm tôi gây nên ở chợ phiên ngày ấy là một mất mát đau đớn, là một kỷ niệm buồn nhắc nhở tôi luôn khắc cốt ghi tâm về tính cẩn trọng, nhất là ở chỗ đông người. Tôi vẫn nhớ như in sau lúc bị mất trộm đồ, mẹ buồn mẹ khóc và tôi cũng khóc. Hai mẹ con cùng khóc lặng và trên con đường trở về nhà tôi đã xin lỗi mẹ và hứa lần sau sẽ không ham chơi mà cẩn thận hơn…

Chợ quê tôi ngày ấy giờ đây vẫn 5 ngày họp một phiên, và mỗi buổi chợ vẫn đông đúc người tới mua sắm, thế nhưng mẹ tôi cũng như nhiều người dân ở cái làng chài nhỏ nhoi của tôi đã không còn mấy khi góp mặt ở đó nữa, bởi cạnh bến sông quê đã có một siêu thị hiện đại mọc lên với đầy đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Mỗi khi trở về làng tôi hay dẫn mẹ đi siêu thị để mua sắm, và trong sự đủ đầy của hàng hoá, vẻ hiện đại của quy mô siêu thị, nhưng tôi vẫn nhớ về những phiên chợ quê ngày thơ ấu mà ở đó có những dãy cầu chợ liêu xiêu, những cô hàng xén nón mê áo vá cùng bao thứ quà bình dị mà ngon ngọt vô cùng…

Phù sa ngọt lịm. Tản văn của Võ Thị Thu Hương Những cánh hoa mưa. Tản văn của Nguyễn Mỹ Hạnh Đậm tình canh ngao xứ biển. Tản văn của Lê Hà Ngân Cô đơn lộng lẫy. Tản văn của Nguyễn Thu Hà SG Bâng khuâng tháng mười. Tản văn của Nguyễn Doãn Việt
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.